Thời kỳ sùng bái lãnh tụ đã bắt đầu

Oct 26, 2018

Trước và sau ngày Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội trao thêm chức Chủ tịch nước Việt Nam trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 23/10/2018, một làn sóng sùng bái lãnh tụ đã lan tràn trên báo đài nhà nước, nhưng không phải của dân, do dân và vì dân mà từ cửa miệng những công thần của chế độ.
Ông Trọng được 476 trên tổng số 477, hay 99,79% Đại biểu Quốc hội tín nhiệm, nhưng ông vẫn bị 1 phiếu chống, hay bằng 0,29% tổng số đại biểu có mặt. Vì là cuộc bỏ phiếu bấm nút kín nên danh tính người không thuận sẽ bí mật cho đến khi chính người này công khai.
Đây là một việc bất thường vì vào ngày 03/10 (2018), ông Trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương đảng họp kỳ 8 đồng ý 100% suy cử ông vào ghế Chủ tịch nước, thay ông Trần Đại Quang đã từ trần ngày 21/09/2018.
Ban Chấp hành Trung ương đảng, khóa XII gồm 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.
Trong diễn văn nhận chức, ông Trọng kêu gọi các cấp “phối hợp chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao”, đồng thời hứa “sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ.”
Ông Nguyễn Phú Trọng đã khéo léo khi tỏ ra khiêm tốn trước ống kính truyền hình trực tiếp: “Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình.”
“Vì sao?”, ông giải thích, “Bởi vì 3 lý do: Một là tình hình đất nước bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản cũng đang có không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay; nhưng đất nước cũng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được; chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Hai là hiện nay cùng với giữ chức Chủ tịch nước, tôi vẫn đang gánh chức Tổng Bí thư của Đảng, công việc rất nhiều, lại đang phải chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ba là trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp; điều đó cũng không có gì lạ.”
Quả đúng như ông dự đoán. Nhiệm kỳ Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch nước sẽ kết thúc cùng năm 2021, khoảng tháng Giêng, theo nhiệm kỳ 5 năm kể từ năm 2016. Như vậy là ông chỉ còn 2 năm rưỡi nữa thôi, ngoại trừ ông lại theo gương lãnh đạo Tập Cận Bình của nước láng giềng “vừa là đồng chí vừa là anh em” Trung Cộng, người đã đạo diễn thành công Quốc hội bỏ phiếu hồi tháng 03/2018 không hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước để họ Tập có thể ngồi lại cho đến khi chết hay không muốn tiếp tục nữa.
Nhưng nếu ông Trọng muốn ngồi lại ở tuổi 77 vào năm 2021 thì ông cũng phải vận động để thay Điều lệ đảng, vì đảng không cho phép ông được giữ chức Tổng Bí thư quá 2 nhiệm kỳ. Vì vậy việc ông dấn thân gánh thêm chức Chủ tịch nước cũng là do ông quyết định cả. Nhân dân không được ai cho phép can dự vào việc tầy đình này. Có chăng là do Bộ Chính trị 17 người, do ông đứng đầu đã ngồi lại trao đổi với nhau rồi đưa ra Hội nghị Trung ương 8 biểu quyết cho có thêm sức mạnh đồng thuận gọi hoa mỹ là theo “ý đảng”.
Kế đến là bước “hợp lòng dân” cho vẻ dân chủ thì có Quốc hội, cũng là của đảng, bỏ phiếu đề cử cho đúng quy định của Hiến pháp.
Mọi chuyện giản dị chỉ có thế, vì Việt Nam chỉ có một đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền nên các màn trình diễn cho dù có ngoạn mục cách mấy thì cũng chỉ một mình một chợ, hay tự biên tự diễn mà thôi.
Nhưng nếu nói việc ông Trọng đắc cử Chủ tịch nước là “hợp lòng dân”, hay là “lựa chọn của lịch sử” thì có chủ quan quá trớn không?
Bởi lẽ lấy thước nào hay bằng chứng nào mà dám nói là “hợp lòng dân”, hay lịch sử nào đã chọn ông Trọng ngồi vào chiếc ghế của ông Hồ Chí Minh từ năm 1951 đến 1969?
Lòng dân ở đâu?
Trước hết, nhân dân không hề được hỏi ý kiến, dù trực tiếp hay gián tiếp bằng bất cứ phương pháp nào trong việc ông Nguyễn Phú Trọng giữ luôn chức Chủ tịch nước.
Nhưng báo đài nhà nước lại cứ thi đua viết, nói sa sả ngày đêm rằng: “Việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội nhất trí bầu giữ chức Chủ tịch nước là thể hiện đáp ứng nguyện vọng, lòng tin của toàn Đảng, toàn dân ta.” (báo Công an nhân dân, CAND, ngày 24/10/2018)
Còn ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Đảng thì đã hoan hỷ nói với VietTimes: “Tôi không ngạc nhiên, bởi đó là “ý Đảng, lòng Dân” ….Còn ý Đảng? Ngày hôm nay (22/10/2018) Trung ương, với 100% ủy viên Trung ương, đại diện cho toàn Đảng, thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu vào vị trí Chủ tịch nước. Có thể nói Trung ương chưa bao giờ thống nhất cao như thế.
Còn lòng dân thì chúng ta thấy rồi: uy tín của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngày càng cao trong nhân dân. Nhân dân tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Công cuộc phòng chống tham nhũng còn hết sức cam go, nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả to lớn làm cho người dân ngày càng tin vào Đảng.”
Báo Dân Trí cũng phù họa theo rằng: “Hai nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm sức cho cuộc chiến chống nạn tham nhũng. Đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước trong thời điểm lịch sử, Tổng Bí thư quyết tâm tạo chuyển biến mới, quyết liệt hơn trên mặt trận này.” (Dân Trí, 23/10/018)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, tỉnh Quảng Bình nhanh nhẩu nói với báo Đảng CSVN: “Thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn lớn, được nhân dân cả nước tin tưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước là vấn đề mà cử tri và các đại biểu rất quan tâm và mong mỏi”.
Đến phiên Ủy viên thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Ông Đinh Trường Sơn còn hồ hởi hơn khi cho rằng: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao về uy tín, sự trong sạch, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.” (báo ĐCSVN, 23/10/018)
Tạp chí Xây dựng Đảng, thì viết trong số đề ngày 7/10/2018: “Việc BCH Trung ương Đảng đề cử Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là quyết định được đồng thuận cao trong Đảng và xã hội. Vì sao vậy?
Bởi đây là sự thể hiện cụ thể việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của người đứng đầu BCH Trung ương Đảng, đồng thời thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của người đứng đầu Nhà nước. Tổng Bí thư là người lãnh đạo quá trình đề ra các nghị quyết của Đảng và đồng thời trực tiếp lãnh đạo quá trình tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết đó. Từ khâu ban hành đến tổ chức thực hiện do một người đảm nhận sẽ nhanh hơn, đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết với tổ chức thực hiện, nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả trong quản lý đất nước, phục vụ nhân dân của Nhà nước.”
Như thế thì có phải đã tập trung quyền lực vào một người không, dù ông Trọng không muốn coi ông là người “kiêm nhiệm”, hay là “nhất thể hóa” như nhiều chuyên gia Hiến pháp đã gọi quyết định của đảng CSVN.
Đến phiên ông Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, cũng muốn lấy điểm trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 24/10/2018, khi nói rằng: “Tôi cũng như những cán bộ lão thành khác và nhân dân luôn tin tưởng tuyệt đối ở đồng chí. Chúng tôi tin tưởng đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo nên nhiều kỳ tích mới, đưa đất nước bước vào những trang sử sáng ngời trong kỷ nguyên mới.”
Nhưng ai đã cho phép ông Thước dám cả gan vơ đũa cả nằm như thế? Ông có nên nói thêm cho thiên hạ biết đã có bao nhiêu “cán bộ lãnh thành” và “nhân dân” đã đồng ý cho ông nói thay họ, hay ông đã nổi hứng muốn được bổng lộc gì chăng?
Lịch sử nào – ai viết?
Bên cạnh những chữ nghĩa đã bị các công thần đảng và nhà nước tự ý nhét vào mồm dân, Tác giả Ngô Đức Hành của báo Pháp Luật online, trong bài viết ngày 22/10/2018 đã lẻo mép gán ghép lịch sử vào trường hợp ông Trọng: “Việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là việc không lạ với mỗi người Việt Nam. Từ ngày năm 11/2/1951 đến ngày 19/2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất năm 1969. Sự kiện tháng 2/1951 lại được tiếp nối, tái hiện trong Hội nghị TƯ 8 khóa XII vừa diễn ra đầu tháng 10/2018. Đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử. Ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua.
Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được TƯ giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, kỳ vọng của Đảng, của nhân dân mà còn ghi nhận sự trưởng thành của Đảng trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước bước sang thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó cũng là tiếng vọng của lịch sử, là thách thức của lịch sử tương lai. Nói một cách khái quát, lịch sử đã lựa chọn, nhân dân đã lựa chọn.”
Nhưng có thật người ký tên Ngô Đức Hành không phải là Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Cộng sản, hay có chuyện copy bài của nhau trong vụ này?
Bởi vì, ngày 07/10/2018, báo điện tử Zing.VN đã phổ biến bài phỏng vấn ông Nhị Lê do hai Phóng viên Nguyễn Hưng và Ngọc Tân thực hiện, trong đó có những đoạn y chang như trong bài của Ngô Đức Hành.
Zing.VN viết: “Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ với Zing.vn về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV khai mạc vào ngày 22/10 tới đây.
Theo ông, việc Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là việc không lạ với chúng ta, trong lịch sử đã thấy rồi. Từ ngày 11 đến 19/2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất….”
– Theo ông, tại sao vấn đề Tổng bí thư làm Chủ tịch nước đã được đặt ra từ lâu nhưng bây giờ mới thực hiện?
“- Mới đây, ngày 3/10, sự kiện tháng 2/1951 lại được tiếp nối, tái hiện trong Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Tôi gọi đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử, sau suýt soát nửa thế kỷ. Ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua.
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành Trung ương giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch nước không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, kỳ vọng của Đảng, của nhân dân mà còn ghi nhận sự trưởng thành của Đảng trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước bước sang thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó cũng là tiếng vọng của lịch sử, là thách thức của lịch sử tương lai.
Nói một cách khái quát, lịch sử đã lựa chọn, nhân dân đã lựa chọn.”
Dù ai đạo văn của ai chăng nữa thì cũng toàn là ngôn ngữ thuộc loại phấn khởi và hồ hởi của thời đại kim tiền ở Việt Nam ngày nay. Việc diễn lại màn kịch một người làm hai việc là chuyện có gì đặc biệt đâu mà phải tô son vẽ phấn cho tốn phí tiền dân?
Vô số báo đài ở Việt Nam đã ca tụng công lao chống tham nhũng của ông Trọng, nhưng hãy đọc những lời ai oán của Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội- thượng tướng Nguyễn Văn Được đã bày tỏ bức xúc tại phiên thảo luận tổ (tại Quốc hội) sáng 24-10-2018: “Nhiều cán bộ cấp bậc thấp hơn tôi mà nhà cửa, rồi biệt thự bề thế. Tiền đâu ra mà lắm thế?”. (báo Tuổi Trẻ online, ngày 24/10/2018)
Báo TTO viết tiếp: “Tướng Được cho rằng thời gian qua nhiều vụ việc lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ dính líu đến tiêu cực được xử lý nghiêm minh nhưng ông có cảm giác như vẫn chưa “sờ trúng gáy” những đối tượng tham nhũng tầm cỡ.
Rồi việc quản lý cán bộ hiện nay lỏng lẻo, chưa nói đến cán bộ từ tỉnh trở lên mà ngay cả cán bộ xã, cấp phòng cũng xảy ra nhiều trường hợp tham nhũng hàng chục tỉ đồng…Vừa qua chúng ta đã “sờ” nhiều rồi nhưng có vẻ như cái gáy chính của tham nhũng, những đối tượng lấy của dân nhiều thì lại chưa bị sờ trúng. Tôi nói thật có nhiều thằng nó cấp bậc thấp hơn tôi nhiều bậc, nhưng nhà cửa nó thì to bề thế. Tiền lấy đâu ra mà lắm thế? Nó ăn, xơi của dân rất nhiều.”
Như vậy thì cái lò chống tham nhũng của ông tân Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã đủ sức nóng để đốt củi khô chưa, vội chi mơ đến củi tươi như ông từng khoe với dân?
Nhưng trước mắt, ai cũng muốn chờ xem một người có nhiều quyền lực như ông có thể cứu ngư dân Việt Nam khỏi các cuộc đàn áp, tấn công và đâm chìm tầu dã man của bọn thảo khấu Trung Cộng ở Biển Đông hay không? Hay ông cũng chỉ là con hổ giấy trước nanh vuốt của Tập Cận Bình, và sẽ chẳng đòi được tấc biển nào ở Hoàng Sa và một phần Trương Sa như từ bấy lâu nay?
Người ta chỉ sợ rằng, khi được tâng bốc lên tận mây xanh và nghe nịnh hót đầy tai như đã diễn ra trong thời gian qua thì ông sẽ “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, như ông đã cảnh giác trong diễn văn nhận chức chiều ngày 23/10/2018. -/-
Theo Danlamba

Tuyên thệ của Kỳ Nhông

Sau bài viết “Tột đỉnh vinh quang hay đáy cùng ô nhục?” tôi có ý định sẽ không viết bài nào “dành riêng cho” cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng nữa. Nhưng vì rốt cuộc sự lựa chọn của con người phần nhiều không do ý muốn cá nhân họ, mà do cuộc sống thực tế quyết định. Vì thế, sau khi xem livestream của những kẻ “chống cộng” ở hải ngoại, nghe và liếc qua phần nói về lễ nhậm chức “Chủ tịch nước CHXHCN” ở Việt Nam của ông Trọng, thấy ông trịnh trọng cúi đầu trước lá cở đỏ sao vàng, tay trái đặt lên quyển Hiến pháp nước CHXHCN ở Việt Nam màu đỏ, còn tay kia giơ lên hướng lòng bàn tay về phía các đại biểu quốc hội bù nhìn và nói lời thề thiêng, tôi lại thấy không thể không viết “cho” ông.
Tuyên thệ của ông Trọng khẳng định sẽ “tuyệt đối trung thành với Tổ Quốc, nhân dân Việt Nam và với Hiến pháp nước CHXHCN ở Việt Nam!”. [Lưu ý: Tôi thường dùng chữ “ở” (ở Việt Nam) vì cho rằng đảng cộng sản, những người cộng sản, chế độ đảng cộng sản trị và những gì liên quan đến những tổ chức, con người này như bản Hiến pháp và hệ thống luật pháp v.v…, đều về căn bản, thiếu, thậm chí không có phẩm tính Việt Nam, trái lại còn phá hoại phẩm tính ấy, thực ra chúng chỉ hiện diện, tồn tại ở Việt Nam thôi. Thêm nữa, tôi cũng muốn nói ở đây rằng trước đây tôi hay viết cộng sản là “cộng sản” (trong ngoặc kép), ý muốn nói là cộng sản hiện nay không còn như thời kỳ đầu tiên của nó nữa. Nhưng bây giờ tôi viết là cộng sản (không trong ngoặc kép) với nghĩa cộng sản là sai lầm, ngu tối, dối trá và tàn ác. Ở Việt Nam cộng sản còn có những thuộc tính khác nữa. Tùy mọi người bổ sung thêm].
Trở lại tuyên thệ của ông Nguyễn Phú Trọng đảng trưởng, giờ đã thành Chủ tịch của nước CHXHCN ở Việt Nam. Có lẽ cũng như tôi, nhiều người thấy rằng không thể cùng một lúc lại có thể “trung thành” với cả hai cái, hai điều không tương xứng với nhau, thậm chí rất khác nhau, khác nhau, đối lập nhau như trời cao và vực thẳm. Tổ Quốc, đất nước, dân tộc, giống nòi, nguồn cội, tổ tiên, quê hương, con người, nhân dân Việt Nam, đó là tất cả những gì vô cùng cao quý, hết sức thiêng liêng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước thương nòi, đó là những gì mà ta không thể đánh đổi chúng cho bất cứ thứ gì, điều gì khác. Dù cho cơ thể, thân xác ta mất đi, tan nát vào đất, thành cát bụi, nhưng tất cả những điều ta có này vẫn luôn tồn tại, sẽ được truyền lại cho muôn đời và vĩnh viễn sống.
Nhưng đảng cộng sản là ai mà Hiến pháp nước CHXHCN ở Việt Nam, cụ thể là điều 4 Hiến pháp, đã đặt nó lên trên tất cả? Đảng chỉ có hơn 4 triệu người là đảng viên của đảng so với hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Vậy, đảng nhất định không thể là, không bao giờ là dân tộc, nhân dân Việt Nam. Mọi ý định đồng nhất đảng với dân tộc, với đất nước đều là sự điên rồ, xảo trá và độc ác. Đảng là tinh hoa, là tiêu biểu cho đạo đức, trí tuệ của dân tộc, giống nòi, nhân dân Việt Nam? Không, từ khi nắm-cướp được chính quyền của nhân dân, đảng đã biến bộ máy công quyền-chính quyền thành bộ máy quyền lực của riêng mình và dùng hệ thống này để cai trị nhân dân, thao túng toàn bộ đời sống xã hội. Đảng đã tạo nên sự sợ hãi trong nhân dân, trong xã hội để bảo vệ địa vị và thực hiện những lợi ích của riêng mình. Nhưng sự tuyên truyền dối trá đã cố tình che đậy sự thật này và thay vào đó, ép nhân dân và xã hội phải tin rằng đảng là “đạo đức”, là “sáng suốt”, “văn minh”, là đại diện cho giai cấp, dân tộc và toàn thể nhân dân. Đảng sẽ tiếp tục tồn tại?
Bao nhiêu năm nay ông Nguyễn Phú Trọng đã chọn đảng, chọn Hiến pháp nước CHXHCN ở Việt Nam. Ông đã từng tuyên bố: “Mất đảng, mất chế độ chúng ta mất tất cả”. Dường như tuyên bố của ông có cội nguồn-tiền thân là lời của nguyên TBT Nguyễn Văn Linh: “Biết rằng đi với Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng đi với Mỹ thì mất đảng. Vậy thà mất nước còn hơn mất đảng”? Rõ ràng với những tuyên bố-lựa chọn như thế, Tổ Quốc, dân tộc, nhân dân Việt Nam chẳng là gì hết. Có cần phải chứng minh không? Có, xin được chứng minh bằng vài sự thật sinh động và hùng hồn là ông Trọng, đảng ông, cả chế độ của ông, vì lựa chọn ấy đã bị chói mắt, hoàn toàn mù lòa, nên đã không thể nhìn thấy hàng ngàn người dân yêu nước đã nổi dậy biểu tình-đấu tranh vì môi trường, chống lại, đòi loại bỏ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, đặc biệt chống lại âm mưu, bước chân xâm lược của Tàu Cộng trong những ngày tháng 6 sục sôi vừa qua. Không những thế, các ông còn bắt bớ, đàn áp, giam cầm dã man, trái phép những người biểu tình-đấu tranh. Đặc biệt, cũng với sự mù lòa ấy các ông đã không thấy được dã tâm của kẻ thù xâm lược, cho nên có thể từ chỗ “ngây thơ” và lòng tham, các ông dần dần trở thành những kẻ, hơn thể trở thành một chế độ tiếp tay-bán nước từng phần cho Tàu Cộng. Cả một chế độ tiếp tay-bán nước! Thật là một điều chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Nhưng trên đây là sự “lựa chọn” khi ông Trọng còn là, chỉ là TBT đảng. Còn bây giờ ông vừa là đảng trưởng lại vừa là Chủ tịch nước CHXHCN ở Việt Nam. Ông có thể lựa chọn cả hai: Tổ Quốc, nhân dân và Hiến pháp? Không, ông chỉ có MỘT và chỉ MỘT mà thôi. Hoặc ông phải lựa chọn “trung thành” với Hiến pháp, nghĩa là trung thành với đảng cộng sản, với chế độ của ông, cũng có nghĩa là trung thành với những lợi ích ích kỷ, tanh tưởi của đảng, của chế độ này và xem đó là cái “nguyên tắc” cơ bản để tiếp tục đu dây trong mọi hoạt động xã hội, trong các quan hệ quốc tế, kể cả việc sẵn sàng bán đứng Tổ Quốc, dân tộc, nhân dân cho kẻ thù. Nhưng đây là sự lựa chọn của sự ô nhục và cái chết. Hoặc ông phải lựa chọn trung thành với Tổ Quốc và Nhân dân. Đây là lựa chọn của sự sống, là con đường sống. Bởi vì, chỉ có Tổ Quốc, dân tộc, giống nòi, nhân dân Việt Nam mới có thể sống, vĩnh viễn sống, còn đảng cộng sản ở Việt Nam có thể chết và chắc chắn sẽ chết.
Tuy nhiên, ông Trọng, đảng ông và chế độ của ông đừng nhầm lẫn rằng chính việc có địa vị mới đã đưa ông đến những sự lựa chọn, mà cần hiểu cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng, quyết liệt và khó lường (như chính ông cũng đã nói trong bài phát biểu nhậm chức) đã đặt ông lên địa vị với những lựa chọn ấy. Rất may cho ông về điều này. Ông có thể lựa chọn con đường sống cho ông và có thể cho cả đất nước, dân tộc, nhân dân? Tôi biết rõ, sau khi ông trở thành Chủ tịch nước CHXHCN ở Việt Nam, thậm chí trước đó, rất nhiều người chỉ muốn ông chết, tôi cũng muốn thế, vì tôi rất khinh ông, căm ghét ông. Nhưng nhiều khi thấy “thương” ông, cho nên tôi vẫn muốn ông sống. Tôi nói thật đấy.
Vả lại, trong phát biểu nhậm chức của mình, ông nói rằng ông tuổi cao, sức yếu, trình độ, năng lực có hạn, nhưng vì trách nhiệm đảng, nhà nước và nhân dân giao cho và vì vẫn được tín nhiệm, nên phải cố gắng làm, như thế, thực ra không phải ông khiêm nhường như bậc thánh Lão Tử (“công thành thì lui về”), mà trái lại rất kiêu căng, tự phụ. Hẳn ông muốn nói: trong số 4 triệu đảng viên, hàng trăm đại biểu quốc hội kia, chẳng còn ai có thể hơn ta, thay ta, chúng chỉ như những đống thân xác trần trụi không linh hồn mà thôi! Ông còn lẩy Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”. Nhưng nếu cùng ông đọc tiếp các câu sau đó: “Anh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”, sẽ thấy ông hoặc đúng là năng lực văn chương “rất có hạn”, vì cụ thể, phải hiểu chỉ có Thúy Kiều tài hoa mới có thể nói câu “phận mỏng cánh chuồn” được và nói với ai chứ, hoặc ông rất kiêu căng, nghĩ mình là đấng tài hoa! Vì thế, nghĩ về tình thế của ông hiện nay, tôi nghĩ đến câu: “Cờ đến tay ai người ấy phất!”.
Nhưng ông Trọng ạ! Như đã nói, Tổ Quốc, đất nước, dân tộc, giống nòi, nguồn cội, tổ tiên, quê hương, con người, nhân dân Việt Nam, đó là tất cả những gì vô cùng cao quý, hết sức thiêng liêng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước thương nòi. Chắc chắn đó không phải là cái ở trên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã từng “nhuộm” rất nhiều máu con dân Việt Nam, không ở hành vi trịnh trọng cúi đầu trước là cờ ấy, không ở hành vi đặt tay lên cuốn Hiến pháp (mà dưới nó còn cả một hệ thống luật pháp) không bao giờ là của nhân dân và ở việc giơ tay tuyên thệ trước các đại biểu quốc hội bù nhìn, trái lại, đó là tình cảm, ý chí, tinh thần, cả thân xác và hành vi được rèn dưỡng bền bỉ, chuyên cần và dạn dày không ngừng trong cuộc sống và đấu tranh vì đức tin, chính nghĩa, vì những giá trị chân-thiện-mỹ cao quý ở đời. Nhưng ở ông những điều thiêng liêng ấy đã nhường chỗ cho toàn bộ cuộc đời tư tưởng, lý luận giáo điều-đu dây. Vậy, có chăng ông có thể làm được một sự nghiệp KỲ NHÔNG?! Ông hãy cố nuốt giận thì may ra còn cơ hội.
Theo Danlambao

Bài Khác