Mẹ Nấm Trên Đất Mỹ

Mẹ Nấm trên đất Mỹ: ‘Tiếng nói yêu tự do không cô đơn’

“Sự chào đón của mọi người làm tôi cảm thấy không hề cô đơn chút nào trong suốt 787 ngày qua”, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xúc động nói ngay giây phút đầu bước ra khỏi phi trường trong vòng vây của cộng đồng người Việt và báo giới ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Gia đình blogger Mẹ Nấm chụp ảnh cùng cộng đồng sau khi đặt chân tới phi trường George Bush vào sáng sớm ngày 18/10/2018.

Gia đình blogger Mẹ Nấm chụp ảnh cùng cộng đồng sau khi đặt chân tới phi trường George Bush vào sáng sớm ngày 18/10/2018.

Blogger Mẹ Nấm đến phi trường George Bush vào khoảng gần 11 giờ đêm 17/10, giờ địa phương. Sau khoảng 1 giờ làm thủ tục, Mẹ Nấm và gia đình xuất hiện trong tiếng hò reo của cộng đồng.

Trước câu hỏi cho rằng nhiều nhà hoạt động sau khi sang Mỹ đã im lặng, không lên tiếng như khi còn ở trong nước, Như Quỳnh khẳng định “Tôi sẽ không im lặng”, và câu trả lời của cô đã nhận được hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng.

Blogger Mẹ Nấm đã được phóng thích khỏi nhà tù ở Thanh Hóa và rời khỏi Việt Nam vào trưa ngày 17/10, sau những nỗ lực can thiệp từ bên trong và bên ngoài Việt Nam. Chia sẻ với VOA về giây phút đầu tiên gặp lại mẹ và hai con trên máy bay, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xúc động nói:

“Mặc dù đã chuẩn bị trước cho việc phải gặp gia đình rất ngắn ngủi trước khi đi nhưng tôi vẫn cảm thấy sốc khi con trai và con gái ôm tôi trên máy bay. Chúng tôi đã chờ đợi hơn hai năm trời. Những gì họ đã cố gắng để chặn tin tức và chặn sự tiếp xúc của chúng tôi cho đến phút cuối thì cảm xúc của con trai đã vỡ òa trên máy bay. Có lẽ mọi người cũng đã nhìn thấy tấm hình đó.”

Tôi nghĩ sự đoàn tụ ngày hôm nay ngay trên máy bay sẽ là câu trả lời cho chính những người đã bắt, giam giữ tôi trong suốt thời gian qua, rằng tôi không cô đơn và tiếng nói yêu tự do không bao giờ lạc lõng như họ nghĩ”, blogger Mẹ Nấm nói thêm.

Trước đó hàng giờ, các cơ quan truyền thông và cộng đồng người Việt đã có mặt tại phi trường để chào đón blogger 39 tuổi đã được nước Mỹ, châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế vinh danh vì những đóng góp của cô trong việc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam.

Chị Thảo Ly, một cư dân Houston, nói với VOA rằng “chưa bao giờ chị vui như vậy”khi biết được tin Mẹ Nấm và gia đình được tự do và đến Mỹ, nhưng không khỏi nghĩ tới những nhà hoạt động khác vẫn còn trong nhà tù, trong đó có bà Thúy Nga, cũng có hai con nhỏ như trường hợp của Mẹ Nấm. Chị Ly bày tỏ tin tưởng rằng “với Mẹ Nấm, tôi tin rằng dù sống ở bất cứ đâu thì cô cũng vẫn tiếp tục con đường mà cô đang đi”.

Trong số những người có mặt tại sân bay quốc tế George Bush, có cả những người đã lớn tuổi từ các thành phố lân cận đã lái xe đến Houston giữa đêm để đón Mẹ Nấm và gia đình vì ngưỡng mộ sự can đảm của cô, mà theo họ, “xứng đáng là một anh thư”, “con cháu bà Trưng, bà Triệu”, ông Tường, 83 tuổi, nói với VOA.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một blogger được biết tiếng tại Việt Nam thông qua các bài viết và hoạt động liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như biểu tình chống Trung Cộng, vụ ô nhiễm môi trường do nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra ở vùng biển miền Trung Việt Nam, những cái chết trong đồn công an…

Năm ngoái, Việt Nam tuyên án blogger Mẹ Nấm 10 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88, nhưng nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế đã chỉ trích Việt Nam về bản án này.

Ngoài các giải thưởng về nhân quyền từ các tổ chức quốc tế, vào tháng 3 năm ngoái, Mẹ Nấm còn được phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, bà Melania Trump, trao giải “Phụ nữ can đảm”. Cô cũng được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình gần đây.

Mẹ Nấm là trường hợp mới nhất mà Việt Nam phóng thích để đi tị nạn ở nước ngoài. Trước đó, một số nhà hoạt động cũng đã bị Việt Nam phóng thích theo dạng này như LS. Nguyễn Văn Đài, blogger Điếu Cày…

LS. Lê Công Định, một cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam, nhận định trên trang Facebook cá nhân: “Sau chiến công xuất khẩu lao động trả nợ các nước XHCN anh em những thập niên cuối thế kỷ trước, đến chiến công xuất khẩu “những bông hoa nhỏ “giải quyết nạn thất nghiệp nhiều năm gần đây, nay chương trình xuất khẩu tù nhân nhân quyền đổi lấy giao thương quốc tế dần trở thành chiến công hiển hách mới của phong trào cách [cái] mạng nước ta”.

Một trong những người đi đón gia đình Mẹ Nấm tại phi trường ở Houston, GS. Nguyễn Chính Kết, thành viên khối 8406, tỏ ra thông cảm và chia sẻ với lựa chọn ra đi của blogger Mẹ Nấm. Ông nói: “Người đấu tranh đích thực trong nước không bao giờ muốn ra hải ngoại để tị nạn vì khi đã dấn thân, bất chấp nguy hiểm, là họ đã có tấm lòng muốn hy sinh cho đại cuộc”.

Ngay sau khi Mẹ Nấm rời khỏi Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoan nghênh quyết định của các nhà chức trách Việt Nam và kêu gọi Hà Nội phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm khác đang bị giam cầm, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với VOA qua một thông cáo.

VOA

Ông Mattis thúc đẩy quan hệ với VN giữa lúc căng thẳng với TC

Với việc thực hiện chuyến thăm thứ hai hiếm thấy trong năm nay tới Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang gửi ra tín hiệu về việc chính quyền của Tổng thống Trump đang cố gắng chống lại hành động quyết đoán về quân sự của Trung Cộng, bằng cách làm ấm lên mối quan hệ với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.

Image result for Sec. Mattis visits Saigon, VN

BTQP James Mattis thăm Việt Nam 16/10/2018

Chuyến thăm bắt đầu hôm 16/10 cũng cho thấy mối quan hệ Mỹ-Việt đã tiến xa ra sao kể từ thời Chiến tranh Việt Nam.

Ông Mattis đã đến Hà Nội hồi tháng 1. Ba tháng sau chuyến thăm, Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã ghé thăm cảng Đà Nẵng. Đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ thời chiến tranh và việc này nhắc nhở TC rằng,  Hoa Kỳ có ý định tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực và lấy đó như là một đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của TC.

Trong chuyến thăm lần này, ông Mattis sẽ đến thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất và là trung tâm kinh tế của Việt Nam. Ông cũng có kế hoạch đến thăm một căn cứ không quân Việt Nam ở Biên Hòa, nơi từng là một căn cứ không quân chính của quân đội Mỹ trong chiến tranh, và ông sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.

Chuyến thăm diễn ra giữa lúc có sự chuyển tiếp lãnh đạo ở Việt Nam sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang qua đời vào tháng 9. Đầu tháng này, Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam đã đề cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước. Theo dự kiến, ông Trọng sẽ được Quốc hội phê chuẩn.

Tuy Việt Nam gần đây đã trở thành nơi nhiều bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến thăm, nhưng hai chuyến thăm trong cùng một năm là điều khác thường, và thành phố Hồ Chí Minh hiếm khi là điểm dừng chân trong hành trình. Lần gần đây nhất, một người đứng đầu Ngũ Giác Đài đến thăm thành phố Hồ Chí Minh là ông William Cohen, vào năm 2000; ông là cựu bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Hoa Kỳ, dưới thời TT Clinton, đã đến thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh.

Chuyến công du của ông Mattis ban đầu bao gồm cả việc ghé thăm Bắc Kinh, nhưng chặng này đã bị hủy trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Cộng  về các vấn đề thương mại và quốc phòng. Những căng thẳng này đã góp phần làm nổi bật lên tiềm năng về quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa Hoa Kỳ với Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đã thăng Việt Nam tháng 1/2018

Ông Josh Kurlantzick, một nhà nghiên cứu cao cấp và là chuyên gia châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết trong một cuộc phỏng vấn,  rằng Việt Nam trong những năm gần đây đã chuyển từ chính sách đối ngoại và quốc phòng cân bằng cẩn thận trong quan hệ với Trung Cộng và Hoa Kỳ sang một chính sách có phần thiên về Washington hơn.

“Tôi thấy Việt Nam rất phù hợp với một số chính sách của ông Trump”, ông nói, đề cập đến điều mà chính quyền ông Trump gọi là “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Chiến lược này nhấn mạnh đến việc bảo đảm  là tất cả các nước trong khu vực không bị cưỡng ép và duy trì các tuyến đường biển thông suốt cho thương mại quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông có nhiều tranh chấp.

“Việt Nam, ngoài Singapore ra, là quốc gia hoài nghi nhất về chính sách Đông Nam Á của TV và là đối tác tự nhiên nhất của Hoa Kỳ”, ông Kurlantzick nói.

Khi rời Hà Nội vào tháng 1, ông Mattis cho biết chuyến thăm của ông đã làm rõ một điều, rằng người Mỹ và người Việt Nam chia sẻ lợi ích về một số mặt, thậm chí từ trước thời kỳ đen tối là Chiến tranh Việt Nam.

“Cả hai chúng ta đều không thích bị biến thành thuộc địa”, ông nói.

(AP, WECT)

Bài Khác