Cam Bốt – Trung Quốc : Mối liên minh mờ ám

ANH VŨ / RFI (Điểm báo) –

Cam Bốt – Trung Quốc : Mối liên minh mờ ám

.

Chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Hun Sen, năm 2016 tại Phnom Penh. REUTERS/Samrang Pring/File Photo

Từng dung túng, nuôi dưỡng chế độ diệt chủng Pol Pot, giờ đây Trung Quốc đang đóng vai nhà tài trợ lớn cho Cam Bốt. Thời gian gần đây, quan hệ Bắc Kinh và Phnom Penh được dư luận quốc tế chú ý nhiều. Nhật báo Pháp Libération hôm nay dành cả trang quốc tế để nói về mối quan hệ này qua bài : « Trung Quốc – Cam Bốt : Mối liên minh mờ ám ».

Libération nhắc lại chuyến thăm Bắc Kinh của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen cách đây ít ngày. Tờ báo viết : « Tại Đông Nam Á, Hun Sen là người bạn lớn của Trung Quốc. Trong 3 ngày, từ 20 đến 23/01, ông đã được chiều chuộng, được tiếp đón như khách danh dự của chủ tịch Tập Cận Bình. Đến để xin đầu tư thêm cho đất nước mình, nhân vật đầy quyền uy ở Cam Bốt đã trở về với 588 triệu đô la mà Bắc Kinh hứa sẽ rót cho Phnom Penh đến tận năm 2021 ».

Trong khi dưới cái nhìn của phương Tây, Hun Sen là nhân vật khó chơi, tham quyền cố vị, cai trị đất nước bằng bàn tay sắt, thì Trung Quốc lại thấy ở ông ta một đồng minh quý giá, nếu không muốn nói là một kẻ gọi dạ bảo vâng. Nhật báo Pháp nêu dẫn chứng: theo yêu cầu của Bắc Kinh, Hun Sen đã bác bỏ mọi ý tưởng đòi độc lập của Đài Loan (Ghi trong thông cáo chung của chuyến thăm). Với dự án Con đường tơ lụa mới, Tập Cận Bình biết rằng ông có thể tin tưởng vào Hun Sen để thâu tóm cảng Sihanoukville, nhằm kiểm soát tuyến đường giao thương ở eo biển Malacca và bảo đảm có thể bao quát cả vùng Biển Đông.

Theo Libération, Trung Quốc hiện diện sâu rộng ở Cam Bốt. Từ năm 1994 đến 2017, Trung Quốc đã đổ vào Cam Bốt 12,5 tỷ đô la đầu tư cho các công trình hạ tầng cơ sở và công nghiệp. Từ khi Tập cận Bình lên nắm quyền cuối năm 2012, mối quan hệ với Cam Bốt lại càng được tăng cường. Hiện có 200 nhà đầu tư Trung Quốc tại Cam Bốt. Hồi tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh đã viện trợ 100 triệu đô la cho Phnom Penh để hiện đại hóa quân đội. Sự xích lại gần nhau về mặt quân sự giữa Trung Quốc và Cam Bốt đang khiến dư luận không khỏi lo ngại về vai trò của Bắc Kinh trong vịnh Thái Lan.

Mối « quan hệ đặc biệt » này, như Hun Sen đánh giá, không lọt qua sự chú ý của Mỹ. Libération nhắc lại hồi tháng 11, trang báo mạng Asia Times quả quyết rằng một căn cứ quân sự rộng 45 ha, với một cảng nước sâu đang được xây dựng trên đảo Ko Kong, ngoài khơi Sihanoukville. Thông tin này khiến phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã phải viết một bức thư cảnh cáo tới Hun Sen. Thủ tướng Cam Bốt đã phải dẫn cả Hiến Pháp Cam Bốt không cho phép nước ngoài làm căn cứ quân sự để thanh minh với Mỹ. Thế nhưng, theo nhật báo Pháp, « công trình trị giá 3,8 tỷ đô la do Tianjin Union Development Group đầu tư vẫn đang tiến hành. Tập đoàn Trung Quốc bắt đầu công trường này từ năm 2008 và được quyền thuê đất 99 năm ».

Sihanoukville : Lãnh địa Trung Hoa trong lòng Cam Bốt

Libération có bài phóng sự điều tra dài về công trình trên để cho thấy thành phố biển Sihanoukville đang trở thành lãnh địa Trung Hoa trong lòng Cam Bốt như thế nào.

Tác giả ghi nhận từ hai năm trở lại đây, thành phố cảng có 150 nghìn dân này đang thay hình đổi dạng từng ngày. Hàng nghìn người Trung Quốc đang làm việc ngày đêm tại đây. Sihanoukville thực sự là một đại công trường, một cỗ máy tiêu tiền. Chỉ trong 2 năm 2016-2018, Trung Quốc đã đổ vào hơn 1 tỷ đô la đầu tư ở thành phố này. Một sân bay, tuyến đường cao tốc chạy thẳng về thủ đô dài 225 km, một khu Chinatown của các công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc, hàng loạt khách sạn 5 sao có chủ người Trung Quốc đang mọc lên trong thành phố biển này.

Ở phía bắc Sihanoukville, phóng sự của Libération cho biết, một đặc khu kinh tế, với các nhà máy dệt may với hàng chục nghìn công nhân đang nuốt chửng các khoảng đất trống. Khu công nghiệp rộng 11km khi hoàn thành sẽ chứa được 300 xí nghiệp với 100 nghìn lao động.

Trong thành phố Sihanoukville có tới 88 sòng bạc được xây dựng, hiện đã có tới 40 nghìn người Trung Quốc sống tại đó. Trong các khu phố đó, người ta chỉ nói tiếng quan thoại. Đó là khu được gọi là « Macau 2 ». Người dân Cam Bốt vẫn hay gọi đó là « thuộc địa » hay « lãnh địa » Trung Hoa trong đất người Khmer.

Nguồn: RFI

Bài Khác