Quan ngại về cam kết quân sự của Mỹ ở Biển Đông sau khi Bộ trưởng Jim Mattis từ chức

Quan ngại về cam kết quân sự của Mỹ ở Biển Đông sau khi Bộ trưởng Jim Mattis từ chức

.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 17/10/2018. AFP

Ngày 20/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nộp đơn từ chức với lý do khác biệt về quan điểm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đối xử với các đồng minh của Mỹ cũng như các nước cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Bộ trưởng Jim Mattis là người đã đến Việt Nam hai lần trong năm qua, và được coi là điều hiếm thấy. Ông cũng là người nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Sự ra đi của Bộ trưởng Jim Mattis có ảnh hưởng thế nào tới vị thế của Mỹ trong khu vực và quan hệ quốc phòng Mỹ với Việt Nam. Đài Á  Châu Tự Do phỏng vấn Giáo sư sử học Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại học Maine, Mỹ. Trước hết, nhận định về sự ra đi của ông Jim Mattis và ảnh hưởng của nó với cam kết của Mỹ trong khu vực Châu Á, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết.

Gs. Ngô Vĩnh Long: trước hết tôi xin nói rằng là ông Mattis không phải ông ấy từ chức. Tôi đã nói nhiều lần là ông ấy không muốn từ chức vì nếu ông từ chức như vậy thì rất là khó khăn cho vấn đề ngoại giao của Mỹ. Trong hai năm qua, vấn đề ngoại giao của Mỹ là ngoại giao giữa Bộ Quốc phòng với các Bộ Quốc phòng khác cũng như các nước khác vì Bộ Ngoại giao của Mỹ từ khi Trump lên không làm được việc gì. Ông Mattis bắt buộc phải từ chức. Khi ông Mattis từ chức như vậy thì ảnh hưởng rất lớn cho khu vực Á Châu chứ không phải chỉ riêng đối với Việt Nam. Còn đối với Việt Nam, đúng là trong hai năm qua quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ là quan hệ quân sự. Bộ Quốc phòng quan hệ rất tốt đối với Việt Nam trong khi quan hệ giữa Bộ Ngoại giao có gì đáng kể. Thành ra chuyện từ chức của ông Mattis có ảnh hưởng lớn. Tại sao tôi nói vậy? là bởi vì không biết ai sẽ làm Bộ trưởng Quốc phòng mới. Nhưng như thư từ chức của ông Mattis thì nói là người Bộ trưởng sắp tới sẽ là người theo ý kiến của ông Trump. Người theo ý kiến của ông Trump thì rất sai lạc và sẽ phá vỡ các quan hệ đã có giữa Mỹ với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là giữa Mỹ với các nước ở vùng Đông Nam Á. Mới vừa rồi ông Trump nói là ổng sẽ thay người đứng đầu của quân đội Mỹ, người sẽ đưa vào là người thuộc Bộ binh chứ không phải là Hải quân hay Không quân. Bộ binh thì họ sẽ không ủng hộ chính sách hiện tại với vấn đề Biển Đông hay vấn đề trên biển nên cái đó cũng ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

RFA: Trong chiến lược Quốc phòng của Mỹ, vai trò của Việt Nam đã được đánh giá cao, Phó Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Jim Mattis cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Mỹ thời gian qua cũng thực hiện nhiều các chuyến trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu chiến lược đã là như vậy tại sao ông lại có lo lắng này?

Gs. Ngô Vĩnh Long: Trước hết lý do mà Bộ Quốc phòng Mỹ hay ông Phó Tổng thống Pence để ý đặc biệt đến vấn đề Việt Nam vì chính phủ của ông Trump đã làm yếu quan hệ của Mỹ với các nước khác ở vùng Đông Nam Á, vì vậy phải nhờ vào Việt Nam, vì Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực Biển Đông. Do vậy Mỹ phải có đồng minh để có cớ cho Hải quân Mỹ đi tới đi lui hay đã đưa các tuyên bố như chúng ta đã thấy. Nhưng trước mắt quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là quan trọng nhưng nó rất yếu vì chỉ có quan hệ đặc biệt với Việt Nam mà không có quan hệ chung với các nước Đông Nam Á thì Mỹ cũng khó có thể làm gì nhiều lắm. Chính sách của Mỹ từ khi ông Trump lên đã làm yếu vị thế của Mỹ ở Đông Nam Á nếu không muốn nói là ở Á Châu.

RFA: Vậy theo ông sau khi ông Jim Mattis từ chức, liệu Trung Quốc sẽ có những hành động đáng lo ngại nào tại Biển Đông?

Gs. Ngô Vĩnh Long: Trước khi ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức thì Trung Quốc đã khiêu khích Mỹ mấy lần. Chẳng hạn là cho tàu chiến của Trung Quốc đi sát tàu chiến của Mỹ độ chừng 41 mét thôi. Sau đó một vị tướng Trung Quốc nói rằng nếu tàu của Mỹ mà đi ngang vùng Trường Sa thì họ sẽ đưa ra tàu chặn tàu Mỹ và cho tàu khác đâm vào. Họ nói thẳng như vậy là khiêu khích. Khi mà khiêu khích như vậy thì Mỹ phải có thái độ cứng rắn hoặc Mỹ phải nhờ đồng minh ủng hộ vai trò của Mỹ thế nào nhưng mà trong những tháng qua Mỹ đơn thân độc mã trong khu vực. Vấn đề rất nguy hiểm là nếu Mỹ đơn thân độc mã mà có đụng độ với Trung Quốc mà các nước khác không ủng hộ thì Việt Nam ra ủng hộ Mỹ trong việc này và Việt Nam lại sông liền sông, núi liền núi, biển liền biển với Trung Quốc thì vấn đề như vậy là khó cho Việt Nam.

RFAMột số ý kiến cho rằng ông Jim Mattis dường như có thiện chí với Việt Nam và muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Có thông tin cho rằng ông là người đã đề nghị Quốc hội Mỹ bỏ Việt Nam khỏi danh sách các nước bị trừng phạt vì mua vũ khí của Nga vì Mỹ muốn Việt Nam mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn là của Nga. Ông đánh giá thế nào về quan điểm của ông Jim Mattis với Việt Nam?

Tàu sân bay USS Carl Vinson tới cảng Đà Nẵng hôm 5/3/2018
Tàu sân bay USS Carl Vinson tới cảng Đà Nẵng hôm 5/3/2018. AFP

Gs. Ngô Vĩnh Long: Quan điểm của ông Jim Mattis với Việt Nam cũng trùng hợp với quan điểm của các Bộ trưởng Quốc phòng trước. Nói chung trong hơn 10 năm qua, Mỹ dần dần cải thiện quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Nhưng quan hệ này nó đứng trong bối cảnh chung chứ chỉ Bộ Quốc phòng không thì khó. Còn đối với vấn đề bán vũ khí thì họ đã biết trước là Việt Nam không có khả năng mua vũ khí của Mỹ, vì trước hết rất là đắt, thứ hai là vũ khí của Mỹ không phù hợp với vũ khí mà Việt Nam đã có, đã mua của Nga hay của Liên Xô từ trước. Mỹ biết như vậy nên họ thấy rằng muốn mua vũ khí ở đâu thì mua miễn là Việt Nam có chính sách đối với Mỹ trong vấn đề bảo vệ an ninh khu vực chung là tốt rồi. Quốc hội có thể muốn mua Việt Nam mua vũ khí của Mỹ nhưng tôi nghĩ Bộ Quốc phòng thực tế hơn rất nhiều.

RFA: Theo ông thì thách thức của Việt Nam sắp tới là gì?

Gs Ngô Vĩnh Long: Từ xưa đến giờ Việt Nam phải cậy vào sức mạnh của mình chứ còn Việt Nam không thể đứng chờ người khác ủng hộ mình thế này thế kia. Ngay khi ông Trump lên thì ông ấy đã rút khỏi TPP thì mình đã biết là Mỹ không có ủng hộ các chính sách đa phương. Nếu Mỹ không ủng hộ chính sách đa phương ở Á Châu và Đông Nam Á thì dù Việt Nam có đơn phương có quan hệ với Mỹ thì Việt Nam cũng yếu.

RFAXin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nguồn: RFA

Bài Khác