Thể thao trong sinh hoạt chính trị và cộng đồng

Thái Hóa Lộc: –  Giải túc cầu lớn nhất từ trước đến giờ của Cộng đồng Việt Nam Hải ngoại tại Hoa Kỳ với 32 đội và 15 tiểu bang về tham dự tại thành phố Garland – Dallas vừa kết thúc vào cuối tuần qua. Sự thành công về mặt tổ chức và tinh thần tranh tài của các tuyển thủ đã đánh giá tinh thần thể thao của thế hệ trẻ vào bộ môn túc cầu, một môn thể thao được ưa chuộng và tôn vinh đối với dân tộc Việt Nam.

Không riêng tại thành phố Dallas-Fort Worth vẫn thường tổ chức những giải túc cầu giao hữu mà các thành phố khác cũng đã tổ chức trong các dịp lễ lớn. Môn túc cầu được cộng đồng địa phương các nơi luân phiên tổ chức thường xuyên hàng năm,  ngoại trừ năm 2020 bị gián đoạn vì đại dịch covid-19…

Trong sinh hoạt chính trị và cộng đồng,  thể thao cũng đã chiếm một vị trí quan trọng. Quá trình công nghiệp hóa và toàn cầu hóa giúp biến thể thao từ những trò chơi thành những cuộc tranh tài quyết liệt. Các môn thể thao trở thành những sản phẩm công nghiệp, được sản xuất, phát triển, hoàn thiện và xuất hiện khắp nơi. Sự kết duyên của thể thao và truyền thông càng đẩy nhanh và củng cố quá trình này.

Truyền thông tìm thấy ở thể thao một nguồn tin tức vô hạn dễ dàng thu hút lượng lớn độc giả/ khán thính giả mà không phải mất nhiều công sức khai thác. Thể thao nhờ vào sự khuếch trương của truyền thông càng ngày càng thu hút, dư nguồn lực đem đến cho chủ nhân ông, các doanh nghiệp vừa thanh toán cho các vận động viên (lực sĩ),  lẫn trả lương cho hàng triệu người lao động làm việc liên quan.

Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, các luật lệ của những môn thể thao ngày càng được nâng cấp và gán cho ý nghĩa tinh thần, tôn giáo, thậm chí là đại diện cho nguồn gốc hay căn tính của cả dân tộc. Tính chất tranh đua của thể thao được nâng tầm thành sự hơn thua của các quốc gia hay của các sắc tộc.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngoài tranh đua về ảnh hưởng chính trị, sức mạnh kinh tế và năng lực quân sự, Nga và Mỹ cùng các quốc gia vệ tinh còn so kè quyết liệt ở các môn thể thao. Chiến thắng ở những trận đấu thể thao được đem ra làm minh chứng cho sự ưu việt của ý thức hệ.

Trong giai đoạn này, phe xã hội chủ nghĩa đã có lúc thắng thế nhờ vào việc ưu tiên nguồn lực cho việc đào tạo thể thao, bất kể những khó khăn kinh tế và xã hội trong nước. Những huy chương và thành tích thể thao quốc tế được ưu tiên hơn các công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu dân sinh.

Việc biến thể thao, từ một trò chơi đơn thuần, thành một sản phẩm công nghiệp, rồi thậm chí là vũ khí chống lại kẻ thù, khiến cho các vận động viên (lực sĩ) trở thành những cỗ máy đúng nghĩa. Họ dành toàn bộ tâm trí và thời gian để tập luyện, phục vụ cho nhu cầu và áp lực phải chiến thắng bằng mọi giá. Áp lực chiến thắng càng nặng nề hơn khi họ nghĩ, hoặc được dạy phải nghĩ là mình đại diện cho toàn bộ dân tộc. Nếu họ thắng, cả dân tộc được lợi. Nếu họ thua, họ có tội với dân tộc.

Không ít người chỉ trích việc thương mại hóa, chính trị hóa, cộng đồng hóa,  thậm chí là thần thánh hóa thể thao.Theo họ, cần trả thể thao về đúng lại vị trí là những trò chơi với mục đích “khỏe để phụng sự” như chúng ta thường thấy trong các vận động trường trước năm 1975 thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng trên thực tế, bây giờ điều này hầu như bất khả thi. Thể thao, cũng như những thứ khác trong xã hội loài người, trải qua một thời gian dài biến đổi đã trở thành một thực thể gần như độc lập với cái ban đầu của nó. Yêu cầu nó quay trở lại thể thức nguyên sơ cũng giống như muốn đảo ngược vòng quay lịch sử. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta buộc phải chấp nhận những vấn đề đang tồn tại.

Một trong những vấn đề lớn nhất với thể thao không phải là nó đã bị biến đổi, mà là bị biến tướng, với hàng loạt những chiếc mũ kệch cỡm ráng chụp lên nó. Sự biến tướng này đến từ việc nhập nhằng. Đối với các nước dưới chế độ Xã Hội, Cộng Sản hay độc tài, nhà cầm quyền dùng nguồn ngân sách đầu tư cho thể thao, họ khiến nhiều người lầm tưởng đó là hoạt động đem lại ích lợi cho toàn dân, trong khi thực chất đó là phần đầu tư để tìm huy chương nhằm đánh bóng hình ảnh và tạo tính chính danh quyền lực. Khi vận động viên tranh tài, họ nghĩ mình đang “hy sinh” vì lợi ích của dân tộc, từ đó ảo tưởng về quyền lợi được hưởng cũng như trách nhiệm phải gánh vác.

Nhiều khán giả ủng hộ viên của thể thao cũng có vấn đề sống ảo. Việc gắn mình với một vận động viên hay câu lạc bộ giúp người xem có cảm giác thuộc về một cộng đồng gắn kết. Khi vận động viên hay đội nhà chiến thắng, hình ảnh bản thân của họ cũng được nâng lên cùng với tầm vóc của cả cộng đồng đó. Trên thực tế, thứ gọi là cộng đồng ở trên chỉ là một nhóm rời rạc không hơn không kém.

Khi thắng trận, lời nói đầu tiên thốt ra là “chúng ta thắng rồi”. Nhưng khi thua trận, phần lớn đổ lỗi cho trọng tài hay cho ban tổ chức “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Điều tương tự xảy ra với nhiều vận động viên. Khi thành công, họ nghĩ đó là do năng lực của bản thân. Khi thất bại, đó chắc chắn phải đến từ nguyên nhân khách quan (đối thủ chơi xấu, trọng tài thiên vị, thức ăn không hợp, hay thời tiết quá tệ).

Đây cũng là phản ứng thường thấy của các chính trị gia ăn theo thể thao. Thành công sẽ được họ dùng làm bằng chứng cho chính sách đúng đắn hay tài lãnh đạo của mình. Còn thất bại thì chắc chắn không phải do lỗi của họ. Một nhóm liên kết rời rạc như vậy giúp ích được gì cho sự phát triển của mỗi cá nhân và cả cộng đồng? Các nhà tâm lý từ lâu chỉ loay hoay trong vòng nghiên cứu nhưng lại thu gọn trong các nhóm mà không có thể giúp tạo hứng khởi nhất thời đem đến từ các trận thắng, tuy nhiên về lâu dài dễ khiến đánh mất cá thể của chính mình.

Với những trường hợp cực đoan, khi thua trận, các nhóm người này còn sẵn sàng dùng đến bạo lực để giải tỏa, như đã và đang xảy ra rất thường xuyên trong các trận đấu túc cầu. Thể thao có được trả lại đúng vị trí hay không đó là chuyện thứ yếu so với việc mỗi người có giành lại được chỗ đứng khách quan và công bằng. Vai trò của thể thao chuyên nghiệp cũng là chuyện thứ yếu nếu đem so với việc đáp ứng nhu cầu tập luyện thể chất của mọi người trong tinh thần khỏe để phụng sự. Nếu có thứ gì ảnh hưởng đến tồn vong của một dân tộc hay toàn xã hội, đó mới là điều ắt có và đủ.

Ngày nay bất cứ một cuộc tranh tài thể thao nào cũng đều bị ràng buộc và ảnh hưởng đến yếu tố chính trị và cộng đồng dù nhỏ hay lớn. Giải túc cầu DFW Asian American Scoccer Tournament  2021 được tổ chức tại thành phố Garland-Dallas cũng không tránh khỏi. Sự thành công có được là không riêng gì ban tổ chức mà chính là sự hợp tác với tình đồng hương và sự đoàn kết trong tinh thần thể thao của 32 đội từ 15 tiểu bang về tham dự.

Thái Hóa Lộc, 14/7/2021

Bài Khác