TIN THẾ GIỚI

Cuba bị Mỹ tăng cường chế tài vì đàn áp biểu tình


Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp với lãnh đạo người Mỹ gốc Cuba tại Toà Bạch Ốc chiều ngày 30/7/2021.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp với lãnh đạo người Mỹ gốc Cuba tại Toà Bạch Ốc chiều ngày 30/7/2021.

Mỹ ngày 30/7 ban hành thêm chế tài lên hai lãnh đạo cảnh sát Cuba và lực lượng cảnh sát nước này, đáp trả việc chính phủ Havana đàn áp người biểu tình.

Bộ Ngân khố Mỹ cho biết các chế tài lần này là phản ứng đối với “những hành động đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa vì dân chủ tại Cuba bắt đầu hôm 11/7.”

Mục tiêu của các chế tài là hai lãnh đạo lực lượng cảnh sát Cuba cũng như lực lượng cảnh sát quốc gia thuộc bộ nội vụ Cuba.

Chiều ngày 30/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp các lãnh đạo người Mỹ gốc Cuba tại Toà Bạch Ốc trong lúc cộng đồng Cuba tại Mỹ kêu gọi tăng cường ủng hộ các cuộc biểu tình tại Cuba vốn đại diện cho phong tào dân túy lớn nhất chống lại chính phủ Havana trong nhiều thập niên nay.

Những cuộc biểu tình bùng phát trong tháng này giữa cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Cuba kể từ khi đồng minh cựu Xô Viết sụp đổ và giữa dịch COVID tăng mạnh. Hàng ngàn người đổ ra đường, bất bình vì khan hiếm hàng hóa căn bản, vì sự ngăn chặn tự do dân sự và vì cách thức nhà cầm quyền đối phó với đại dịch.

Tuần trước, Bộ Ngân khố Mỹ loan báo chế tài Bộ trưởng Quốc phòng Cuba và một đơn vị lực lượng đặc biệt của Bộ Nội vụ Cuba với cáo buộc vi phạm nhân quyền trong việc đàn áp những cuộc biểu tình chống chính phủ trong tháng này.

CDC: Cuộc chiến COVID đã thay đổi, cần đáp ứng mới với biến thể Delta


Một phụ nữ mang khẩu trang tại New York theo khuyến cáo mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ vì biến thể Delta lây lan mạnh.
Một phụ nữ mang khẩu trang tại New York theo khuyến cáo mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ vì biến thể Delta lây lan mạnh.

Cuộc chiến chống COVID đã thay đổi vì biến thể Delta lây nhiễm cao, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tuyên bố và đưa ra một thông điệp rõ ràng, bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên y tế và yêu cầu trở lại mang khẩu trang.

Một tài liệu nội bộ của CDC nói biến thể Delta, vốn phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ và hiện chế ngự trên toàn thế giới, lây như bệnh trái rạ và lây hơn nhiều so với bệnh cảm thông thường hay bệnh cúm. Bệnh có thể được lây lan bởi cả những người đã được tiêm chủng và có thể gây bệnh nặng hơn so với các chủng virus corona trước đây.

Tài liệu nhan đề “Cải thiện thông tin xung quanh các ca đột phá vaccine và hiệu quả vaccine” nói biến thể này đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận mới để giúp công chúng hiểu được sự nguy hiểm-trong đó cần làm rõ là những người chưa tiêm chủng có thể bị bệnh nặng hoặc tử vong cao gấp 10 lần so với những người đã tiêm chủng.

Tài liệu nhấn mạnh “Hãy nhìn nhận cuộc chiến đã thay đổi.”

Một danh sách những biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị bao gồm bắt buộc nhân viên chăm sóc sức khỏe phải tiêm chủng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và bắt buộc mọi người phải mang khẩu trang trở lại.

CDC xác nhận tính xác thực của tài liệu mà Washington Post loan tin đầu tiên.

Dù những người đã tiêm chủng ít bị lây nhiễm, nhưng một khi họ bị “các ca nhiễm đột phá” từ Delta-khác với các biến thể trước đây-họ có thể giống như những người chưa tiêm chủng lây bệnh cho những người khác.

Giám đốc CDC, bà Rochelle Walensky, nói số lượng virus chứa đựng trong người nhiễm cao cho thấy nguy cơ lây nhiễm gia tăng và đề ra các quan ngại là những người đã tiêm chủng bị nhiễm biến thể Delta có thể làm lan truyền virus.

Hôm 30/7, CDC công bố dữ liệu của một cuộc nghiên cứu virus bùng phát tại Massachusetts, trong đó cho biết ba phần tư những người bị nhiễm ở đây đã tiêm chủng đầy đủ. Cuộc nghiên cứu này đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của CDC trong việc khuyến cáo những người đã tiêm chủng mang khẩu trang, bà Walensky nói.

‘Virus trở nên thích ứng hơn’

Tại những nơi trên thế giới nơi số lượng lớn người dân chưa đươc tiêm chủng, biến thể Delta một lần nữa đã làm cho tỉ lệ tử vong và nhập viện gia tăng.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói hệ thống y tế tại nhiều nước hiện bị quá tải: “Những kết quả khó khăn mới đạt được hiện đang gặp nguy cơ hay sụp đổ,” ông nhấn mạnh tại một cuộc họp báo.

Chuyên gia khẩn cấp hàng đầu của WHO, ông Mike Ryan, nói vaccine dù sao vẫn còn hiệu nghiệm trong việc phòng ngừa bệnh nặng và tử vong: “Chúng ta đang chống lại cùng một virus nhưng là một virus đã trở nên thích ứng hơn.”

Ngay tại các nước giàu đi đầu về tiêm chủng, các ca nhiễm đã tăng cao. Dù là vaccine đến nay đã giữ cho tỉ lệ tử vong thấp hơn, nhưng phần lớn dân số vẫn còn dễ tổn thương, đặc biệt là những người từ chối tiêm chủng, một vấn đề đặc biệt tại Mỹ.

Gần một phần ba người trưởng thành tại Mỹ chưa tiêm chủng. Những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp đã chứng kiến số ca tăng mạnh trong những tuần gần đây, và nhà chức trách lo ngại là nhập viện và tử vong cũng cao.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, nói với Reuters là ông hy vọng các vaccine hiện mới chỉ được chấp thuận khẩn cấp có thể sẽ được chấp thuận đầy đủ vào tháng 8. Nếu được như vậy thì sẽ thuyết phục được thêm nhiều người đi tiêm chủng.

Tại Anh, nơi biến thể Delta làm lây nhiễm tăng mạnh trong những tháng gần đây dù nước này có một trong những chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới, một ủy ban cố vấn chính phủ nói miễn dịch từ vaccine có thể phai nhạt theo thời gian, có nghĩa là những chiến dịch tiêm chủng có thể sẽ phải kéo dài trong nhiều năm.

Hôm 27/7, CDC, vốn mấy tháng trước khuyến cáo những người Mỹ đã tiêm chủng không cần mang khẩu trang, nay đã có lập trường ngược lại, nói rằng ngay cả những người tiêm chủng hoàn toàn nên mang khẩu trang trong những tình huống virus lây lan.

Vào ngày 29/7, Tổng thống Joe Biden thúc đẩy các chính quyền địa phương tặng 100 đô la cho những ai đi tiêm chủng và đặt qui định mới đòi hỏi nhân viên liên bang phải có bằng chứng tiêm chủng hay phải chịu xét nghiệm thường xuyên, mang khẩu trang bắt buộc và hạn chế du hành.

“Điều chính yếu không thay đổi (vì Delta) là khẩu trang sẽ vẫn được sử dụng và tại các nước nơi đã gỡ bỏ yêu cầu này sẽ phải tái áp dụng,” ông Carlo Federico Perno, người đứng đầu vi sinh học và chẩn đoán miễn nhiễm học tại Bệnh viện Bambino Gesù ở Rome, nói.

Các nước châu Á siết chặt các hạn chế

Tại châu Á, nhiều nước tránh được hậu quả tồi tệ tại các nước phương Tây trong năm 2020, nay đặc biệt chịu tác hại mạnh mẽ. Nhiều nước loan báo hạn chế mới vào ngày 30/7. Từ ngày thứ Hai 2/8, binh sĩ sẽ giúp cảnh sát thành phố Sydney lớn nhất của Úc kiểm tra để cách ly những người xét nghiệm dương tính.

Philippines loan báo kế hoạch đặt vùng thủ đô Manila, với hơn 13 triệu dân, trong tình trạng phong tỏa hai tuần.

Tại Nhật, số ca nhiễm tăng mạnh đã phủ bóng lên Thế vận hội. Chính phủ đề nghị tình trạng khẩn cấp cho đến cuối tháng 8 tại ba khu vực hành chánh gần Tokyo và vùng Osaka ở phía Tây.

“Lây nhiễm đang lan rộng. Tình hình cực kỳ nghiêm trọng,” Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura nói và cảnh báo là lây nhiễm chưa đạt mức cao điểm.

Việt Nam thúc đẩy ‘ngoại giao vaccine’


Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói công tác “ngoại giao vaccine” là “điểm sáng nhất của ngoại giao kinh tế” của Việt Nam trong thời gian qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói công tác “ngoại giao vaccine” là “điểm sáng nhất của ngoại giao kinh tế” của Việt Nam trong thời gian qua.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 29/7 yêu cầu các đại sứ, cơ quan ngoại giao của mình ở nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ “ngoại giao vaccine” để giúp đất nước thực hiện “mục tiêu kép” là kiềm chế đại dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Yêu cầu được đưa ra tại hội nghị trực tuyến lần đầu tiên được Bộ này tổ chức với sự tham gia của tất cả 96 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, theo Lao Động Thủ Đô.

Tại buổi họp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói công tác “ngoại giao vaccine” là “điểm sáng nhất của ngoại giao kinh tế” của Việt Nam trong thời gian qua, giúp cho Việt Nam tiếp nhận được hơn 14 triệu liều vaccine từ các nước tính cho đến nay.

“Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt, từ đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội”, tờ Thị Trường Việt Nam dẫn lời ông Sơn nói.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu các nhà ngoại giao tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine, theo dõi sát sao để phát hiện những xu hướng mới trong và sau đại dịch để tham mưu cho chính phủ về chiến lược và định hướng phát triển quốc gia.

Ngoài ra, các đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng được yêu cầu thúc đẩy hợp tác kinh tế với các đối tác quan trọng và tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh các hoạt động kết nối địa phương và doanh nghiệp, thích ứng các hoạt động kinh tế đối ngoại với đại dịch COVID-19 và chủ động đề xuất các phương án, lộ trình nối lại các hoạt động kinh tế và đi lại giữa Việt Nam và các nước.

Trong một diễn tiến có liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu hôm 29/7 gửi thư cảm ơn kiều bào về những đóng góp cho Việt Nam trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Hiếu cho biết tính từ 5/6/2021 đến nay, số tiền quyên góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài cho việc phòng chống dịch và Quỹ Vaccine COVID-19 của Việt Nam đã lên tới 10,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, gần 30 tổ chức hội đoàn người Việt ở Pháp, Mỹ, Canada… cũng đã phát động chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam”,“10.000 liều vaccine cho Việt Nam” hay các chiến dịch gây quỹ để tặng quà cho người dân ở các điểm “tâm dịch”.

Việt Nam hiện đang đối diện với đợt bùng phát dịch lớn nhất từ trước tới nay, với hơn một nửa tỉnh thành bị phong toả và số lượng người nhiễm bệnh tăng vọt lên 137.009 người tính cho đến tối 30/7, với 133.206 ca nhiễm chỉ trong đợt dịch bắt đầu từ ngày 27/4. Trong khi đó, số người được tiêm đầy đủ hai liều vaccine COVID-19 hiện chỉ khoảng 500.000 người trong tổng số 98 triệu dân.

Nhà Trắng: Phó Tổng thống Hoa Kỳ Harris sắp thăm Việt Nam, Singapore


Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm Texas hồi tháng 6/2021.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm Texas hồi tháng 6/2021.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sắp thăm Việt Nam và Singapore vào tháng 8 tới trong khuôn khổ chuyến công du nhằm tăng cường quan hệ với “hai đối tác quan trọng ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Sáu 30/7.

Đây là lần đầu tiên một phó tổng thống Mỹ có chuyến thăm riêng rẽ đến Việt Nam, theo thông tin của Nhà Trắng.

Tuyên bố về chuyến đi của bà Harris được cố vấn riêng kiêm phát ngôn viên chính của bà là Symone Sanders đưa ra.

Tuyên bố cho hay: “Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris lâu nay đặt ưu tiên hàng đầu là xây dựng lại quan hệ đối tác toàn cầu và giữ an ninh cho quốc gia của chúng ta, và chuyến thăm sắp tới tiếp tục cho công việc đó – làm sâu sắc thêm cam kết của chúng ta ở Đông Nam Á”.

Trong chuyến công du sắp diễn ra, nữ phó tổng thống Mỹ sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo của hai chính phủ Việt Nam và Singapore về các vấn đề mà ba bên cùng quan tâm, bao gồm an ninh khu vực, sự ứng phó toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, và nỗ lực chung của ba nước nhằm thúc đẩy trật tự quốc tế có nền tảng là luật lệ, tuyên bố cho biết thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thăm Việt Nam, cam kết ủng hộ khu vực


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội vào ngày 28/7/2021.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội vào ngày 28/7/2021.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vừa đến Việt Nam vào ngày 28/7, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du đến ba quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore và Philippines, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này trong chiến lược về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Biden giữa bối cảnh có những quan ngại về tình trạng thiếu tập trung trong cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực.

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Austin dự kiến gặp người đồng cấp Việt Nam, Tướng Phan Văn Giang, vào sáng 29/7. Sau đó, ông sẽ lên đường sang Philippines vào thứ Sáu, 30/7.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ diễn ra giữa bối cảnh Việt Nam đang đối diện với đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay, khi Hà Nội và hơn một nửa tỉnh thành ở Việt Nam đang bị phong toả.

Hoa Kỳ hiện đã tài trợ 5 triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam, một phần trong số 80 triệu liều mà Tổng thống Biden cam kết tặng cho các quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin tới các nước châu Á “nhấn mạnh cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với khu vực và lợi ích của chúng tôi trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN”, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John F. Kirby nói trong một tuyên bố, thông báo về chuyến công du hôm 26/7.

Mặc dù tuyên bố không đưa ra một chương trình nghị sự cụ thể cho chuyến đi của ông Austin, nhưng theo The Diplomat, việc Lầu Năm Góc lựa chọn các quốc gia “cho thấy rõ ràng ưu tiên của họ”.

Theo đó, Việt Nam và Philippines đều là các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất từ việc hiện đại hóa hải quân nhanh chóng của Trung Quốc cho đến những hành động lấn át của Bắc Kinh nhằm khẳng định sức mạnh và yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Trong khi đó, Singapore dù không phải là đồng minh hiệp ước chính thức nhưng lại là một đối tác đáng tin cậy lâu đời của Mỹ.

Theo thông báo của Lầu Năm Góc, tại Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ “sẽ gặp gỡ các lãnh đạo chủ chốt để tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng và tiến hành các cuộc gặp song phương với các quan chức cấp cao”.

Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore, điểm dừng chân đầu tiên, vào ngày 27/7, Bộ trưởng Austin nói ông cam kết theo đuổi mối quan hệ “mang tính xây dựng, ổn định” với Trung Quốc, bao gồm cả việc liên lạc mạnh mẽ hơn với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông lặp lại rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết toàn bộ khu vực Biển Đông là “không có cơ sở trong luật pháp quốc tế” và “gây tổn hại đến chủ quyền của các quốc gia trong khu vực”.

Ông Austin khẳng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ven biển trong khu vực để duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế, và cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước quốc phòng mà Hoa Kỳ đã có với Nhật Bản và Philippines.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhắc lại lập trường của Tổng thống Joe Biden rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm mối quan hệ đối đầu gay gắt với Trung Quốc nhưng “Chúng tôi sẽ không nao núng khi lợi ích của mình bị đe dọa”.

“Thật đáng tiếc, việc Bắc Kinh không sẵn lòng giải quyết các tranh chấp một cách ôn hòa và tôn trọng pháp quyền không chỉ diễn ra trên biển”, tờ SCMP dẫn lời ông Austin nói. “Chúng ta cũng đã chứng kiến sự hung hãn đối với Ấn Độ, hoạt động quân sự gây bất ổn và các hình thức cưỡng bức khác đối với người dân Đài Loan, và tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”.

Ngay lập tức, từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã đáp trả phát biểu của ông Austin rằng: “Hoa Kỳ đã phớt lờ sự thật, cố tình bôi nhọ Trung Quốc, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gây bất hòa giữa các nước trong khu vực với mục đích phục vụ lợi ích địa chính trị của riêng mình”, ông Triệu nói tại một cuộc họp báo thường kỳ.

“Chúng tôi khuyến cáo Hoa Kỳ không nên đặt vấn đề về Trung Quốc và hãy làm nhiều hơn nữa vì lợi ích của hòa bình và ổn định trong khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

Bài Khác