Tập đoàn dầu khí đa quốc gia tìm cách chặn Việt Nam đánh thuế

Một gian hàng với logo của ConocoPhillips xuất hiện tại một sự kiện về dầu khí ở Nhật Bản hồi tháng Tư năm 2017.

Hai công ty dầu khí đa quốc gia đang sử dụng cơ quan phân xử của Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn Việt Nam thu thuế đối với vụ mua bán dầu khí trị giá hơn một tỷ đô, theo trang web điều tra “Finance Uncovered”.

Nhóm điều tra báo chí có trụ sở ở London cho biết rằng “ConocoPhillips và Perenco sẽ tìm cách ngăn chặn chính phủ Việt Nam đánh thuế đối với một khoản lời ước tính 179 triệu đôla thu về từ vụ bán các mỏ dầu ở nước này”.

Tin cho hay, vụ trên liên quan tới việc bán hai công ty ConocoPhillips Gama và ConocoPhillips Cuu Long thuộc sở hữu của chi nhánh tại Anh của tập đoàn năng lượng của Mỹ là ConocoPhillips. Hai công ty trên được nhượng cho chi nhánh tại Anh thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí Parenco của Anh và Pháp năm 2012.

Một nơi khai thác dầu khí của ConocoPhillips ở châu Á.
Một nơi khai thác dầu khí của ConocoPhillips ở châu Á.

 

VnExpress từng đưa tin, “ConocoPhillips nắm 23,3% cổ phần trong một cụm gồm 5 mỏ dầu thuộc lô 15-1; 36% cổ phần của mỏ Rạng Đông trong lô 15-2 tại khu vực bể Cửu Long và 16,3% trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn”.

Ngoài ra, báo điện tử này còn đưa tin rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từng “có kế hoạch huy động tối đa nguồn lực để mua lại cổ phần của hãng dầu mỏ lớn thứ ba nước Mỹ ConocoPhilips”.

“Finance Uncovered” dẫn các dữ liệu cho biết rằng ConocoPhillips bán các công ty trên với giá 1,3 tỷ đôla, nhưng “không phải trả thuế về khoản lời thu được” theo chính sách “miễn thuế cổ đông lớn” của Anh, không đánh thuế vào lợi nhuận bán cổ phần trong các công ty con.

Theo báo chí Việt Nam, tập đoàn PetroVietnam từng có ý định "mua lại cổ phần của ConocoPhilips" ở Việt Nam.
Theo báo chí Việt Nam, tập đoàn PetroVietnam từng có ý định “mua lại cổ phần của ConocoPhilips” ở Việt Nam.

 

Trong khi đó, theo hiệp định về thuế Việt Nam và Anh, chính quyền Hà Nội được phép đánh thuế, và theo trang web điều tra này, chính phủ Việt Nam dường như có ý định đánh thuế vụ mua bán này, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Tin cho hay, ConocoPhillips và Perenco đã đệ đơn theo Hiệp định Đầu tư Song phương Việt Nam – Anh, vốn chịu quá trình phân xử bởi Ủy ban về Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Hiện chưa có phản ứng của Việt Nam về thông tin “Finance Uncovered” nêu. VOA Việt Ngữ không thể liên lạc ngay để phỏng vấn phía Hà Nội.

ConocoPhillips tuyên bố "sẽ theo đuổi các giải pháp pháp lý để chống lại bất kỳ nỗ lực của phía Việt Nam".
ConocoPhillips tuyên bố “sẽ theo đuổi các giải pháp pháp lý để chống lại bất kỳ nỗ lực của phía Việt Nam”.

Một phát ngôn viên của ConocoPhillips cho VOA tiếng Việt biết đã “hoàn tất vụ bán công ty ở Việt Nam năm 2012”, “tuân thủ mọi luật lệ, quy định” và “tin chắc rằng không nợ một khoản thuế nào”.

“Chúng tôi dự tính sẽ theo đuổi các giải pháp pháp lý để chống lại bất kỳ nỗ lực của phía Việt Nam nhằm đánh thuế thương vụ đó. Chúng tôi cũng sẽ tìm cách trao đổi trực tiếp với chính phủ Việt Nam để tìm các kênh đối thoại mang tính xây dựng nhằm giải quyết các đòi hỏi của họ”, bà Emma Ahmed, Cố vấn về truyền thông của ConocoPhillips, nói.

Trong khi đó, một đại diện của Perenco cho VOA tiếng Việt biết rằng tập đoàn này “từ chối bình luận”.

Ông George Turner, một trong những người đồng sáng lập “Finance Uncovered”, nhận định rằng tranh chấp này “có thể kéo dài từ năm này sang năm khác”.

Ông cũng cho hay rằng “thật sự khó” để lấy được thông tin về quá trình phân xử thường được “giữ kín” này.

“Tôi nghĩ nếu ConocoPhillips thắng kiện thì sẽ tạo ra một vấn đề lớn đối với nhiều quốc gia quanh thế giới đang tìm cách thu thuế trên lợi nhuận từ các giao dịch giữa các công ty lớn có tài sản ở quốc gia đó,” ông Turner nói.

Nguồn: VOA

Liên Quan