THẾ GIỚI 7 NGÀY

Dân Pakistan đổ xô đi tiêm chủng trước các chế tài mạnh tay

06/08/2021


Tiêm vaccine COVID-19 tại Karachi, Pakistan.
Tiêm vaccine COVID-19 tại Karachi, Pakistan.

Hàng chục ngàn người Pakistan hàng ngày đổ xô đến các trung tâm chủng ngừa COVID sau khi các giới chức loan báo lệnh phạt đối với những ai không tiêm chủng, bao gồm chặn SIM điện thoại di động, cấm tới các văn phòng, tiệm ăn, thương xá và cấm sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Tuần này, một số nơi tiêm chủng có nhiều người xếp hàng dài cả cây số, trước những biện pháp được đưa ra nhằm cản đà lây lan của biến thể Delta.

Trong số 220 triệu dân của nước này, chỉ có 6,7 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, theo Trung tâm Vận hành và Chỉ huy Quốc gia, một cơ quan do quân đội điều hành giám sát các hoạt động về COVID-19.

Chính quyền liên bang Pakistan cuối tháng rồi loan báo mọi người sẽ không được tới các văn phòng công cộng, trường học, tiệm ăn, phương tiện vận chuyển công cộng, thương xá cũng như không được đi máy bay nếu không có chứng chỉ tiêm chủng.

Chính quyền địa phương tại tỉnh Sindh ở miền nam còn cảnh cáo sẽ giữ lương của công chức và khoá thẻ SIM điện thoại của mọi người trừ phi họ có chứng chỉ tiêm chủng.

Pakistan ngày 5/8 báo cáo có thêm 60 ca tử vong và 5.661 ca nhiễm, số người nhiễm nhiều nhất trong một ngày trong hơn 3 tháng qua.

Khoảng 70% số ca mới là do biến thể Delta và hơn 4.000 người trong tình trạng nguy kịch, các giới chức cho hay.

Từ đầu dịch tới nay, Pakistan có hơn 1 triệu ca nhiễm và khoảng 23.600 ca tử vong vì COVID.

Indonesia: Tử vong COVID cao gấp 3 lần nơi những người chưa tiêm chủng

06/08/2021


Cảnh sát Indonesia canh gác lối vào một bãi biển bị phong tỏa tại Bali.
Cảnh sát Indonesia canh gác lối vào một bãi biển bị phong tỏa tại Bali.

Tỉ lệ tử vong vì COVID tại thủ đô Jakarta (Indonesia) trong số những người chưa tiêm chủng cao hơn những người đã tiêm chủng gấp ba lần, theo dữ liệu mới của Bộ Y tế.

Tỉ lệ tử vong của những người chưa tiêm chủng là 15,5% so với 4,1% nơi những người đã tiêm chủng hai liều vaccine của Sinovac hay AstraZeneca, theo dữ liệu của các bệnh viện nhà nước và gần 68.000 bệnh nhân tại Jakarta từ tháng 5 cho đến tháng 7.

Quốc gia Đông Nam Á này những tháng gần đây bị choáng ngợp bởi các ca virus corona gia tăng nhanh chóng, và hôm 4/8 đã vượt qua cột mốc ảm đạm khi ghi nhận tổng cộng hơn 100.000 người chết vì COVID-19.

Tại Indonesia, 18% dân số đã tiêm một liều vaccine, trong khi 8% được tiêm chủng hoàn toàn, theo Bộ Y tế. Indonesia có 100.600 người chết vì COVID.

Chật vật với biến thể Delta lây nhiễm cao phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, Indonesia đã nhanh chóng trở thành tâm dịch tại châu Á với hơn 3,5 triệu ca nhiễm từ khi đại dịch bắt đầu.

Biến chủng Delta thách thức chiến lược phong tỏa tốn kém của Trung Quốc

05/08/2021


Một cuộc xét nghiệm hàng loạt ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, 3/8/2021.
Một cuộc xét nghiệm hàng loạt ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, 3/8/2021.

Biến chủng Delta của virus corona đang thách thức chiến lược cô lập các thành phố đầy tốn kém của Trung Quốc, làm dấy lên lời cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần có một cách tiếp cận khác, ít gây ra gián đoạn hơn.

Khi biến chủng mới rất dễ lây lan gây ra một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng ở Vũ Hán, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang áp dụng lại các chiến thuật đã từng làm đóng cửa Trung Quốc: Việc ra vào thành phố 1,5 triệu dân bị chặn lại, các chuyến bay bị hủy và có lệnh xét nghiệm hàng loạt ở một số khu vực.

Chiến lược “không khoan nhượng” đó đã giúp Trung Quốc hầu như không có virus lây lan trong thời gian qua. Nhưng tác động của nó đến công ăn việc làm và đời sống của hàng triệu người đang làm dấy lên lời cảnh báo rằng Trung Quốc cần học cách kiểm soát virus mà không phải đóng cửa nền kinh tế và xã hội lặp đi lặp lại.

Zhang Wenhong, một bác sĩ ở Thượng Hải trở nên nổi tiếng trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, viết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng chiến lược của Trung Quốc có thể thay đổi.

Zhang, được 3 triệu người theo dõi trên mạng Sina Weibo có nhiều người sử dụng, cũng viết rằng “Thế giới cần học cách chung sống với loại virus này”.

Các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc sẽ được sát hạch khi hàng nghìn vận động viên, phóng viên và những người khác đến tham gia Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Và đảng cộng sản cầm quyền sẽ có thay đổi về các nhân vật lãnh đạo, một sự kiện nhạy cảm về mặt chính trị vào cuối năm 2022, mà để chuẩn bị cho sự kiện đó, các nhà lãnh đạo muốn có tình hình kinh tế tốt đẹp.

Xi Chen, một nhà kinh tế học y tế tại Trường Y tế Công Yale, cho rằng Trung Quốc cần phải chuyển sang chiến thuật mới là ngăn lây nhiễm trong các cộng đồng bằng cách đẩy mạnh tiêm chủng và điều trị nhanh chóng những người bị nhiễm bệnh trong khi vẫn cho phép hoạt động kinh doanh và du lịch được diễn ra. Ông cho rằng Trung Quốc cần tiếp cận với tất cả các loại vắc-xin, bao gồm cho phép tiêm cả vắc-xin do BioNTech của Đức phát triển.

Ông Chen nói: “Tôi nghĩ rằng chính sách ‘không khoan nhượng’ không thể bền vững được. Ngay cả khi người ta có thể đóng cửa tất cả các khu vực ở Trung Quốc, vẫn có thể có người chết, và còn có nhiều người hơn có thể bị chết vì đói hoặc mất việc làm”.

Nhưng Bắc Kinh không tỏ ra là họ có dấu hiệu từ bỏ chiến thuật của mình.

He Qinghua, một quan chức của Cục Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia, nói tại một cuộc họp báo hôm 31/7 rằng việc kiểm soát bệnh dịch thậm chí phải thực hiện “nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, nghiêm ngặt hơn, rộng hơn và sẵn sàng hơn”.

Trung Quốc chính thức ghi nhận 4.636 ca tử vong trong tổng số khoảng 93.000 ca nhiễm.

Nhà kinh tế học Chen cho biết Trung Quốc cần học cách “cho phép virus tồn tại” ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao và có hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn. Ông đề cập đến thực tế là một số khu vực của Trung Quốc đã tiêm phòng cho ít nhất 80% người lớn.

Ông Chen nói: “Tôi nghĩ họ không nhắm mắt làm ngơ về điều này. Hẳn là giờ họ cũng đang nghĩ về việc này rồi”.

Bài Khác