Làm truyền thông ở Hoa Kỳ khó hay dễ?

Thái Hóa Lộc: Giải thưởng Nobel hòa bình năm nay ghi nhận một sự thật đáng buồn. Tự do ngôn luận trên toàn cầu đang suy giảm. Maria Ressa người Phi Luật Tân và Dmitry Muratov người Nga được chọn vì “nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận”.

Người bình thường vẫn tin tưởng rằng cứ làm báo ở Hoa Kỳ thì là bất khả xâm phạm. Qua những dữ kiện lịch sử xảy ra, nhận thấy điều này không hoàn toàn đúng với sự thật. Chứng minh điều này, gần đây trong các cuộc biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ vì vấn đề quyền sắc tộc, có hơn 117 nhà báo bị tạm giữ trong quá trình thực hiện nghiệp vụ đưa tin của họ.

Từ đài báo VN đến truyền thông mạng xã hội ở Mỹ - BBC News Tiếng Việt

Một số nhà báo kể lại rằng họ bị trói ngược tay và quẳng lên xe buýt chở về các nơi tạm giữ. Một kỹ thuật nghe quen quen với các nhà hoạt động dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Đại đa số họ được trả tự do ngay lập tức, nhưng cũng có đến 16 nhà báo phải đối mặt cơ quan công lực và có thể bị khởi tố vì các tội danh như không tuân thủ lệnh giới nghiêm của chính quyền (được cho là nhằm hạn chế khả năng bạo loạn) hay chống người thi hành công vụ.

Họ là ai? Đó là nhà báo của các hãng tin nhỏ địa phương, các blogger độc lập, những người mà chính quyền các tiểu bang biết rằng không có một đội ngũ luật sư và hệ thống bao phủ truyền thông rộng rãi. Khác với các nước khác, chính quyền Hoa Kỳ không có chủ trương bỏ tù các nhà báo từ vài đến hàng chục năm như Việt Nam và các nước cộng sản, độc tài. Cho đến nay, các tòa án Hoa Kỳ đã tha bổng hoặc tuyên án vô tội hầu hết cho các nhà báo này. Tuy nhiên, mức tiền phạt nhất định kèm “một vết” tiền án hình sự cho cá nhân đó,  đôi khi cũng tạo ra hiệu ứng xấu cho quyền tự do ngôn luận và truyền thông – báo chí nói chung.

Một điều khẳng định, những người làm truyền thông – báo chí ngay từ đầu đã là đối kháng với chính quyền, bất kể chính quyền đó có dân chủ, cấp tiến đến đâu. Đối kháng ở đây không có nghĩa là mang mối thù “không đội trời chung”. Đối kháng ở đây là lẽ tự nhiên và bản chất của những người làm truyền thông chân chính, đi tìm sự thật trong nghề nghiệp của họ. Lấy đi cái bản chất ấy, nhà truyền thông không còn là một người làm truyền thông nữa. Hãy thử tưởng tượng một nhà báo, nhà truyền thông suốt cả sự nghiệp chỉ dùng bài viết, phóng sự để kể công lao trời biển của một chính quyền, một mực lấy lời của chính quyền làm tuyên giáo, trịch thượng dạy dỗ người yếu thế. Cả sự nghiệp làm báo của một người như vậy không gì hơn là chỉ làm báo…cáo!  Những nhà báo Mỹ chân chính vì nghề nghiệp đã phải trải qua nhiều thập niên, hay thậm chí hàng thế kỷ khó khăn trắc trở dù quyền tự do ngôn luận luôn được xem là quyền chính trị dân sự đứng đầu tại Hoa Kỳ. Ví dụ, dù báo giới mô tả Trump như một vị tổng thống với thái độ thù địch chưa từng có tiền lệ với tự do báo chí, ông này không phải là vị tổng thống đầu tiên tuyên chiến với giới cầm bút, và lại càng không phải là người thật sự “chơi tới cùng” với các nhà báo.

Một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất mà báo chí Hoa Kỳ từng trải qua diễn ra vào giai đoạn nắm quyền của tổng thống thứ hai của liên bang – John Adams. Sau khi được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua với tỷ lệ sát sao, và được Tổng thống John Adams quyết định ký thông qua, Đạo luật Xúi Giục Bạo Loạn (Sedition Act 1789) trở thành sản phẩm phi dân chủ đầu tiên của nền cộng hòa non trẻ. Phát biểu ủng hộ dự thảo của Thượng nghị sĩ John Allen từ tiểu bang Connecticut ghi nhận: “Tự do của báo chí và quyền tự do bày tỏ quan điểm đang được tính toán sử dụng để diệt trừ niềm tin giữa các công dân với nhau. Chúng sẽ làm tan biến mọi sự gắn kết trong liên bang”.

Chủ trương của phe Tổng thống John Adams (hay phe Federalist) cho rằng tấn công các thành viên chính phủ chính là tấn công nền tảng chính danh của toàn nhà nước và của toàn liên bang. Với đạo luật mới được thông qua, hàng loạt các cây bút, tổng biên tập và thậm chí là các chính trị gia Hoa Kỳ đã phải ngồi tù vì chỉ trích chính quyền John Adams. Những người Mỹ yêu tự do chỉ vừa hoàn thành cuộc cách mạng chống lại Đế quốc Anh chắc chắn không hài lòng với sự trở lại vấn nạn hà khắc liên quan đến quyền tự do ngôn luận tương tự như hệ thống luật theo Anh Quốc thời bấy giờ.

Năm 1800, người dân Hoa Kỳ từ bỏ phe Federalist và bầu Thomas Jefferson làm tổng thống mới, người vận động và bãi bỏ thành công đạo luật này ngay sau đó. Nhưng đó cũng chỉ là bước đầu tiên cho quá trình tranh đấu vì tự do báo chí. Nhà báo Hoa Kỳ trở thành người “tử vì đạo” đầu tiên cho tự do báo chí là Elijah Parish Lovejoy. Là một cây viết mãnh liệt đòi bãi bỏ chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ (những người này thường được gọi là “abolitionist”), Lovejoy không chỉ bị chính quyền tiểu bang Missouri đe dọa mà Ông còn liên tục bị các đám đông ủng hộ chế độ nô lệ và bài trừ người da đen tấn công.

Ông bị bắn chết sau khi ông chuyển đến Illinois, một nhóm bạo loạn bắn chết Lovejoy, đốt tòa soạn của ông và vứt các ấn bản của ông xuống con sông gần đó vào năm 1837. Cái chết của ông được xem là biểu tượng cho niềm tin vào tự do báo chí của Hoa Kỳ. Ông cũng được xem là người truyền cảm hứng chính trị cho một nhà lập pháp trẻ của tiểu bang Illinois, người sau đó thay đổi hoàn toàn diện mạo nước Mỹ – là Abraham Lincoln. Tuy nhiên, chính bản thân Lincoln vài mươi năm sau đó cũng phải đối đầu với bài toán khó. Lincoln chưa bao giờ từ bỏ niềm tin với báo chí tự do. Và trong “Washington Peace Conference” (một cuộc hội thảo vào thời điểm trước khi nổ ra nội chiến), ông vẫn khẳng định rằng một nền báo chí tự do là “nền tảng không thể thiếu cho một nhà nước tự do”. Tuy nhiên, đứng trước áp lực thống nhất Nam – Bắc Hoa Kỳ và sự tấn công liên tục của giới báo chí phản chiến, chính quyền Lincoln bắt đầu các chiến dịch chống báo chí đáng kinh ngạc như cấm vận chuyển báo phản chiến thông qua hệ thống thư tín, bưu điện Hoa Kỳ (phương thức chủ yếu lan truyền tin tức giấy thời bấy giờ), đóng cửa các tòa soạn chống đối và tịch thu phương tiện ấn loát. Đôi khi họ còn đe dọa và bỏ tù phóng viên, biên tập viên và các chủ nhiệm tòa soạn có cảm tình với chính sách nô lệ tại miền Nam hay ủng hộ phong trào ly khai.

Nói những điều trên để thấy rằng tự do báo chí tại Hoa Kỳ, quốc gia ám ảnh nhất thế giới với quyền tự do ngôn luận, cũng có những bước thăng trầm, tranh cãi và thậm chí là mất mát. Nhưng cũng chính nhờ sự bền bỉ của báo giới và công luận Hoa Kỳ, cho đến đầu thế kỷ 20, những tranh cãi liên quan đến chính quyền và nền tảng bảo vệ cho các nhà báo thường chỉ tập trung vào việc họ có chấp nhận chia sẻ nguồn tin tức của mình hay không, bởi Tu chính án Thứ Nhất gần như tạo ra một thành trì bảo vệ bất khả xâm phạm của báo chí.

Trong khi đó, sinh hoạt truyền thông-báo chí của người Việt tại Hoa Kỳ, chúng ta đã nhận thấy sự ảnh hưởng và tác động không lớn đối với nền truyền thông báo chí Hoa Kỳ nói chung. Nhiều nhà báo, truyền thông đã không phân biệt tin thật, nguồn xuất xứ,  nhưng lại theo xu hướng phe nhóm vì có lợi. Hiện tượng chụp mũ đã xảy ra nhan nhãn,  đặc biệt qua mạng xã hội. Tin nào là thật, tin nào là giả, cứ ra tòa sẽ được xét xử công minh.

Đấy là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ quyền lợi cá nhân trong môi trường tự do báo chí. Mọi hành vi bình luận, đưa tin tức sai về những vị trí công quyền đều được Tu chính án Thứ Nhất bảo vệ, thậm chí cả những bình luận tin tức sai, nếu họ không cố ý lăng mạ hay hạ thấp uy tín. Trang Heritage bình luận, những nhà báo và các cơ quan truyền thông người Việt lợi dụng trong một hệ thống tin tức không kiểm duyệt, nhưng sự thật cuối cùng sẽ được sáng tỏ khi tin tức được lan truyền qua công chúng, và quyền tự do ngôn luận giúp ai,  thì ai cũng có thể lật mặt những tin tức gian dối. Như Jefferson từng viết“Thật khó để vẽ ra một lằn ranh rõ ràng giữa lợi dụng báo chí và tận dụng báo chí một cách lành mạnh. Nhưng chúng ta thấy rằng sẽ tốt hơn khi tin tưởng vào sự phán xét cuối cùng của cộng đồng… trong việc phân định sự thật hay giả dối.”

Đất nước Mỹ ngày nay, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và các vấn đề liên quan chưa bao giờ là một câu chuyện có kết thúc “hạnh phúc mãi mãi về sau”. Và mối quan hệ đối nghịch nhưng lành mạnh giữa báo chí và chính quyền Hoa Kỳ là nền tảng chính yếu cho một môi trường dân sự có thể không hoàn hảo nhưng sẽ không làm những nhà truyền thông chân chính thất vọng.

Thái Hóa Lộc

Bài Khác