Việt Nam nhập hơn 7,2 tỷ USD xăng dầu

Việt Nam nhập hơn 7,2 tỷ USD xăng dầu

.

Một trạm bán xăng dầu ở Hà Nội. AFP

Khối lượng xăng dầu nhập về Việt Nam trong 11 tháng qua tổng cộng trên 10,7 triệu tấn, trị giá tương đương 7,2 tỷ USD. Truyền thông trong nước đưa tin.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ trong tháng 11 Việt Nam nhập 752 nghìn tấn xăng dầu, tăng 13% về số lượng và tăng 5% về kim ngạch so với tháng trước.

Malaysia tiếp tục là thị trường cung cấp xăng dầu lớn nhất cho Việt Nam với hơn 3,12 triệu tấn, tương đương 1,97 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc với 2,3 triệu tấn, Singapore 2,2 triệu tấn. Trung Quốc 1,33 triệu tấn. Còn lại là các nước Thái Lan, Nga và Hong Kong.

Tuy Trung Quốc chỉ là thị trường lớn thứ tư về nguồn cung xăng dầu cho Việt Nam, nhưng nhập khẩu xăng dầu từ nước này lại tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay với 50,8% về lượng và tăng 101,4% về kim ngạch so với cùng thời điểm năm 2017.

Cũng liên quan xăng dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về việc tăng biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2019. Như vậy mỗi lít xăng sẽ chịu thêm 4.000 đồng tiền thuế môi trường. Đây là mức kịch trần so với mức cũ là 3.000 đồng.

Ngoài ra dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít. Dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít.

Theo truyền thông trong nước thì số thu từ dòng thuế này sẽ khoảng 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.300 tỷ đồng /năm.

Báo Moitruong.net trích lời vị đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rằng vận tải, nông nghiệp và thủy hải sản là những nhóm ngành chịu thiệt hại lớn nhất với mức thuế xăng dầu mới này.

Đơn vị này lý giải chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải chiếm từ 25% đến 35% cơ cấu giá thành đối với xe chạy xăng, từ 35 % đến 45% đối với xe chạy dầu; còn hàng không là 39,5%. Ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33% đến 59% cơ cấu giá thành. Còn trong nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm từ 35 % đến 40% cơ cấu giá thành.

Như vậy việc áp thuế bảo vệ môi trường kịch khung sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các đơn vị liên quan.

Nguồn: RFA

Bài Khác