Thái Bá Tân và những dòng thơ thế sự

Nhà thơ Thái Bá Tân

Thái Bá Tân và những dòng thơ thế sự

 

Nguyễn Hoa Lư

 

1.Trong khối lượng đồ sộ hàng chục tác phẩm của Thái Bá Tân có một số tập sách được viết bằng thể thơ năm chữ, số lượng có thể đến cả vạn câu.

Nói về thơ năm chữ, tự nhiên tôi nhớ về hai nhà thơ cách mạng, là đồng hương của ông, mỗi người đều nổi danh nhờ một bài thơ năm chữ. Nhà thơ Minh Huệ với bài “Đêm nay Bác không ngủ” đã đi vào dân gian và lưu truyền cho hậu thế bởi một phiên bản “thơ chế” cực kỳ phạm thượng. Người thứ hai, nhà thơ Trần Hữu Thung với “Thăm lúa” có tiếng con chim chiền chiện hót vang trong sách giáo khoa, và hàng chục thế hệ học sinh Việt Nam gò mình phân tích theo định hướng “vẻ đẹp bình dị của người phụ nữ nông thôn Việt Nam” từ những câu thơ kiểu: “Chiếc xắc mây anh mang/ Em nách mo cơm nếp…/ Xòe bàn tay bấm đốt/ Tính đã bốn năm ròng/ Người ta bảo không mong/ Ai cũng bảo đừng mong/ Riêng em thì em nhớ…”.

Thái Bá Tân dùng thơ năm chữ để viết ngụ ngôn mới, truyện lịch sử, truyện các tôn giáo, sách thuốc… Toàn bộ đã được in ra, tác giả thỉnh thoảng lại lên Facebook “Mời mua sách”. Những tập này thuộc dòng thơ “chính thống”.

Thế giới thơ đa dạng của Thái Bá Tân có dòng chính sử và có cả dòng ngoại sử, là dòng thơ thế sự, chỉ đăng trên phây chứ không bao giờ thấy ông xuất bản. Một lần đọc xong, cảm xúc quá, tôi theo số di động ghi trên phây, nhắn cho ông mấy chữ “Thưa thầy, em là một độc giả của thầy. Em sẽ mua hết tất cả những tập thơ thế sự của thầy”. Tin nhắn vừa gửi, ông gọi lại liền “Em muốn công an nhốt thầy hả?”. Thực ra cả tôi và ông đều biết rõ điều đó. Mà thật lạ, những dòng thơ đàng hoàng, chừng mực, xuất phát từ một trái tim biết buồn cho quê hương của một công dân đầy lòng tự trọng lại bị cấm đoán và ngăn cản!

Chính kiến, tư cách thơ của ông nằm cả ở phần ngoại sử!

2. Thơ thế sự của Thái Bá Tân gửi đến những địa chỉ cụ thể, những vị vẫn đang ngự trên chót vót của ghế cao quyền lực.

Trong những tuần khi con dân xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển Đông, ông gửi người đứng đầu thành phố Hà Nội:

Xin phép được giới thiệu,
Tôi đã U bảy mươi,
Tuổi nhiều hơn ông đấy,
Tuổi gần đất xa trời.

Cho nên, xin nói thật,
Là ông còn hồ đồ.
Ông đâu phải con nít.
Hay giả vờ ngây ngô?

Tôi và những người khác
Tham gia đi biểu tình
Chống thằng Tàu xâm lược,
Thực hiện quyền của mình.

Giả sử, nhà bị cướp.
Vợ con ông kêu lên,
Mà ông ngồi im lặng
Thì ông là thằng hèn.

Ông bảo rằng bọn xấu
Đang xúi giục chúng tôi,
Thế thì bọn xấu ấy
Quả là bọn không tồi.

Vì chúng còn liêm sỉ,
Còn biết ghét và yêu.
Còn yêu nước, vì vậy
Tôi mong chúng có nhiều.

Đấy là chưa nói chuyện
Chúng tôi cũng lớn rồi.
Tha không xúi chúng nó,
Đừng hòng xúi chúng tôi.

Quốc Hội ra luật biển
Để ông và mọi người
Chung sức giữ lấy đảo,
Thế mà ông, ôi trời…

“Thế mà ông, ôi trời”, câu thơ tắc lại, nghẹn ngào, bất lực, phẩn uất.

Lần đó ông Tổng bí thư, trong cơn cao hứng đầy nhiệt huyết đã gọi Việt Nam là “đất nước Hồ Chí Minh”, Thái Bá Tân có thơ ngay:

Tôi không biết ông Trọng
Có lú thật hay không,
Nhưng quả nghe ông nói,
Tôi thấy rất phiền lòng.

Ông kêu gọi tất cả
Mỗi công dân nước mình
Trở thành công dân tốt
Đất Nước Hồ Chí Minh!

Đúng là thật vớ vẩn.
Vớ vẩn thế là cùng.
Một tổng bí thư đảng
Mà nói như anh khùng.

Ông định đổi tên nước
Mà không hỏi đồng bào?
Đất nước ta đang sống
Không riêng của người nào…

Đặc biệt, ông viết nhiều bài thơ tặng những người bị mắc nạn vì yêu nước theo cách riêng của mình, bị chính quyền sách nhiễu, bỏ tù. Với cô gái Huỳnh Thục Vi, ông ân cần nói:

Cháu – cô gái xinh đẹp,
Đẹp cả ngoài lẫn trong.
Nhìn cháu mà cứ nghĩ
Cái đẹp của non sông.

Chúng, chính quyền, thật xấu.
Vừa ác vừa bất minh,
Đến mức không muốn nghĩ
Đó là chính quyền mình.

Cháu chỉ muốn công lý,
Dân chủ và tự do.
Tự do cho cả chúng,
Mà chúng, bọn côn đồ

Lại luôn truy bức cháu,
Dùng cả cách đê hèn.
Ngẫm mà thấy phẫn nộ.
Thấy nhục cho chính quyền.

Những lời sau với Huỳnh Thục Vi, ông nói hộ cho bao nhiêu người:

Nói thật, bác nhìn cháu
Vừa thán phục, tự hào,
Vừa pha chút xấu hổ.
Cháu hiểu rõ vì sao.

Xin lỗi, thế hệ bác
Dựng nên chế độ này
Để bây giờ cháu khổ,
Để dân tình đắng cay.

Những lời hối lỗi xoáy vào tim người đọc. Với tư cách là một trí thức, ông đã đi đến tận cùng của lòng thành thật.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, mạng truyền thông và xã hội tràn ngập hoa tươi, những lời nói có cánh tri ân thầy cô, Thái Bá Tân nhớ về một thầy giáo đang trong lao tù, người dám lên tiếng phản biện về dự án Bô xit Tây Nguyên:

Ông, người thầy đáng kính
Của tôi, của mọi người.
Ông không chỉ dạy chữ,
Mà dạy sống ở đời

Phải biết trọng chữ Nghĩa,
Phải biết dám hy sinh,
Đấu tranh vì lẽ phải
Và tương lai nước mình.

Gửi thầy Đinh Đăng Định
Hàng nghìn, vạn bó hoa.
Thầy dũng cảm chịu đựng
Tù tội thay cho ta.

Sao lại “tù tội thay ta”? Một khẳng định, một câu hỏi lay động lương tri người đọc.

3. Thế sự về đất nước, Thái Bá Tân viết rất nhiều. Chuyện chặt cây Hà Nội, chuyện lòng dân với đảng, chuyện thờ lãnh tụ ở các nước lân bang, chuyện uống bia, nói dối…

Thực ra những điều ông nói không mới. Thiên hạ vẫn đua nhau ca cẩm, phàn nàn, nhưng lời nói gió bay. Chỉ những câu thơ của ông thì đứng lại.

Ông “chán mớ đời” khi nhìn ra xã hội:

Đời bây giờ chán quá.
Thật giả cứ như đùa.
Vui và buồn lẫn lộn,
Nhìn mà muốn chào thua.

Trước khi cưới, sống thử,
Quấn quýt như uyên ương.
Cưới rồi chán, anh chị
Mỗi người nằm một giường.

Trẻ trâu thì lý sự
Như cụ ông, cụ bà.
Các cụ thì lẩm cẩm,
Nói như trẻ lên ba.

Gái up ảnh khoe ngực,
Mà đếch phải của trời.
Trai up khoe xe xịn,
Hóa ra mượn của người.

Với sự đa cảm của kẻ hiểu biết, những tên phố cũng khiến ông phiền lòng vì sự trớ trêu của sự thật và lịch sử:

Tự nhiên ghét tên phố –
Đường Mồng Ba tháng Hai.
Ghét cả phố bên cạnh
Là Nguyễn Thị Minh Khai.

Rồi Trường Chinh, Lê Duẩn,
Đại lộ Phạm Văn Đồng,
Ba mươi năm thủ tướng
Mà có cũng như không.

Công viên Lê Văn Tám,
Một ngọn đuốc sáng ngời,
Mà cả người, cả đuốc
Được phịa để dạy đời.

Rồi nhiều con phố cũ,
Thân quen bao đời nay,
Những cái tên dung dị
Đã đồng loạt bị thay

Bằng tên các lãnh tụ
Của giai cấp vẻ vang.
Đủ các loại lãnh tụ,
Lớn nhỏ và nhàng nhàng.

Dân Việt mình có truyền thống giàu lòng tự hào dân tộc. Khi đọc những dòng đàng hoàng, thành thật sau, tôi không thể trách ông nói ngược lại:

Chứ nói chung là nhục. 
Nhục phải làm thằng dân
Một nước giỏi nói phét,
Lãnh đạo thì ngu đần.

Riêng hai chữ “cộng sản”
Đã đủ nói phần nào.
Làm thằng dân cộng sản
Có gì mà tự hào?

Mà tự hào sao được
Khi mấy triệu dân ta
Vượt biên, thà chết biển
Hơn phải chết ở nhà!

Tự hào là yêu nước.
Yêu nước phải biểu tình.
Mà biểu tình nó oánh.
Quân ta oánh quân mình.

Đất nước những ngày buồn, là câu chuyện dài nhiều tập. “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt“, Napoleon nói vậy và bạn có nghĩ rằng mình là người tốt không?

Xin chép trọn một bài của ông:

Không ngủ được, lên mạng,
Vào Phây bác Lão Nông,
Choáng vì những con số
Và sự kiện đau lòng.

Đúng, nhờ đảng, chính phủ,
Ta được như ngày nay.
Chịu khó đau một chút,
Nhưng thực tế thế này:

Có người xài thoải mái
Chiếc giường bốn tỉ đồng,
Cặp kính mắt hai tỉ,
Hai tỉ, chiếc váy hồng.

Nhưng có một bà mẹ
Nghèo đến phải quyên sinh
Để đứa con bé nhỏ
Lớn lên được học hành.

Cũng trong đất nước ấy,
Của những người cực giàu
Và những người cực khổ,
Có những chuyện như sau:

Cả nước học đạo đức,
Phải nói là tưng bừng,
Thế mà có một cháu
Tự cởi truồng – Bà Tưng.

Giờ người ta dọa trẻ
Không phải bằng mẹ mìn,
Mà “Im đi, không hóc,
Hay muốn tiêm vắc-xin?”

Có ông hiệu trưởng nọ
Dạy cái chữ, cái tâm,
Thế mà rồi bị bắt
Vì tội chứa mãi dâm…

Chuyện còn dài, nhiều tập.
Mà toàn chuyện đau lòng.
Nước ta giờ thế đấy.
Các bác có đau không?

Đau, rất đau, nhưng rồi sao, đất nước này sẽ đi về đâu? Xã hội còn lố lăng, dân chúng còn lầm than đến bao giờ? Còn chút lương tâm và tri thức, kẻ sĩ ngày nay chỉ biết loay hoay với “một câu hỏi lớn không lời đáp”, đành lựa chọn kiếp sống nhút nhát, bạc nhược.

Đáng thương thay!

Nguồn: Blog Nguyễn Hoa Lư

Liên Quan