TIN NÓNG VIỆT NAM

Quan chức Chính phủ cần tiền hay cần danh dự?Không có tiền làm sao sống xa hoa?

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra hôm 11 tháng 8, ông Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã đọc một bài phát biểu khá dài, với một số nội dung đã được viết ở nhiều nơi trong các văn kiện Đại hội 13 của Đảng Cộng sản. Những điều đã được mọi người nghe nhiều đến mức bị cho là nhàm chán, không phù hợp để đọc ở một cuộc họp của Chính phủ.

Ở đoạn gần cuối bài, khi nói về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” ông Trọng nhắc lại một câu làm nhiều người để ý: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”

Câu nói của ông Trọng sau đó bị cư dân mạng xã hội cười cợt khi nhìn vào nếp sống xa hoa của một số cán bộ cao cấp. Người ta chụp hình tư dinh của cán bộ rồi viết “tiền để mua nhà thế này đây”; hoặc viết những câu như “lẽ thường đời sống thiếu và cần cái gì thì ta tìm cái đó. Câu chuyện vật chất, tiền bạc và đạo đức, danh dự cũng nằm trong quy luật ấy!!!”

Danh dự mới là điều thiêng liêng, nhưng quyết định của danh dự không phải ở chỗ có ít hay nhiều tiền mà ở lòng trung thực, sự tín nghĩa, đức thành tâm, ở sự quang minh chính đại. Những điều này Đảng các ông thường làm ngược lại bằng những thủ đoạn dối trá. – Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng qua Email cho RFA:

“Câu này có chứa một phần sự thật chứ không phải là nguyên lý, nó không phải do ông Trọng nghĩ ra mà ông chỉ nhắc lại ý của người xưa và được viết trong nhiều lời dạy về nhân tình thế thái. Nói câu đó chắc ông Trọng muốn nêu cao đạo đức và sự hiểu biết đồng thời ông muốn răn dạy các cán bộ cộng sản đã lợi dụng chức quyền để làm giàu bằng tham nhũng, bằng nhận hối lộ mà không lo giữ danh dự và khí tiết.

Nhưng thật ra ông đã rất nhầm, rất giáo điều, vận dụng không đúng chỗ.

Tiền bạc lắm làm gì à? Không có nhiều tiền thì làm sao tậu nhiều biệt thự sang trọng, có đời sống xa hoa, cho con đi du học và lập nghiệp ở Âu Mỹ. Đúng là chết không mang theo, nhưng không tiền thì làm sao có lăng cao mộ lớn. Mà tất cả những thứ đó là mơ ước của phần lớn cán bộ cộng sản ở các cấp. Ở cấp càng cao thì tham vọng càng nhiều.

Danh dự mới là điều thiêng liêng, nhưng quyết định của danh dự không phải ở chỗ có ít hay nhiều tiền mà ở lòng trung thực, sự tín nghĩa, đức thành tâm, ở sự quang minh chính đại. Những điều này Đảng các ông thường làm ngược lại bằng những thủ đoạn dối trá. Các ông nói nhiều đến giữ đạo đức cách mạng, mà trong đó không hoặc rất ít nói đến danh dự.”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cuộc họp của Chính phủ là nơi tập trung bàn về những việc làm cụ thể chứ không phải nơi để thuyết trình về nguyên lý, càng không phải nơi dạy đạo đức.

Ông Võ Minh Đức, một sĩ quan chính trị từng làm công tác tuyên truyền trong quân đội khẳng định:

“Nói chung thì cán bộ, đảng viên có chức có quyền từ cấp quận, huyện lên đến thành phố, tỉnh rồi cấp cao hơn là trung ương, không có một ông nào nghèo hết. Ở cấp nào thì mức độ giàu tương đương cấp đó. Càng cao cấp thì càng giàu kếch xù. Con học nước ngoài, phí đánh golf hàng ngàn đô la, ở biệt phủ… trong khi lương thì nói là thấp, gia đình ba đời bần cố nông…thế thì tiền ở đâu ra?!

Đại đa số cán bộ, đảng viên nằm trong hệ thống chính trị của Nhà nước này đều có tiêu cực trong việc lạm dụng quyền chức để vơ vét tiền bạc, công quỹ.

Khi ông Trọng thấy cán bộ, đảng viên của ổng quá giàu mà không giữ được để bị lộ ra, bung bét ra rồi bị xử lý kỷ luật, bị tù đày thì ổng mới khuyên răn, dạy dỗ, chỉ đạo, tuyên truyền cho cán bộ rằng danh dự mới quan trọng, tiền bạc là phù du.”

36a841f1-063d-4aab-a87c-0c3c26923df0.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội vào ngày cuối cùng của Đại hội Đảng lần thứ 12, ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP

Chuyện các quan chức Việt Nam đương chức hay đã về hưu có cuộc sống xa hoa, giàu có; trong khi đa phần người dân còn nghèo khổ và nợ công cao ngất ngưởng là vấn đề mà công luận quan tâm lâu nay. Trong năm 2017, hàng loạt ngôi biệt thự của quan chức tại nhiều địa phương được dư luận quan tâm vì sự bề thế, nằm tại vị trí đắc địa, đất vàng hoặc nằm trên đất nông nghiệp được báo chí Nhà nước phanh phui.

Có thể kể như biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái; biệt phủ của Phó ban Nội chính Đăk Lăk Nguyễn Sỹ Kỷ; biệt thự song sinh của anh em Bí thư huyện ở Hà Nam Nguyễn Đức Vượng; biệt phủ toàn bằng gỗ của Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Trị Khổng Trung…

Để có những ngôi biệt thự như thế, một số chủ nhân của nó đã phân trần là phải chạy xe ôm, buôn chổi đót tích lũy.

Năm 2019, dư luận xã hội nóng lên với thông tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đến gần 300 bộ áo dài do nhà thiết kế Võ Việt Chung may riêng cho bà. Võ Việt Chung là một nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam, bắt đầu thiết kế áo dài cho bà Ngân từ năm 2016, khi bà trở thành Chủ tịch Quốc hội.

Rao giảng đạo đức khi hết nhiệm kỳ 

Một số cán bộ giàu ngất ngưởng, khi về hưu hoặc thậm chí đang tại chức lại viết sách rao giảng đạo đức cũng là điều dư luận lên tiếng. Ông Võ Minh Đức bày tỏ quan điểm của ông với RFA:

“Tôi là người từ hệ thống chính trị đó đi ra nên tôi hiểu, những ông ở trên cao mà ngày xưa mình không được tiếp xúc thì mình không dám nói, chứ mấy ông cấp trên ở cơ sở tôi thì họ tìm mọi cách vơ vét. Tôi phải khẳng định họ rất độc tài và cơ hội kiếm tiền được từ công quỹ hoặc từ công sức của quần chúng họ không bao giờ bỏ qua.

Họ lấy để làm giàu cho họ rồi sau đó, khi họ trưởng thành, họ lên đến cán bộ cấp cao họ bắt đầu đi rao giảng, tuyên truyền nhân cách, giáo dục cấp dưới phải đạo đức, liêm chính, phải sống vì dân vì nước…”

Năm 2016, ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, từng chủ biên cuốn sách với tên gọi “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Ba năm sau đó, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn phải hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ 3,2 triệu đô la Mỹ trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Tôi là người từ hệ thống chính trị đó đi ra nên tôi hiểu, những ông ở trên cao mà ngày xưa mình không được tiếp xúc thì mình không dám nói, chứ mấy ông cấp trên ở cơ sở tôi thì họ tìm mọi cách vơ vét. Tôi phải khẳng định họ rất độc tài và cơ hội kiếm tiền được từ công quỹ hoặc từ công sức của quần chúng họ không bao giờ bỏ qua. – Ông Võ Minh Đức

Để đảm đương vai trò lãnh đạo ngành thông tin – truyền thông, cả hai ông này đều phải trải qua một quá trình phấn đấu trong Đảng, chứng minh ‘bản lĩnh và đạo đức cách mạng’ Cộng sản. Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cho rằng, cuốn sách đã bộc lộ bản chất không thật thà và thiếu trung thực của ông Trương Minh Tuấn.

Còn với ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cuối tháng sáu năm 2019, tại Hội thảo khoa học 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải phát biểu rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái phẩm chất đạo đức.

Năm 2020, ông Lê Thanh Hải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo RFA

Dân Sài Gòn đồng loạt bỏ về khi biết chích Sinopharm

Đông đảo người dân ở quận 1, Sài Gòn, kéo nhau ra về khi biết họ phải chích Sinopharm. Web screen capture

Phản ứng của người dân Sài Gòn cho thấy chiến dịch tuyên truyền “Vaccine Trung Quốc tốt lắm” của nhà cầm quyền đã đổ bể và dân chúng không chấp nhận việc chích loại vaccine mà họ không tin tưởng.

Trong đoạn video clip được nhiều Facebooker đồng loạt đăng tải hôm 13/8/2021, ít nhất hàng chục người dân bỏ ra về tại điểm chích ngừa ở sân banh Tao Đàn, quận 1 sau khi nhân viên y tế thông báo chích vaccine  Sinopharm của Trung Quốc.

Toàn bộ các điểm chích ngừa ở Sài Gòn từ hôm 13/8/2021 chỉ có vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Courtesy of Facebook Toi La Dan Quan 7

“Ý Đảng, lòng dân như nước với lửa”

Sự việc diễn ra ngay trong ngày đầu tiên, các quận huyện của Sài Gòn bắt đầu đợt tiêm 1 triệu liều Sinopharm do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ.

Nhà hoạt động Phạm Minh Vũ bình luận: “Dân quận 1 phản đối vaccine Sinopharm quá trời. Họ nói: “Mày chích mà chết mày có chịu không?”, “Đâu phải một mình mạng ông đâu mà ông giấu…”

Ý Đảng muốn tiêm vaccine Sinopharm, còn đây là lòng dân. Ý Đảng, lòng dân như nước với lửa.”

Facebooker Lệ Thu Guillon, Giám đốc Tiếp thị và Phát triển kinh doanh Bệnh viện FV, cho biết: “Mọi người share nhau cái clip này, xôn xao bàn tán. Có vẻ không được lòng dân, dân bỏ về hết, từ chối tiêm. Lệ Thu vẫn thấy có rất nhiều người dân (những người Lệ Thu biết thì đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 loại Anh và Mỹ) vẫn rất ủng hộ và đang giúp tuyên truyền cho người dân tiêm loại vaccine Sinopharm này, có nên chăng nên phân bổ vaccine loại này theo cách khác để những người ủng hộ được quyền lựa chọn để tiêm loại Sinopharm này. Ôi 45 triệu đô la Mỹ cho 5 triệu liều chưa có ít đâu.”

Bà Thu ám chỉ khoản tiền mà tập đoàn Vạn Thịnh Phát bỏ ra để tài trợ 5 triệu liều Sinopharm cho dân Sài Gòn.

Người dân quận 7 không có chọn lựa nào khác ngoài việc chích Sinopharm dù số đông không hài lòng. Courtesy of Facebook Toi La Dan Quan 7

“Tại sao lại bắt dân phải chích loại vaccine mà họ không thích?”

Trong khi đó, báo đảng và một số trang tuyên truyền của các quận ở Sài Gòn liên tục đăng bài ngợi ca hiệu quả của vaccine Sinopharm và còn cho rằng một số quận “xin thêm vaccine Sinopharm”.

Facebooker Danh Vo cho biết: “Mấy bạn nào vào khen Sinopharm, hô hào “sớm nhất là tốt nhất” thì lập danh sách ra, hẹn một buổi tập trung, livestream chích Sinopharm để tuyên truyền cho mọi người đi, sẵn xem mũi 1, mũi 2 mấy người đó chích gì rồi. Mình ủng hộ tinh thần mấy bạn đó hết mình nè!”

Một Facebooker khác ở Sài Gòn lên tiếng: “Tại sao lại bắt dân phải chích loại vaccine mà họ không thích? Tại sao không cho chích dịch vụ để dân có nhiều lựa chọn. Ai muốn Sinopharm, miễn phí xin mời. Ai muốn trả tiền chích dịch vụ để được vaccine mình mong muốn, xin mời. Trong tình huống cấp bách mà vẫn khư khư độc quyền thì không được lòng dân là phải rồi. Kinh tế thị trường rồi đâu còn thời bao cấp nữa đâu.

Không riêng dân Việt Nam, nhiều người dân nước ngoài cũng mong muốn được tiêm đúng vaccine họ mong muốn vì ngoài vấn đề an toàn của vaccine thì còn là vấn đề “hộ chiếu vaccine” để được đi lại theo yêu cầu của các nước. Tại sao làm khó như vậy. Chính sách không bỏ rơi một ai, vừa thư mời cư dân nước ngoài tại quận 7 đi tiêm vaccine thì hôm sau hoãn lại không biết đến khi nào tiêm… Quá khổ!”

Nhà báo Ngọc Vinh, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, bình luận: “Vụ chích vaccine Sinopharm này bà con bị bọn Vạn Thịnh Phát nó hành đây. Dù tỏ vẻ ra ơn tặng vaccine Tàu nhưng Vạn Thịnh Phát lại gây áp phê ngược: Tạo oán cho dân.

Không biết giới lãnh đạo TP.HCM có chịu rút kinh nghiệm trong việc dây dưa với hàng Tàu hay không?”

Định Tường

Chính quyền quận 7 ở Sài Gòn ép dân ‘tự nguyện chích Sinopharm’

Nhân viên công ty FPT tại Sài Gòn xếp hàng chờ chích vaccine Sinopharm. Web screen capture

Nhiều ý kiến trên diễn đàn “Tôi là dân quận 7” phản đối việc chính quyền áp đặt người dân ký vào phiếu “tự nguyện chích Sinopharm vì đã hết các loại vaccine Âu Mỹ”.

Một văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12/8/2021 cho thấy Ủy ban Nhân dân quận 7 ở Sài Gòn ra lệnh cho các phường “tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc”.

Cùng lúc đó, người dân ở quận 7 được yêu cầu điền thông tin vào phiếu đăng ký “tự nguyện chích Sinopharm”.

Trước đó, giới chức ở Sài Gòn xác nhận đã tổ chức đợt tiêm vaccine Sinopharm cho nhân viên Tập đoàn FPT do doanh nghiệp này “có văn bản đề xuất xin tiêm loại vaccine này”.

Ủy ban Nhân dân quận 7 ở Sài Gòn ra lệnh cho các phường “tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc”. Web screen capture

Công an cung cấp số liệu giả về lượt người chích Sinopharm

Trên trang Facebook “Tôi là dân quận 7”, nhiều Facebook bày tỏ sự bất mãn khi chính quyền ép dân “tự nguyện chích vaccine Sinopharm” dù trước đó, Chính phủ CSViệt Nam tuyên bố “không được lựa chọn vaccine”.

Trang này còn đưa thông tin giả là “Sài Gòn đã chích 2,8 triệu liều Sinopharm” nhưng sau đó cải chính rằng số liệu này “do công an cung cấp”. Theo quản trị viên của trang Facebook “Tôi là dân quận 7”, đợt chích Sinopharm được tổ chức là vì hiện tại Sài Gòn “đã hết các loại vaccine khác và chưa biết khi nào mới về tiếp”. 

Người dân quận 7 được thông báo liên hệ Ủy ban Nhân dân phường để nhận mẫu đăng ký.

Facebooker Nguyễn Cẩm Tú viết: “Chích cái này xong mai mốt họ không nhập về nữa thì ăn s***, dân Việt Nam khá là không ưa loại này. Vì vaccine này chưa được cho phép trộn với vaccine nào khác. Cứ Astra với Pfizer thì thơm mọi người ạ!”

Facebooker Duy Tran viết: “Tôi cần thấy những cánh tay tự nguyện và hình ảnh người thật việc thật của những ai ủng hộ Sinopharm quá trời quá đất để tăng độ tin cậy cho câu nói “Nói đi chung với làm”, nhất là dàn KOLs, Influencers & Elite class.”

Đợt chích vaccine Sinopharm dành cho nhân viên Tập đoàn FPT. Web screen capture

“Sinopharm dành cho ai yêu Tàu cũng tốt”

Liên quan việc nhà cầm quyền triển khai đợt chích 1 triệu liều vaccine Sinopharm cho dân Sài Gòn và sắp nhập thêm 4 triệu liều cùng loại, Facebooker Son Phan đề nghị giải pháp: “3,2 triệu Đảng viên ưu tú, ít nhất đã chích 1 liều vaccine Âu Mỹ, giờ thêm 1 mũi Tàu nữa cho bảo vệ kép. 1,8 liều kia thì cho ai yêu Tàu cũng tốt!”

Điều oái oăm là các dư luận viên đang nhiệt tình lên tiếng bảo vệ Sinopharm hết mình cũng để lộ sơ hở là họ đều đã được ưu tiên chích vaccine tốt của Âu Mỹ trước đây.

Trong số này, Facebooker Võ Minh Luân lập luận: “Tất cả vaccine một khi được đưa vào sử dụng đã trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất nghiêm ngặt nên vì thế chí ít cũng sẽ có tác dụng để hạn chế tử vong khi mắc bệnh cho người được tiêm, tôi đã được tiêm vaccine Astra và ngay từ đầu tôi cũng rất sợ, cũng có suy nghĩ “kén cá chọn canh” nhưng rồi cũng được thông não bởi những người đàn anh hàng ngày chứng kiến tình trạng tử vong của những thanh niên khỏe mạnh trùi trụi… Ai trong chúng ta đều không muốn xui rủi đến với mình nhưng được tiêm vaccine đó là cách tốt nhất lúc này để bào toàn tính mạng của bản thân và gia đình…”

Liên quan việc chính quyền TP.HCM sắp chích hàng triệu liều vaccine Sinopharm cho dân Sài Gòn, nhà hoạt động Phạm Minh Vũ bình luận: “Việt Nam luôn giương cao tình nghĩa anh em, đồng chí bạn tốt, không thể không mua vaccine Trung Quốc mà chạy đi qua Tây mua, sự lệ thuộc về mặt chính trị, kinh tế với Trung Quốc đã làm cho việc chọn lựa mặt hàng tốt hơn cho nhân dân cũng không thể. Vì quan chức Việt Nam luôn đặt lợi ích bản thân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích dân tộc đất nước, không mua của Tàu, thì cái ghế e khó giữ.

Qua việc mua vaccine Tàu, lợi ích nhóm trong Bộ Y tế CSVN sẽ hưởng trước, mua về bán cho dân, dân xài hàng Tàu, bị sao dân chịu, chứ quan cầm tiền tàu, nhưng lại tiêm vaccine của Anh. Một lần nữa cho chúng ta thấy, sự tham vọng ghê tởm của quan chức Việt Nam không bao giờ có dân trong mắt họ, trước mắt quan chức Việt Nam chỉ có tiền và quyền. 

Lợi ích này thấy đắng chát, nó không lấy nhân dân làm trọng tâm hướng tới mà xem dân như bàn đạp để quan tiến lên trên đường danh vọng. Dù đạt được bất cứ thành công nào, chế độ cũng chỉ nhận lại sự khinh bỉ từ dân. Không có được lòng dân, thì e là khó tồn tại được lâu. Nhất định thế!”

Định Tường

Trí thức đề nghị Nguyễn Văn Nên ‘từ chối 5 triệu liều Sinopharm’

Người dân Sài Gòn không được quyền chọn lựa vaccine để chích. Courtesy of VTV

Trong thư ngỏ gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, vị giáo sư kỳ cựu đề nghị ông này từ chối 5 triệu liều Sinopharm vì “món quà này không hợp lòng dân” và nói thêm “thành phố không thiếu tiền để mua vaccine loại tốt của thế giới về tiêm cho dân”. 

Hôm 3/8/2021, trước sự hoang mang của dân Sài Gòn về việc họ phải chích 1 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc, báo đảng dẫn lời trấn an của ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, rằng 1 triệu liều Sinopharm “đang được thẩm định nên chưa tiêm ở đợt sáu triển khai từ hôm 3/8/2021”.

Được biết 1 triệu liều vaccine Sinopharm về Sài Gòn là do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ.

Phát ngôn của ông Đức được báo đảng đăng tải trong bối cảnh Sài Gòn ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, với hơn 1.000 ca tử vong.

Cùng lúc, truyền thông nhà nước được lệnh đăng loạt bài khuyên người dân không “kén cá chọn canh”, “có loại nào tiêm loại đó”.

Báo đảng cho hay hơn 6.000 người ở Hạ Long đã được tiêm vaccine Sinopharm và người nào cũng “phấn khởi”. Courtesy of Zing

“Dân thiếu niềm tin vào những sản phẩm của Trung cộng”

Liên quan vụ này, Giáo sư Mạc Văn Trang, người Hà Nội nay đã chuyển vào sống tại Sài Gòn, công bố thư ngỏ đề gửi ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM: “…Vaccine của Trung Quốc chưa chứng tỏ có sự tin tưởng và hiệu quả cao trong ngừa dịch COVID-19, nhất là Sinopharm. Vậy mà thành phố đã tiếp nhận một triệu liều vaccine Sinopharm trong tổng số 5 triệu liều đặt mua. 

Người dân thiếu niềm tin vào những sản phẩm của Trung cộng bán cho Việt Nam. Trung cộng không từ một thủ đoạn nào để làm Việt Nam suy yếu, mà hãng dược phẩm này là do nhà nước Trung cộng quản lý. Trung cộng đã làm nhiều việc thâm hiểm với Việt Nam để lại di hại không biết đến bao giờ. Trừ bọn Hán nô ra, hầu hết dân ta đều thấm thía điều này.

TP.HCM thu ngân sách hàng năm gần 400.000 tỷ đồng và nộp cho Trung ương hơn 80%; vừa qua thành phố cũng đóng góp rất lớn cho Quỹ Vaccine quốc gia.”

Nhiều người dân Sài Gòn cho biết họ thà không chích vaccine còn hơn phải tiêm Sinopharm của Trung Quốc. Courtesy of VnExpress

“VTV mặt dày ca ngợi vaccine Sinopharm”

Ông Mạc Văn Trang nhấn mạnh: “Thành phố không thiếu tiền để mua vaccine loại tốt của thế giới về tiêm cho dân. Nhiều bạn bè tôi và người dân thành phố đã nói rõ, họ nhất định không tiêm vaccine Trung quốc, họ sẵn sàng bỏ tiền ra tiêm dịch vụ vaccine của Mỹ, hoặc chờ tiêm vaccine của Việt Nam.

Đoàn kết là quy tụ lòng dân về một mối, nhưng việc ép dân TP.HCM phải tiêm 5 triệu liều vaccine của Trung Quốc, đang gây nỗi bất bình, ly tán trong lòng dân.

Xin hãy thành thực với nhân dân! Xin đừng dùng các thủ thuật tuyên truyền để lừa dân và dùng các “biện pháp nghiệp vụ” để đối phó với dân.

Dân bây giờ không phải dân những năm 1945, 1946!

Nếu Quý vị chân thành cảm ơn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và xin từ chối lòng hảo tâm của họ, vì món quà này không hợp lòng dân, thì quý vị sẽ càng thêm sự tin cậy của nhân dân.”

Trong một diễn biến khác, công luận bất bình vì chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam VTV hôm 2/8/2021 dành hẳn một phóng sự ca ngợi tính ưu việt của vaccine Sinopharm.

Nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên tờ Thanh Niên bình luận: “Sao bọn VTV nó dơ dáy thế không biết. Hôm nay nó mặt dày bỏ hẳn ra mấy phút chỉ để ca ngợi vaccine Sinopharm của Tàu. Rất tởm! 

Cứ như tối qua thì nó không phải là VTV (Đài truyền hình Việt Nam) mà là CTV (Đài truyền hình Trung Quốc).

Như thế thì Việt gian cho Tàu một cách công khai ngay trên đất nước mình rồi còn gì. Hay là tới lúc băng đảng lụy Tàu, bợ đỡ Tàu cộng không cần giấu diếm che đậy nữa.”

Định Tường

Bài Khác