Thuyền Nhân và Lễ Tạ Ơn

Thuyền Nhân và Lễ Tạ Ơn
Trần Khải

Chúng ta đang bước vào tuần lễ Tạ Ơn. Chúng ta chịu ơn, nhận lãnh ơn huệ và rồi đền ơn, tạ ơn. Nhưng không bao giờ có thể tạ ơn đối với nhiều trường hợp. Hãy nhớ rằng rất nhiều người trong chúng ta đã lênh đênh trên biển, rồi được tàu quốc tế vớt lên, đưa vào trại tị nạn, rồi xét đơn sang định cư ở quốc gia thứ ba, thường là được đón nhận từ Hoa Kỳ, Canada, Úc châu, Pháp…

Làm sao đền tạ ơn cho đầy đủ? Đó cũng là câu hỏi đối với nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là thuyền nhân, thực tế là trốn mà đi… Chỉ tội nghiệp cho những người trốn đi sau khi các trại tỵ nạn Đông Nam Á dẹp bỏ, họ bị trục xuất về Việt Nam, bị bàn giao về cho công an VN sau thời gian bị giam bởi các nước lân bang về tội di dân lậu.

Trong những ngày suy niệm về Tạ Ơn, nơi đây chúng ta ôn lại vài nét về hiện tượng thuyền nhân qua phần lớn tài liệu từ Wikipedia.

Thuyền nhân Việt Nam là hiện tượng gần một triệu người Hoa và người người Việt vượt biên khỏi Việt Nam bằng đường biển bắt đầu sau khi chính thể VNCH đầu hàng năm 1975, và nhà nước Miền Bắc VN dùng bạo lực chuyên chính để cai trị Miền Nam VN. Thuyền nhân ra đi cao điểm vào năm 1978-1979 (năm diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc) và tiếp diễn cho đến giữa thập niên 1980. Đến năm 1999 vẫn còn một vài người Việt cùng người Trung Quốc vượt biển đến Hồng Kông, trong khi nhiều trại ở Đông Nam Á vẫn chưa giải quyết xong những người ứ đọng. Cuối cùng, Indonesia đóng cửa trại tị nạn ở Galang năm 1996; Thái Lan năm 1997; Philippines năm 1997, Hồng Kông năm 2000. Năm 2001, Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc chính thức dẹp bỏ trại tỵ nạn cuối cùng đặt tại Malaysia, chấm dứt 21 năm Cao ủy Tỵ nạn hợp tác ở nước này để giúp người vượt biển đến từ Việt Nam.

Theo Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thì trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có 796.310 người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển. Cũng theo số liệu của tổ chức này, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849.228 người từ Đông Dương vượt biên bằng đường biển hoặc đường bộ (tính cả người Campuchia). Theo số liệu của Indonesia, trong khoảng thời gian 1975-1996 đã có 250.000 người từ Việt Nam và Campuchia tới tá túc trên đảo Galang.

Để đón nhận thuyền nhân, một số vùng có đông người vượt biên đã được Liên Hiệp Quốc hoặc nước sở tại lập các khu trại tạm cư để cho người vượt biên tạm trú trong thời gian chờ ra đi đến nước thứ ba.

– Hồng Kông: tất cả trại đóng cửa năm 2000, Achau, Argyle Street, Chimawan, Green Island, Heilingchau, High Island, Shek Kong, White Head, Tuen Mun (trại mở), Pillar Point (trại mở).

– Indonesia: các trại trên đảo Galang, Kuku.

– Malaysia: Bidong (Pulau Bidong), Sungei Besi.

– Philippines: Bataan, Palawan.

– Thái Lan: Banthad, Leam Sing, Phanat Nikhom, Sikiw, Site 1, Site 2, Songkhla.

Vào năm 2005, ba mươi năm sau khi cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc và đợt sóng người Việt đầu tiên bỏ nước ra đi bằng thuyền, một số người trong cộng đồng người Việt hải ngoại tổ chức dựng bia tưởng niệm thuyền nhân tại hai địa điểm quan trọng trên chặng hành trình của nhiều thuyền nhân. Tại Pulau Bidong (tháng 3 năm 2005) thuộc Malaysia và Galang trên đảo Batam, thuộc Indonesia, hai nơi tạm trú của người đến từ Việt Nam trong khi chờ đợi giấy phép tái định cư tại một nước thứ ba họ cho dựng hai tấm bia với dòng chữ song ngữ Việt-Anh:

“Tưởng niệm hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên con đường đi tìm Tự do (1975-1996). Dù họ chết vì đói khát, vì bị hãm hiếp, vì kiệt sức hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta thảy đều cầu nguyện để họ được yên nghỉ dài lâu. Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.”

Tuy nhiên đến tháng 5 năm 2005 thì bia ở Galang bị phá dỡ. Vào tháng 11 thì bia ở Bidong cũng bị dỡ đi. Hai hành động này của chính quyền Malaysia và Indonesia được cho là do áp lực ngoại giao của chính phủ Việt Nam vì bất bình với câu văn trên bia.

Vì những nguy hiểm và không ít người thiệt mạng trên hành trình vượt biển khỏi Việt Nam, một phong trào nổi lên tại hải ngoại dựng đài tưởng niệm thuyền nhân ở nhiều địa điểm khác. Trong số đó có:

Thị xã Grand-Saconnex, Thụy Sĩ (tháng 2 năm 2006).

Thành phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ (tháng 2 năm 2006). Tượng đài này sau dọn về Westminster.

Liège, Bỉ (tháng 7 năm 2006).

Hamburg, Đức (tháng 10 năm 2006).

Troisdorf, Đức (tháng 5 năm 2007).

Footscray (công viên Jensen Reserve thuộc Melbourne), Úc (tháng 6 năm 2008).

Bagneux, Pháp (tháng 11 năm 2008).

Westminster, California (tháng 4 năm 2009.

Cảng Landungsbruecken (Hamburg), Đức (tháng 9 năm 2009).

Đảo Galang, Indonesia (đã bị phá huỷ).

Đảo Bidong, Malaysia.

Washington, Hoa Kỳ.

Genève, Thuỵ Sĩ

Pháp: Bùng binh “Rond point Saigon”, ngã tư thông lộ André Malraux và đại lộ des Genêts thuộc xã Bussy-Saint-Georges, thị trấn Marne-la-Vallée (12 tháng 9 năm 2010). Tượng đài này có bốn mục đích: 1) Tưởng niệm người tỵ nạn thuyền nhân Việt Nam 2) Tri ân nước Pháp 3) Ghi ơn bậc phụ huynh 4) Vinh danh đóng góp của người Pháp gốc Việt. Đây là bức tượng bằng đồng do điêu khắc gia Vũ Đình Lâm thực hiện.

Bỉ: Parc du Foyer Européen, Rue de la Traversière, Saint-Josse-ten-Noode (2 Tháng Mười, 2010)[68]

Bankstown, NSW, Úc (tháng 11 năm 2011) ở Saigon Place.[69] Đây là bức tượng bằng đồngnặng hơn ba tấn do điêu khắc gia Terrence Plowright thực hiện.

Năm 2011 chính quyền địa phương Tarempa thuộc quần đảo Anambas, Indonesia đã khởi công trên đảo Kuku xây tượng đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam với dòng chữ “In Memory of the Refugees Who Died in Anambas, Indonesia, 1979-1986.” Dự án khánh thành năm 2012.

Brisbane, Queensland, Úc (2 tháng 12 năm 2012) trong công viên Captain Burke, do Phillip Piperides thực hiện.

Perth, Western Australia, Úc (1 tháng 11 năm 2013) trong công viên Wade Street Reserve. Tượng đài cao 5,5 mét của điêu khắc gia Coral Lowry.

Ngày 12 tháng 8 năm 2009 Hội đồng thành phố Westminster, CA, thông qua nghị quyết 4257 công nhận ngày thứ bảy cuối cùng mỗi tháng 4 sẽ là “Ngày Thuyền nhân Việt Nam”.

Ở Sydney, Úc, tại Viện Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Úc (Australian National Maritime Museum) hiện lưu trữ một số hiện vật của con thuyền Tự do do một gia đình thuyền nhân Việt Nam đi chuyến hải hành vượt biên hơn 6.000 km từ Việt Nam để cập bến ở Darwin (Úc) năm 1977. Con thuyền này được chính phủ Úc mua lại năm 1990 đem trùng tu và trưng bày ở bảo tàng viện.

Thành phố Rennes, vùng Bretagne ở Pháp vào Tháng Tư năm 2010 đã mở cuộc triển lãm một số di vật và hình ảnh thu thập được về hành trình vượt biên của người ị nạn Việt Nam trong đó có một con thuyền chở 86 người đang trôi trên biển.

Cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương ở California đã thành lập Viện Bảo tàng Người Việt ở San Jose, California. Nơi này thu thập và lưu trữ nhiều hiện vật và tài liệu về Thuyền nhân Việt Nam.

Tại Morong, Bataan, Philippines năm 2013 chính quyền địa phương lập nhà Bảo tàng Thuyền nhân (Boat People Museum). Nơi đây một thời là trại tạm trú và cơ sở chuyển tiếp cho 400.000 người tỵ nạn Đông Dương, đa số là người Việt trên đường đi định cư ở Tây phương từ năm 1980 đến 1994. Nhà bảo tàng này đã thu thập nhiều hiện vật trong đó có một con thuyền gỗ và đã dựng lại một số công trình như chùa, nhà thờ và thánh thất mà người tỵ nạn dựng lên ở đây trong khi chờ đợi định cư. Ngày 4 Tháng Tám, 2016 Tổ chức Văn khố Việt Nam hoàn tất việc trùng tu nghĩa trang năm nghìn mét vuông của người Việt, trồng lại bia, xây lại cổng và nhà nguyện.

Nước mắt lạnh bên trời

Tôi nhìn em cuốn trôi

Tóc xõa muôn bờ sóng

Có sợi vương hồn tôi.

Bài Khác