Trần Khải: Biển Đông – Trung Quốc bơm tiền

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trần Khải

Như thế là Philippines và Trung Quốc sẽ khoan dầu chung ở Biển Đông. Như thế là TQ từ chỗ không có chủ quyền gì tại Biển Đông bây giờ được quyền chia đôi quyền khai thác dầu với Philippines… và tương lai, ai biết được.

Bản tin The Stratford World View ghi rằng Tổng Thống  Rodrigo Duterte của Philippines đã chấp thuận đề nghị khai thác dầu chung với TQ ở Biển Đông, theo tin Philippine Star hôm 8/8/2018.

Điểm suy nghĩ: Hiến pháp Philippines vẫn cấm khai thác năng lượng chung với các quốc gia khác tại nơi có chủ quyền nước này.

Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng trong cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho VOA, Tư lệnh Hải quân Mỹ-Đô đốc John Richardson khẳng định phản ứng “kiên định” của Hoa Kỳ đối với những hành động gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đô đốc John Richardson nói hoạt động của hải quân Hoa Kỳ “giữ nguyên mức độ” trên Biển Đông trong khoảng 70 năm qua.

“Không tăng quá nhiều hay giảm quá nhiều. Hoạt động của chúng tôi khá ổn định”, Tư lệnh Hải quân Mỹ nói.

Trung Quốc và Hoa Kỳ bất đồng mạnh về vấn đề chủ quyền trên tuyến thủy lộ quốc tế quan trọng.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn trong khu vực, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác. Bắc Kinh cũng đã xây hàng trăm héc-ta đảo nhân tạo để củng cố yêu sách chủ quyền.

Trong khi đó, Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông để phản đối tuyên bố của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc đi lại tự do qua vùng biển quốc tế vốn là tuyến lưu thông của một nửa trọng tải vận chuyển trên thế giới, trị giá hàng nghìn tỷ đôla mỗi năm.

Đô đốc Richardson nói Hải quân Hoa Kỳ ủng hộ các quy tắc và chuẩn mực “thúc đẩy sự trỗi dậy của các nền kinh tế châu Á”.

“Chúng tôi sẽ luôn ở đó”, Đô đốc Richardson nói với VOA. “Và chúng tôi sẵn sàng bênh vực cho những ai bị ảnh hưởng trong phạm vi tranh chấp, nếu cần”.

Trong khi đó, một bản tin RFI ghi nhận tình hình Mỹ lo ngại khả năng nước lớn ép nước nhỏ trong đàm phán Biển Đông…

Vào lúc ASEAN và Trung Quốc loan báo thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, Hoa Kỳ, qua lời quan chức ngoại giao phụ trách Hiệp Hội các nước Đông Nam Á hôm 07/08/2018, đã nhấn mạnh là cần phải tránh việc nước lớn gây áp lực trên nước nhỏ trong cuộc thương thuyết. Washington cũng cho rằng bộ quy tắc ứng xử đang đàm phán phải chú ý đến các mối quan ngại của các quốc gia bên ngoài Biển Đông.

Trong cuộc họp báo quốc tế qua điện thoại nhân kỷ niệm 51 năm ngày thành lập Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN, bà Piper Campbell, đại biện lâm thời của phái bộ Mỹ bên cạnh ASEAN đã tái khẳng định rõ ràng lập trường của Hoa Kỳ trong hồ sơ Biển Đông.

Theo quan chức này : «Trong những khuôn khổ như đàm phán về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông COC, điều cực kỳ quan trọng là không nước nào được quyền gây áp lực đối với nước khác».

Bà Campbell nói tiếp: «Điều quan trọng là mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải có cơ hội bảo vệ các lợi ích quốc gia, cũng như các nguyên tắc quốc tế thật rõ ràng, mà cụ thể là những điều đã được ghi trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)».

Đặc sứ Mỹ phụ trách ASEAN cũng nhấn mạnh rằng Washington luôn theo dõi sát những diễn biến tại Biển Đông. Bà Campbell cho biết, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây đã có dịp bày tỏ quan điểm của Washington, theo đó «mọi bộ quy tắc ứng xử (trên Biển Đông) cần ghi nhận các mối quan tâm và quyền lợi của các bên thứ ba.»

Lời nhắc nhở này của phía Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đề nghị loại trừ các nước ngoài khu vực ra khỏi các cuộc diễn tập Hải Quân chung được đề xuất trong bộ Quy Tắc Ứng Xử, hay ra khỏi các đề án thăm dò năng lượng ở Biển Đông, một đề nghị bị cho là nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này.

Một bản tin khác của VOA ghi rằng Trung Quốc đã nổi lên như một nước cấp viện trợ lớn thứ hai ở Nam Thái Bình Dương, theo những số liệu được công bố hôm thứ Năm bởi một viện nghiên cứu chính sách ở Úc. Nó cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở một khu vực mà lâu nay Úc và New Zealand vẫn thống trị.

Các khoản viện trợ trị giá 1,3 tỉ đôla và các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc kể từ năm 2011 kém xa 6,6 tỉ đôla của Úc, theo những số liệu do Viện Lowy được Úc tài trợ, nhưng cao hơn 1,2 tỉ đôla của New Zealand.

Chi tiêu của Trung Quốc chiếm gần 9 phần trăm tổng số tiền viện trợ ở Nam Thái Bình Dương. Nếu tính thêm các khoản viện trợ được cam kết, những khoản viện trợ được hứa hẹn của Trung Quốc lên tới 5,9 tỉ đôla, gần bằng một phần ba tổng số tiền viện trợ được 62 nước cam kết cung cấp cho 14 nước thuộc khu vực này.

Phân tích của viện Lowy được công bố giữa lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đang xấu đi. Úc đã có những hành động nhằm kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong nước cũng như đẩy mạnh sự can dự của mình ở Thái Bình Dương, cùng với New Zealand và Mỹ.

Úc gần đây đã vượt qua Trung Quốc để giành hợp đồng lắp cáp internet đến Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, những nơi mà nghiên cứu xếp hạng là hai nước nhận viện trợ lớn nhất trong khu vực. Úc đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về quy mô của hoạt động cho vay của Trung Quốc.

Các số liệu của viện Lowy, không bao gồm đóng góp của New Zealand kể từ tháng 3 năm 2017, cũng cho thấy Trung Quốc cạnh tranh với Đài Loan để sử dụng tiền viện trợ như một phương tiện vun đắp quan hệ ngoại giao trong một khu vực mà một phần ba các nước là đồng minh của Đài Loan.

Tính theo bình quân đầu người, Bắc Kinh, vốn coi đảo Đài Loan tự trị là một tỉnh li khai của “một nước Trung Quốc,” đầu tư 108 đôla ở bảy quốc gia ủng hộ lập trường đó. Đài Loan chi 120 đôla đầu người ở sáu quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với họ.

Rất đáng lo ngại vậy… vì tiền có thể mua nhiều thứ, kể cả mua 3 đặc khu dễ dàng…

Nguồn: Trần Khải (Việt Báo)

Related posts