LÁ THƯ GỬI NGƯỜI EM GÁI của Nhạc Sĩ ĐOÀN CHUẨN !!

Chuly sưu tầm

LÁ THƯ GỬI NGƯỜI EM GÁI của Nhạc Sĩ ĐOÀN CHUẨN !!

Sinh thời, Ðoàn Chuẩn vẫn được biết đến như một nhạc sĩ của tình yêu. Các ca khúc về mùa Thu của ông bao gồm Thu Quyến Rũ, Tà Áo Xanh, Lá Ðổ Muôn Chiều, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Ánh Trăng Mùa Thu… đã đi vào lòng khán giả nhiều thế hệ bởi chất trữ tình sâu lắng và mối thâm tình với quê hương, xứ sở.

Không nằm trong những ca khúc đó nhưng cũng được khán giả biết đến và yêu thích còn có bài hát Gửi Người Em Gái, qua sự thể hiện của nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam.

Bài hát được viết vào khoảng những năm 1954, khi đất nước trong cảnh chia hai miền Nam-Bắc. Nhiều người vì thế coi ca khúc này là ca khúc mang tính chất “chính trị” duy nhất trong cả cuộc đời “viết thơ tình bằng nhạc” của Ðoàn Chuẩn. Không chỉ có thế, nếu như hầu hết tình khúc nổi tiếng của ông đều được khơi gợi cảm hứng từ mùa Thu – mùa tình trong năm, trong khi Gửi Người Em Gái lại viết về mùa Xuân – mùa sum vầy, đoàn tụ.

Sau này, qua những lời kể lại, người yêu nhạc mới biết Gửi Người Em Gái có một số phận khá thăng trầm. Theo đó, bài hát ban đầu vốn có tên đầy đủ là Gửi Người Em Gái miền Nam, được tác giả viết dành tặng riêng một người con gái ông đem lòng thương mến đã cùng gia đình vào Nam sinh sống, trong bối cảnh loạn lạc của chiến tranh. Nhiều giai thoại cho rằng, “bóng hồng” đó của Ðoàn Chuẩn chính một trong hai danh ca Tâm Vấn hoặc Mộc Lan danh tiếng một thời. Cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về người con gái “tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương” này. Tuy nhiên, không ai trong hai nữ ca sĩ có xác nhận chính thức về mối tình giữa hai đầu đất nước đã đi vào bài hát.

Bản thân ca khúc đến nay cũng được biết đến với hai phiên bản khác nhau. Một phiên bản do ca sĩ Khánh Ly thể hiện trước năm 1975 và một bản được biết đến phổ biến hơn sau này, được rất nhiều các ca sĩ miền Bắc hát thành công. Về tinh thần chung, cả hai bản đều thể hiện nỗi niềm nhớ thương da diết của người con trai gửi tới người con gái phương xa, trong không khí rạo rực Xuân về. Tuy nhiên, ở bản đầu (trước năm 1975), nhạc sĩ nói lên một tâm trạng khác so với bản về sau: “Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi” (bản về sau: “Hà Nội chờ đón Tết, hoa chen người đi”)

Hồ Gươm trong bản đầu của Ðoàn Chuẩn cũng mang một nỗi niềm riêng (Hồ Gươm sao long lanh), khác hẳn với không khí hân hoan, phấn khởi của bản về sau (Hồ Gươm như say mê). Chỉ với đôi câu chữ, tinh thần của bài hát đã hoàn toàn đổi khác.

Khó có thể quy kết rằng phiên bản bâng khuâng, nhớ thương trong cô đơn, tuyệt vọng hay phiên bản háo hức, hân hoan hướng về người yêu khi mùa Xuân về là chủ ý chính của tác giả. Ðoàn Chuẩn lúc sinh thời cũng đã lên tiếng xác nhận bản về sau là do ông đặt bút chỉnh sửa. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, bản do ca sĩ Khánh Ly thể hiện trước năm 1975 mới là bản gốc của bài hát. Sau này, do thời thế hỗn loạn, để tránh “tính chính trị” nhạy cảm, Ðoàn Chuẩn đã thay đổi ít nhiều phần lời để hợp thức hóa ca khúc, hòa mình vào tinh thần chung của đất nước, của thời đại.

Mặc dù vậy, giấc mơ về “ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ” có thể là một chỉ dẫn thú vị về cách hiểu bài hát ở đây. Bởi lẽ, vào thời điểm tác giả viết ca khúc, rõ ràng ngày “giang sơn thu về một mối” còn rất xa (tận năm 1975). Nếu cho rằng đây là lời tiên đoán trước thời đại cũng không hoàn toàn sai nhưng e rằng có phần hơi gượng ép. Ðặt vào hoàn cảnh “yêu xa” của tác giả, “ngày thống nhất” ở đây có lẽ nên hiểu là một giấc mơ mòn mỏi, xa vời mà người nghệ sĩ mang theo giữa mùa Xuân – mùa đôi lứa sum vầy, đoàn tụ.

Theo cách ấy, chúng ta mới thấy Hồ Gươm sao long lanh, Hà Nội hoang vắng, u buồn, không người qua lại. Chính tình yêu thiếu vắng đã làm nên chất thơ, khoảng sâu lắng cho bài hát chứ không phải đất trời mùa xuân rạo rực, say mê gọi mời.

Bài hát được viết theo khúc thức ba đoạn A-B-A. Ðây là hình thức phổ biến mà không chỉ Ðoàn Chuẩn, rất nhiều nhạc sĩ khác như Cung Tiến, Văn Cao sử dụng trong các tình khúc của mình. Song, điểm độc đáo, mới mẻ của Gửi Người Em Gái là trên tinh thần phương Tây hiện đại đó, tác giả thả vào một nét chấm phá bằng cặp câu lục bát: “…Người đi trong dạ sao đành. Ðường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa…”

Ca khúc nhờ thế vẫn mang đậm tinh thần dân tộc và không khí Hà Nội xưa. Nhiều thế hệ người Việt xa xứ đã lắng nghe và đồng điệu với “bức thư tình” của Ðoàn Chuẩn cũng bởi mối “tình xưa nghĩa cũ” mà nhạc sĩ gửi gắm trong bài hát này.

Không rộn ràng, hân hoan như các ca khúc về mùa xuân thông thường vốn thế, Gửi người em gái của cố nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn sau nhiều năm qua đi, vẫn khiến chúng ta nao lòng trong khoảnh khắc Tết đến, Xuân về.

Cảm thức về thời gian như một nỗi ám ảnh lớn đối với người nghệ sĩ đã chứng kiến những bước thăng trầm trong lịch sử. Dấu vết về sự đổi thay, phôi phai in rõ trên từng lớp ca từ của ông (lớp người đổi mới khác xưa/ đường xưa lối ngập lá vàng, đường nay thong thả bao nàng đón xuân. . . ) Ðó là cảm thức của một trái tim nặng lòng với quá khứ, với “đường quen lối cũ” và những mối tình vượt thời gian.

Có thể nói rằng Gửi Người Em Gái là tình khúc Ðoàn Chuẩn ưu ái viết riêng về Hà Nội. Bởi chỉ có ai chứng kiến một Hà Nội hoang vắng, lặng lẽ trong những ngày đầu năm, mới hiểu được cảm giác “Hồ Gươm sao long lanh, ” “Ngọc Sơn sao uy nghi” và nhận ra một Hà Nội rất tình, rất xưa dường như vẫn chưa mất hẳn, giữa dòng đời chật chội, xô bồ. .

bài viết của KHUYẾT DANH

Cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (sinh năm 1924 ở Hải Phòng, mất năm 2001) là tác giả cùng thời với những nhạc sĩ tiền chiến tên tuổi như Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong…. Bên cạnh sáng tác, ông còn là một nghệ sĩ chơi đàn guitar Hawaii. Tác phẩm đầu tiên của ông là bài: Ánh trăng mùa Thu (1947) và ngay từ khi đó ông đã ký tên: Đoàn Chuẩn – Từ Linh dưới bài hát.

Đoàn Chuẩn: “tay chơi có hạng Bắc kỳ” cũng thua xa

Là con của chủ hãng nước mắm nổi tiếng Vạn Vân (từ năm 1955 trở về trước), thời trai trẻ của “công tử” Đoàn Chuẩn rất hào hoa phóng túng, mê âm nhạc và mê… ô tô. Ông có tới 6 chiếc, trong đó có chiếc Ford Frégatte hạng sang, có một không hai ở miền Bắc lúc bấy giờ. Ông thích chiếc ô tô mới, chỉ cần về nói một câu, vợ ông ngay lập tức xuất tiền mua ngay! 
Tài tử Ngọc Bảo, người được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn quyến rũ nhất, người cùng thời với nhạc sĩ, cũng từng kể lại rằng: “Tôi là tay chơi có hạng đất Bắc Kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”. 

Vậy Từ Linh là ai?- câu hỏi mà nhiều người thường đặt ra với Đoàn Chuẩn sẽ được gợi mở trong chương trình này bằng những hình ảnh tư liệu mới được công bố. Theo nghệ sĩ Đoàn Đính – con trai Đoàn Chuẩn, thì Từ Linh không phải là một bóng hồng nào cả, mà là một người bạn của cha mình, ông không trực tiếp tham gia sáng tác, nhưng Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người để tôn vinh người bạn tri âm của mình, tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật. Ngay đến cả khi Từ Linh và Đoàn Chuẩn đều ra đi, cái tên Đoàn Chuẩn – Từ Linh vẫn là một ẩn số, không ai nói ra và gia đình Đoàn Chuẩn cũng chỉ biết thế!

Nội dung xuyên suốt trong cả chương trình còn nhiều chi tiết, giai thoại gắn liền với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn như: Bài ca bị xé, Tà áo xanh, Gửi người em gái hay niềm đam mê và rèn luyện guitar Hawaii hơn nửa thế kỷ của ông. Có những chi tiết theo BTC mới chỉ được biết cách đây vài ngày cũng sẽ được công bố. Đặc biệt, trong chương trình này, những bài hát mới, ít được biết đến của Đoàn Chuẩn cũng sẽ được xuất hiện.

Ca khúc Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn đang được Thanh Lam- Tùng Dương tập

Dấu hỏi về những bóng hồng…

Đã có rất nhiều đêm nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh được tổ chức, nhiều đến nỗi gia đình ông không ai nhớ hết được. Trong chương trình Con đường âm nhạc của VTV cũng dành hẳn một số cho Đoàn Chuẩn. Những bài hát của Đoàn Chuẩn đến nay vẫn luôn vang mãi trong niềm yêu của công chúng. Trước nhất là những bóng hồng trong tác phẩm của ông. Đó đều là những bài tình ca cực kỳ quyến rũ và mê đắm. Thậm chí, có người còn khẳng định đã thấy về sau, đôi khi ông khóc khi đàn lại những bài tình xưa cũ được cho rằng tặng M, tặng T… Nhưng chưa ai được nghe Đoàn Chuẩn tâm sự về những bóng hồng đó, trừ những lời tâm sự của vợ ông.

Lúc sinh thời bà Đoàn Chuẩn kể rằng: “Ông lãng mạn, đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn “ngang” thì “ngang”, muốn “dọc” thì “dọc”, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế, gia đình, con cái… Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên – sao ông tài thế?… Mỗi bài hát là một mối tình đi qua đời ông. Ông chỉ viết một bài cho tôi…”.

Và… 31 năm không sáng tác!

Tuy nhiên, Đoàn Chuẩn có một khoảng im lặng đằng đẵng 31 năm ông không hề viết thêm 1 ca khúc nào, dù lúc đó tưởng như tuổi đời mới bắt đầu bước vào độ chín. Điều này, chỉ có một số người hiểu mang máng hoặc ngầm hiểu một phần qua thái độ và những lời nói không chính thức của ông: Người thì nói khi ông lấy được vợ đẹp thì cảm hứng cũng hết; người lại nói rằng do gia cảnh sa sút… Con trai Đoàn Chuẩn cho rằng mẹ mình chắc là cai quản được ông chồng, nên ông hết yêu, hết sáng tác!

Bài hát cuối cùng của Đoàn Chuẩn là Gửi người em gái miền Nam (sau sửa thành Gửi người em gái, 1957) từng được tài tử Ngọc Bảo hát trên sóng Đài Tiếng nói VN. Tuy nhiên, ca khúc này chưa kịp phổ biến sâu rộng thì đã bị “cải chính” đi rất nhiều. Và trong đêm nhạc này, Gửi người em gái sẽ được 2 ca sĩ Tùng Dương và Thanh Lam song ca lại theo đúng lời sáng tác của Đoàn Chuẩn. Với ca khúc này, Đoàn Chuẩn chỉ mượn bối cảnh thời cuộc để gửi gắm tình cảm dạt dào của mình về một mối tình mê đắm nhất mà thôi!


Gia tài tác phẩm Đoàn Chuẩn để lại không đồ sộ, chỉ khoảng 20 ca khúc, nhưng hầu hết đều là những tuyệt phẩm có sức sống lâu dài… Hát nhạc Đoàn Chuẩn đầu tiên có Ngọc Bảo, Anh Ngọc, Ngọc Long, Mộc Lan, Thái Thanh, Lệ Thanh, Minh Hiếu, Lệ Thu, Khánh Ly, Mai Hương, và vài chục năm sau, ca sĩ Ánh Tuyết đã làm sống lại những ca khúc bất hủ này trong một tâm trạng mới, một luồng cảm xúc mới và một hơi thở mới…

Bài Khác