Sổ Tay K‎ý Thiệt kỳ 470 (Đời Nay ra ngày 20.8.2021)


 Mặc niệm Afghanistan

Hoa Kỳ đang “tháo chạy” khỏi Afghanistan. Theo ước định mới đây của giới tình báo Mỹ, toàn thể lãnh thổ Afghanistan, kể cả thủ đô Kabul, sẽ rơi vào tay phiến quân Hồi Giáo cực đoan Taliban trong vòng 90 ngày. Lực lượng Taliban hiện đã kiểm soát khoảng hai phần ba lãnh thổ nước này.
Tốc độ tiến quân của Taliban tiếp tục đánh chiếm thủ phủ của các tỉnh khiến người ta phải nêu câu hỏi liệu chính quyền tại Kabul còn kiểm soát được miền quê bao lâu nữa.Tổng thống Joe Biden vừa tuyên bố bảo vệ quyết định của ông rút những người lính Mỹ cuối cùng ra khỏi cuộc chiến tranh dài nhất của đất nước. Ông nói người Afghanistan bây giờ phải “chiến đấu cho đất nước của họ” nếu họ muốn chặn đứng cuộc tiến quân của Taliban. Nhưng Quân đội Afghanistan đã chứng tỏ không sẵn sàng chiến đấu mà không có sự trợ lực của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh.
Trong khi đó các giới chức Bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Mỹ đã không bỏ rơi những người đồng minh Afghanistan của mình và không bình luận về tin nói rằng tình đã suy đồi tới mức bắt buộc phải tổ chức một cuộc di tản Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Kabul.Trước viễn ảnh một cuộc “tháo chạy” như đã diễn ra tại Sài-Gòn trong những ngày cuối tháng tư năm 1975, nhiều người đã nói tới kinh nghiệm cay đắng của nước Mỹ, khi – theo quan điểm của họ – những người lãnh đạo nước nước Mỹ đã đem quân vào lâm chiến ở những nơi xa lạ mà không có lý do chính đáng và bị sa lầy vì đã không có hiểu biết gì về đất nước và con người những nơi ấy.
Gần đây nhất, tờ The New Yorker ngày 12 tháng 8 có đăng một bài về vụ này, trong đó có trích dẫn lời của Tổng thống Biden như sau: “Tôi không hối tiếc về quyết định của tôi. Chúng ta đã tiêu hơn một ngàn tỉ đô-la trong suốt 20 năm. Chúng ta đã huấn luyện và trang bị những khí cụ hiện đại cho hơn 300 ngàn quân lính Afghanistan. Và các nhà lãnh đạo Afghanistan phải ngồi lại với nhau. Chúng ta đã mất hàng ngàn binh sĩ, chết và bị thương, hàng ngàn nhân sự Mỹ. Họ phải tự chiến đấu cho chính họ, chiến đấu cho đất nước của họ. Đây không phải thảm kịch của chúng ta.”……Không có gì là đáng ngạc nhiên, dù có lời bình luận phiền hà của ông Biden mới tháng trước đây rằng không có nhiều khả năng quân Taliban sẽ sớm “tràn ngập tất cả mọi thứ và làm chủ toàn thể quốc gia đó.” Các viên chức cao cấp Hoa Kỳ thì đã biết chuyện gì đang tới, dù rằng họ hy vọng điều tốt đẹp hơn, hay ít nhất có thêm thì giờ cho đến khi quân Taliban tổng tấn công,  giống như khoảng thời gian im ắng vừa phải mà Richard Nixon đã mưu tìm giữa cuộc rút quân (tháo chạy) của chính ông ta ra khỏi Việt Nam và chiến thắng không thể tránh khỏi của miền Bắc (CS) đối với miền Nam (VNCH). (ngưng trích)
Có lẽ cuộc tiến chiếm thần tốc của phiến quân Taliban trong những ngày vừa qua đã làm ông Biden tỉnh mộng và không còn tin vào “lòng tốt” của phiến quân Hồi Giáo Taliban để yên cho ông ta rút quân êm thắm ra khỏi Afghanistan, vì vậy nên TT Biden đã vừa công bố quyết định điều động thêm quân Mỹ tới Afghanistan để bảo đảm các nhân sự Hoa Kỳ có thể được di tản một cách an toàn. Ông Biden nói trong một bản tuyên bố được phổ biến cho báo chí ngày 14 tháng 8 vùa qua như sau:“Dựa trên những khuyến cáo của các ban đặc trách về ngoại giao, quân sự, và tình báo, tôi đã cho quyền điều động khoảng 5 ngàn quân nhân Mỹ để bảo đảm chúng ta có thể triệt thoái một cách trật tự và an toàn nhân sự Hoa Kỳ và nhân sự đồng minh khác và một cuộc di tản trật tự và an toàn những người Afghanistan đã giúp quân đội chúng ta và những người có nguy hiểm đặc biệt từ cuộc tiến quân của Taliban.”
Tổng thống Biden cũng nói: “Tôi là tổng thống thứ tư trong khi có quân đội Mỹ hiện diện tại Afghanistan – hai Cộng Hòa, hai Dân Chủ. Tôi không muốn, và sẽ không bàn giao cuộc chiến tranh này cho người thứ năm.” Và, ông Biden đã chọn ngày 11 tháng 9 tới đây là thời điểm để rút tất cả quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan, đúng 20 năm sau khi quân khủng bố Al-Qaeda do Osama bin Laden cầm đầu tấn công nước Mỹ một trận “long trời lở đất” và Tổng thống George W. Bush vừa mới nhậm chức được vài tháng đã phải đưa quân tấn công vào sào huyệt của Al Qaeda nằm trong đất Afghanistan với sự che chở của phiến quân Taliban mà tình báo Mỹ đã biết từ lâu.

Khi ấy chắc TT Bush không nghĩ rằng ông đã mở màn một cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, dài gấp đôi cuộc “cuộc chiến tranh dài nhất” tại Việt Nam với 10 năm (1965-1975), mà cho đến nay vẫn chưa rút ra được. Bất cứ ai với tư cách tổng thống Mỹ khi ấy cũng không thể có chọn lựa nào khác hơn.
Trước khi mở cuộc tấn công thẳng vào siêu cường Hoa Kỳ giữa thanh thiên bạch nhật ngày 11.9.2001, Osama bin Laden đã là mục tiêu săn đuổi của an ninh Mỹ từ năm 1998 và treo giá với 5 triệu đô-la. Hắn bị cáo buộc là kẻ chủ mưu vụ đánh bom Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Kenya và Tanzania khiến 224 người thiệt mạng và 4 ngàn người bị thương. Bin Laden cũng bị nghi ngờ liên quan tới vụ đặt bom ở Riyadh năm 1995 và Khobar năm 1996 làm 24 lính Mỹ thiệt mạng. Hắn cũng bị tình nghi nhúng tay vào vụ phá hoại khu trục hạm USS Cole ở hải cảng Yemen năm 2000.
Tổng thống Mỹ khi ấy là Bill Clinton đã không nghe đề nghị của tình báo Mỹ đột kích vào sào huyệt của Al Qaeda nằm trong đất Afghanistan, để sau đó rời Tòa Bạch Ốc ra đi thơ thới bình an sau hai nhiệm kỳ tổng thống, nhường lại… vinh dự ấy cho người kế nhiệm! Ông Clinton “khôn”, hay tại “số” ông Bush vất vả?
Trong khi mở chồng báo cũ để tìm thêm tài liệu viết bài cho mục này lại gặp ngay một bài của chính mình viết về ngày 11.9.2001 đăng trong Tạp chí Thế Giới Ngày Nay số 168 năm 2001, xin trích đăng một đoạn  để nhắc lại nguyên nhân đã đưa đến cuộc chiến tranh tại Afghanistan (được đặt tên là “Operation Enduring Freedom”), bắt đầu vào ngày 7.10.2001 và kéo dài tới ngày nay làm Mỹ phải chi tới một ngàn tỉ đô-la và hơn hai ngàn quân nhân tử trận cộng với gần hai ngàn dân sự, nhà thầu, mà TT Biden nói: “Đây không phải thảm kịch của chúng ta.”
Và dưới đây là trích đoạn bài báo cũ:“Sáng ngày 11.9.2001, đang làm việc tại một văn phòng của CACI thống thuộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ trên lầu 4 của một cao ốc ở trung tâm Washington D.C., tôi nghe một số nhân viên xôn xao bàn tán về một vụ khủng bố lớn vừa xảy ra tại  New York và đâu đó nữa.
Tôi định vào Internet để biết tin tức thì nhận được e-mail của Sở yêu cầu tham dự một cuộc họp khẩn cấp vào hồi 10 giờ 30. Tại cuộc họp này, nhân viên được thông báo tất cả mọi cơ sở thuộc chính quyền liên bang sẽ đóng cửa ngay và yêu cầu mọi người ra về như một biện pháp để tránh thiệt hại nhân mạng do một cuộc tấn công khác nữa.
Ở bên ngoài, tất cả mọi con đường trong thủ đô Washington đều đầy nghẹt xe, chen nhau nhích từng phân chứ không phải từng thước, vì tất cả nhân viên công tư sở đều ra về một lượt, cộng thêm vào đó là xe buýt và metro (xe điện hầm) cũng ngưng hoạt động.
Khói đen bốc lên cao ở phía bên kia bờ sông Potomac, phía Ngũ Giác Đài (tức Pentagon, Bộ Quốc Phòng). Hoa Kỳ không còn là nơi an toàn nữa. Đòi sống yên bình của người dân Mỹ từ ngày lập quốc đã bị đảo lộn trong giây phút.
Mọi người ngoài đường phố có vẻ bình tĩnh nhưng không giấu được nét ưu tư trên từng khuôn mặt. Có lẽ họ đã cảm nhận được rằng đời sống tự do và an bình của họ đang bị thách thức trầm trọng. Từ nay họ có thể trở thành nạn nhân của một cuộc khủng bố xảy ra bất cứ tại đâu, bất cứ lúc nào.
Tường thuật những gì đã xảy ra vào ngày 11.9.2001 đen tối, một số báo Mỹ đã chạy trên trang nhất chữ “INFAMI” (Ô NHỤC) thật lớn.
Vụ tấn công đánh trộm bất ngờ này được so sánh với vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, nhưng đau hơn cho Mỹ vì đã xảy ra ngay rên nội địa nước Mỹ và nhắm vào những nơi tượng trưng cho đầu não của siêu cường Hoa Kỳ về quân sự (Pentagon) và về kinh tế (Trung tâm mậu dịch thế giới). Tổn thất về nhân mạng cũng có thể lên cao hơn vụ Trân Châu Cảng nhiều.
Vụ tấn công này cũng có tác dụng làm dân Mỹ nổi giận và kích thích lòng ái quốc của người Mỹ và giúp chính quyền Bush động viên toàn lực để chống lại kẻ thù hèn nhát. Nhưng, có một khác biệt lớn giữa hai biến cố là trong vụ Trân Châu Cảng, Mỹ có mục tiêu rõ rệt và có kẻ thù trước mắt để tuyên chiến, đánh trả. Trong vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, kẻ thù của Mỹ là những kẻ vô danh, ẩn mặt. Chúng chỉ dùng một tài nguyên rất nhỏ và vài tên cuồng tín cảm tử là có thể gây tổn thất cực lớn cho Mỹ.
Phản ứng nói chung của nước Mỹ là “biến đau thương thành thù hận, và biến thù hận thành sức mạnh’, đoàn kết với nhau sau lưng Tỏng thống Bush để trả thù, trừng trị tận hang ổ thủ phạm.
Trong thông điệp gửi quốc dân tối 11.9.2001, ông Bush cho biết sẽ không phân biệt kẻ khủng bố và những kẻ chứa chấp bọn khủng bố. Trong lần nói chuyện với dân Mỹ sáng ngày 12.9.2001, ông Bush khẳng định hành động tấn công vào nước Mỹ ngày 11 tháng 9 là “chiến tranh” chứ không phải chỉ là khủng bố thường, và là tấn công vào lý tưởng tự do, dân chủ trên thế giới, và loan báo sẽ xin Quốc Hội thông qua một ngân khoản đặc biệt khẩn cấp để đối phó với những hậu quả do vụ tấn công gây ra và để truy lùng, trừng trị những thủ phạm của vụ này.
Có phần chắc Quốc Hội Mỹ sẽ nhanh chóng chấp thuận ngân khoản khẩn cấp cho hành pháp, vì các dân biểu và nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ tinh thần đoàn kết hiếm có vào tối 11 tháng 9 khi tuyên bố đứng sau lưng Tổng thống Bush, không kể thuộc đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, và đã nắm tay nhau cùng hát vang bài “God Bless America” rất cảm động.” (ngưng trích)
Một hình ảnh cao đẹp chưa từng thấy trên chính trường nước Mỹ!
Và, dưới đây là trích đoạn một phần từ bài của cụ VIP KK Nguyễn Văn Chức đăng trong mục “Mây Tần” Tạp chí Thế Giới Ngày Nay số 169 năm 2001:
“… Ngay sau khi Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố sẽ trừng phạt quân khủng bố, đồng thời trả thù cho hàng ngàn nạn nhân vô tội trong thảm kịch 11.9.2001 – cũng như để trả thù cho cái nhục của cả nước Mỹ – một vài nhóm người Mỹ đã xuống đường lên án hành động của TT Bush. Họ kêu gọi tha thứ, kêu gọi công bằng bác ái.
Có ông mục sư ngứa miệng, lên tiếng than rằng: nước Mỹ đã bị Chúa phạt vì ăn ở tội lỗi dơ dáy, bất nhân thất đức. Lập tức, những người này đã bị cả nước lên án, và chửi như tát nước vào mặt. Bọn xuống đường im thin thít, không dám ho he. Ông mục sư cũng im thin thít, không dám ho he. Chẳng những vậy, ông mục sư còn lên đài truyền hình ABC, đấm ngực thùm thụp, xin lỗi dân Mỹ vì đã trót ăn nói thối mồm.
Lịch sử trở vềNhư một sự tình cờ của lịch sử, những vụ xuống đường tại Mỹ những năm 1968, 1969, 1970 cho hòa bình miền Nam Việt Nam lai được nhắc tới:
The blood of hundred of thousands of Vietnamese and ten of thousand of Americans is on the hands of anti-war activists who prolonged the war and gave the victory to the communists.”
Tạm hiểu là: “Máu của hàng trăm ngàn người Việt Nam và máu của hàng vạn người Mỹ nằm trong tay những bọn phản chiến (tại Mỹ). Chính bọn này đã kéo dài cuộc chiến và đem chiến thắng cho cộng sản.”
Trên đây là lời của ông David Horowitz, một trong những anh hùng ngày xưa từng xuống đường hò hét lên án Miền Nam về cuộc chiến tranh và đòi quân đội Miền Nam phải buông súng. Bây giờ ông là chủ tịch một tổ chức nghiên cứu văn hóa bình dân tại Los Angeles, đồng thời là chủ nhiệm chủ bút của mạng lưới Frontpagemagazine.comSau thảm kịch Nữu Ước tháng 9 vừa qua, ông đã lên tiếng tạ tội. Theo ông, Việt Cộng đã chiến thắng tại Miền Nam không phải do sức mạnh của họ, mà là nhờ những cuộc xuống đường phản chiến tại Mỹ. Bài viết của ông đã được đăng trên hầu hết những tờ báo lớn của Mỹ, hai tuần lễ sau thảm kịch Nữu Ước. Bài viết ấy nhan đề: “To anti-war protesters: Do as I say, not as I did.”

Hỡi nước Mỹ hào hùng và nhân đạo, thảm kịch Nữu Ước 11 tháng 9 là hồi chuông báo tử? Hồi chuông báo tử cho ai?  Xin thưa, hồi chuông báo tử cho lương tri và trí tuệ của nước Mỹ, hỡi nước Mỹ hào hùng và nhân đạo.“For Whom The Bell Tolls? It tolls for Thee.” (ngưng trích)

Đang viết bài này tới đây thì có tin phiến quân Taliban đã tràn ngập thủ đô Kabul và tiến vào dinh tổng thống, tuyên bố toàn thắng sau khi Tổng thống Ashraf Ghani đã thoát thân ra khỏi nước.
Giống hay không giống cảnh Mỹ “tháo chạy” khỏi Sài-Gòn năm 1975?
Ngày 8 tháng 7, Tổng thống Joe Biden tuyên bố nguyên văn như sau: “The Taliban is not the south— the North Vietnamese army. They’re not remotely comparable in terms of capability. There’s going to be no circumstance where you see people being lifted off the roof of a embassy of the United States from Afghanistan. It is not at all comparable.”

Bây giờ, với những hình ảnh các phi cơ trực thăng di tản người Mỹ khẩn cấp từ Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Kabul hôm chủ nhật 15 tháng 8, ông Biden đổ lỗi cho cựu Tổng thống Trump: “When I came to office, I inherited a deal cut by my predecessor—which he invited the Taliban to discuss at Camp David on the eve of 9/11 of 2019—that left the Taliban in the strongest position militarily since 2001 and imposed a May 1, 2021 deadline on U.S. Forces. Shortly before he left office, he also drew U.S. Forces down to a bare minimum of 2,500.”
Trong một bài viết tựa đề “Who’s to blame for our defeat in Afghanistan?” đăng trên tờ Washington Times ngày 16.8.2021, tác giả Jed Babbin (phụ tá thứ trưởng Bộ Quốc Phòng thời TT Bush cha) đã phân tích những sai lầm của những cấp lãnh đạo Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan để cuối cùng kết luận:
“Nhiều bài học nên được rút tỉa từ sự bại trận của chúng ta tại Afghanistan, nhưng để việc đó cho một ngày khác. Trước hết chúng ta phải tự hỏi nước Mỹ, ở vào thời điểm này trong lịch sử, có khả năng chính trị để đánh thắng bất cứ cuộc chiến tranh nào hay không.”
“Đây không phải thảm kịch của chúng ta?” K‎ý Thiệt   

Taliban-terrorists-700x420.jpg

           Phiến quân Taliban trong dinh tổng thống ngày 15.8.2021

Ghani-1200x854.jpg

                                 Tổng thống Ashraf Ghani đã thoát thân

Bài Khác