HRW kêu gọi Việt Nam hủy bỏ án tù nặng nề đối với nhà hoạt động

 

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc phản đối bạo lực và sách nhiễu người dân của chính quyền Việt Nam. (Photo by HRW © Private 2015)
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc phản đối bạo lực và sách nhiễu người dân của chính quyền Việt Nam.
(Photo by HRW © Private 2015)

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 12/9 kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bản án đối với nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Túc và lập tức phóng thích ông vô điều kiện.

Human Rights Watch cho rằng bản án dành cho ông Túc mang động cơ chính trị. Tòa phúc thẩm sẽ mở phiên xét xử nhà hoạt động này tại tỉnh Thái Bình vào ngày 14/9.

“Nguyễn Văn Túc là một nạn nhân của chính sách gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong một thông cáo của HRW ra hôm 12/9. “Án tù nặng nề mà Nguyễn Văn Túc và các bạn của ông trong Hội Anh em Dân chủ phải đối mặt, chỉ có mục đích đe dọa các nhà hoạt động khác đừng đi theo bước chân của những người này.”

Vợ ông Túc, bà Bùi Thị Rề, đã thông báo về tình trạng sức khỏe tồi tệ của chồng bà, nói rằng ông mắc phải nhiều chứng bệnh kể cả tim mạch, viêm giác mạc, theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York.

Ông Túc bị bắt vào tháng 9/2017 vì tham gia Hội Anh em Dân chủ, một nhóm tranh đấu để cổ vũ cho dân chủ, ông bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự 1999. Tháng Tư năm nay, trong một phiên xử chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết luận ông có tội và áp mức án 13 năm tù giam cộng với năm năm quản chế.

Báo Nhân dân lúc đó tố cáo ông tham gia một “tổ chức phản động, hoạt động trái pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị.”

Theo HRW, ông Túc bắt đầu vận động chống tham nhũng và trưng thu đất đai từ đầu thập niên 2000 ở quê ông, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sau đó ông gia nhập Khối 8406, một nhóm vận động cho hệ thống chính trị đa nguyên, cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, được thành lập vào ngày mồng 8/4/2006. Ông đăng nhiều bài viết tố cáo chính quyền các cấp là tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

HRW trích một đoạn ông Túc viết: “Tôi một dân oan vốn ít được học chữ, nhưng tấm lòng thương đồng loại, đau trên nỗi đau của dân tộc buộc tôi phải dũng cảm lên tiếng đấu tranh chống lại những bất công của xã hội. Dù có phải hy sinh để đồng loại sống hạnh phúc, đất nước có tự do dân chủ, xã hội tốt đẹp hơn tôi cũng xin làm, không hề ân hận hối tiếc điều gì.”

Nhà hoạt động 54 tuổi từng bị công an bắt vào năm 2008 và sau đó bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật hình sự. Tháng 10/2009, ông bị kết án bốn năm tù giam.

Sau khi ra tù vào tháng 9/2012, ông Túc lập tức nối lại việc vận động cho nhân quyền và dân chủ. Theo HRW, ông Túc tham gia Hội Anh em Dân chủ, do nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động bạn bè của ông thành lập từ tháng 4/2013, nhằm “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.”

Báo An ninh Thủ Đô gọi “Hội anh em dân chủ” là hội hoạt động trái pháp luật có mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi thể chế chính trị xã hội hiện tại của Việt Nam bằng thể chế chính trị xã hội khác, “đe dọa sự tồn vong của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự tồn tại vững mạnh của chính quyền nhân dân”.

Việt Nam mới kết án nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng 20 năm tù vào tháng Tám vừa qua và Mục sư Đinh Diêm 16 năm tù hồi tháng Bảy. Ngày 12/9, nhà hoạt động vì quyền con người Nguyễn Trung Trực bị kết án 12 năm tù giam.

“Chính quyền Việt Nam cần lắng nghe người dân thay vì nạt nộ và dập tắt tiếng nói của họ,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần chấm dứt thái độ phớt lờ tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống của Việt Nam, và đưa nhân quyền trở thành một phần hữu cơ trong mọi cuộc đối thoại và giao dịch với chính quyền hà khắc này.”

Phó chủ tịch Hà Nội ‘kính cẩn’ thăm ‘nạn nhân’ sốc ma túy

Ông Ngô Văn Quý (đứng giữa), phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, thăm “nạn nhân” vụ sốc ma túy tại bệnh viện Bạch Mai. (Hình: InfoNet)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội tràn ngập lời đàm tiếu và chỉ trích ông Ngô Văn Quý, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, sau khi ông này đi thăm “nạn nhân” của vụ sốc ma túy tại bệnh viện Bạch Mai.

Trước đó, công luận rúng động về vụ bảy thanh niên từ 18 đến 29 tuổi, chết do bị “sốc thuốc” khi đến dự “lễ hội âm nhạc” tổ chức ở công viên nước Hồ Tây, thành phố Hà Nội, đêm 16 Tháng Chín, 2018.

Điều khiến dư luận hoang mang là ông Quý lại dẫn một bộ sậu đi thăm và tặng tiền cho những “nạn nhân” mà công an, y tế ở Hà Nội xác định “đều dương tính với ma túy.” Hình ảnh còn cho thấy ông Quý đứng chắp tay bên giường bệnh với vẻ “kính cẩn.”

Báo InfoNet hôm 19 Tháng Chín trích lời ông Quý: “Lãnh đạo Hà Nội đã đến thăm động viên các bác sĩ để làm sao cứu chữa giảm thiểu tối đa các ca tử vong mà các cháu ở đây tuổi còn rất trẻ. Còn nguyên nhân đã đến vụ việc và trách nhiệm đến đâu thì sau khi công an làm rõ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.”

Trước đó, báo này dẫn bình luận của “đại biểu Quốc Hội” Lưu Bình Nhưỡng về chuyến thăm của ông Quý: “Đã là người lãnh đạo thì người ta phải biết điểm nào là điểm quan tâm, cần ưu tiên. Tất cả chúng ta đều có những hoạt động như thế (thăm hỏi, chia sẻ), trong chính sách cũng có khái niệm ưu tiên, ưu đãi… Mình cũng phải có những điểm ưu tiên. Vấn đề là phải hết sức cân nhắc. Tôi cho rằng đây là một trong những sai lầm của quản lý.”

Trên mạng xã hội, nhiều blogger đưa suy đoán có thể trong số các “nạn nhân” có con của quan chức nên ông Quý mới phải đi thăm và thể hiện sự “kính cẩn” quá mức cần thiết.

Điều khiến dư luận càng bất bình là cùng thời điểm với vụ chết người vì “sốc thuốc” là vụ cháy gần bệnh viện Nhi Trung Ương thiêu rụi hàng chục căn nhà nhưng người ta không thấy lãnh đạo Hà Nội mau mắn đến thăm.

Bác Sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn, bình luận trên trang cá nhân: “Câu chuyện ông phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đi thăm và tặng phong bì cho mấy cháu chơi ma túy phải cấp cứu, phản ánh rất rõ trình độ nhận thức chính trị xã hội của các cán bộ cao cấp của chính quyền hiện nay. Với đội ngũ ấy thì bao giờ chúng ta mới sánh vai với các cường quốc năm châu? Hay cứ phải chấp nhận thân phận làm lao động chân tay thuê, làm gái mua vui cho cả cường quốc lẫn nhược quốc?”

Hồi cuối năm 2014, ông Ngô Văn Quý, khi đó còn làm giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Hà Nội được báo InfoNet ghi nhận “có số phiếu tín nhiệm thấp nhất” trong đợt lấy phiếu tín nhiệm giới chức Hà Nội ở thời điểm đó.

Cũng cần nói thêm là “lễ hội âm nhạc” đêm 16 Tháng Chín được báo Zing dẫn lời nhân chứng kể rằng có bày bán công khai “bóng cười” ngay cạnh sân khấu. “Bóng cười” là chất gây nghiện thuộc nhóm tạo ảo giác khiến người dùng có thể bị nghiện.

Công an CSVN thống kê có khoảng 220,000 người nghiện ma túy tại Việt Nam với khoảng 1,600 người chết mỗi năm vì “sốc thuốc.” Chơi heroin và ma túy tổng hợp methamphetamine là các loại phổ biến. Tin tức nói rằng số người chơi ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Hàng chục cơ sở cai nghiện được dựng lên trên cả nước để nhốt các con nghiện qua các chương trình cai nghiện lao động cưỡng bách.

Con nghiện nhiều nơi từng nổi loạn và phá trại bỏ chạy vì bị đối xử khắc nghiệt. (T.K.)

 

Related posts