UPR Vietnam 2019 : Nhân quyền vẫn còn tồi tệ

UPR Vietnam 2019 : Nhân quyền vẫn còn tồi tệ

Tường An
2019-01-24

Biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc nhân Kiểm điểm định kỳ phổ quát đối với Việt Nam hôm 22/1/2019

Photo: RFA

Hơn 300 người đến từ khoảng 11 quốc gia đã có mặt lúc 10 giờ sáng ngày thứ Ba, 22/1/2019, tại công trường Nhân quyền, nơi có chiếc ghế 3 chân, trước trụ sở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để biểu tình lên tiếng về việc đàn áp Nhân quyền của Việt Nam nhân dịp Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam.

Những tiếng hô vang và những biểu ngữ với nội dung tố cáo Việt Nam vi phạm Nhân quyền đã nói lên quan điểm cũng như mục tiêu của những người biểu tình, trong đó có những người đã phải vượt hàng chục ngàn dặm đường đến đây về tình trạng nhân quyền của Việt Nam khi tập trung tại Geneva trong một ngày mùa đông giá lạnh. Anh Quân Trương, đến từ Sydney, Úc Châu cho biết lý do anh vượt hàng chục ngàn cây số để có mặt nơi đây :

«Em đi rất là xa, vé tàu em đi đến 43 tiếng mới tới. nhưng em rất vui hôm nay được tham gia cùng các cô bác anh chị ở đây để phản đối Việt Nam vi phạm Nhân quyền và em cũng mong rằng càng ngày càng nhiều các bạn trẻ hơn hoặc là người Việt Nam ở hải ngoại nói lên tiếng nói của người Việt trong nước để giúp cho họ mau có được tự do, nhân quyền cho người Việt Nam»

Dưới sự kêu gọi của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất Âu Châu, cùng với hơn 100 đồng hương khác đến từ Pháp, anh Lâm Hoàng Tùng cho biết lý do tham dự cuộc biểu tình.

«Tôi có mặt hôm nay, chuyện thứ nhất là để hỗ trợ các anh em trẻ tiếp tục con đường đấu tranh của chúng tôi và ngoài ra tố cáo cho cộng đồng quốc tế biết sự vi phạm nhân quyền của đảng Cộng sản Việt Nam»

Cuộc biểu tình bắt đầu từ 10 giờ sáng và kéo dài đến 12.30 trưa,  được khởi xướng bởi 4 tổ chức chính là Phong Trào Việt Hưng, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam khu bộ Âu Châu, Phong Trào Chống Trung Cộng Bành Trướng tại Âu Châu và Phong Trào giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền. Cuộc biểu tình cũng được 50 xã hội dân sự, đoàn thể tôn giáo cũng như chính trị ký tên ủng hộ.

Họ đã hứa hẹn rất nhiều điều, nhưng mà trong thời gian qua thì vấn đề nhân quyền tại Việt Nam càng trở nên trầm trọng. – Trần Kiều Ngọc – Chủ tịch Phòng trào giới trẻ Thế giới vì Nhân quyền

Cô Trần Kiều Ngọc, chủ tịch Phong trào Giới trẻ Thế giới vì Nhân quyền, tổ chức đã kêu gọi cuộc biểu tình này cho biết lý do :

«Phong trào Giới trẻ Thế giới vì Nhân quyền của chúng em tham gia vào Ban Tổ chức cùng với một số tổ chức, hội đoàn người Việt Quốc gia tổ chức cuộc biểu tình ngày hôm nay để lên án nhà cầm quyền CSVN đã lừa dối dân tộc của chúng ta qua nhiều năm qua. Họ đã hứa hẹn rất nhiều điều, nhưng mà trong thời gian qua thì vấn đề nhân quyền tại Việt Nam càng trở nên trầm trọng. Nhân tiện có cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày hôm nay, chắc chắn là nhà cầm quyền CSVN sẽ tiếp tục nói dối là họ đã tuân thủ theo nhưng điều khoản để cải tiến nhân quyền Việt Nam, nhưng thực sự chúng ta biết rằng họ chưa hề làm chuyện đó mà thậm chí con số Tù nhân Lương tâm càng ngày càng cao hơn và đời sống người dân càng ngày càng khổ sở, đất đai, biển cả của chúng ta họ đã từ từ hiến tặng hết cho Trung quốc.»

Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế đặc biệt của LHQ hướng đến việc cải thiện Nhân quyền của 193 thành viên Liên Hiệp Quốc. UPR được diễn ra theo chu kỳ 4-5 năm 1 lần.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham gia Kiểm điểm Định Kỳ Phổ Quát của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việt Nam tham gia UPR lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2009. Ở phiên Kiểm điểm định kỳ Phổ quát năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận 182 trong tổng số 227 khuyến nghị được 106 quốc gia đưa ra trong phiên đối thoại. Trong đó, Việt Nam có chấp thuận  tạo môi trường thuận lợi và đảm bảo quyền tự do biểu đạt cho những người bảo vệ Nhân quyền, trong đó có luật sư ; bảo đảm quyền tiếp cận luật sự bảo chữa được thực hiện công bằng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Luật Gia và tổ chức LRWC (Lawyers’ Rights Watch Canada), những kiến nghị trên tới thời điểm này vẫn chưa được thực hiện. Anh Đoàn Phú Hòa đến từ Tiệp nhận xét :

«Tất cả những gì do Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặt ra, thì chính quyền Việt Nam không thực hiện được, bất kỳ một điểm nào mà càng ngày càng tìm cách đàn áp»

Biểu tình trước Liên Hiệp Quốc hôm 22/1/2019 Photo: RFA

Các tổ chức bảo vệ Nhân quyền thế giới cũng khẳng định Việt Nam không có một tiến bộ nào trong việc cải thiện nhân quyền. Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đưa ra những trường hợp cụ thể về trường hợp đàn áp nhân quyền tại Việt Nam như Mẹ Nấm hay các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.

Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do cũng cho biết Việt Nam vẫn còn ngăn cấm việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập và mạnh tay đàn áp thành viên của tổ chức này. Thông cáo báo chí của Thượng Nghĩ Sĩ Ngô Thanh Hải cũng ghi nhận từ UPR 2014, nhà cầm quyền Công sản Việt Nam đã thẳng tay đàn áp những người đấu tranh.

Sau khi biểu tình, đại diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu châu và Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới vì Nhân quyền  vào bên trong trụ sở Hội đồng Nhân quyền để theo dõi cuộc kiểm điểm của Việt Nam được diễn ra từ 14.30-18 giờ. Trong lúc đó bên ngoài, một cuộc biểu tình nữa do Hội người Việt Quốc gia Lausanne và Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam cũng được tổ chức.

Đến từ Á châu, anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con Tù Nhân Lương Tâm Nguyễn Trung Tôn đã gặp gỡ một số quốc gia và NGO để vận động các quốc gia này đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam:

«Em rất là ngạc nhiên về sự hiểu biết của cộng đồng quốc tế, của những dân biểu liên bang, những dân biểu quốc hội tại đây. Họ hiểu rất rõ về tình hình Việt Nam. Họ muốn nhấn mạnh với Việt Nam rằng họ phải sửa đổi. Họ có rất nhiều khuyến nghị đề nghị Việt Nam sửa đổi. Tuy nhiên, thời gian mà mỗi quốc gia chỉ có từ 45 giây đến 1,5 phút để phát biểu. Cho nên họ chỉ khuyến nghị được vài điều trong khi họ rất muốn khuyến nghị nhiều điều hơn nữa»

Trong buổi kiểm điểm, các nước Pháp, Canana, Na Uy, Thụy điển, Hoa kỳ, Cộng hòa Tiệp .v.v… đều đưa ra các khuyến nghị về việc thay đổi luật an ninh mạng, bỏ án tử hình, chống tra tấn, thông qua các quy định về quyền của người lao động theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như đòi thả các Tù Nhân Lương Tâm.

Bài Khác