HOA YÊU

(T.D.V)
Trương Thị Duy Vũ

Đó là hồng tỉ muội hay hồng sẻ như ông ngoại thường nói. Có lẽ vì mỗi bông hoa chỉ bằng hoặc lớn hơn ngón tay cái một chút. Hơn mười năm nay, người trong phố gọi xóm tôi là xóm hoa yêu – một cái tên mới mẻ so với cái tên cũ kĩ lâu đời – xóm Núi Nhạn – vùng đất nhỏ nằm dưới chân Núi Nhạn độ gần trăm nóc nhà, đa số là dân lao động nghèo, quần quật quanh năm với bát cơm, manh áo, thú vui cây cảnh, hoa lá với họ là giấc mơ xa xỉ chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Bỗng dưng khoác lên mình cái tên rất đỗi nhẹ nhàng, thơ mộng của một loài hoa – hoa yêu thật lạ, mà có phải ai áp đặt hay cố tình gò ép gì đâu? Từ những bông hoa, cái tên mới của xóm tự nhiên ra đời, tự nhiên như dòng Sông Ba hiền hòa uốn lượn qua bao đời của quê tôi. Chẳng hiểu nếu trở về anh Sơn sẽ nghĩ gì trước cái tên xóm mới này. Riêng tôi, mỗi khi nhớ về anh, lòng mình như se lại: Bây giờ anh ở đâu?

(truyenngan.com.vn – Tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Những câu chuyện cuộc đời”)

***

Hoa Hồng Cho Em

Năm ấy, tôi tròn mười bảy. Một buổi chiều đi học về, vừa đến cổng nhà đã nghe tiếng anh:

– Kẹo Ngọt ơi! Qua nhanh đây.

Qua kẽ trống của hàng rào dâm bụt, tôi thấy anh ở đầu sân, thân hình vạm vỡ, trên người chỉ độc một cái quần lửng ngang gối, tay vuốt ve trên những cành lá của đám cây anh vừa mới trồng. “Kẹo Ngọt, Kẹo Ngọt”- tôi lẩm bẩm khó chịu với cái tên thuở bé anh đặt cho tôi – cô nhóc láng giềng ăn nhiều kẹo. Nhưng tên để gọi lúc nhỏ thôi, giờ tôi đã lớn sao mà không tự ái cho được. Lẽ ra anh phải gọi Quỳnh Trâm mới đúng chứ! Tôi bước vào, dường như anh không để ý đến gương mặt đang lùng bùng của tôi mà hớn hở nói:

– Sắp nở hoa rồi. Đẹp lắm nghen!

Tôi chẳng hiểu đám cây thấp lè tè, xanh um lá, trên mỗi cây có vài nụ non mà anh reo như trẻ nhỏ vừa được quà kia sẽ nở hoa đẹp thế nào nên thờ ơ, buông lời không hứng thú:

– Lạ gì đâu, hồng tỉ muội nhà ngoại em cũng có.

Như để diễn tả hết niềm vui và hy vọng của mình dành cho hoa tỉ muội, anh thuyết phục tôi:

– Đành vậy! Nhưng hoa nhà ngoại chỉ có một màu thôi. Nhà anh nhiều màu lắm, có cây hoa tới hai màu nữa kia, anh lên thăm bác ở Đà Lạt xin về đấy. Vài hôm hoa nở em mới thấy nó đẹp đến nhường nào bé ạ!

Hai hôm sau, tôi đứng cạnh bờ rào nhìn sang vườn nhà anh, phía hàng cây nhỏ, những nụ xanh non chưa nở thành hoa, cửa nhà anh vẫn đóng im ỉm.

– Anh Sơn, anh Sơn ơi!- Tôi chụm hai tay lên miệng, gọi to liên tiếp đến khản cả giọng mà không thấy anh trả lời.

Mẹ tôi đang lom khom quét lá bàng khô trước ngõ, nghe tiếng tôi liền đứng thẳng lên giục giã:

– Trâm, chạy sang coi thử nó đi đâu hay đau ốm rồi.

Tôi băng vội qua lỗ hổng bờ rào đẩy cửa vào nhà, giật điếng người khi thấy anh nằm sấp trên giường, hai tay ôm lấy đầu khóc như trẻ nhỏ. Cái giá vẽ đổ dài ra đất, vài ba bức tranh vẽ hình cô gái và cọ, màu vung vãi khắp nơi.

Anh hơn tôi bảy tuổi, mồ côi cha từ nhỏ, học rất giỏi, nhà nghèo đành gác lại ước mơ giảng đường đại học, tham gia nghĩa vụ quân sự vài năm trở về thì mẹ đau ốm rồi mất, chị gái đi lấy chồng, anh một mình thui thủi với căn nhà nhỏ giữa khu vườn rộng thênh thang. Mấy bận sang nhà đánh cờ với ba tôi, anh nói sẽ bán bớt mảnh đất ở vườn sau để hỏi cưới chị Thanh, có vốn mở quán cà phê và phòng tranh dạy miễn phí cho trẻ em yêu thích hội họa. Chao ôi! Một tương lai thật rạng ngời cho anh. Song cuộc đời vô thường, có những chuyện bất ngờ mà ta không thể ngờ được.

Sau một tai nạn giao thông, có lẽ dây thần kinh nào đó bị tổn thương đã biến anh từ một chàng trai hiền lành, khỏe mạnh thành ra người có tính tình “lãng đãng” và thỉnh thoảng anh lại oằn mình với những cơn đau. Gia đình người yêu từ hôn, gả chị Thanh cho một chàng Việt kiều ở tận trời Tây. Ngày chị cưới, anh thức suốt mấy đêm vẽ hình chị, đau buồn, đàn hát não nề…Kết quả, anh nằm viện vì suy nhược cơ thể và bệnh cũ tái phát, xóm tôi phải chia nhau vào chăm sóc anh gần nửa tháng. Có điều cái tính không bình thường đó của anh rất dễ thương, chẳng hề làm phiền hay gây hại cho ai. Nhà nào có đám tiệc, hay cần việc gì anh đều vui vẻ đến giúp mà không cần trả công. Thương anh đơn chiếc, bệnh tật nên mọi người tình nguyện quyên góp số tiền nhỏ mỗi tháng đều đặn để bác Tám – tổ trưởng khu phố gửi cho anh có khoản sinh hoạt, nhất là khi anh đau ốm, nhà này lo anh viên thuốc, nhà kia tô cháo, nhà nọ đến chăm…

Qua cơn đau ốm, anh lại đi khắp nơi, có lần anh lên nhà bác ở Đà Lạt gần hai tháng, làm cả xóm một phen hú vía. Anh về mang theo đủ loại hoa trồng đầy vườn – nhưng chủ yếu là hồng tỉ muội. Ngày ngày, anh chăm sóc, trò chuyện với chúng rồi cười, hát một mình. Buổi tối anh ngồi trước sân đàn hát, những đêm trăng đẹp anh hát tới khuya. Ngày còn đi học, biết bao cô gái say mê vì anh điển trai, học giỏi lại đàn hát hay. Nhưng trái tim anh chỉ gửi trọn cho một người là chị Thanh.Vài ba hôm, nếu không nghe tiếng hát của anh Sơn, người xóm tôi biết ngay anh đi vắng hay lên cơn đau ốm rồi. Anh thuộc rất nhiều bài, càng về khuya tiếng hát của anh trở nên trong trẻo, dìu dặt hơn khiến người ta cảm giác như đang lạc giữa chốn ” Liêu Trai”. Và giờ đây, mỗi lúc về thăm nhà, tôi cứ tưởng dường như anh còn ở đó, giọng hát của anh vẫn còn văng vẳng giữa đêm trăng: ” Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây…”. Lần ấy, cơn đau hành hạ anh ba ngày liền, anh khỏe lại đúng lúc những nụ hồng tỉ muội nở ra những bông hoa đủ màu sắc rực rỡ mới đẹp làm sao, thu hút bao ánh nhìn người qua lại ngắm nghía, trầm trồ, khen ngợi…

Chị My đến. Cuộc sống đơn lẻ thường nhật của anh với những bức tranh vẽ người yêu cũ và khu vườn hoa tỉ muội chợt đổi thay mà cho đến bây giờ tôi chẳng biết đó là điều may mắn, hay một dự báo trước về sự chẳng lành với cuộc đời anh. Chị My là cháu ruột của bác Năm Liêm cách nhà tôi vài căn – một kiến trúc sư trẻ, năng động vừa tốt nghiệp, quê ở miền Nam, theo chị Hương, con gái bác về thăm nhà dịp nghỉ hè. Chị My con gái thành phố xinh đẹp, làn da trắng mịn màng, trong những chiếc đầm mỗi khi ra đường, chị nổi bật như một ngôi sao, thu hút mọi ánh mắt cả trai gái, già trẻ xóm tôi. Chị My lại là người đắm say loài hoa tỉ muội ở vườn nhà anh Sơn. Chị mê ngay từ ngày đầu mới đến, khi cùng chị Hương tản bộ ngang qua. Chị lui, tới trầm trồ, khen mãi. Có lần nghe anh Sơn và tôi gọi là hoa tỉ muội chị gạt đi:

– Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, gọi hồng tỉ muội nghe không hay, mình đặt tên hoa yêu nhé!

– Hoa yêu, hay đấy! – Tôi reo lên.

Còn anh Sơn thì cười tán đồng, rồi anh đứng như bị trồng ở giữa sân, mắt không rời chị My.Tuy không nói ra, nhưng tôi biết anh đã bần thần đến hốt hoảng trước vẻ đẹp kiều diễm của chị. Suốt cả tháng, hầu như ngày nào tôi cũng thấy chị My đến nhà anh Sơn, có đêm họ ngồi hát đến khuya, rất ăn lời, ăn ý. Chẳng ai rõ giữa hai người có tình yêu hay không, nếu có thì tình yêu đó sẽ đi đến đâu. Từ khi quen biết chị My, tôi thấy anh lúc nào cũng tươi cười, hớn hở và hay nhắc đến chị mỗi lần trò chuyện với tôi.

Sáng nay, anh qua nhà giúp ba tôi đan lại cái bờ rào đã hỏng. Chị em tôi cũng đang sắp mấy chén chè đậu lên bàn gần đó.Tôi nghe tiếng ba:

– Bé My dễ thương, lễ phép, chú thấy hai đứa xứng đôi, coi được thì tới đi Sơn! Cưới vợ là cưới liền tay mà.

Anh đỏ mặt cười hiền như con gái:

– Dạ, anh em xóm giềng nói chuyện cho vui thôi chú. Người ta xinh đẹp, học rộng, hiểu cao phải tìm nơi tương xứng chứ ạ!

Chị Hai nhanh nhảu:

– Anh học giỏi, đẹp trai, nhà cửa đàng hoàng có gì không xứng. Anh mà vào Nam làm ca sĩ, đi đóng phim thế nào cũng nổi tiếng, chừng đó các cô xinh đẹp xếp hàng dài xin đặt “gạch” tha hồ lựa chọn.

Mặt tôi rầu rầu:

– Lúc đó, con vịt bầu xấu xí như em muốn gặp anh Sơn chắc cũng khó, lấy đâu mơ tới đặt ” gạch” như người ta.

Anh đứng bên cạnh, xiết nhẹ vai tôi:

– Chè ngon quá! Đưa anh thêm chén nữa, anh cho Kẹo Ngọt tảng đá to, đè bẹp mấy cục gạch kia luôn chịu không?

Tiếng cười giòn giã của chị em tôi và anh ở ngày hôm đó, còn vang mãi trong tôi cho đến bây giờ.

Ngày chị My về lại thành phố, anh chọn cây hoa yêu đẹp nhất, trồng vào chậu sứ nhỏ trắng xinh tặng chị để mang về nhà. Hôm chị đi, anh nói với tôi:

– Sau này, anh và chị My cưới nhau, chị sẽ về đây sống với anh giữa vườn hoa yêu xinh đẹp này.

– Gì cơ ? – Tôi thốt lên tưởng mình nghe nhầm.

Anh vẫn thản nhiên, có vẻ chắc chắn:

– Chị hứa trở lại đây làm vợ anh nghe rõ chưa Kẹo Ngọt?

Tôi biết lúc này, anh không được bình thường nên đứng tần ngần nhìn anh hồi lâu rồi lặng lẽ về nhà. Bên kia rào, dường như mẹ tôi nghe được, vừa thấy tôi bước vào mẹ đã nói:

– Chẳng biết sự tình ra sao, cũng mong hai đứa nên đôi, hy vọng ông trời cho cuộc đời nó một tia sáng.

– Con nghĩ anh Sơn tưởng tượng thôi mẹ ạ. – Tôi thở dài.

Mẹ tôi nghiêm mặt:

– Biết đâu chừng thành vợ, thành chồng, có bạn có đôi, tự dưng nó trở lại bình thường thì sao. Tình yêu vi diệu lắm, con chưa hiểu hết đâu, nếu anh Sơn được vậy con phải vui chứ, từ nãy giờ mẹ để ý mặt con cứ rầu rầu lạ thiệt Trâm nghen!

– Tôi chống chế:

– Con buồn rầu gì đâu, tại… mà thôi con đi học bài đây mẹ ạ.

Mẹ nhìn tôi với nụ cười bí ẩn:

– Tại sao thì mẹ biết rồi.

– Con chưa hiểu. Mẹ nói đi ạ! – Tôi nôn nóng.

Mẹ vuốt nhẹ tóc tôi, cười hiền:

– Lớn hơn chút nữa con sẽ hiểu, tình cảm con người vốn phức tạp, không phải chỉ trong tình yêu mới khiến tình cảm của chúng ta trở nên rộng rãi hay ích kỉ. Hãy sống vui vẻ, hồn nhiên để tận hưởng cái tuổi đẹp nhất đời người mà con đang có, vì nó sẽ qua nhanh như cơn mưa rào con gái ạ!

Tôi khẽ gật đầu, bước đi trong niềm hân hoan xen lẫn chút ưu tư trong lời nói của mẹ tôi. Sau này trưởng thành, dần dần tôi cũng hiểu ra tình cảm con người thật vốn phức tạp như mẹ đã nói. Tôi hiểu tại sao giữa tôi và anh Sơn, chỉ có tình anh em xóm giềng thân nhau từ nhỏ mà khi nghe anh nói sẽ cưới chị My tự dưng tôi hụt hẫng, tôi buồn, tôi giận chị My lấy mất anh Sơn – người anh trai mà tôi yêu quý như vậy. Tình cảm con người vốn phức tạp là thế! Anh, chị, em cùng huyết thống… hoặc giả đôi khi chỉ là người bạn mà ta thân nhau trong thời gian dài. Bỗng dưng một ngày, họ yêu hay cưới ai đó, tự nhiên ta cảm giác dường như người kia lấy hết sự quan tâm của người mình thân thiết…

Chẳng hiểu chị My nói gì, làm gì mà anh Sơn yêu chị nhiều đến vậy. Anh thay đổi hẳn, ngày nào cũng dọn dẹp nhà cửa tươm tất, huýt sáo, đàn hát suốt ngày, mấy bức vẽ chị Thanh giờ không còn thấy ở nhà anh nữa. Rồi anh lại đi Đà Lạt, mang về vô số hạt giống và rất nhiều hoa yêu. Tôi và anh cùng nhau xới đất, để trồng thêm hoa yêu và ươm hạt giống các loại hoa khác. Hạt mầm lên, hoa nở đầy vườn, cũng gần nửa năm mà chưa lần nào chị My gọi điện, hay thư từ gì cho anh. Sốt ruột, tôi hỏi:

– Sao chưa thấy chị My về nhỉ? Hay chị quên rồi.

Anh đứng phắt dậy, mặt đỏ phừng phừng:

– Em còn nhỏ biết gì?

Tôi lặng thinh, bối rối không biết nói làm sao cho anh hiểu. Sau một lát, anh ngồi xuống cạnh tôi thả ánh mắt ra vườn hoa yêu đẹp kiêu sa với giọng đầy niềm tin:

– Kẹo Ngọt biết không, chị My nắm tay anh rồi, chị còn để anh hôn lên tóc nữa, chị hứa sẽ về đây làm vợ anh mà.

Tôi ngậm ngùi nhìn anh hồi lâu rồi thở dài, buồn bã…

Anh trồng hoa khắp nơi, vườn trước, vườn sau. Vườn nhà không còn chỗ, anh ra trồng ở công viên, ở khoảng đất trống rẽ vào xóm tôi…nhà nào thích hoa yêu, anh cũng đến trồng cho. Anh nói với tôi:

– Chị My thích hoa yêu lắm! anh sẽ trồng thật nhiều, để ngày cưới của anh và chị khắp nơi tràn ngập màu hoa.

Hè về – tròn một năm. Nhìn thấy chị Hương anh mừng quýnh:

– My ở bên nhà Hương đúng không? Cho Sơn gặp My đi!

Chị Hương sững người nhìn anh với đôi mắt lạ lẫm, nhưng rồi hiểu ra chuyện chị nói:

– My đi du học rồi Sơn à! Chắc lâu lắm mới về.

Mặt anh bỗng tối sầm như đám mây sắp mưa, anh nhìn chị Hương một lúc rồi lặng lẽ bước đi, có lẽ anh nghĩ chị Hương đang dối mình. Từ hôm đó, tôi thấy anh ra vào lặng lẽ, gương mặt không còn tươi cười như trước nữa.

Hai năm. Nhà anh và khắp các vườn hoa trong xóm rực rỡ màu hoa yêu. Qua tin của bác Năm Liêm, ba tôi biết chị My đi du học và lấy chồng ở luôn xứ người. Mấy lượt, mẹ tôi sang nhà tỉ tê khuyên giải nhưng anh nào có tin, anh chỉ tin một điều duy nhất ở chính mình là chị My sẽ về, vì chị đã hứa, đã nắm tay anh, vì chị đã cho anh hôn lên tóc rồi. Và dường như đợi chờ lâu quá đã làm anh buồn. Đêm đêm, tôi nghe anh hát nhiều hơn, khuya hơn, “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…”. Nhiều người trong xóm tôi vì yêu quý, lo lắng cho sức khỏe của anh đã thầm trách chị My quá đỗi vô tình. Rồi một ngày, anh gọi tôi sang nhà gởi gắm:

– Kẹo Ngọt, ở nhà chăm vườn hoa giúp anh Sơn nhé!

– Anh đi đâu?

– Đi Sài Gòn tìm chị My.

Tôi hốt hoảng:

– Anh biết đâu mà tìm, anh đã đi Sài Gòn bao giờ đâu. Lâu quá, em nghĩ chị quên rồi.

Anh nghiêm mặt:

– Đừng nói linh tinh, chị My hứa làm vợ anh rồi. Em yên tâm, anh có địa chỉ mà, anh đi rồi anh sẽ về.

Tôi lắc đầu nguầy nguậy, giữ chặt tay anh:

– Em không cho anh đi!

Sau một hồi im lặng, anh nhìn tôi, cười hiền:

– Ừ! Anh không đi nữa. Nói cho đỡ nhớ chị My thôi mà.

Tôi không tin anh nên về mách mẹ, cả nhà chia nhau trông chừng anh suốt mấy tuần liền. Nhìn anh ra vào, chăm xới vườn cây, hát cười vui vẻ, không còn nhắc gì về chị My nữa. Lòng tôi có chút yên tâm, tôi nghĩ biết đâu chừng, anh đã hiểu ra chuyện tình cảm giữa anh và chị My không đi đến đâu mà thay đổi không còn bận lòng đến nữa chăng?

Rồi một chiều, tôi nhìn thấy chị Thảo bên nhà anh, tim đập nhanh, linh tính chuyện chẳng lành, tôi vội vã chạy qua. Chị Thảo ôm chặt tôi giọng lạc đi:

– Trâm…Trâm ơi! Thằng Sơn đi rồi. Nó nhờ người ta đưa thư cho chị, nó đi…đi tìm bé My đó.

Chị khóc rưng rức, tay đấm liên hồi thật mạnh vào lưng tôi, nhưng tôi nào còn cảm giác gì nữa đâu, lòng tôi tê dại, ngỡ giấc chiêm bao… Cứ thế, tôi đứng ôm chị Thảo, lặng người giữa vườn hoa yêu, giữa tiếng nấc nghẹn ngào của chị, giữa tiếng gió qua vườn xào xạc…thật lâu, lâu lắm, mà có bao lâu đi nữa, thì khi đó tôi có còn ý niệm thời gian đâu mà nhớ. Cả xóm xôn xao, mỗi người một việc, mỗi người một hướng, tìm anh khắp nơi. Mẹ tôi cũng nhiều lần đưa tin lên báo, đài. Song anh như cánh chim đã bay về phương trời nào đó biệt tăm…

Hôm nay. Tháng sáu, tôi về trong màu hoa yêu rực rỡ khắp vườn, khắp nhà, khắp cả con đường rẽ vào xóm tôi, màu hoa nhung mượt đến nao lòng… Hai mươi năm rồi còn gì. Về đi anh! Chàng trai của xóm hoa yêu.

(T.D.V)
Trương Thị Duy Vũ

Bài Khác