Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines thúc giục chính phủ hỗ trợ Việt Nam về COC ở Biển Đông

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines thúc giục chính phủ hỗ trợ Việt Nam về COC ở Biển Đông

.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc chụp hình tại Thượng đỉnh ASEAN – China ở Singapore hôm 14/11/2018 . AFP

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario hôm 2/1 ra thông cáo kêu gọi chính phủ Philippines hỗ trợ lập trường của Việt Nam liên quan đến bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (gọi tắt là COC).

Trước đó, hãng tin Reuters cho biết Việt Nam đã đưa ra những đề nghị mới về COC được nói là trái ngược với những mong muốn của Trung Quốc.

Theo Reuters, trong đề nghị của mình, Việt Nam yêu cầu phải làm rõ vấn đề chủ quyền trên biển theo đúng luật quốc tế, không chấp nhận đòi hỏi cấm tập trận với các nước ngoài khu vực trên Biển Đông do Trung Quốc đưa ra, không chấp nhận thiết lập khu vực nhận dạng phòng không trên biển, và bác bỏ đề nghị loại bỏ các công ty dầu khí nước ngoài trong các hợp tác phát triển trong khu vực với các nước ASEAN.

Ông Del Rosario viết trong tuyên bố của mình rằng việc tham vấn với Việt Nam là một bước mang tính xây dựng nhằm tạo cơ hội cho Philippines, đồng thời đề cao lập trường của hai bên, dẫn tới một kế hoạch hành động có lợi cho cả hai nước và các nước khác.

Philippines và Việt Nam là những nước vốn có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong ASEAN đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên kể từ năm 2016, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền ở Philippines, chính phủ Philippines muốn xây dựng quan hệ tốt hơn với Trung Quốc và ít dám lên tiếng chỉ trích Trung Quốc tại diễn đàn ASEAN.

Trước đó, Philippines đã từng đưa đơn kiện những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ra tòa Trọng tài quốc tế. Phán quyết của tòa công bố hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố không tuân thủ phán quyết của tòa.

Hiện ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán COC với mong muốn sớm có được một COC có tính ràng buộc hơn ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế cho rằng Trung Quốc đã tìm cách câu giờ trong đàm phán COC trong suốt gần 20 năm qua kể từ sau khi ASEAN và Trung Quốc đạt được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) hồi năm 2002. Theo các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc không muốn có một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và muốn sử dụng COC như một cách để hợp thức hóa các đòi hỏi về chủ quyền của nước này trên Biển Đông.

Nguồn: RFA

Bài Khác