Đón Tết Ta Trên Đất Tây

Chuly sưu tầm

Đón Tết Ta Trên Đất Tây
Tác Giả: LM. Giuse Thiện Nguyễn

Tính luôn Mùa Xuân năm nay là tròn 15 lần tôi đón Tết Ta trên Đất Tây. Tết Cổ Truyền của người Á Đông chúng ta thường rơi vào giữa hoặc gần cuối mùa đông, thời tiết vẫn còn lạnh lắm, có những nơi tuyết vẫn phủ trắng xóa. Thế vậy mà cứ vào những dịp này trong lòng lúc nào cũng bồn chồn nao nức, đứng ngồi không yên như đang trầm mình trong cái nắng chát chúa, cháy da trên đất Việt thân yêu của chúng ta.

Trong những ngày gần kề của cái Tết Nguyên Đán, tâm hồn cứ như đang lãng du đây đó trên các đường phố quen thuộc ở Việt Nam, cứ bỏ mặc cái thân xác nơi đất khách quê người. Càng nghĩ đến cái Tết Cổ Truyền trên quê hương Việt Nam thì lại càng nhớ nhà da diết, mặc dù trước khi quyết định dấn thân vào con đường tu trì nơi viễn xứ, ai ai cũng khẳng định với chính mình là sẽ không nhớ nhà, thế vậy mà cả 15 lần đón Tết Cổ Truyền là cả 15 lần lực bất tòng tâm.

Trong những ngày này chắc chắn là trên quê hương Việt Nam đang nhộn nhịp lắm. Mọi người ai ai cũng tất bật cho việc chuẩn bị đón cái Tết Cổ Truyền hằng năm nhưng cứ như cả hằng chục năm mới có một lần. Còn nhớ 15 năm về trước, cứ vào những dịp đón Tết, mẹ và các chị sau mỗi ngày tất bật trong những công việc làm ăn, buôn bán ở chợ, tối về lại lo chuyện bếp núc chuẩn bị những món ăn cho ngày Tết, nào là làm mứt, kẹo với đủ lọai mùi vị trái cây, rồi lại ngâm gạo nếp, đậu xanh, để chuẩn bị gói bánh trưng, bánh tét. Cả đến những việc phơi củ hành, củ kiệu, muối dưa, muối cà rất công phu và tốn nhiều thời gian để chuẩn bị cho hương vị ngày Tết thêm đậm đà. Chuẩn bị chu đáo và nhiều thứ lắm cứ như là đang chuẩn bị cho cả làng cùng ăn Tết vậy. Bố và các anh lớn thì lo việc quét dọn nhà cửa, tuy rằng họ vẫn thường viện lý do đây không phải là việc của đàn ông để trốn tránh trách nhiệm, nhưng trong những ngày này ai ai cũng làm như có vẻ thành thạo lắm. Từ những việc lau chùi lại bàn thờ gia đình là nơi mà tối nào mọi thành viên trong gia đình cũng đều quy tụ để cầu nguyện trước khi đi ngủ. Cả chiếc lư đồng và hai chân đèn trên bàn thờ Tổ Tiên, tuy nhìn vẫn còn mới nhưng dường như cũng phải được đánh bóng lại cho đúng thủ tục. Những cây hoa mai trước và sau sân nhà cũng ngoan ngoãn chịu để vặt trơ trọi hết những chiếc lá để chuẩn bị nở hoa đón Tết, nhánh nào đẹp thì được đem vào chưng trong nhà, hương thơm tỏa ra từ những nhành mai làm cho không khí trong nhà thêm đầm ấm dịu dàng hơn.

Thời gian đó tôi vẫn còn nhỏ không phải làm những việc nặng nhọc, nhưng cùng với mấy đứa em tôi cũng được xếp vào những chân sai vặt, bảo đâu làm đấy, thế mà cũng bận rộn không kém. Công việc chính của anh em chúng tôi là chuẩn bị những bộ quần áo mới để ba ngày Tết đi… lãnh tiền lì xì. Năm nào mỗi đứa chúng tôi ít nhiều cũng được bố mẹ mua cho một bộ quần áo mới, một đôi dép mới để đi… ăn Tết, thế mà chưa tới ngày Tết đứa nào cũng diện lên đi ra đi vào cứ như là chưa được mặc quần áo bao giờ.

Thấm thoát vậy mà đã 15 năm trôi qua, những kỷ niệm đó tưởng chừng như đã trôi vào dĩ vãng, có những năm cứ nghĩ như là mình sẽ không có được cái cảm giác của ngày Tết, vì làm công việc mục vụ với cộng đoàn người Mỹ, nơi mà không có người Việt Nam, thế nhưng vào những dịp này trong lòng cứ bồn chồn đến lạ thường. Ngoài những giờ bận rộn trong công việc của Giáo Xứ, tối về cũng tranh thủ thời gian để gọi điện thoại về thăm gia đình để chúc Tết và an ủi lẫn nhau. Mẹ tôi như hiểu đuợc tâm lý nhớ nhà của con, nên cũng ráng khuyên thôi con cố gắng phục vụ Giáo Hội cho tốt, hôm nào có dịp được nghỉ phép về Việt Nam, mẹ sẽ làm riêng cho con một cái Tết… ăn cho đã.

Theo phong tục của người Việt Nam chúng ta, cứ mỗi dịp Tết về là thời gian để mọi thành viên trong gia đình có dịp quy tụ lại với nhau. Nhất là Đêm Giao Thừa là thời điểm linh thiêng nhất của một năm, là thời gian tiễn đưa năm cũ và đón chào một năm mới với đầy ước mơ và hy vọng, chính vì thế dù ai đi làm ăn xa nhà suốt năm cũng tranh thủ về với gia đình để đón Giao Thừa và Năm Mới. Bà con Việt Nam chúng ta dù đang định cư ở nước ngoài cũng tranh thủ về Việt Nam trong những dịp này để đón cái Tết Cổ Truyền. Còn những người vì công ăn việc làm không thể về quê hương ăn Tết được cũng tranh thủ đón Tết bên này, tuy không được hoàn toàn giống như không khí ở Việt Nam nhưng cũng được chuẩn bị chu đáo lắm. Mấy năm trước, khi còn là chủng sinh, tôi cũng tranh thủ lên Giáo Xứ Việt Nam để tham dự Thánh Lễ Đầu Năm và đón Tết Cổ Truyền với cộng đoàn Việt Nam tại đây. Giáo xứ cũng tổ chức hội chợ Tết, cũng có những trò vui chơi bầu cua, tài xỉu như ở Việt Nam vậy. Tuy ban ngày vẫn phải lên lớp học hành nhưng tối đến cũng tranh thủ ghé thăm những gia đình Việt Nam thân quen để… ăn Tết. Nhà nào cũng có mứt kẹo, bánh trưng, thịt heo kho tàu, dưa- cà- củ hành muối, nhưng hình như ăn vẫn không ngon bằng khi còn ở Việt Nam được ăn những món này do chính tay mẹ làm. Nhà nào cũng có ít nhất một cành Mai trong nhà cũng nở toe toét, vàng chói một góc nhà nhưng chẳng có hương thơm như Hoa Mai ở Việt Nam vì Mai ở đây là Hoa Mai giả làm bằng nilon.

Sau khi thụ phong Linh Mục, tôi được Đức Cha bổ nhiệm đi phục vụ tại Giáo Xứ Mỹ, không có gia đình Việt Nam nào ở đây cả, không khí ngày Tết tưởng chừng như không có, thế mà trong những ngày này cũng… đứng ngồi không yên. Năm nay phải ở lại coi xứ một mình, chắc chắn sẽ không có cơ hội ghé về cộng đoàn Việt Nam để ăn Tết Cổ Truyền, chắc cũng sẽ buồn lắm. Càng buồn lại càng cảm thấy nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Xin mượn lại một bài thơ đã đọc được cách đây không lâu để gởi gắm tấm lòng về quê mẹ.

Lại một mùa xuân, không về bên Mẹ

Với gia đình ấm áp của riêng con

Với lũy tre, ruộng lúa, con đường mòn

Đã in sâu tâm hồn người xa xứ.. .

Mẹ ơi mẹ! Xuân này xin tha thứ

Cho đứa con xa, với những Mùa Xuân

Tiễn năm Trâu, năm Dần, và năm Mão

Rồi Thìn, Tỵ,cũng không về được nữa.

Mẹ ơi mẹ! Đừng buồn con Mẹ nhé

Bởi vì con bận việc quá Mẹ ơi!

Đêm ba mươi dẫu nước mắt con rơi

Con biết Mẹ tựa lòng thương con lắm.

Tết ngày xưa con thích cà với mắm

Mẹ mua về, Mẹ lại để phần con

Hay cọng dưa Mẹ nấu với cá cơm

Miếng thịt mỡ, dưa hành, vài cọng muống…

Mùa xuân này con vẫn luôn mong muốn

Về bên Mẹ sưởi ấm tâm hồn con

Mẹ nấu ăn những món tết rất ngon

Nồi bánh trưng thơm lừng nơi góc bếp.

Mẹ ơi mẹ! Lại thêm một cái tết

Kính chúc Mẹ mãi mãi đừng rời xa

Dẫu biết rằng, Mẹ tôi, đã tuổi già!

Tóc điểm bạc, da sạm đen sương gió.

Mẹ ơi mẹ! Con nhớ mẹ một tí

Rồi lại vào tiếp tục việc Chúa trao

Nước mắt con xin cạn hết tình thương

Gửi về Mẹ, tấm lòng con xa xứ…

Tôi vốn cũng chẳng thích thơ, cũng không ưa nhạc nhưng không biết đã nhập tâm tự bao giờ những câu thơ trong bài hát Xuân nào con sẽ về của nhạc sĩ Nhật Ngân.

Lại một mùa xuân buồn xa xứ

Con mãi lênh đênh mãi mịt mờ

Mẹ héo tưng đêm xuân đợi chờ

Nghe lòng bâng khuâng…

Nhân dịp Mùa xuân lại về, xin kính chúc tất cả mọi người, mọi nhà một Mùa Xuân vui tươi hạnh phúc. Nguyện xin Chúa Xuân ban cho mọi người chúng ta muôn vàn ơn lành hồn xác để chúng ta luôn sống trong yêu thương và phụng sư Chúa nơi những người anh em chung quanh.

Bài Khác