LHQ lên án Bắc Triều Tiên vi phạm “thô bạo” nhân quyền

LHQ lên án Bắc Triều Tiên vi phạm “thô bạo” nhân quyền

.


Một cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 16/10/2018. 
REUTERS/Shannon Stapleton

(Mai Vân / RFI)  –  Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 17/12/2018, đã thông qua một nghị quyết lên án Bắc Triều Tiên về những vi phạm nhân quyền “có hệ thống, phổ biến và thô bạo“. Nghị quyết không mang tính ràng buộc đã được thông qua bằng thể thức đồng thuận, không cần bỏ phiếu.

Theo hãng tin Pháp AFP, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc một mặt hoan nghênh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, mặt khác nhấn mạnh rằng quốc tế « quan ngại sâu sắc trước tình hình vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tình trạng phổ biến của tệ nạn vi phạm nhân quyền mà không bị trừng phạt, và sự thiếu vắng của các cơ chế buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm tại Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. »

Nghị quyết cũng lên án việc sử dụng tra tấn cũng như « các điều kiện giam cầm vô nhân đạo, hãm hiếp, hành quyết công khai, giam giữ độc đoán và tùy tiện » và « sự tồn tại của một hệ thống trại tù chính trị rộng lớn ».

Đây là lần thứ 5 mà nghị quyết về nhân quyền Bắc Triều Tiên được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua. Tuy nhiên, khác với các lần trước, lần này ngoài việc hoan nghênh xu hướng đối thoại trên bán đảo Triều Tiên, nghị quyết còn yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tiếp tục thảo luận về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên.

Mỹ muốn Hội Đồng Bảo An thảo luận

Phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc đã cực lực đả kích Mỹ về ý muốn thúc đẩy Hội Đồng Bảo An họp bàn về nhân quyền Bắc Triều Tiên.

Hồi đầu tháng 12 này, Washington đã phải từ bỏ yêu cầu tổ chức một cuộc họp mới, vì không chắc chắn về hậu thuẫn mà Mỹ có thể nhận được từ các thành viên khác trong Hội Đồng Bảo An đương nhiệm. Hội Đồng Bảo An thường họp bàn về chủ đề này hàng năm, kể từ năm 2014.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ hy vọng sẽ tổ chức được cuộc họp vào tháng Giêng 2019, nhờ các thành viên không thường trực mới, có thể có quan điểm thuận lợi hơn.

Nguồn: RFI

Bài Khác