Đục bộng cây làm tổ ong lấy mật ở cao nguyên

Đục bộng cây làm tổ ong lấy mật ở cao nguyên

.
.
Anh Thước cất trữ hơn 30 lít mật ong. (Tin Mới)

.

QUẢNG NAM – Hầu như gia đình người thiểu số Giẻ Triêng nào cũng biết cách đục lỗ ở thân cây làm nhà cho ong làm tổ. Nhờ vậy họ có mật ong bán kiếm tiền sinh sống.

Tin của báo Tin Mới cho biết là vào giữa tháng 11, mưa trút xuống báo hiệu mùa ong mật làm tổ kết thúc. Đến lúc này thì người sắc tộc Giẻ Triêng ở thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn đã cất giữ nhiều mật ông trong nhà. Họ lấy mật trong suốt mấy tháng qua và đựng trong can.

Anh Thước, 35 tuổi, đã có hơn 30 lít mật cho hay. Anh giữ mật đợi đến gần Tết mới bán, vì lú đó giá được cao hơn, nhiều người mua làm quà biếu Tết. Loại mật ong này nguyên chất nên để lâu ngày không bị hư.

Anh Thước kể ngôi làng nằm dưới dãy núi Ngọc Linh, độ cao trên 1,000 m so với mực nước biển. Xung quanh là rừng xanh bao phủ, nhiều cây cổ thụ. Người Giẻ Triêng truyền nghề bắt ong mật từ nhiều đời nay, nhưng cách bắt ong ở đây không giống những vùng khác.

“Các nơi họ thường mất nhiều ngày trời tìm kiếm trong rừng sâu để bắt những tổ ong treo lơ lửng trên cây cao. Còn người Giẻ Triêng dụ ong về gần nhà để lấy mật,” anh Thước nói với Tin Mới.

.
Một tổ ong mật đóng trong bộng cây. (Tin Mới)
.

Anh Thước cũng không nhớ cái nghề dụ ong về lấy mật có từ bao giờ, chỉ biết cha ông truyền lại rằng, cuối mùa xuân ong bắt đầu làm tổ. Chúng có đặc tính chọn những cây thân bị mục rỗng, tạo thành bộng rồi chui vào xây tổ. Biết được đặc điểm này, người dân đục cây tạo thành bộng làm nhà cho ong.Trên mỗi thân cây cổ thụ, thợ ong dùng dụng cụ đục một lỗ vào thân cây sâu từ 25 đến 30 cm, cách mặt đất nửa mét. Sau đó, lấy những hòn đá bịt lại và để một lỗ đủ con ong chui ra chui vào.

“Từ tháng Giêng âm lịch người dân bắt đầu đục cây, còn bộng nào làm trước thì sửa sang lại để đón ong về. Tháng Tư ong từ rừng sâu bay đến và chúng ở lại,” anh Thước cho biết. Anh đang có 50 bộng cây tập trung gần nhà, bộng xa nhất đi bộ khoảng 30 phút.

Trong những tổ ong cuối mùa còn sót lại, anh Thước gỡ từng hòn đá ra để lộ phía trong bốn tầng tổ với hàng ngàn con ong bên trong. “Ong cuối mùa mật không còn nhiều nên giữ lại để chúng nuôi con lớn, sau đó chúng bỏ tổ bay về lại rừng sâu, sang năm chúng quay lại,” anh giải thích.

.

Ông Cân đục một lỗ vào thân cây và dùng đá bịt lại làm nhà cho ong ở. (Tin Mới)

.

Toàn thôn có hơn 35 hộ thì nhà nào cũng có ít nhất vài chục bộng cây, có người lên tới 200 bộng. Từ tháng 5 đến tháng 6 ong cho mật thì bắt đầu khai thác. Mỗi bộng thu ít nhất nửa lít mật, bộng nhiều bảy lít, ước tính sản lượng mật ong trong thôn thu thập mỗi năm trên 1,000 lít, giá bán $17 mỗi lít.

Ông Cân, 70 tuổi, có 30 bộng ong. Ông nói việc làm tổ để ong vào ở cần có kinh nghiệm. Trước hết chọn cây cổ thụ, cao nhất trong rừng để đục bộng, bởi loại ong bay trên cao khi phát hiện bay xuống và tìm chỗ. Ngoài ra, khi đục chọn những cây không có nước chảy ra, vì ong không thích bộng có nước.

“Nhờ vào các dấu hiệu riêng trên những hòn đá, đến mùa, đàn ong sẽ tự tìm về tổ như tìm về chính ngôi nhà mình,” ông nói. Đế giúp cho cây không bị chết thì phải chọn thân cây to, khi đục vào tỷ lệ xâm hại đến thân rất ít nên cây sẽ tiếp tục phát triển như bình thường.

Người nhiều bộng ong nhất trong làng là ông Yên. Ông đục gần 200 bộng, mùa năm nay thu về 300 lít mật, bán hơn $4,200.

Bài Khác