Nhật phản đối Nga xây thêm trại lính ở quần đảo đang tranh chấp

Nhật phản đối Nga xây thêm trại lính ở quần đảo đang tranh chấp

.

Xe tăng Liên Xô IS-2, một chứng tích của Thế chiến thứ hai, trên đảo Shikotan, quần đảo Kuril. Ảnh chụp ngày 18/12/2016. REUTERS/Yuri Maltsev/File Photo

(Trọng Nghĩa / RFI)  –  Sau khi được tin là Nga vừa xây xong 4 doanh trại trên các đảo thuộc quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản và sắp chuyển quân lính đến đóng, chính quyền Tokyo hôm nay, 19/12/2018, cho biết đã chính thức phản đối Nga qua con đường ngoại giao.

Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, phát biểu trong cuộc họp báo tại Tokyo, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã cảnh báo về nguy cơ Nga tăng cường hiện diện quân sự trên quần đảo Kuril, nằm ở phía bắc Nhật Bản và ở phía nam nước Nga.

Quần đảo Kuril bao gồm 4 hòn đảo của Nhật bị Nga chiếm đóng từ sau khi Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng đang bị Tokyo đòi lại. Nhật Bản gọi quần đảo Kuril là vùng Lãnh Thổ Phương Bắc, trong lúc Nga gọi là Quần đảo Nam Kuril.

Theo ông Suga, tranh chấp Kuril cần phải được giải quyết một cách căn bản, và Nhật Bản vẫn kiên trì theo đuổi một giải pháp ngoại giao với Nga.

Nhật Bản đã có phản ứng như trên sau khi bộ Quốc Phòng Nga hôm 17/12 vừa qua, cho biết là họ đã xây xong 4 khu doanh trại trên 2 hòn đảo Iturup/Etorofu và Kunashir/Kunashiri thuộc quần đảo Kuril và sắp tới sẽ xây thêm nhiều khu nhà để chứa xe thiết giáp.

Bộ Quốc Phòng Nga còn cho biết thêm là ngày 25/12 tới đây, binh lính Nga và gia đình sẽ được chuyển đến các doanh trại vừa hoàn thành.

Theo bộ Quốc Phòng Nhật Bản, hiện nay, số lượng binh linh Nga trên hai hòn đảo lớn nhất trong khu vực Kuril đã lên đến 3.500 người.

Việc Nga tăng cường quân đội tại vùng Kuril được giới quan sát cho là một động thái gây sức ép trên Nhật Bản, vào thời điểm thủ tướng Nhật Shinzo Abe được cho là sẽ ghé Mátxcơva. Điện Kremlin mới đây cho biết ông Shinzo Abe có thể thăm Nga vào ngày 21/01/2019.

Vấn đề tranh chấp quần đảo Kuril là cái gai trong quan hệ Nga-Nhật, đã cản trở việc hai bên ký kết hiệp ước hòa bình sau Thế Chiến Thứ II.

Nguồn: RFI

Bài Khác