Hoạt Động Quân Sự Hoá của Trung Quốc ở Biển Đông Sáu Tháng Đầu Năm 2018


Hình ảnh máy bay hạ cánh trên đường băng đảo Phú Lâm trích từ đoạn video clip mà Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố.

Tác giả: Nguyễn Trịnh Đôn và Đặng Sơn Duân
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 8 tháng 8 năm 2018

Năm 2015, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố Trung Quốc không có ý định sẽ quân sự hóa các đảo nhân tạo [1] mà nước này xây dựng trên những thực thể họ đã chiếm đóng trái luật quốc tế ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, ngay từ tháng 12 năm 2016, thế giới đã biết đến nhiều loại khí tài quân sự được Trung Quốc đưa ra Biển Đông thông qua ảnh vệ tinh. Kể từ đó, Trung Quốc tiếp tục hạ đặt các thiết bị quân sự, trong đó có nhiều vũ khí tấn công, trên các đảo nhân tạo này, cũng như các đảo đá khác mà Trung Quốc đã chiếm đóng ở Biển Đông. Bài viết này là một biên niên các hoạt động quân sự hoá ở Biển Đông và những phát biểu có liên quan của Trung Quốc được ghi nhận trong sáu tháng đầu năm 2018.

Ngày 6 tháng 1, tờ Nhật Báo Điều Tra Philippines (Philippine Daily Inquirer) đăng không ảnh từ nguồn tin riêng cho thấy hai máy bay quân sự Tây An Y-7 của Trung Quốc đang đậu ở đá Vành Khăn, trong thềm lục địa của Philippines. Đây là lần đầu tiên máy bay quân sự của Trung Quốc được xác định có mặt ở một thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines [2].

slide15
Không ảnh 2 máy bay quân sự Tây An Y-7 của Trung Quốc ở đá Vành Khăn. Nguồn: CSIS/AMTI

Không lâu trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc(CCTV) phát sóng phim tư liệu cho thấy binh lính Trung Quốc đang tuần tra cùng với máy bay trực thăng và tàu quân sự trên các đảo đá ở Biển Đông. Trước đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Trung Quốc có quyền trang bị những thiết bị quốc phòng cần thiết và không nhằm cụ thể vào nước nào [3].

unnamed_trans_nvbqzqnjv4bqovbjxsdgg7swtouuaex0pz7uqgr-uo20w3iefmqqdgs
Ảnh: Trung Quốc Xây dựng cơ sở quân sự ở Biển Đông. Nguồn: CCTV.

Phản ứng trước việc tàu khu trục Mỹ USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý của bãi cạn Scarborough ngày 17 tháng 1, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc chỉ trích đây là hành động quân sự hóa Biển Đông, và do đó “vì mục tiêu tha thiết bảo vệ hòa bình ở biển Đông, Trung Quốc phải tăng cường và đẩy nhanh việc xây dựng lực lượng ở đây” [4].

Ngày 19 tháng 2, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) đăng phân tích cho biết Trung Quốc đã thiết lập hơn 40 cơ sở radar khác nhau trên 7 đảo đá mà nước này chiếm giữ ở Trường Sa, nâng cao đáng kể năng lực “C4ISTAR” (chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính, thông tin/tình báo, giám sát, thu thập thông tin về mục tiêu và trinh sát) của Trung Quốc ở khu vực [5].

Ngày 5 tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo chi ngân sách cho quân sự của Trung Quốc trong năm 2018 sẽ tăng 8,1% lên 1,1 ngàn tỷ NDT (tương đương 174,5 tỷ USD). Tướng về hưu Từ Quang Vũ (hiện làm việc cho Hội kiểm soát & giải trừ quân bị Trung Quốc ở Bắc Kinh) nói Trung Quốc đặt mục tiêu nâng cao tính chính xác và sức mạnh của tên lửa, máy bay, và tàu sân bay để bảo vệ lợi ích ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Biển Đông [6].

Ngày 20 tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tiết lộ trong chương trình của Đài CNN Philippines rằng máy bay tuần tra của Philippines luôn bị Trung Quốc cảnh báo mỗi khi bay qua các thực thể bị Trung Quốc kiểm soát ở Trường Sa [7].

Ngày 23 tháng 3, Trung Quốc nói sẽ tiến hành năm cuộc tập trận ở Biển Đông nhưng không tiết lộ lịch trình. Ảnh vệ tinh của Planet Labs ngày 26 tháng 3 cho thấy tàu sân bay Liêu Ninh được hàng chục tàu chiến khác hộ tống ở khu vực Biển Đông nằm phía nam đảo Hải Nam. Tuy tàu Liêu Ninh đã vào Biển Đông trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên nó xuất hiện bên cạnh số lượng tàu chiến hộ tống nhiều như vậy [8].

180328125826-02-china-south-china-sea-satellite-exlarge-169
Ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy hàng chục tàu hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh đi vào Biển Đông.

Trong phiên khai mạc Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ngày 8 tháng 4 ở Hải Nam, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói các nước cần tránh thiết lập thế thượng phong về quân sự ở Biển Đông. Tuy nhiên, hai ngày sau đó (10 tháng 4), người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc có “quyền đương nhiên của một quốc gia có chủ quyền” trong việc triển khai lực lượng và vũ khí đến các căn cứ ở quần đảo Trường Sa [9].

Ngày 9 tháng 4, Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) cho đăng hình ảnh vệ tinh của chính quyền Mỹ cho thấy ba xe đặc chủng mang thiết bị phá sóng quân sự trên đá Vành Khăn hồi tháng 3. Bài báo trích lời một quan chức Mỹ cho biết các hệ thống phá sóng cũng được triển khai trên đá Chữ Thập. Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) đã xác thực được rằng các hệ thống này xuất hiện rõ ràng trong ảnh vệ tinh chụp đá Vành Khăn ít nhất là từ giữa tháng 2 và vẫn còn tại vị vào ngày 6 tháng 5 tuy đã được che chắn [10].

mischief-jammers-2018-05-06-wm
Thiết bị phá sóng trên Đá Vành Khăn ngày 6 tháng 5 năm 2018. Nguồn: CSIS/AMTI.

Ngày 14 tháng 4, trang GMA News của Philippines dẫn lời một phi công lái máy bay tác chiến điện tử Mỹ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiết lộ máy bay của ông bị phá sóng khi hoạt động ở Biển Đông [11].

Ngày 23 tháng 4, tờ Giải Phóng Quân Báo của Trung Quốc đưa tin nước này khánh thành một tượng đài trên đá Chữ Thập để đánh dấu công cuộc xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa [12].

Ngày 28 tháng 4, ảnh vệ tinh cho thấy 1 máy bay Thiểm Tây Y-8 ở đá Xu Bi (truyền thông Trung Quốc nói máy bay Y-8 được đưa ra quần đảo Trường Sa vào tháng 3 để cứu ngư dân bị nạn). Cùng với vụ đáp máy bay Tây An Y-7 ở Vành Khăn và đáp máy bay ở đá Chữ Thập tháng 4 năm 2016 thì vụ việc này cho thấy Trung Quốc đã đáp máy bay quân sự xuống cả 3 đường băng do họ xây ở quần đảo Trường Sa [10].

subi-plane-2018-04-28
Ảnh: Máy bay Thiểm Tây Y-8 của Trung Quốc trên đá Xu Bi. Nguồn: CSIS/AMTI.

Ngày 2 tháng 5, kênh truyền hình CNBC trích dẫn nguồn tin tình báo Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã triển khai các tên lửa hành trình đối hạm YJ-12B và các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9B trên cả ba đá trên trong đợt diễn tập quân sự đầu tháng 4. Trung Quốc đã xây dựng khoang chứa tên lửa trên những thực thể địa lý này vào đầu năm 2017, nhưng đợt triển khai tháng 4 là lần đầu xác thực được việc có những bệ tên lửa như vậy. Không rõ là những bệ tên lửa có còn ở đó hay đã được đem đi sau khi diễn tập (khó có thể xác thực việc này bằng hình ảnh nếu tên lửa được cất trong các khoang chứa hay tòa nhà khác). Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc sau đó gián tiếp xác nhận việc triển khai này. Đến ngày 23 tháng 5, Bộ quốc phòng Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) vì việc triển khai tên lửa [13].

Trung Quốc triển khai thêm khí tài đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa từ ngày 9 tháng 5 để phục vụ tập trận. Hình ảnh vệ tinh ngày 20 tháng 5 cho thấy các khí tài này vẫn còn để ở đây. Rất có thể đây là các hệ thống tên lửa đất đối không hoặc đối hạm, radar, xe hậu cần, thiết bị phá sóng. Ảnh chụp ngày 12 tháng 5 cũng cho thấy 1 máy bay tiêm kích Thẩm Dương J-11 trên đảo Phú Lâm [14].

woody_051218_nw_deployment_full_2
Ảnh: Các khí tài được Trung Quốc triển khai tháng 5 năm 2018 ở đảo Phú Lâm. Nguồn: CSIS/AMTI.

Ngày 18 tháng 5, Không quân Trung Quốc tuyên bố lần đầu tiên đã đưa máy bay ném bom, kể cả Tây An H-6K đến tiền đồn ở Biển Đông. Nhân Dân Nhật Báo và trang mạng xã hội của Không quân Trung Quốc cho thấy máy bay ném bom đường dài có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân này hạ và cất cánh ở đảo Phú Lâm. Ngày 21 tháng 5, trả lời về vấn đề này, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói đây là hoạt động tập huấn bình thường [12]. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa máy bay ném bom chiến lược ra khu vực đang trong tranh chấp. Bán kính chiến đấu của H-6 là 1000 hải lý, gần như bao phủ toàn bộ lãnh thổ Philippines. Còn máy may H-6K được nâng cấp có thể đạt bán kính chiến đấu gần 1900 hải lý, đưa toàn bộ khu vực Đông Nam Á vào tầm hoạt động. [15].

 

Thước phim: Máy bay Tây An H-6 huấn luyện ở Biển Đông.

Ngày 24 tháng 5, Reuters công bố thống kê dựa trên ảnh vệ tinh cho biết Trung Quốc đã xây tổng cộng 1.652 tòa nhà ở Biển Đông, trong đó có gần 800 tòa nhà ở Trường Sa. Chỉ riêng ở đá Xu Bi đã có gần 400 tòa nhà [16].

Ngày 30.5, nghị sĩ Philippines Gary Alejano cho biết một xuồng cao su của hải quân Philippines bị trực thăng Trung Quốc tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) trong vụ quấy nhiễu xảy ra ngày 11.5. Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano xác nhận sự việc và cho biết Philippines đã gửi công hàm phản đối đến Trung Quốc [17].

Ngày 3 tháng 6, bức ảnh vệ tinh do công ty cung cấp thông tin tình báo Israel tên là ImageSat International (ISI) chụp cho thấy hệ thống tên lửa đất đối không (trong đó có một số được xác định là HQ-9) không còn được nhìn thấy ở các vị trí thường thấy trên đảo Phú Lâm. Tuy nhiên, trong bức ảnh chụp ngày 8 tháng 6, các hệ thống này được nhìn thấy xuất hiện trở lại ở vị trí cũ [18].

dfzt78rx0aag-hi
Ảnh vệ tinh của ImageSat International (ISI) cho thấy hệ thống tên lửa của Trung Quốc được dời đi rồi sau đó lại đặt về vị trí cũ trên đảo Phú Lâm.

Ngày 22 tháng 6, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc thông qua luật chuyển quyền kiểm soát Hải cảnh Trung Quốc từ Bộ tài nguyên thiên nhiên (tiếp quản chức năng của Cục hải dương quốc gia trước đó) sang Cảnh sát vũ trang Trung Quốc dưới quyền chỉ huy của Quân ủy trung ương. Việc chuyển giao này cho phép Quân ủy trung ương Trung Quốc có quyền chỉ huy trực tiếp hơn đối với Hải cảnh, nó cũng phần nào xóa nhòa ranh giới giữa quân sự với dân sự trong việc đưa tàu thuyền Trung Quốc ra biển [19].

Những hoạt động quân sự này tiếp tục thể hiện ý đồ thiết lập ưu thế ngày càng lớn của Trung Quốc ở biển Đông.

TS. Nguyễn Trịnh Đôn hiện đang làm việc trong lãnh vực Khoa học Tự nhiên ở Anh quốc và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Nhà báo Đặng Sơn Duân là cựu phóng viên mảng quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 

———–

Chú thích:

[1] “Chủ tịch Trung Quốc hứa không quân sự hóa các đảo tranh chấp”, 25/9/2015, The Wall Street Journalhttps://www.wsj.com/articles/china-completes-runway-on-artificial-island-in-south-china-sea-1443184818

[2] “Máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh trên đảo đá của Philippines”, 18/4/2018, Inquirerhttp://globalnation.inquirer.net/165824/china-military-planes-land-ph-reef

[3] “Trung Quốc lại gây giông tố với việc xây dựng quân sự trên các đảo nhân tạo”, 09/01/2018, The Telegraphhttps://www.telegraph.co.uk/news/2018/01/09/diplomatic-protests-china-shows-militarised-artificial-islands/

[4] “Trung Quốc ra chỉ dấu rằng họ có thể sẽ ‘quân sự hóa’ Biển Đông một cách chính thức”, 25/01/2018, The Diplomathttps://thediplomat.com/2018/01/china-signaling-it-may-finally-militarize-the-south-china-sea-officially/

“Trung Quốc nói Mỹ là nguyên nhân khiến họ phải quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông”, 22/01/2018, Business Insider/Reutershttp://uk.businessinsider.com/china-blames-us-for-its-militarization-of-artificial-islands-in-the-south-china-sea-2018-1?r=US&IR=T

[5] “Trung Quốc đặt radar ở quần đảo Trường Sa cho ta biết gì về tham vọng của nước này ở Biển Đông?”, 19/02/2018, IISShttps://www.iiss.org/blogs/analysis/2018/02/china-radar

[6] “Ngân sách quân sự 2018 của Trung Quốc: con số mới, nỗi lo cũ”, 07/3/2018, The Diplomathttps://thediplomat.com/2018/03/chinas-2018-military-budget-new-numbers-old-worries/

“Chi tiêu quân sự của Trung Quốc có phải là dấu hiệu chạy đua vũ trang không?”, 20/3/2018, China Dailyhttp://www.chinadaily.com.cn/a/201803/20/WS5ab061e3a3106e7dcc142ae8.html

[7] “Trung Quốc cảnh báo “mỗi lần” máy bay Philippines bay qua Biển Đông”, 21/3/2018, Inquirerhttp://globalnation.inquirer.net/165165/china-warns-ph-planes-every-time-fly-west-philippine-sea

[8] “Hoa Kỳ bị hải quân Trung Quốc thách thức ở Biển Đông”, 28/3/2018, CNNhttps://edition.cnn.com/2018/03/28/asia/south-china-sea-drills-liaoning-intl/index.html

[9] “Mặc cho quân sự hóa Biển Đông, ông Tập của Trung Quốc vẫn muốn kềm chế “thiết lập thế thượng phong””, 10/4/2018, The Philippine Starhttps://www.philstar.com/headlines/2018/04/10/1804599/despite-south-china-sea-militarization-chinas-xi-wants-refrain-seeking-dominance

“Trung Quốc thừa nhận quân sự hóa các căn cứ ở quần đảo Trường Sa”, 11/4/2018, The Maritime Executivehttps://www.maritime-executive.com/article/china-acknowledges-militarization-of-its-spratly-island-bases#gs.94TeP2k

[10] “Trung Quốc lắp đặt thiết bị phá sóng trên quần đảo Trường Sa,” 13/4/2018, The Wall Street Journal. Bản dịch tiếng Việt của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông: https://daisukybiendong.wordpress.com/2018/04/13/my-trung-quoc-lap-dat-thiet-bi-pha-song-quan-su-tren-quan-dao-truong-sa/

“Những đợt triển khai của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa”, 09/5/2018, AMTIhttps://amti.csis.org/accounting-chinas-deployments-spratly-islands/

[11] “’Cây gậy lớn’ của Mỹ đến Philippines”, 14/4/2018, GMA Newshttp://www.gmanetwork.com/news/news/nation/650061/america-s-big-stick-arrives-in-the-philippines/story/

[12] “Trung Quốc khánh thành tượng đài kỷ niệm xây dựng đảo ở Biển Đông”, 24/4/2018, ABS-CBN/Reutershttp://news.abs-cbn.com/overseas/04/24/18/china-unveils-monument-to-south-china-sea-island-building

[13] “Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm đến Trường Sa”, 07/5/2018, Dự án Đại Sự Ký Biển Đônghttps://daisukybiendong.wordpress.com/2018/05/07/trung-quoc-dua-ten-lua-dat-doi-khong-va-ten-lua-hanh-trinh-chong-ham-den-truong-sa/

“Lầu năm góc rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận lớn vì vấn đề tăng cường vũ trang ở Biển Đông”, 23/5/2018, Washington Posthttps://www.washingtonpost.com/world/national-security/pentagon-disinvites-china-from-major-naval-exercise-over-south-china-sea-buildup/2018/05/23/8aea6f04-5ea1-11e8-b2b8-08a538d9dbd6_story.html

[14] “Tập trận đưa thêm vũ khí mới đến quần đảo Hoàng Sa”, 24/5/2018, AMTIhttps://amti.csis.org/exercises-bring-new-weapons-paracels/

[15] “Trung Quốc và động thái quân sự hóa đưa phi cơ ném bom hạ cánh ở đảo Phú Lâm”, 25/5/2018, Dự án Đại Sự Ký Biển Đônghttps://daisukybiendong.wordpress.com/2018/05/25/trung-quoc-va-dong-thai-quan-su-hoa-dua-phi-co-nem-bom-ha-canh-o-dao-phu-lam/

[16] “Bê-tông và san hô: theo dõi sự bành trướng ở Biển Đông”, 24/5/2018, Reutershttps://fingfx.thomsonreuters.com/gfx/rngs/CHINA-SOUTHCHINASEA-BUILDING/010070760H9/index.html

[17] “Trực thăng Trung Quốc quấy nhiễu thuyền cao su của Philippines ở bãi Cỏ Mây”, 30/5/2018. https://www.rappler.com//nation/203720-chinese-helicopter-harass-rubber-boat-ayungin-shoal-spratly-islands

[18] “Trung Quốc đặt các tên lửa về vị trí cũ trên đảo đang tranh chấp ở Biển Đông trong khi Hoa Kỳ đang gây thúc giục đồng minh tăng cường hiện diện quân sự trên biển”, 11/6/2018, South China Morning Posthttps://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2150226/china-puts-missiles-back-contested-south-china-sea

[19] “Quân đội Trung Quốc sẽ chỉ huy hải cảnh để bảo vệ chủ quyền tốt hơn”, 24/6/2018, Global Timeshttp://www.globaltimes.cn/content/1108223.shtml

“Chỉ huy quân sự đối với hải cảnh Trung Quốc làm tranh chấp biển thêm căng thẳng”, 27/3/2018, Japan Times/Bloomberghttps://www.japantimes.co.jp/news/2018/03/27/asia-pacific/military-control-chinese-coast-guard-adds-edge-sea-disputes/#.W1ibatUzqUk. 

Nguồn: daisukybiendong.wordpress.com

Related posts