Người bất đồng chính kiến Công giáo bị ”ngắm”?

Người bất đồng chính kiến Công giáo bị ”ngắm”?

Việc rất nhiều nhà bất đồng chính kiến đang ngồi tù, hoặc bị xét xử gần đây là người Công giáo, dấy lên câu hỏi có phải họ nằm trong tầm ngắm của chính quyền.

Tác giả Bennett Murray, nhận định trên The South China Morning Post, là người Công giáo chỉ chiếm 7% dân số Việt Nam, nhưng đóng một vai trò lớn trong phong trào bất đồng chính kiến, và đổi lại, nhiều nhà thờ bị phá, linh mục bị bắt và tôn giáo bị bôi nhọ.

Bennett Murray dẫn lời linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, nói ông từng bị bắt giữ 10 lần và bị cấm xuất cảnh, và “người Công giáo trong một quốc gia cộng sản phải chịu đựng rất nhiều hệ lụy.”

Theo The South China Morning Post, linh mục Anton từng tổ chức một cuộc tuần hành vinh danh các cựu chiến binh của chính quyền được gọi là “nhà nước bù nhìn miền Nam Việt Nam” và giương lá cờ vàng ba sọc của chính quyền này – một hành động từng khiến nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam chịu án tù nặng.

Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 20/8, linh mục Đặng Hữu Nam nói:

“Là linh mục, nhưng cũng là một công dân, tôi thấy mình có trách nhiệm lên tiếng trước những bất công của xã hội, những điều không đúng với luật pháp của đất nước, đi ngược văn minh nhân loại, và ảnh hưởng tới nhân quyền. Nhưng vì vậy, chính quyền tìm mọi cách để làm khó dễ cho đời sống cá nhân cũng như con đường hành đạo của tôi.”

Người Công giáo bất đồng chính kiến bị ngắm? (Ảnh: GETTY IMAGES)

Linh mục Đặng Hữu Nam, hiện quản nhiệm Giáo xứ Mỹ Khánh, Yên Thành, Nghệ An, từng công khai phản đối nhà máy thép Formosa của Đài Loan xả độc ra biển, phản đối luật an ninh mạng, dự luật đặc khu, cùng nhiều vấn đề khác như lạm thu trong trường học, boxit Tây Nguyên.

“Chính quyền địa phương công khai thông báo họ đã đặt 7-8 trạm gác quanh giáo xứ để theo dõi hoạt động của tôi.”

“Mới đây nhất, ngày 16/8, tôi cùng cộng đoàn có kế hoạch sang giáo xứ lân cận để cầu nguyện cho tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, thì chính quyền cử hàng ngàn người cả sắc phục và thường phục bao vây chúng tôi cả ngày lẫn đêm, không cho đi.”

“Tôi nhiều lần bị câu lưu, bị công an mặc sắc phục và thường phục hành hung. Đời tư của tôi cũng bị lăng mạ,” linh mục Nam nói với BBC từ Nghệ An.

Nhắm vào người Công giáo?

 

Việt Nam, Công giáo
Linh mục Đặng Hữu Nam (thứ hai, trái sang) tại một thánh lễ cầu nguyện. (Ảnh: DANG HUU NAM) Nhiều trong số những người Công giáo hoạt động chính trị tích cực như linh mục Anton, từng hoặc đang bị ngồi tù như blogger Mẹ Nấm, bà Thúy Nga, ông Lê Đình Lượng, luật sư Nguyễn Văn Đài – người sáng lập Hội Anh Em Dân Chủ – vừa ra tù tháng 6/2018 và hiện đang tỵ nạn tại Đức.

Ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt đông dân chủ người Công giáo sống tại Nghệ An, vừa bị tuyên án 20 năm tù giam, án cao nhất từ trước đến giờ cho tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Hoạt động của ông Lượng gồm biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa của Đài Loan gây ô nhiễm biển.

Người công giáo chiếm số lượng lớn trong số những người biểu tình phản đối Formosa. Các vụ ‘trả đũa’ họ cũng trở nên phổ biến, theo con dâu của ông Lượng, bà Nguyễn Thị Xoan. Bà Xoan cũng cáo buộc chính quyền đã tấn công các địa điểm thờ phượng của người Công giáo.

“Họ vào các nhà thờ, phá hủy tượng Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, họ xúc phạm người Công giáo bằng cách phá hủy những gì là thiêng liêng đối với chúng tôi,” bà nói.

Mới đây, chồng bà Thúy Nga, ông Lương Dân Lý cho biết BBC bà bị đánh đập và dọa giết trong tù.

“Em trai Nga mới đi thăm, thấy Nga gầy hơn. Mới đây, Nga gọi điện về, nói bị giam chung với một nữ phạm nhân hình sự đầu gấu khét tiếng nhất trại Gia Trung và thường bị người này hành hung, dọa giết.”

“Cộng sản ghét sự thật”

Việt Nam, Công giáo
Giáo dân miền Trung biểu tình phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng 6/2018. (Ảnh: TNCG)

“Nếu chúng tôi nói sự thật, dân chủ, nhân quyền, thì đều bị coi là kẻ thù của đảng cầm quyền. Tôi bị coi là linh mục ‘phản động’,” linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC.

“Người Công Giáo biết cộng sản vô thần và họ làm những việc vì lợi ích riêng của họ chứ không phải lợi ích của mọi người”, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, 36 tuổi, một trong số hàng ngàn người xuống đường tại TP Hồ Chí Minh vào tháng Sáu được dẫn lời trên The South China Morning Post.

Một người biểu tình khác, Nguyễn Ngọc, 36 tuổi, nói chi tiết hơn: “Chúa Giê Su Ky Tô nói bạn nên biết lẽ thật. Cộng sản ghét sự thật.”

Tác giả Bennett Murray quan sát liên hệ giữa thái độ của người Công giáo Việt Nam với Trung Quốc. Thái độ này dường như mâu thuẫn với với mối quan hệ mật thiết giữa nhiều nhà thờ dòng chính thống và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vào tháng Sáu, người Công giáo tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế mà họ lo ngại sẽ cho Trung Quốc một chỗ đứng trên lãnh thổ Việt Nam.

Ở một đất nước mà nhiều con phố mang tên những vị anh hùng có công đuổi giặc Tàu, người dân luôn sợ bị Trung Quốc xâm lược và luôn ghét Trung Quốc, và người Công giáo không phải ngoại lệ, Bennett Murray bình luận.

“Hầu hết [tất cả] người Việt Nam ghét cộng sản Trung Quốc, nhưng tôi không ghét người Trung Quốc, tôi thông cảm với họ”, người tên Ngọc nói thêm. “Tôi biết rằng các linh mục Công giáo thực sự ở Trung Quốc đang cố gắng rất nhiều để tồn tại với cộng sản.”

Không giống như ở Trung Quốc, nơi từ chối thẩm quyền của Vatican, chính phủ Việt Nam cho phép Hội thánh được hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh. Trong khi đó, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo của Việt Nam, được Quốc hội thông qua năm 2016, bảo đảm quyền của người dân thực hành các tín ngưỡng được chính phủ công nhận, miễn là các tổ chức tôn giáo báo cáo hoạt động của họ cho chính phủ.

Mặc dù vậy, chính quyền độc đảng luôn nghi ngờ bất cứ cấu trúc quyền lực thay thế nào, ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại tại New York nói, theo bài viết của Bennett Murray.

Nhưng không chỉ người bất đồng chính kiến Công giáo mới bị chính quyền Việt Nam bắt và giam cầm.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, hiện đang chịu án tù 16 năm, 5 năm quản chế với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ là một Phật tử.

Nguồn: BBC

 

Liên Quan