Bế mạc Thế vận hội Tokyo; Paris nhận cờ Olympics

08/08/2021


Hình ảnh sân vận động Olympics ở Tokyo tại lễ bế mạc hôm 8/8.
Hình ảnh sân vận động Olympics ở Tokyo tại lễ bế mạc hôm 8/8.

Tokyo hôm 8/8 đã trao lá cờ Olympics cho thị trưởng Paris, tạo tiền đề cho Thế vận hội tiếp theo vào năm 2024 tại buổi lễ bế mạc có cảnh công viên của cả hai thành phố, nhấn mạnh sự tiếp xúc của con người ngay cả khi đại dịch vẫn tiếp diễn.

Sau khi bị hoãn một năm, các nhà tổ chức cho biết Thế vận hội là biểu tượng cho sự chiến thắng của thế giới trước đại dịch. Được tổ chức mà không có khán giả và với các biến thể COVID-19 hồi sinh, Thế vận hội đã không đạt được thành công vang dội và nguồn thu tài chính mà Nhật Bản kỳ vọng ban đầu.

Pháp hứa hẹn về một Thế vận hội Mùa hè năm 2024 dành “cho người dân” sau kỳ Olympics Tokyo không có khán giả vì dịch bệnh. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy rằng những ngày đó còn xa mới kết thúc, công chúng chỉ được cho phép vào khu vực dành cho cổ động viên sau khi họ xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin hoặc có xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Các huy chương vàng giành được trong ngày thi đấu cuối cùng đã đưa Hoa Kỳ lên đầu bảng huy chương với 39 huy chương vàng, hơn Trung Quốc một huy chương vàng.

Hoa Kỳ giành được tổng cộng 113 huy chương các loại, giảm so với Thế vận hội Rio khi họ giành được tổng cộng 121 huy chương, trong đó có 46 huy chương vàng.

“Các bạn đã khiến tôi vô cùng tự hào”, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với một nhóm vận động viên Olympics của Hoa Kỳ trong một cuộc gặp gỡ ảo mà ông và đệ nhất phu nhân Jill Biden tổ chức vào tối 7/8.

Tổng thống Biden đã mời các vận động viên đến Nhà Trắng vào mùa thu để “tôi có thể khoe nhiều hơn về các bạn”.

Ông nói với nhóm vận động viên: “Các bạn nhắc nhở chúng tôi về một đất nước tuyệt vời của chúng ta”.

Thái Lan: Người biểu tình chống chính phủ đụng độ với cảnh sát ở Bangkok

08/08/2021


Người biểu tình chống chính phủ.
Người biểu tình chống chính phủ.

Hơn một nghìn người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã đụng độ với cảnh sát hôm 7/8, trong khi họ phản đối việc chính phủ không xử lý được đại dịch COVID-19 và tác động của nó đối với nền kinh tế.

Khoảng một trăm cảnh sát chống bạo động đã phong tỏa một con đường gần Tượng đài Chiến thắng ở thủ đô Bangkok bằng các container và sử dụng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để ngăn chặn một cuộc tuần hành tới Tòa nhà Chính phủ, văn phòng của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

Hàng chục người biểu tình đã được chở đi trên xe máy và xe cứu thương. Trung tâm Y tế khẩn cấp Erawan cho biết ít nhất hai dân thường và ba nhân viên cảnh sát đã bị thương.

Khoảng 6% dân số hơn 66 triệu người của Thái Lan đã được tiêm phòng đầy đủ và nhiều nơi, bao gồm cả Bangkok, đang bị đóng cửa với lệnh giới nghiêm ban đêm. Chính quyền cũng cấm việc tụ tập hơn năm người.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố đã được tổ chức trong những tuần gần đây bởi một số nhóm, bao gồm cả các đồng minh chính trị cũ của ông Prayuth, khi sự thất vọng ngày càng gia tăng về việc chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng y tế.

Thái Lan hôm 7/8 đã báo cáo kỷ lục gần 22.000 ca nhiễm COVID-19 mới trong một ngày và số ca tử vong cao nhất là 212 ca.

Quốc gia Đông Nam Á này đã báo cáo tổng số 736.522 trường hợp mắc và 6.066 trường hợp tử vong vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái.

COVID-19 gia tăng mạnh ở châu Á; Tokyo, Thái Lan, Malaysia có số ca cao kỷ lục

31/07/2021


Các ca nhiễm COVID-19 đang tăng cao ở Tokyo, Nhật Bản.
Các ca nhiễm COVID-19 đang tăng cao ở Tokyo, Nhật Bản.

Thành phố đăng cai Thế vận hội là Tokyo, cũng như Thái Lan và Malaysia, công bố số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục vào thứ Bảy 31/7, chủ yếu là do biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Sự gia tăng các ca nhiễm biến chủng Delta đang làm chao đảo một số khu vực của châu Á, dù trước đây họ tương đối thành công trong việc kiềm chế COVID-19.

Chẳng hạn như Việt Nam, ngày 2/8, nước này sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại ở thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, và 18 tỉnh thành khác trên khắp miền nam thêm 2 tuần nữa. Việt Nam hiện đang phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất.

Số ca nhiễm cũng tăng cao ở Sydney, Australia. Chính quyền bang New South Wales ghi nhận có 210 trường hợp nhiễm mới ở Sydney và các khu vực lân cận từ đợt bùng phát biến chủng Delta.

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã công bố con số kỷ lục là 4.058 ca nhiễm bệnh trong 24 giờ qua. Các nhà tổ chức Thế vận hội báo cáo có 21 ca nhiễm COVID-19 mới liên quan đến Thế vận hội, nâng tổng số lên 241 ca kể từ ngày 1/7. Hôm 30/7, Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo đến cuối tháng 8 và áp dụng tình trạng này thêm cả với 3 tỉnh gần thủ đô và tỉnh Osaka ở phía tây.

Malaysia, một trong những điểm nóng của đại dịch, báo cáo có 17.786 trường hợp nhiễm virus corona vào ngày 31/7, một mức cao kỷ lục.

Hơn 100 người tập trung tại trung tâm Kuala Lumpur bày tỏ sự bất bình về cách chính phủ ứng phó với đại dịch và kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức.

Thái Lan cũng báo cáo mức cao kỷ lục về số ca nhiễm hàng ngày, với 18.912 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 597.287 ca. Nước này cũng báo cáo thêm 178 trường hợp tử vong mới, cũng là một kỷ lục tính theo ngày.

Chính phủ Thái cho biết biến chủng Delta chiếm hơn 60% các ca nhiễm trong nước và 80% số ca ở Bangkok.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca nhiễm COVID-19 đã tăng 80% trong vòng 4 tuần qua ở hầu hết các khu vực trên thế giới.

Việt Nam/COVID: Cả nước hơn 3.000 ca tử vong; Hà Nội gia hạn giãn cách

06/08/2021


Một chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở Hà Nội.
Một chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở Hà Nội.

Việt Nam có tổng cộng 3.016 ca tử vong tính từ đầu đại dịch cho đến 18h30 ngày 6/8, theo bản tin của Bộ Y tế. Chiếm hơn 2/3 trong các ca tử vong nêu trên là những người qua đời vì dịch ở thành phố Hồ Chí Minh, với trên 2.300 ca.

Vẫn theo Bộ Y tế Việt Nam, tổng số ca dương tính từ đầu dịch đến nay là hơn 193.000 người. Trong số đó, tới trên 189.000 ca nhiễm mới xảy ra chỉ trong khoảng 3 tháng rưỡi kể từ ngày 27/4.

Tâm dịch vẫn là Tp.HCM, trung tâm kinh tế số 1 của đất nước, nơi ghi nhận hơn 4.000 ca mỗi ngày riêng trong giai đoạn từ ngày 24/7 đến nay. Hiện tại, con số cộng dồn các ca nhiễm ở đô thị lớn nhất Việt Nam là gần 114.000 người.

Do tình hình dịch bệnh căng thẳng, gần một tháng nay, kể từ ngày 9/7, Tp.HCM áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, bao gồm cả lệnh cấm ra đường vào buổi tối có hiệu lực từ ngày 26/7.

Giữa lúc chưa có tin tức khả quan về việc khống chế dịch ở Tp.HCM, vào chiều 6/8, chính quyền thủ đô Hà Nội ban hành công điện về tiếp tục giãn cách xã hội cho đến ngày 23/8.

Công điện do Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh ký yêu cầu thành phố “triển khai chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; người dân ‘ai ở đâu ở đó’ để đảm bảo khống chế sự lây lan dịch bệnh”.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong những ngày gần đây, Hà Nội vẫn ghi nhận từ 50-70 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày, cho dù đã áp dụng lệnh giãn cách trong giai đoạn nửa tháng từ ngày 24/7-7/8.

Mặc dù vậy, so với Tp.HCM, số ca nhiễm ở thủ đô của Việt Nam thấp hơn nhiều, từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội chỉ có 1.559 ca nhiễm.

Trong ngày 6/8, bản tin của Bộ Y tế nói rằng số lượng người được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam đang tăng nhanh. Bộ cho biết tổng số liều vắc xin đã được tiêm là hơn 8 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 7,2 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 820 ngàn liều.

Bài Khác