Biển Đông: Ghìm Súng

Biển Đông: Ghìm Súng

31/01/201900:00:00

Trần Khải

Trên Biển Đông, vũ khí lớn của Mỹ và Trung Quốc ghìm khắp các hướng… Trong khi đó, tàu chiến Hải quân Việt Nam có vẻ như đã trở thành các xuồng ba lá mong manh trước các hỏa lực như thế.

Tạp chí Popular Mechanics kể rằng Bộ Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ Mark Esper nói rằng Hoa Kỳ đang chế tạo một siêu đại bác tầm xa, có thể đặt bệ súng từ một đảo trong vùng Biển Đông và bắn tới các mục tiêu Trung Quốc hàng trăm dặm xa, xóa sổ các căn cứ không quân TQ trong vùng Biển Đông, thổi sụp các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng trước giờ để dùng như các tiền đồn của quân lực CSTQ.

Siêu vũ khí này của Mỹ sẽ xóa sổ các đơn vị quân  đội TQ trước khi họ có thể nổ súng bắn vào Hải quân Mỹ, Không quân Mỹ và TQLC Mỹ trong khu vực.

Bộ Trưởng Esper nói siêu đại bác này có sức công phá ở tầm xa 1,150  dặm. Và sau khi siêu đại bác bắn xong, các đơn vị Bộ Binh, Hải quân, Không quân Mỹ sẽ vào khu vực tái chiếm từ tay CSTQ.

Trong khi đó, bản tin CNBC nói rằng TQ vừa thử nghiệm một siêu đại bác mới, và tình báo Mỹ nói là siêu đại bác TQ sẽ sẵn sàng cho chiến tranh từ 2025.

Siêu đại bác đó thuộc loại súng điện từ gắn trên tàu chiến (warship-mounted electromagnetic railgun), được thấy đầu tiên là năm 2011, và thử nghiệm sớm nhất năm 2014. Dự kiến, TQ hoàn tất thử súng đó vào năm 2023.

Trong khi đó, các bản tin khác cho thấy Mỹ-TQ chuẩn bị có Thế Chiến 3 Ở Biển Đông

Phúc trình hàng năm đệ trình Thượng Viện Hoa Kỳ báo trước: Trung Cộng tiếp tục gia tăng sự hiện diện hàng hải tại Biển Đông.

Trong thời gian gần đây, nước lớn nhất châu Á xây dựng đảo nhân tạo tại vùng Hoàng Sa, thiết lập hạ tầng cơ sở theo chiều hướng quân sự hóa.

Thẩm định của tình báo Hoa Kỳ về an ninh toàn cầu ghi rõ: Beijing mưu đồ mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại “sân sau”, từ từ tiêu trừ ảnh hưởng của Hoa Kỳ và đồng minh.

Phúc trình hàng năm của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ dự báo: Nga và Trung Cộng tranh đua mạnh hơn trong thời gian tới trong cuộc đua phát triển kỹ thuật, binh lực, là nguy cơ lớn hơn đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Phúc trình 42 trang này cũng xác nhận: Beijing đang làm thân với 1 số nước Đông Nam Á, như Myanmar, bằng hối lộ, đầu tư, và cũng giúp Myanamar che chắn các trừng phạt quốc tế trên hồ sơ Rohingya.

Trong khi đó, bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 30 tháng 1 cho biết rằng, “Chủ tịch Ủy ban Quân Ủy Thượng viện Mỹ hôm 29/1 nói rằng việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông giống như “chuẩn bị cho Thế Chiến III”.

“Theo Navy Times, bình luận của Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe được đưa ra trong buổi điều trần bàn về những thách thức gây ra bởi Trung Quốc và Nga.

“Trang tin này dẫn lời ông Inhofe nói rằng trong khi quân đội Mỹ hiện diện quanh Biển Đông và Thái Bình Dương, Hoa Kỳ gần như đứng nhìn Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá và các đảo nhỏ trước khi biến chúng thành các pháo đài được trang bị vũ khí.”

Trong khi đó, bản tin RFI cho thấy TQ liên tục bành trước ở Biển Đông: Trung Quốc mở trung tâm cứu hộ trên biển ở Trường Sa.

Trong một động thái bị xem là để củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông, Bắc Kinh vào hôm 29/01/2019 đã khai trương một trung tâm cứu hộ trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) vùng quần đảo Trường Sa. Đây là một trong 7 thực thể Trung Quốc kiểm soát tại Trường Sa, nhưng bị một số láng giềng Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền.

Theo Tân Hoa Xã, được báo Nhật Bản The Japan Times trích dẫn, bộ Giao Thông Trung Quốc đã chính thức khánh thành cơ sở này nhằm “bảo đảm tốt hơn vấn đề an toàn giao thông và vận tải ở Biển Đông”, hỗ trợ cho các hoạt động cứu hộ trên biển ở khu vực phía nam Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa.

RFI ghi rằng theo báo Japan Times, với ý đồ nắm quyền kiểm soát Biển Đông, trong thực tế Bắc Kinh đã biến các thực thể trong tay họ thành tiền đồn quân sự, trong đó ba thực thể Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn ở Trường Sa đều có sân bay quân sự, được trang bị tên lửa, kho chứa rộng rãi và một loạt cơ sở có thể theo dõi các vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin của nước ngoài.

Để trấn an những lo ngại về việc quân sự hóa các đảo nhỏ đó, Bắc Kinh liên tục nói rằng các cơ sở đó chỉ có mục đích phòng thủ, còn chức năng chính của các đảo mang tính chất dân sự, nhằm phục vụ lưu thông cho tất cả tàu bè trong vùng.

Nhằm chứng tỏ điều đó, Trung Quốc đã cho xây dựng các cơ sở bảo tồn và phục hồi sinh thái và trung tâm quan sát biển trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Cuối tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố sẽ cho đồn trú vĩnh viễn một tàu tìm kiếm và cứu hộ tại Đá Xu Bi, nơi đã có một hải đăng và bến tàu rộng lớn.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã cho rằng các động thái đó có thể giúp Bắc Kinh áp đặt trong thực tế yêu sách chủ quyền của họ.

Cũng liên quan đến Biển Đông, Nhật Bản và Philippines đã lên kế hoạch tập trận hải quân chung trong vùng, nhân dịp khu trục hạm Nhật Bản JS Ikazuchi ghé thăm hữu nghị cảng Manila trong ba ngày, kể từ hôm 29/01/2019.

Đây là lần thứ tám Hải Quân Nhật cử tàu ghé cảng Philippines kể từ năm 2016.

Than ôi, binh lửa khó thoát chăng?

Bài Khác