Hạt Giống

Chuly sưu tầm

Hạt Giống
Tác Giả: Hồ Đình Nghiêm.

Tôi là út chính thức trong một gia đình đông con. Ba mạ tôi “trời cho” đẻ được mười đứa vuông tròn, có một chị bị “thần linh” bắt đi khi còn bé, nếu còn sống, sĩ số đông đúc thịnh vượng ấy có thể lập nên một đội bóng đá: Mười một niềm hy vọng.
Bảo tôi là út chính thức, út chính hiệu, bởi vì trên tôi có hai út khác: Út anh và út em. Đừng ngạc nhiên, tựa như nhà hàng xóm có anh Thôi, chị Nữa, anh Thêm, anh Chót, chị Cuối (chứ không phải Cuội). Nói chung, chuyện vợ chồng, người ta không mấy quyết tâm, đêm hôm khuya khoắt, nguồn cơn nào xúi dục khiến họ dễ “cháy giáo án” để lao động vượt chỉ tiêu? Nói theo kiểu thời nay, đọc báo thấy dự trù cho việc đầu tư công trình ban đầu là chín mươi triệu, sau thâm thủng quá độ và nhà nước tái xanh mặt máu tổng kết số nợ lên đến một trăm tỉ đồng! (Chuyện nhỏ).
Thời đó, xa lắc xưa lơ, ba tôi không hề biết trên cõi đời ô trược có một thứ gọi là condom (bưng bít thông tin?). Mạ tôi chẳng hay cách tính chu kỳ vận hành kinh nguyệt khi nào thì trứng rớt rơi, tìm ra khe hở của thời gian an toàn. Thuốc ngừa thai thì làm gì có trong khi răng mạ tôi nhuộm đen và ngoài chợ chỉ có bán nhu yếu phẩm: Trầu, cau, thuốc Cẩm-lệ. Khi đủ trí khôn, những lúc làm “ông cụ non”, ngồi cô đơn sau góc vườn, tôi tự hỏi, con cái mỗi lúc một nhiều, căn nhà thì bé tẻo teo, khoảng trống thuận tiện nào dành cho ông bà âu yếm làm tình? Mặc xác chúng nó, con nít thì biết cóc gì, chúng ta cứ yêu đương vun bồi hạnh phúc cái đã, mọi chuyện khác hậu tính. Tôi hình dung ra câu nói của ba tôi, và mạ: Chắc cũng giống như trăm ngàn người đàn bà thuở ấy, đành cam phận nằm dưới trong thinh lặng. Chủ quyền của phụ nữ thì họ mới hô hào cổ xúy gần đây thôi. Họ tranh đấu dành sức mạnh gì được khi trong sổ gia đình, mục nghề nghiệp luôn nguệch ngoạc hai chữ: Nội trợ. Kỳ cục! Nghề ngỗng kiểu ấy thì muốn đấu tranh cũng khó. Đi chợ (chồng đếm bạc, giao tiền) nấu nướng, khâu vá, giặt giũ, phơi phóng, tắm rửa con thơ, xi ỉa con dại, chùi đít con ngoan, hò khoan nhặt ru ngủ con chướng và …nhan sắc mòn hao theo bổn phận. Vú móp méo cạn kiệt nhìn bầy con đủ lông đủ cánh để bay xa, và đa phần chúng ôm đít vợ hiền có mấy khi đoái hoài ngó lại “ngày xưa thân ái”. Tội nghiệp! Vậy chứ cũng có đứa bày đặt xâm lên cánh tay hàng chữ thời thượng “Xa quê hương nhớ mẹ hiền”! 
Ba tôi làm công chức, mẫu mực. Lương chẳng nhiều nhặng gì và ông có vẻ bằng lòng với đời sống đạm bạc ấy. Thứ đạm bạc theo sách vở thánh hiền, nhưng lý giải kiểu hiện thực thì chẳng có chữ nào thích hợp hơn: Rớt mồng tơi! Đi tiệm may một cái quần, có lẽ cái thước đo là thứ thằng thợ may chẳng nên sử dụng tới, bởi vì: Chúng lớn rất mau, cứ cắt dài rộng thoải mái vào… Thằng anh mặc chật bàn giao lại đứa kế vị, theo hệ thống “quân giai”, tới út anh quần bắt đầu biểu hiện “thái độ” chịu đời không thấu. Lai lên cao, lại xả xuống, lại lên cao, lại buông thả theo chiều cao của khổ chủ. Hai ống quần, trông tựa như cái thước đo mực nước thủy triều, úng thủy từng vệt mòn của thời gian khắc dấu ấn. Nếu thương tình giữ lại, lộng kiếng nó, treo nó lên, nó là vật chứng giúp người ta nhớ lại một thời cổ sơ; như chính quyền vẫn ưa lượm lặt rác rưởi để dựng nên phòng triển lãm trưng bày tội ác Mỹ Ngụy vậy! 
Ba tôi không rượu bia, chẳng mèo mỡ gà đồng, không thuốc lá, chẳng cờ bạc (kể cả những dịp vui mà người ta thường phá lệ để nhấm nháp- ba ngày Tết chẳng hạn). Có thể nghèo là chính danh thủ phạm, hay nó là đồng minh khiến người ta sống đạo đức hơn kẻ khác… Ông thức dậy sớm, hối thúc đám con ra sân tập thể dục hoặc đánh cầu lông. Buổi trưa, thay vì nằm kể chuyện cổ tích, ông biểu đem giấy bút ra và ông sẽ trầm bổng đọc một đoản văn để cho “mấy sấp nhỏ”viết chính tả. Ông ưa sưu tầm, cóp nhặt những nguồn tin lạ để “tuyên truyền”, dằn mặt đám hậu thế: Con ông trợ Bảng nhà nghèo, đêm hôm ôm sách vở ra học dưới cột điện đường, vậy mà nó đã vinh hiển tốt nghiệp y khoa. Có khi ông lại kể cách khác, lôi một nhân vật hoang tưởng nào đó tận dưới quê, phải bắt đom đóm nhốt cứng một lọ thủy tinh để gạo bài dưới thứ ánh sáng “khiêm tốn cần kiệm” ấy. Và cuối cùng là gì? Nó đổ kỹ sư, xuất dương tận Paris kinh thành ánh sáng, giờ làm việc bên Ty Công chánh, có xe đưa rước chỉ thiếu còi hụ. Xóm tôi có bà Tôn lò (con nít gọi thế- chả hiểu sao?) đi làm sở Mỹ, tằn tiện nuôi con ăn học thành tài thì ba tôi lờ đi, chẳng nghe nói năng chi. Có lẽ vì nghèo nên câu châm ngôn mà ông tâm đắc nhất: Đói cho sạch rách cho thơm. Dĩ nhiên là những đứa con của ông hầu như thảy đều bị điếc. Bọn chúng là thứ gì đó mà ai kia tốn công dội nước từng thùng cũng chẳng hề thẩm thấu. Lạ. Tôi chưa thấy qua một đứa đói khổ nào ngó sạch sẽ. Tôi chưa nhìn ra một tên khố rách áo ôm nào mà thơm tho. Hình như dơ bẩn, hôi hám là thứ luôn hiện diện với thành phần bất hạnh ấy. Nhớp nhúa, mặt xanh nanh vàng là thứ đồng minh không hề tháo chạy, bám cứng phường mạt lộ kia. Thi thoảng, để thay đổi không khí, ông mang những tấm gương hiếu thảo từ bên Tàu xa xôi cách trở ra, để kể. Nhị thập tứ hiếu. Hai mươi bốn đứa, có đứa trời lạnh leo lên giường nằm trước, hồi nào chiếu chăn ấm áp mới tụt xuống hối thúc dìu đỡ má nó lên điền vào chỗ trống những mong bà cụ ngủ ngon trong giấc cơ hàn. Lại có thằng lập nên công trạng gì đấy, được cửa quan thưởng công cho ăn trái cây đặc sản, thương nhớ mẹ, nhịn ăn, thu cất hết thảy mang về lột quýt cho maman xơi. Lời ông kể, chui từ lỗ tai thằng lớn, xuyên qua, lan truyền xuống thằng bé và mất hút dấu tích ngoài đồng không mông quạnh. Chẳng đứa nào nhớ. Hoặc đầu óc chúng luôn chật chội những toan tính thậm quan trọng. Làm sao có tiền để dắt đào đi ciné? Câu hỏi nọ tầm cỡ như một thứ công án. Có cách gì không, để mang chở người tình đến quán nước vắng, nói ra một lời nguyền: Cha mẹ sinh tôi thằng con bất hiếu, thề thốt thương người hơn cả song thân (Nguyễn Tất Nhiên). Lớn thì mê mệt tán gái, nhỏ thì rình rập nín thở dòm đàn bà đêm khuya thanh vắng ra tắm giếng, tùng tam tụ tứ đi trộm hương hoa quả phật dâng cúng trên mỗi am thờ phượng kẻ khuất mặt. Dĩ nhiên là ba tôi có nằm mộng cũng chẳng ngờ được. Chủ quan, ông tin vô thành quả giáo huấn của ông. Vạn bất đắc dĩ, có đứa bị lộ hành tích, đay nghiếng một hồi, roi vọt một mẻ, cuối cùng ông đành thở dài đánh sượt: Con hư tại mạ! 
Mạ tôi là người đàn bà bất hạnh, trong mắt tôi. Bởi thông thường, đến một số tuổi nào đó, người ta phải tự đề ra một giải pháp: Nghỉ hưu. Mạ tôi đã già, những đứa con ở tứ tán quận huyện xa xôi luôn thay phiên réo gọi; Vào giúp con một tay, vợ con sắp đẻ tới nơi. Bà đi, đi trong câm lặng, bởi bà hiểu cái đích tới kia đang đón đợi bà những điều phiền muộn, luôn luôn là vậy. Những cô con dâu của bà chẳng mấy ai được nghe kể chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu. Họ sẵn sàng làm khó bà bằng thái độ của một kẻ quen nuôi kẻ hầu người hạ. Trong mắt họ, những thằng con trai của bà chả có kí-lô nào ráo trọi. Kết quả: Bà khóc. Khóc cho sự cô thế. Khóc bởi sự yếu hèn bạc nhược của một thằng đàn ông. Thằng đàn ông lấm lét: Vì sao mạ lại khóc? Tao khóc, bởi tao nhớ thằng út. Không có tao, chẳng rõ có ai ức hiếp nó không? Tội nghiệp! Mua cho tao cái vé xe đò, vé máy bay, để về ngoài đó… Đâu được, chí ít mạ phải đợi cúng đầy tháng đứa cháu nội đã chớ. Giờ này đã có ai khỏe mạnh đâu? Mạ tôi mê đánh tứ sắc, chiếu bạc là nơi bà bốc lên, bỏ xuống, xóa dấu vết, chồng trả, thanh toán, đánh hết rác… những niềm đau do con cháu mang lại. Đó là nơi chốn trú ẩn an toàn nhất của bà, là không gian giúp bà tìm lại chút quân bình giữa bao hụt hẫng mà ai kia nhẫn tâm tạo ra. 
Tuổi thơ, tôi cũng khóc nhiều. Vì người tôi yêu thương nhất thường vắng nhà dài lâu. Mạ đi, như mang hết dưỡng khí, tôi luôn bị ngộp mỗi khi trời chạng vạng. Thật khó thở, vì tôi ý thức thêm một đêm dài, chỗ nằm trống lạnh, chẳng có da thịt ấm áp cho tôi dụi mặt mình vào, êm ả thứ hạnh phúc khó cắt nghĩa, là thứ bến đỗ an toàn tuyệt đối, có một không hai. Những khi rỗi việc, chẳng kiếm ra niềm vui, mấy ông anh bà chị luôn mang tôi ra để làm vật giễu, làm trò cười cho họ hả hê. Họ là những nhà đạo diễn phim rất tai quái, một trong nhiều trò mà họ cho có khả năng gây ấn tượng nhất, rất bức xúc, là mãi kể một đoạn “cổ tích”: “Một đêm mưa gió, ba mạ đi kỵ giỗ từ làng về, ngang qua một cái am miếu lớn nghe tiếng khóc ai oán của một hài nhi, bỏ đi không đành và là phật tử thuần thành ba mạ quyết định mang đứa con hoang ai vất bụi bờ kia về nuôi. Mi biết đó, nhà đông con, ông bà đâu còn lòng dạ nào để sinh đẻ nữa. Nuôi thêm một miệng ăn, cái này là do từ tâm, do nghiệp chướng phải trả. Đứa nhỏ kia là ai, đố mi đó? Là mi chứ còn ai vô đây. Dòm đi, bọn tau mặt mũi giống nhau, riêng mi thì có khác biệt, mi ngoại lệ. Ông già bà già mi thiệt đoản hậu, cục thịt đỏ hỏn như rứa mà cũng đem đi vất ngoài am, chẳng do dự, lại vào một đêm mưa to gió lớn lạnh căm nữa chứ. Thử nghĩ coi, không có ba mạ mình đi ngang thì chuyện xảy ra sẽ như thế nào? Tôi khóc to tiếng, chẳng dấu diếm. Tôi chạy ra sau hè, góc vườn quen thuộc cũ, nằm co quắp giữa đất cát mà tưởng như mình đang giẫy chết. Mọi thứ đều tan hoang. Tôi khóc. Tôi mong có bà tiên hiện lên để vỗ về an ủi tôi, ban phép màu như trong những truyện thần thoại hoang đường, nhưng nào có. Một bà tiên? Trời ạ, sao người ta ngây thơ đến dường ấy! Người viết truyện cổ tích là kẻ rất mực bất tài, tôi nghĩ thế. Dẫn người đọc đến chỗ bí, chẳng biết xoay xở, liền vẽ ra hình ảnh một tiên cô. Con ưa chi, nói đi, rồi ta sẽ cho con toại nguyện. Nói cứng vậy thôi chứ lòng tôi cũng hoang mang, tôi đem ngờ vực ấy đi hỏi thằng Cu đen. Cu đen là thằng bạn thân nhất mà tôi có, dĩ nhiên nhà nó cũng là thành phần “chuyên chính vô sản”, gió luôn tuồn vô ra giữa bốn bức vách trống lạnh. Cu đen lớn hơn tôi hai tuổi, học hành hơi bị chậm lụt, hơi bị dốt. Để biện minh, hắn đưa ra câu nói dễ nể: Chỉ có thầy cô yếu kém trong phương thức giảng dạy chứ học trò không bao giờ dốt! Mi nên dớ. Cu đen đặc biệt chẳng tài nào phát âm đúng những chữ có NH đi đầu. Đại loại: Dớ dà thì ta nên hiểu nhớ nhà. Duận trường, chùm do, cơm dão, dan đèn, mi đi danh lên, có dững khi…coi dư là bị nói chớt. Nghe hỏi, Cu đen làm trạng: Làm chi có tiên, nếu thực sự dư rứa thì tau đã ngon cơm hơn mi từ khuya. Tau từng khóc đến mù con mắt mà có thấy chi mô. Đừng nói chuyện bá láp. Cu đen dậy rất sớm, hắn phụ giúp mạ hắn để kịp chuyến đò mang gánh bún sang sông khi bình minh, vì thế vô tình hắn làm đứa có nhiệm vụ réo gọi lũ bạn quanh xóm cùng đi học một lượt. Cách hắn ới cũng lạ thường, đứng ngoài hàng rào đưa tay khum ngang miệng như thế cái loa, và rồi hắn kêu đích danh tên ông già thằng bạn ra. May mà ba tôi tên Nhàn. Hắn chỏ mỏ vô sân: Dàn ơi Dàn, ngủ dậy chưa mi? Ra đi học kẻo trễ. Mạ tôi đang uống trà, bà chép miệng: Đã nghịch tặc chưa? Con cái nhà ai mất dạy rứa bây! Anh tôi nói: Mạ lạ chi, rồi thằng út của mạ cũng tới nhà đứa khác chơi kiểu mất dạy như rứa. Trò đó bọn con chơi từ lâu, mới mẻ chi nơi a.
Có một chuyện lạ là qua biết bao thăng trầm của thời cuộc, bạn bè cũ hư hao biệt tăm dần dà, riêng Cu đen vẫn quẩn quanh cùng tôi trong cái thành phố hứng chịu nhiều bất hạnh ấy. Quẩn quanh không lâu thì bắt gặp ngõ cụt. Cu đen thi hỏng tú tài một, Cu đen bị động viên, vô Đồng-đế “quân trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu”. Cu đen sẽ có cái cánh gà may bên tay áo trận. Chưa sống đời quân ngũ nhưng hắn đã sớm lộ nét phong trần bụi bặm. Hắn đăm chiêu. Hắn ngồi đồng quán cà phê suốt buổi. Hắn ưa đặt để đôi mắt vào chốn xa xăm, sông phía thượng nguồn hoặc dáng núi mờ đục dưới chân mây. Tháng ngày ấy hoàng hôn sẫm màu kì lạ, vàng không vàng, tím chẳng ra tím; như thể bộ mặt chiến tranh đã góp phần làm hư hao ngay cả dung nhan đất trời. Tôi cúp cua trốn học một ngày để làm kẻ tiễn đưa. Hắn hỏi: Mi có thù ghét đứa mô không? Mi có bị ai ỉ mạnh hiếp yếu không? Chỉ mặt nó để tau trả thù giùm cho. Tau xin nó tí huyết trước khi giã từ đời hồn diên sách vở, tau vào lính thì nó làm chó gì tau? Tôi nói không. Bây chừ cũng như mai hậu tao quyết không nuôi thù hận. Cu đen chửi tôi: Đồ cà chớn. Tôi mua cho hắn bao thuốc lá, nhét vô xách và rồi bụi mù của chiếc xe xóa mờ dáng ngồi câm lặng cái đứa bạc phước ấy đi. Ở chốn lao lung xa cách, hắn siêng viết thư cho tôi kể bao chuyện lạ về những địa danh tôi chưa hề nghe qua. Giọng văn luôn hằn học, thi thoảng chen cài chút triết lý. Thứ triết lý nhuốm đầy sắc màu của bi phẫn, ta không phụ người nhưng người vẫn cố tình phụ ta. Chỉ hơn hai tuổi, nhưng so ra hắn trưởng thành trước tôi cả chục năm. Cho hay kẻ luôn ẩn náu an toàn dưới mái nhà, học hỏi dưới mái trường êm ấm chẳng thể so bì được với đứa bị cuộc đời giáo huấn. Sự khắc nghiệt của thứ trường đời kia đã mang Cu đen mỗi lúc một xa tôi, vừa nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 
Tôi vượt biển làm người tị nạn được mười hai năm thì có dịp phải trở về cố quận. Ba Mạ tôi đi gặp ôn mệ từ khuya, chôn ở chỗ quạnh vắng vậy mà vùng đất ấy cũng bị nhà nước ra lệnh giải tỏa. Cái chết, tự nó đã là một sự giải thoát, vậy mà chính quyền cũng nhúng tay vào giải phóng thêm một lần nữa. Làm người Việt-nam e cái chết cũng khác bạn bè năm châu. Đành vậy. Tôi đứng trước hai ụ đất mới tinh khôi của đấng sinh thành, cúi đầu nhìn bao kỉ niệm cũ lướt thướt trôi giạt qua. Tôi chẳng giàu có gì, giờ này, nhưng tôi đủ sức để phụng dưỡng mẹ cha. Tiếc thay hai người đã buông xuôi sau khi đi dọc cuộc đời với bao niềm đau. Tiếc thay khi tôi có điều kiện để trả hiếu thì song thân đã khuất. Lúc nhỏ, Mạ hỏi: Con út trút gia tài, rứa thì con ưa cái chi? Tôi ngó quanh quất gian nhà luôn bày biện nỗi nghèo khó. Mạ đừng nói có được không. Con chẳng ưa cái chi cả! Mạ ơi, hôm nay con đứng cách biệt trên mặt đất này, con chỉ ưa nghe Mạ hỏi: Con út của mạ sống tha phương cầu thực có cực không con? Tôi thắp nhang, tôi nhổ cỏ, tôi nấn ná đưa đầu trần ngồi yên lặng dưới nắng rồi tự nhiên tôi khóc. 
Tôi bơ vơ giữa nơi chôn nhau cắt rún, lòng chưa quyết sẽ đi đâu để vơi nhẹ nỗi buồn thì bất ngờ thay tôi gặp lại Cu đen. Đúng ra là hắn nhận diện tôi trước. Hắn có chiếc xe gắn máy, hắn hành nghề lái xe ôm. Tau thấy một thằng Việt kiều đi ngơ ngáo, con mồi béo bở nên tau rà xe tới sát một bên hông. Đời thuở, ai mà dè… Mụ cô mi, có thay đổi cách mấy tau cũng còn nhìn ra mi. Mi nên dớ. Tôi leo lên chỗ ngồi phía sau, ôm cứng lấy cái hình nhân tiều tụy của thằng bạn cũ. Cảm động làm tôi vụng về, chỉ biết trả lời, chỉ biết để hắn chủ động việc tra hỏi, toàn quyền muốn chở tới đâu thì tới. Vợ con chưa mi? Tau đã yên bề gia thất rồi. Vợ tau có gian hàng bán chén đọi ngoài chợ, nàng tên Dư. Tôi phải động não ghê gớm để biết là vợ hắn tên Như. Mà cũng không chắc, có thể lần này hắn nói đúng, đàn bà con gái thiếu gì người mang tên Dư. Tau chở mi ra chợ liền chừ cho mi chộ mặt, tiện thể để chính miệng mụ vợ tau nói ra một bí mật. 
Phố phường xô bồ, nhà cửa mọc chen lấn với kiến trúc chắp vá tùy tiện, những đổi thay ấy dường như không làm suy giảm tình bạn bộc trực mà Cu đen luôn dành cho tôi. Vợ hắn có nhan sắc, hèn chi cu cậu nôn nóng giới thiệu. Gian hàng vắng, ế. Vợ Cu đen ngồi trên tấm ván với lu hủ chén bát đứng chỏng chơ một bên. Người đàn bà thòng chân xuống đất rà tìm đôi dép để xỏ vô. Và rồi cô ngó chăm tôi. Có thể khi cầm trên tay một chục chén kiểu, cô cũng mang ánh mắt đó. Săm soi, tọc mạch, vạch lá tìm sâu, chỗ này bị vết rạn, chỗ nọ đường dụ vàng của hoa văn in quanh miệng chén không giáp vòng… Dư ơi, đây là cái đứa bạn mà anh hay nói tới đó. Anh bắt cóc được hắn mang về trình diện cho Dư đây. Ủa thiệt linh như cái miễu… Em có linh tính lạ lùng, em biết thế nào cũng có ngày này diễn ra. Nói láo xe cán. Chồng làm nhập đề, vợ làm thân bài, buộc tôi phải chu toàn phần kết luận. Chúc mừng hai người nghe. Ngạc nhiên ghê. Tôi dằn lòng để khỏi thốt: Nói láo hộc máu! Hai vợ chồng tha hồ tra khảo đủ thứ chuyện thượng vàng hạ cám, xôn xao huyên náo quên chuyện bán buôn. Tôi nhắc khéo. Cu đen nạt nộ: Ẻ ba bại, mấy khi mà chúng mình được đứng kề bên dau. Mi yên vị tại đó, tau chạy u đi mua cà phê. Tôi đứng yên, vợ Cu đen không chịu: Anh ngồi chỗ ni nè, cho khỏi mỏi chân. Tôi nghe mệnh lệnh, ngồi ngó những bạn hàng qua về luôn quan sát tôi, tựa hồ tôi là cái độc bình hiếm có chưa sức mẻ trôi nổi từ đời nhà Lý, Lê, Trần tới hôm nay. Em nói cái ni anh bỏ lỗi, tụi em có hạ sinh được một cháu trai, năm nay cháu đã sáu tuổi. Và… và… chúng em hội ý, đồng lòng mượn đỡ tên anh để đặt cho cháu. Anh hiểu cho, đó là một cách để nhớ, để thương, để… Chào, em vụng ăn nói lắm… Biết dùng từ gì để anh thông hiểu? Cu đen trở lại, thay vì tay cầm ly cà phê thì đằng này hắn dắt theo một đứa bé. Vòng tay chào bác đi con. Giỏi hè giỏi hè. Tổ cha mi, cái mặt giống ai mà đẹp trai phát khiếp! Hắn hun chùn chụt đứa bé mang tên tôi. Chẳng biết ở nhà thì gọi là Cu trắng hay Cu vàng? Tôi đề nghị Dư dọn dẹp thu vén đồ đoàn cùng kéo nhau tới một quán ăn chung vui. Cu đen chở vợ, mặt hớn hở ngó tôi ôm thằng bé ngồi xích-lô. Dư, vợ hắn cũng ngoái đầu, mắt long lanh. Ôi cái sóng mắt của người đàn bà một con trông đẹp lạ thường. Hấp lực của nó làm tôi sợ hãi. 
Tôi trao cho Cu đen hơn ngàn đô, dù chưa tới ngày lên đường. Tôi chẳng có nhu cầu gì cả, vả lại giúp bạn cũng xem như việc cần làm. Hắn nói với thằng con: Ôn ni giống tiên ông chưa, mi ước nguyện chi ôn cũng cho. Pha trò xong, hắn ngó tôi: Tau sẽ thường xuyên bỏ công lên chăm sóc mộ phần hai bác. Dư muốn tự mình nấu cơm đãi đằng “khúc ruột ngàn dặm” nhưng tôi từ chối. Cô đứng sát tôi, thỏ thẻ, nói trong tiếng thở vội: Chồng em rất qúi anh và chồng em bị tai nạn cách đây hai năm, anh không còn khả năng làm chuyện ấy nữa. Em cũng qúi mến anh, em bạo miệng xin anh một điều, hãy cho tụi em thêm một đứa con. 
Tôi hy vọng đó không phải là chuyện bí mật mà Cu đen muốn vợ nói ra. Tự dưng tôi nghĩ tới hình ảnh một đêm mưa, người đàn bà lấm lét ôm một bọc vải đặt trước cổng chùa rồi ù chạy như bị ma đuổi. Một hạt giống nẩy mầm trên cánh đồng xa lạ. Không, tôi chẳng đành tâm. Tôi sợ đón nghe những tiếng khóc. Tôi quyết định trốn chạy mọi người, thầm lặng, chẳng từ biệt, cũng vào một đêm mưa.

Bài Khác