Đôi Mắt

Chuly sưu tầm

Đôi Mắt
Tác Giả: Thanh Thương Hoàng

Đêm đó đã quá 12 giờ khuya vẫn chưa thấy ông về. Cô con gái cũng thức đợi bố nhưng sau hơn tiếng đồng hồ cô buồn ngủ, xin phép mẹ lên phòng. Bà đem ghế ra trước vườn hoa nhà, bên một gốc cây, ngồi “đọc sách” đợi ông.

Họ yêu nhau từ lúc còn cắp sách tới học đường. Anh chàng 21 tuổi năm thứ nhất y khoa. Cô nàng mười chín tuổi vừa đậu xong tú tài. Cô chưa biết chọn ngành nào theo học tiếp thì bất ngờ một tai họa ập đến. Lúc đầu cô cảm thấy đôi mắt hơi nhức nhối và nhìn cảnh vật mờ mờ không được rõ như trước. Cũng tưởng là chứng bệnh đau mắt thông thường (không thấy triệu chứng lạ) nên bác sĩ khám cho thuốc như mọi người. Nhưng chỉ đỡ được ít lâu rồi đôi mắt cứ thế ngày càng mờ nhiều và nhức nhối thêm. Trải qua nhiều bác sĩ chữa trị vẫn vậy.

Cô nổi tiếng đẹp, duyên dáng nhất trường và đôi mắt thật tuyệt vời, hiếm có trên đời – bọn thanh niên thường gọi đùa là đôi mắt thiên thần, ai nhìn thấy đều như bị thu hồn – nên việc cô có “chứng bệnh lạ” ở mắt chỉ trong thời gian ngắn ầm lên cả trường. Nhất là với các cô nàng cùng lớp – những người thường ganh tị sắc đẹp và đôi mắt đẹp trời cho của cô. Họ bầy đặt đủ thứ chuyện nói xấu cô. May có một ông giáo sư bác sĩ người Pháp nổi tiếng thế giới về chữa mắt vừa đến Saigon giảng dạy những chứng bệnh hiểm nghèo của mắt. Anh sinh viên y khoa đem người tình tới nhờ giáo sư chữa trị. Nhìn đôi mắt thiên thần đẹp tuyệt vời của cô gái, từ ngày hành nghề tới giờ ông chưa từng thấy, ông rất xúc động và cảm thương. Ông tự hứa phải tìm cách chữa bằng được, đó là vưu vật của đời. Sau vài xét nghiệm, ông thấy đây là một chứng bệnh lạ hiếm thấy. Ông viết thư gửi các đồng nghiệp khắp thế giới tham khảo nhưng chỉ nhận được những bài chẩn đoán bình thường. Ông hơi tuyệt vọng, thực sự không biết là bệnh gì nhưng vẫn cố đem hết khả năng của mình chữa trị. Sau một thời gian khá dài, bệnh trạng cô có vẻ khả quan. Anh sinh viên cảm kích trước công ơn của ông giáo sư ngoại quốc, xin bỏ khoa đang theo học để chuyển sang khoa mắt với mục đích trước hết là chữa trị cho người yêu, sau đó cho đời. Anh quan niệm đôi mắt là hai viên ngọc quý báu, là hai viên kim cương vô giá. Sự sống của con người trước hết là trái tim rồi tới đôi mắt. Không có trái tim con người không sống được. Không có đôi mắt con người khác gì thây ma di động. Anh rất mừng thấy người yêu của mình tạm thời thoát nạn và cô cũng vậy.

Từ lúc yêu và chinh phục cô, anh hãnh diện có được người yêu với đôi mắt đẹp nhất trần gian. Đó là đôi mắt thơ mộng như ánh trăng huyền hoặc trải trên nền trời xanh dìu dịu. Hiền hòa nhân từ đức độ như Đức Mẹ Maria, Phật Bà Quan Âm. Êm đềm phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Trong sáng tinh khôi như biển khơi đầu ngày nắng dậy. Thăm thẳm như núi cao rừng sâu nơi cuối chân trời và đôi lúc buồn xa xăm vời vợi như áng mây tím trôi trong buổi chiều tà. Như màn sương mờ phủ trên bến sông vắng quạnh hiu… Dường như tất cả tinh hoa đất trời chứa chất trong đôi mắt cô. Đúng là đôi mắt thiên thần, bạn bè thương mến tặng cô. Anh đọc sách đã nhiều, xem tranh của các danh họa quốc tế cũng lắm. Chỉ mới thấy có nụ cười bất hủ của nàng Mona Lisa thôi. Còn chưa thấy nhà danh họa đông tây kim cổ nào vẽ được đôi mắt đẹp bất tử – chẳng hạn như đôi mắt người yêu của anh. Thế là anh quyết định cưới cô làm vợ và cưới liền, mặc sự phản đối của người em gái và vài người thân. Trước khi cưới, ông giáo sư bác sĩ ngoại quốc gọi riêng anh ra chỗ vắng nói nhỏ: “Tôi chỉ giúp được đôi mắt cô ấy sáng trong một thời gian. Sau đó có lẽ… sẽ mù suốt đời”. Anh bàng hoàng gần như chết điếng. Lặng đi mấy phút mới cất dọng hơi run run hỏi: “Thưa giáo sư, liệu đôi mắt của cô ấy có bị biến dạng hay bị hủy hoại?”. Ông bác sĩ suy nghĩ khá lâu mới nói: “Theo tôi, có thể cô ấy chỉ không nhìn thấy thôi, còn tất cả đều giữ nguyên trạng”. Anh sinh viên tỏ lộ sự vui mừng, nói: “Cám ơn giáo sư lắm, tôi không mong gì hơn trong hoàn cảnh của cô, miễn sao đôi mắt không bị hủy hoại là quý lắm rồi. Đôi mắt cô là báu vật quý nhất của đời tôi, tôi có bổn phận nâng niu gìn giữ suốt đời”.

Tất nhiên người đẹp của anh cũng rất băn khoăn thắc mắc căn bệnh của mình. Cô thấy người ta xầm xì bàn tán về mình, về đôi mắt sẽ không thể sáng trở lại như cũ. Cô biết mình mắc chứng nan y, khoa học hiện tại đành chịu bó tay. Với mặc cảm, với tự ái, với tự trọng, với tâm hồn cao thượng, nhất là với sự sẵn sàng chịu đựng hy sinh, cô sau khi khóc ướt đẫm vai áo anh, đã khẩn khoản van xin anh hoãn lại cuộc hôn nhân. Cô không muốn anh có người vợ mù lòa và rồi với chứng bệnh này tình yêu theo thời gian sẽ trở thành tăm tối, thê thảm. Hơn nữa cô cũng không muốn anh thương hại mình. Tình yêu không thể xây dựng, không thể bền vững lâu dài trên sự thương hại. Đó là lâu đài xây trên cát. Nhưng anh đã quyết định. Anh đã nói những lời tha thiết trấn an cô. Anh cũng đành lòng phải nói dối cô là ông giáo sư bác sĩ bảo nhất định chữa được bệnh cho cô. Mắt không sáng được như trước nhưng vẫn nhìn thấy sự vật chung quanh, tuy có hơi mờ. Trước những lời lẽ của anh đã khiến cô tin – dù không tin cũng cố mà tin. Nhất là anh thề thốt dù có thế nào chăng nữa vẫn yêu cô suốt đời. “Em yên tâm. Ông giáo sư bác sĩ đã nói với anh là ông đem hết khả năng nghiên cứu để chữa bằng được căn bệnh của em. Ông hy vọng, tin tưởng với thành công này ông sẽ đoạt giải Nô ben y khoa để cứu giúp đời. Còn anh nữa. Anh sung sướng hãnh diện biết bao khi có được đôi mắt đẹp nhất trần gian. Trên cõi đời này mấy ai được diễm phúc như vậy. Và cũng vì thế anh đã chuyển sang theo học khoa mắt và thề…”. Cô vội đưa tay bịt miệng anh lại: “Em hiểu lòng anh rồi. Em tin tưởng sẽ sống những ngày tháng tốt đẹp hạnh phúc nhất bên anh trong suốt cuộc đời. Em mù nhưng đã có đôi mắt anh thay thế. Anh nhìn thấy là em nhìn thấy. Hơn nữa mắt mù nhưng trái tim em đâu có mù”. Sau câu nói, anh thấy đôi mắt cô long lanh cười (và hình như thấp thoáng ẩn hiện nơi đuôi mắt một làn sương mù mong manh ảm đạm). Ôi đẹp làm sao đôi mắt u hoài, đôi mắt đăm đăm vời vợi đầy ắp yêu thương, tràn ngập mộng mơ chan hòa ánh sáng, đồng thời cũng phủ đầy bóng tối đêm thâu! Đôi mắt thiên thần! Đúng là đôi mắt thiên thần! Bây giờ có đổi đôi mắt người yêu lấy cả thế gian này anh cũng không đổi.

2
Sau khi kết hôn được khoảng hai năm, tình vợ chồng đang nồng nàn thắm thiết tươi sáng thì biến cố 30 tháng Tư đen tối ập xuống. Cái gia đình nhỏ bé của chàng sinh viên y khoa và cô gái có đôi mắt đẹp tuyệt trần theo làn sóng người vượt biển sang Hoa Kỳ định cư. Qua những tháng ngày long đong với cuộc sống nơi đất mới, chàng và nàng phải đi làm những công việc chân tay nặng nhọc, vất vả. Khi đời sống tạm ổn định, chàng thi vào y khoa học tiếp. Nàng có thai nhưng vẫn đi làm chân giữ trẻ cho đến một ngày bệnh mắt của nàng tái phát và dữ dội hơn trước nhiều. Những tưởng đến thiên đường trái đất, đến trung tâm tân tiến nhất thế giới về y khoa, đôi mắt nàng sẽ được chữa trị thoát khỏi bệnh dữ. Nhưng sau nhiều ngày tháng chữa trị các bệnh viện nổi tiếng về mắt, hoàn toàn thất vọng, mắt nàng ngày càng mờ hơn, rồi mù luôn. Khoa học đã chịu bó tay trước chứng nan y. Nàng đã khóc hết nước mắt, đôi mắt sưng húp. Chàng cũng khóc cùng vợ. Nhưng có điều lạ lùng, đôi mắt nàng càng đẫm nước mắt càng đẹp, đẹp một cách não nùng, thê thiết. Thoạt nhìn, nếu không là người quen thân không ai biết nàng mù cả. Việc nàng quan tâm và lo sợ nhất bây giờ là chàng thay lòng đổi dạ. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ chuyên trị bệnh mắt và giải phẫu sửa đẹp mắt, chàng mở phòng mạch, khách chữa trị đến rất đông. Nàng cho rằng với địa vị, với tiền tài sẽ có, chẳng thiếu gì người đẹp mồi chài, quyến rũ chàng. Nhưng nàng không biểu lộ ra ngoài, chỉ ngấm ngầm gặm nhấm nỗi lo nỗi buồn trong tim. Trong khi đó, ngoài giờ làm việc, chàng vẫn cặm cụi tìm kiếm và đọc cả trăm cuốn sách mới viết về phương pháp chữa trị mắt. Vẫn chưa thấy một chút ánh sáng nơi cuối đường hầm. Con đường ngày càng tối tăm kéo dài thăm thẳm vô vọng.

3
Ông bà bác sĩ sống êm đềm trong căn nhà tương đối đầy đủ tiện nghi và tràn đầy hạnh phúc. Những người hàng xóm, đa số người Mỹ, lúc nào cũng tỏ ra quý mến ông bà. Họ không hề biết mắt bà bị mù. Thỉnh thoảng gặp nhau bên sân cỏ trước nhà, người Mỹ thường cất tiếng “hê lô” trước nên bà cũng chào lại một cách rất tự nhiên. Ngày nghỉ ông dẫn bà đi shopping. Hai người cắp tay nhau thong dong cất bước. Mới đầu bà còn e dè, mặc cảm, lúng túng, ngượng ngùng. Nhưng bên cánh tay mạnh mẽ và dịu dàng của ông choàng qua vai bà, dìu dắt bà đi, dần dần thành thói quen tự nhiên, bà tự tin cất bước như những người sáng mắt, không hề vấp váp. Hai vợ chồng đã đi du lịch nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khắp nước Mỹ. (Chính bà đòi đi, còn ông không muốn vì cho rằng bà có nhìn thấy gì đâu. Nhưng bà nói bà nhìn và thưởng ngoạn cảnh đẹp bằng “con mắt của trái tim và đôi mắt của ông” nên ông đành phải chiều bà). Nhìn những tấm hình chụp kỷ niệm, không ai có thể biết người đàn bà đẹp trong ảnh mù mắt, trái lại trông rất tinh anh, linh lợi. Nhất là sau ngày sinh đứa con gái đầu lòng, sắc đẹp của bà rực rỡ hơn bao giờ. Bà được một phóng viên nhiếp ảnh một tạp chí phụ nữ nổi tiếng tại địa phương xin chụp ảnh in trang bìa báo. Trước sự khẩn khoản nài nỉ, với sự đồng tình của ông, bà đành miễn cưỡng chấp nhận cho họ chụp. Bà đâu có ngờ khi ảnh bà đăng báo đã làm tên tuổi, sắc đẹp bà nổi như cồn. Các báo lớn nhỏ tới tấp đến xin chụp hình, phỏng vấn và khuyến khích bà dự thi hoa hậu phu nhân toàn quốc nhưng bà đều từ chối. Với sự bố trí khéo léo và hoàn hảo của ông bác sĩ, không một anh nhà báo nào (vốn tò mò và bầy đặt lắm chuyện) biết bà bị mù. Nhưng rồi cũng có anh nhà báo cất công rình mò mãi và đã khám phá ra sự thật. Anh ta viết liền mấy bài phóng sự dài (tất nhiên là thêm nhiều “mắm muối” để bài viết càng ly kỳ hấp dẫn, tạo sự tò mò cho người đọc.) Bài báo thực sự “ăn khách”, cả thành phố bàn tán về chuyện đôi mắt của bà, đa số đều tỏ lòng thương cảm cho số phận bà. Còn bà mãi sau này mới biết. Lúc đầu bà khóc tủi cho thân phận mình nhưng sau nghe ông hết lời an ủi giải thích, bà mới bình tâm trở lại an vui cuộc sống thầm lặng như xưa. Còn ông, lúc mới đọc những bài báo ông hơi khó chịu vì đời tư của mình và vợ bị phơi bầy, nhất là với tình yêu cao thượng ông dành cho người vợ tàn tật, ông giữ kín trong lòng, không muốn ai biết. Nhưng rồi với những lời tán tụng của bạn bè và thư từ của các bệnh nhân khiến ông bỏ hết bực bội, trái lại còn hãnh diện về vợ mình có đôi mắt bệnh tật nhưng thật tuyệt vời. Ông cho rằng cả mùa xuân tụ hội nơi mắt bà. Nhưng sự nổi tiếng của bà, cũng như trước đây, đã làm cho thiên hạ thêm tò mò, ngày càng nhòm ngó vào gia đình bà hơn. Nhiều chuyện nhất là đám bệnh nhân nữ của ông. Trong số khách này có một người đẹp sang trọng kiểu cách như một mệnh phụ, tuổi mới ngoài 30, chồng là luật sư người Mỹ giầu sụ và chết vì tai nạn xe hơi khoảng một năm, chưa có con. Khi đến sửa mắt, nàng mới biết nhà mình ở cùng đường, gần nhà ông bác sĩ. Nàng đang tìm kiếm một người tình, một người chồng có danh vọng địa vị. Khi biết ông bác sĩ có người vợ mù, nàng nẩy ý định “bắt” ông về làm chồng. Nàng đã tung ra nhiều trò lôi cuốn. Ông biết nàng đẹp hơn vợ ông nhiều, sang hơn vợ ông nhiều, quyến dũ hơn vợ ông nhiều với đôi mắt sáng đẹp nhưng vẫn còn thua xa đôi mắt vợ ông. Tuy mải mê với cám dỗ nhục dục nhưng tình thương yêu người vợ tật nguyền vẫn còn nguyên vẹn trong ông, nếu không nói là càng tăng thêm.
Những ngày tháng chuyển mùa, rất nhiều người bị dị ứng ngứa mắt, chẩy nước mắt, mắt đỏ, mắt khô rất khó chịu, nên phòng mạch ông bác sĩ lúc nào cũng đầy khách. Vì thế ông về nhà muộn hơn thường lệ. Ông là người thầy thuốc có lương tâm, không muốn bệnh nhân của mình sau nhiều giờ ngồi phòng mạch chờ đợi lại phải ra về với cặp mắt đỏ ngầu không được chữa trị. Những lần thấy bệnh nhân mắt bị chứng bệnh lạ khó chữa, ông lại liên tưởng tới vợ mình, càng thấy thương vợ hơn, yêu vợ hơn. Còn vợ ông ở nhà, sau khi “đọc thông viết thạo”(chữ viết dành cho người mù,) bà giết thời giờ bằng cách “đọc” (bằng tay) những cuốn tiểu thuyết, những cuốn sách triết mà ông cất công tìm kiếm. Tối tối bà ngồi bên mâm cơm chờ chồng về ăn. Lúc đầu, khi về muộn, ông còn điện thoại, sau bận quá ông chỉ bảo cô thư ký gọi. Tình trạng này kéo dài khiến bà sinh nghi. Nhất là những buổi tối về nhà, sau khi ăn uống qua loa, hôn vợ hôn con xong ông kêu mệt lên phòng ngủ liền, không chuyện trò bông phèng, cười đùa vui vẻ với vợ con như trước. Tuy nghi chồng có những triệu chứng khác thường nhưng bà vẫn không hề tỏ lộ thái độ.

4
Ngày mừng sinh nhật con gái năm tuổi, sau khi bạn bè dự tiệc ra về hết, ông ngồi xuống bên bà vui vẻ nói: “Em biết không, con gái mình có đôi mắt đẹp tuyệt vời giống hệt mắt em”. Bà bỗng rùng mình, bất ngờ òa khóc và kêu lên: ” Khổ rồi con ơi!”. Ông ngạc nhiên nhìn vợ. Đôi mắt bà cũng hướng về phía ông, với những giọt nước mắt rơi. Ông ngạc nhiên: “Em làm sao vậy? Hôm nay là ngày vui, sinh nhật của con lại khóc?”. Ông lấy tay xoa xoa những giọt nước mắt đang chẩy xuống má bà. Bà không trả lời. Trước sự ngơ ngác của cô con gái, ông đưa nó về phòng trên lầu, nói đùa: “Mẹ con vẫn vậy, hễ cứ vui vẻ quá là khóc”. Xuống nhà, ông ôm vai bà làm bộ cười vui: “Ồ, em thật là trẻ con. Em suy nghĩ gì mà trong ngày vui của con lại khóc?”. Như bị dồn nén lâu ngày giờ mới có dịp bùng phát, vỡ òa. Bà nói trong nước mắt: “Em không muốn sống trong cảnh bao che thương hại của anh nữa. Em không muốn giam hãm đời anh trong sự mù lòa của em nữa. Em đã suy nghĩ kỹ rồi, em muốn trả tự do cho anh, mặc dầu em vẫn yêu anh và yêu mãi”. Ông an ủi bằng cách ôm chặt bà vào lòng. Bà khẽ đẩy ông ra: “Anh đừng hành hạ em nữa. Em chấp nhận những đau khổ đến với mình, đồng thời cũng không muốn vì em…”. Thì ra lâu nay ông cũng có nghe nhiều lời bàn tán của các đồng nghiệp về cuộc tình của ông với người góa phụ trẻ đẹp giầu sang gần nhà. Trong khi đó bà định nói cho ông biết những buổi tối ông về muộn bà ngửi thấy mùi nước hoa lạ vương vất nơi áo ông. Mùi tóc mùi da thịt người đàn bà lạ còn “bám” vào thân thể ông. Rồi khi ngồi vào bàn ăn, ông chỉ ăn qua loa vài miếng cho vui lòng bà. Những người mù trời cho cái mũi cái tai rất thính. Nhưng không biết nghĩ sao bà ngập ngừng rồi lặng im không nói. Tuy bà không nói nhưng ông hiểu. Bao năm nay họ đã hiểu, đã biết ý nghĩ của nhau không cần phải qua tiếng nói. Họ đã nói với nhau bằng tiếng nói của trái tim. Ông phá lên cười cố làm tự nhiên: “Em lầm to rồi. Anh chữa mắt cho các bà các cô trong phòng lạnh nên mùi nước hoa của họ quyện vào áo anh. Còn những bữa ăn anh lười biếng vì quá mệt mỏi hoặc vì đói bụng nhờ cô thư ký mua cho cái săng uých. Ồ, có vậy mà vợ tôi chẳng chịu nói ra cứ ngấm ngầm chịu đựng. Rõ khổ!”. Ngưng lại chút ông nói tiếp: “Em có cần anh nhắc lại câu nói khi xưa lúc chúng mình mới yêu nhau và em mới bị bệnh không, hở đôi mắt thiên thần yêu quý nhất đời của anh? Với lại em nghĩ coi, tất cả việc đời có gì là toàn bích toàn hảo đâu. Được cái này mất cái kia, có cái này thiếu cái nọ, làm gì có được sự viên mãn. Đấy, em thấy đấy, em có đôi mắt đẹp khiến người phải ghen, trời phải hờn, đất phải giận thì phải thua thiệt, phải mất mát cái khác là lẽ thường”. Bà nghe ông giở “triết lý” vẫn không chịu. Bà nói, tuy nhẹ nhàng nhưng có phần ẩn chứa chua chát: “Thiên hạ khác, em khác. Em chỉ là một người đàn bà tầm thường và bây giờ lại là một người mẹ mù, một bà vợ mù vô tích sự. Còn anh là một bác sĩ tên tuổi giầu có, biết bao cám dỗ đang rình rập”. Ông nghĩ có lẽ bà đang bước vào thời kỳ trung niên nên tính tình hay thay đổi thất thường. Để tránh sự nói qua lại, ông đứng lên hôn nhẹ trán bà: “Xin lỗi, hôm nay anh hơi mệt đi nằm trước nhé!”.

Lên giường, ông không tài nào nhắm mắt ngủ được. Ông trằn trọc soay qua soay lại, cứ thắc mắc mãi về những lời bà vừa nói. Đây là lần thứ mấy bà nhắc tới việc này. Chắc bà đã biết chuyện. Cách đây ít lâu ông tình cờ phát giác một việc bà làm khiến ông vô cùng xúc động. Hôm đó phòng mạch ít bệnh nhân nên ông về sớm. Vừa về tới nhà cùng lúc người phát thư tới. Ông cầm sấp thư liếc qua và ngạc nhiên thấy một thư đề tên bà. Bà có bao giờ liên lạc thư từ với ai, vì bà đâu viết chữ thường được. Chỉ thỉnh thoảng bà mới nhờ tới ông hay con gái viết thư thăm hỏi anh em bạn bè còn ở Việt Nam và gửi tặng họ chút tiền. Trên góc bì thư để tên và địa chỉ một tổ chức từ thiện. Ông tò mò bóc coi và vô cùng sửng sốt. Đó là thư của một tổ chức từ thiện người Việt ở Mỹ cám ơn bà đã tặng số tiền một trăm ngàn đô la cho nạn nhân bão lụt miền Trung. Đọc đi đọc lại lá thư, ông nghĩ đây là sự trùng hợp tên tuổi và địa chỉ. Bà làm gì có số tiền lớn như vậy để tặng. Thường ngày ông chưa bao giờ thấy bà hỏi ông về tiền bạc, dù một khoản tiền nhỏ, vì bà không có nhu cầu chi tiêu. Ông phải hỏi bà cho ra lẽ. Bà ngồi trên cái ghế bành trong góc phòng khách và đang đan chiếc áo len để gửi về cho đứa con cô em họ ở Đà Lạt. Nghe tiếng chân, bà biết ông về. Bà ngừng tay đan ngửng đầu hỏi: “Hôm nay anh về sớm chắc ít bệnh nhân?”. Ông vui vẻ: “Tại anh nhớ em nên về sớm”. Ông hôn nhẹ lên đôi mắt bà nịnh: “Cứ nghĩ tới hai viên ngọc quý tuyệt trần này là anh xốn xang cả người, không nhìn thấy không yên”. Rồi ông làm như vô tình hỏi: “Lâu nay em có thư từ liên lạc gì với bà con anh em bạn bè trong nước không?”. Bà mở to đôi mắt nhìn về phía ông và lắc đầu: “Nếu có thì em đã nhờ anh hay con viết”. Ông cười: “Thế mà có một lá thư gửi em cám ơn đã tặng một số tiền khá lớn. Chắc họ lầm tên và địa chỉ”. Nghe ông nói, bà giật mình suýt đứng bật lên. Cố trấn tĩnh, bà nói: “Có lẽ họ gửi lầm”. Thái độ của bà sao qua mắt ông được. Ông ngồi lên thành ghế vòng tay qua lưng bà âu yếm: “Anh biết đó là thư gửi cho em. Anh chỉ thắc mắc làm sao em có được số tiền lớn như vậy”. Biết không dấu được chồng, bà đành “khai” thật số tiền đó là do bà bán viên kim cương của mẹ bà cho khi bà về với ông. Viên kim cương này là một báu vật gia truyền từ bao đời. Bà nói: “Em làm sao có thể dửng dưng vô tình trước sự đau khổ của hàng ngàn người trong nước đang cảnh màn trời chiếu đất và sắp chết đói. chết rét”. Ông cảm động đến chẩy nước mắt. Ông ôm chặt bà vào lòng và kêu lên sung sướng: “Ôi người vợ hiền yêu quý nhất đời của tôi. Trái tim em vĩ đại còn hơn cả trời đất. Đôi mắt em tuy không nhìn thấy gì nhưng rọi sáng khắp trần gian”. Nghĩ tới đây ông tủm tỉm cười quên việc bà vừa hờn dỗi và nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Nhưng có một việc ông chưa biết, bà còn dấu. Nếu biết nhất định ông còn sung sướng hãnh diện về bà hơn nữa. Đó là việc bà viết chúc thư để lại khi qua đời, xin hiến đôi mắt đẹp của mình cho các nhà khoa học nghiên cứu mổ xẻ tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị những kẻ khốn khổ như bà sau này, mặc cho ông nhiều lần tỏ ý (và cả cương quyết) nhờ khoa học dùng mọi phương pháp tối tân để giữ gìn nguyên vẹn đôi mắt của bà mãi mãi (sau khi bà qua đời) cho con cháu và các thế hệ sau chiêm ngưỡng, vì đó là vưu vật hiếm có của đời.

5
Đêm đó đã quá 12 giờ khuya vẫn chưa thấy ông về. Cô con gái cũng thức đợi bố nhưng sau hơn tiếng đồng hồ cô buồn ngủ, xin phép mẹ lên phòng. Bà đem ghế ra trước vườn hoa nhà, bên một gốc cây, ngồi “đọc sách” đợi ông. Buổi sáng đi làm ông đã nói cho bà biết đêm nay sẽ về trễ vì có cuộc họp cộng đồng bàn việc cứu lụt. Đường phố vắng vẻ dưới ánh đèn mờ, thỉnh thoảng một hai chiếc xe hơi vội vã phóng vụt qua. Đợi mãi bà cảm thấy mệt, hình như đã quá khuya, định đứng lên bước vào nhà thì nghe tiếng xe hơi của ông đang từ từ đi tới. Từ bao năm nay bà đã quá quen thuộc tiếng xe hơi của ông, ngay cả tiếng bánh xe lăn trên mặt đường và tiếng thắng xe bà cũng nhận ra. Nhưng lạ chưa kìa, có lẽ lần này bà lầm. Tiếng xe chạy qua nhà bà rồi ngừng ở nhà gần bên và tắt máy. Bà chăm chú nghe ngóng thêm ít phút, thở dài trở vào nhà khóa cửa lại. Có lẽ ông bận quá nên chưa về nhưng sao không gọi điện thoại như mọi khi?

6

Ông bác sĩ tung mền ngồi bật dậy. Ông như vừa tỉnh cơn mê, nhìn quanh. Người đàn bà đẹp nằm bên ngạc nhiên: “Anh làm gì có vẻ hốt hoảng thế?” Ông đáp nhanh: “Anh phải về”. “Ơ hay, anh đã hứa đêm nay ở lại với em kia mà!”. “Anh xin lỗi. Anh phải về, đợi dịp khác anh ở lại hoặc có thể chúng mình làm một chuyến du lịch xa”. Người đàn bà nằn nì: “Không, anh đã hứa đêm nay ở lại với em rồi”. “Em thông cảm, anh không muốn vợ anh thức trắng đêm nay đợi anh.” Người đàn bà nói như rít: “Ồ, con mẹ mù ấy có gì mà anh sợ thế! Bỏ quách cho rồi. Em sẽ đem hạnh phúc và tất cả sự sung sướng trên đời này…”. Ông khó chịu, không dấu nỗi bực mình, cắt ngang câu nói của người đàn bà: “Em không được phép xúc phạm tới người vợ yêu quý của anh. Bà ấy tuy bị tật nguyền nhưng là một nàng tiên, một nàng tiên của đời anh, một nàng tiên có trái tim vĩ đại, có đôi mắt của Đức Mẹ nhân ái, của Phật Bà từ bi, em hiểu chưa? Anh là một người chồng tệ hại. Anh đã lừa dối phản bội vợ”. Nghe ông nói vậy có lẽ người đẹp động từ tâm. Nàng buồn bã nói như than: “Ừ thôi, đêm nay em tạm tha cho, lần sau phải ở lại nghe!”. Ông rời khỏi giường, vội mặc quần áo và không cả hôn tạm biệt người đẹp như thường lệ.

7
Ông mở khóa cửa nhà, tháo giầy, bước nhẹ từng bước lên cầu thang. Trong nhà im lìm lặng lẽ dưới ánh đèn đêm mầu xanh lơ – mầu mà bà rất thích tuy không nhìn thấy. Tới trước phòng vợ, ông dừng lại nghe ngóng. Không động tĩnh gì ông yên tâm bước nhanh về phòng mình. Đã lâu rồi bà kêu mắc chứng khó ngủ nên hai người nằm phòng riêng. Ông đâu có ngờ bà còn thức, bà biết hết nhưng im lặng như đang ngủ say. Sáng sau, khi ăn sáng bà hỏi ông sơ sơ về công việc họp hành. Bà chỉ nói bóng gió, xa xôi: “Chắc là nhiều việc cần giải quyết ngay nên mình mới về khuya.” Khi ông ra xe đến phòng mạch, bà trở về phòng mình nằm vật xuống giường ôm mặt khóc. Đã nhiều lần bà muốn rời khỏi nhà để trả tự do cho ông. Bà muốn đi tới một nơi xa xôi hẻo lánh không một ai biết tung tích của bà. Nhưng biết đi đâu và làm gì sinh sống với đôi mắt mù? Chẳng lẽ đi xin ăn để mang tai tiếng cho chồng con, nhất là với ông – một bác sĩ tên tuổi, một người chồng suốt đời bà kính trọng và yêu thương. Lại còn cô con gái? Nó tội tình gì để phải chịu cảnh không mẹ. Cứ thế bà mang mối sầu u uẩn bi thảm và nỗi đau tàn tật dằn vặt chất chứa đầy trong lòng. Muốn xua đuổi “nó” đi không được mà càng giữ kín trong lòng càng thêm dầy vò đớn đau khốn khổ. Lúc vắng người bà đã khóc hết nước mắt. Rồi bà còn lo cho cô con gái yêu của bà mai này biết đâu cũng sẽ lại mắc phải chứng bệnh như bà. “Trời ơi, nếu tôi chết được… Nếu tôi chết được…” Tiếng bà thảng thốt kêu to đến nỗi từ phòng bên nghe thấy, ông vội vã chạy sang.

8
Tuy đã tự thề chấm dứt với “con yêu nữ đa tình” nhưng như bị quỷ ám, cứ vài đêm ông bác sĩ lại tìm đến với nàng. Ông không yêu nàng, chỉ là hai xác thịt tìm đến nhau, nhưng với “tài nghệ điêu luyện” nàng đã làm ông ngày càng mê mệt. Những trận bão tình của người đẹp khiến ông lơ là cả công việc và gia đình, mặc dầu trong trái tim ông vẫn chỉ có duy nhất hình ảnh người vợ mù lòa với đôi mắt đẹp tuyệt trần. Đêm đó trải qua những thời khắc “giông bão trên giường”, không hiểu sao ông cứ trằn trọc không tài nào nhắm mắt ngủ nổi. Buổi chiều ông đã gọi điện thoại về cho vợ nói dối là ông có người bạn ở thành phố xa bệnh nặng đang hấp hối, ông phải tới gấp thăm bạn lần cuối. Chuyến đi có thể mất hai ngày thứ bẩy, chủ nhật. Bà không hề tỏ ý nghi ngờ vặn hỏi. Việc dối vợ như thế tạm ổn nhưng tại sao ông không thể nhắm mắt ngủ được như mọi lần sau khi làm tình xong. Và dưới ánh sáng mầu hồng của đèn ngủ, ông thấy rõ mồn một đôi mắt bà vợ ông đang âu yếm nhìn ông với tất cả sự tha thiết và khoan dung độ lượng tha thứ. Ông nhắm mắt lại. Đôi mắt bà càng hiện rõ hơn và cứ thế to dần, to dần… Ông dụi mắt lần nữa. Vẫn thế. Vẫn đôi mắt ấy, nhưng to lớn khác thường, nhìn ông chăm chú chan chứa yêu thương. Và lạ lùng làm sao, đôi mắt không hề vương chút trách móc oán giận. Nhưng liền đó ông lại thấy đôi mắy ấy tỏa nét buồn rười rượi (có lẽ phát ra từ mắt ông) và đẫm nước mắt. Ông thấy hình như bà sắp khóc. Ông nghĩ tới viên kim cương bà đem bán cứu trợ nạn lụt. Ông đưa tay xua xua như cố đẩy đôi mắt bà đi. Tay ông vô tình chạm vào ngực người đẹp nằm bên làm nàng giật mình tỉnh giấc. “Anh không ngủ được sao? Hối hận à? Chẳng lẽ làm tình với người đàn bà đẹp hết lòng yêu mình là xấu xa tội lỗi?”. Ông đáp cho qua chuyện: “Không, anh không ngủ được có lẽ vì bài báo đọc buổi chiều cứ lẩn quẩn trong đầu”. “Bài báo?”. “Phải, bài báo viết về trận bão lụt lớn vừa xẩy ra ở quê nhà tệ hại lắm, quá nhiều người chết”. Người đẹp bỗng cười ré lên, chát chúa: “Ối trời! Tưởng gì, chuyện tào lao lo bò trắng răng. Việc thiên hạ hơi đâu mà nghĩ tới cho mệt. Ngủ đi cho khỏe cưng, hay ta mần tiếp …” trận” nữa nhe!”
Trước câu nói tàn nhẫn chẳng chút tình người, chẳng chút tình nghĩa đồng bào ruột thịt, ông lại nghĩ tới viên kim cương gia truyền quý báu bà vợ ông đem bán cứu lụt. Ông không kìm được lòng mình nữa, một sự tức giận nổi lên. Ông thấy khinh bỉ và ghê tởm người đàn bà này quá, “đúng là con hồ ly tinh không tim”. Ông lẳng lặng rời giường, mặc quần áo và nói một câu ngắn ngủn: “Anh phải về. Chào em”. Ông bực bội bước ra khỏi phòng trước sự ngạc nhiên của người đẹp. Nàng chạy theo giằng co níu giữ ông lại và to tiếng giận dữ nhục mạ. Mặc, ông đã quyết, một mảnh áo sơ mi nơi ngực ông bị cô nàng túm lấy rách toạc! Ông vùng khỏi tay “con hồ ly tinh” bước nhanh như trốn chạy. Tiếng rủa sả chửi bới nặng nề (cả tục tĩu nữa) của người đẹp đuổi theo ông ra tận ngoài cửa!

9
Ông vào nhà lên lầu thấy phòng bà còn sáng đèn. Bà vẫn chưa ngủ và vẫn làm công việc thường ngày là đan áo len. Bà hơi ngạc nhiên việc ông bất thần về trong đêm khuya khoắt, ngước đôi mắt nhìn ông. Bà không nhìn được mặt ông lúc đó nhưng đã thấy rất rõ tất cả những gì xuất hiện trên mặt ông bằng trái tim nhậy bén của mình. Ông tiến lại cầm tay bà đặt lên ngực ông. Giọng ông run run xúc động và hối hận: “Em, nàng tiên yêu quý nhất đời của anh. Đôi mắt em đã soi đường chỉ lối cho anh thấy rõ đâu là chân lý, đâu là ánh sáng, đâu là tình yêu thương chân thật bao la vĩnh cửu. Khác gì muôn vàn vì sao sáng rực đêm đen xua đi những tà ma ám khí. Trái tim em như tinh hoa đất trời hội tụ. Hãy tha thứ cho anh, hãy tha thứ cho anh, em yêu”. Đôi mắt đẹp của bà những giọt nước mắt lả chả lăn xuống má. Đó là những viên kim cương vô giá.
Ít ngày sau có người khách ngoại quốc từ phương xa tới. Đó là một họa sĩ tài ba, tiếng tăm lừng lẫy khắp thế giới. Tình cờ xem một tờ báo cũ thấy đăng hình bà với đôi mắt đẹp tuyệt trần, cả đời ông chưa từng thấy. Ông bỏ hết công việc bay từ Pháp sang tìm kiếm mãi mới gặp được bà để xin vẽ. Bà từ chối viện cớ chỉ muốn sống yên ổn trong cuộc đời thầm lặng với chồng con. Ông bác sĩ chồng bà và ông họa sĩ phải nài nỉ mãi. Ông họa sĩ cả quyết sẽ thể hiện đôi mắt đẹp của bà trên khung vải như nụ cười bất tử của nàng Mona Lisa thuở nào của họa sư thiên tài Léonard de Vinci. Dù có phải bỏ ra năm mười năm hay hơn nữa để tạo một tác phẩm vĩ đại, ông vẫn sẳn sàng.

Bài Khác