Nguyễn Gia Kiểng – Trung Quốc 2018

Trung Quốc 2018 

NGUYỄN GIA KIỂNG / THÔNG LUẬN

Trung Quốc 2018 (1): Sau mười năm thách đố

I. Sau mười năm thách đố

Lần trước tôi thăm Trung Quốc là vào cuối năm 2007. Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 chưa nổ ra. Kinh tế Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ như chưa bao giờ thấy và đang ở đỉnh cao của sự thành công dưới mắt thế giới. Tăng trưởng trên 10% trong gần 20 năm liền. Và đang tưng bừng chuẩn bị tổ chức Thế Vận 2008.

Trong suốt một tháng tôi đã vội vàng đi khắp Trung Quốc từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây chỉ để tìm những ấn tượng xác nhận hay phủ nhận những gì đã học hỏi trước đó qua các tài liệu. Đối với Trung Quốc tôi tự cho mình hai nguyên tắc chỉ đạo, một là phải theo dõi thật chăm chú bởi vì những gì xảy ra tại Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn lên thế giới và nước ta, hai là phải hết sức khách quan và trung thực bởi vì mọi nhận định sai lầm về Trung Quốc đều có thể dẫn tới sai lầm trong cách nhìn những thử thách của đất nước ta; nói cách khác nạn nhân của sự chủ quan sẽ là chính mình.

Trái với tâm lý bài Hoa của nhiều người Việt Nam kể cả một số bạn tôi, tôi yêu Trung Quốc. Tôi không đồng hóa Trung Quốc với chế độ mà nó đang phải chịu đựng. Tôi lớn lên với những điển tích và địa danh Trung Quốc. Phạm Lãi Tây Thi, Hán Sở tranh hùng, Chiêu Quân cống Hồ, Tam Quốc, Thủy Hử, Dương Quý Phi v.v. Tuy vậy tôi không thăm Trung Quốc để du ngoạn.

Lần trước cũng như lần này tôi tới Trung Quốc với một số dữ kiện và ý kiến đã gom góp được trong mục đích nhận ra những gì cần xét lại. Kinh nghiệm đã cho tôi thấy là ngay cả nếu những gì mình đã biết và nghĩ đều đúng chúng cũng sẽ đúng một cách khác sau khi được bổ túc thêm bằng những gì mắt thấy tai nghe. Giác quan có những khả năng riêng của nó. Cuộc thăm viếng Trung Quốc lần đầu đã diễn ra trong lúc mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đang được coi là rất thành công và đã tạo ra “phép màu Trung Quốc” nhưng đã khiến tôi có một cái nhìn khác với nhiều chuyên gia. Tôi đã viết một bài đánh giá mô hình này là độc hại và đang tàn phá Trung Quốc. Sau đó tôi cũng đã viết thêm một số bài khác theo cùng quan điểm này (1).

Năm nay trở lại Trung Quốc tôi chỉ có thì giờ để tập trung vào Vân Nam và Tây Tạng, hai trong số những vùng nhạy cảm và nhiều thay đổi nhất của Trung Quốc trong khúc quanh lịch sử hiện nay. Nhưng trước hết ghé Quảng Châu.

Cảm giác đầu tiên là Trung Quốc hoành tráng hơn rất nhiều so với mười năm trước. Phi trường Bạch Vân lớn hơn, đẹp hơn và sạch hơn hẳn. Quảng Châu cũng thế. Quảng Châu không chỉ là thành phố lớn thứ ba mà còn là thành phố giầu nhất của Trung Quốc, hơn cả Hồng Kông và Thượng Hải.

Đi kèm với cảm giác này là một nhận xét: Trung Quốc đã không thành công lắm trong dự án được tung ra một cách rầm rộ vào năm 2007 là huấn luyện cho 175 triệu người biết nói tiếng Anh trước Thế Vận 2008. Tại phi trường Bạch Vân nhóm chúng tôi lạc mất mấy người, chủ yếu do không được hướng dẫn chính xác vì ngôn ngữ bất đồng. Họ đi lạc sang một hướng khác. Tôi cố tìm họ và hỏi rất nhiều nhân viên phi trường, an ninh cũng như dân sự, nhưng không ai biết tiếng Anh, dù là một cách sơ sài. Chật vật mãi mới tìm lại được họ nhờ may mắn.

Điều này tôi cũng nhận thấy ở khắp nơi trong suốt thời gian thăm viếng, dù trong các khách sạn một số tiếp viên bắt đầu biết chút tiếng Anh. Tôi không ngạc nhiên vì rất khó học một ngoại ngữ nếu không hiểu văn hóa của nó. Đàng sau mỗi ngôn ngữ là một cách suy nghĩ và diễn tả. Ông bà hàng xóm của tôi cũng người Trung Quốc, họ sống ở Pháp đã gần 40 năm, con cái đều đã tốt nghiệp đại học, nhưng họ vẫn không nói được tiếng Pháp. Phi trường Bạch Vân bây giờ không còn những người nghèo khổ chầu chực để khuân vác đồ cho du khách. Cảnh sát cũng nhã nhặn hơn nhiều dù chưa hẳn là thân thiện. Mười năm trước họ nhìn du khách như những phần tử đáng ngờ vực và sẵn sàng can thiệp không chút nể nang.

Những thiện cảm càng mạnh hơn khi tôi tới Côn Minh, bắt đầu cuộc tham quan thực sự. Côn Minh đã thay đổi hẳn. Mười năm trước đây là một thành phố duyên dáng còn giữ được phần lớn quá khứ của nó. Đó cũng là thành phố mà tôi thích nhất một phần vì nó có nhiều liên hệ với nước ta trong thế kỷ 20, chủ yếu nhờ đường xe lửa Hà Nội – Côn Minh. Thành phố bây giờ hoàn toàn khác. Tấp nập và hoành tráng. Các cao ốc mọc lên như nấm.

Côn Minh cũng như tất cả các nơi tôi đi qua trong hai tuần lễ đều xác nhận một tiến bộ ngoạn mục của Trung Quốc về vệ sinh và môi trường. Sạch không thua gì các thành phố Châu Âu, có phần hơn cả Paris. Không còn rác rưởi. Cách đây mười năm nỗi kinh hoàng của các du khách, ngay cả trong các khách sạn bốn sao, là các nhà vệ sinh. Dơ bẩn và hôi thối ở mức độ khó mô tả và nhiều khi không có giấy vệ sinh. Hình ảnh quen thuộc là một nhân viên đứng trước nhà vệ sinh của các nhà hàng phát cho mỗi khách hàng một số lượng giấy vệ sinh vừa đủ dùng. Bây giờ các nhà vệ sinh trong các khách sạn đều sạch sẽ, trong các nhà hàng chúng cũng đều ít nhất chấp nhận được. Tôi chắc các nhà vệ sinh trong các nhà hàng dành cho người Trung Quốc cũng đã phải sạch hơn rất nhiều. Tuy vậy người ta không dễ đoạn tuyệt với một di sản văn hóa, và văn hóa Trung Quốc khá đặc biệt.

Một hiện tượng ngộ nghĩnh vẫn còn khá phổ biến là trong nhiều nhà hàng khá sang trọng vẫn còn những nhà vệ sinh trong đó nhiều người, dĩ nhiên là cùng giới tính, ngồi đại tiện bên nhau một cách rất tự nhiên vừa làm động tác tiêu hóa vừa trò chuyện hoặc lướt mạng internet bằng điện thoại di động một cách thoải mái. Vài lần trong những nhà hàng sang tôi còn thấy những cầu tiêu rất sạch với hai bệ kiểu ngồi xổm kế bên nhau. Tôi được giải thích là hai người bạn thân có thể rủ nhau cùng đi đại tiện để trò chuyện. Không phải để tiết kiệm chỗ mà vì lý do văn hóa.

Người Trung Quốc hình như không coi đại tiện, hoặc khạc nhổ, là những việc hoàn toàn cá nhân và kín đáo, trái lại họ coi đại tiện là một khoảng khắc thoải mái có thể chia sẻ với bạn bè. Tôi còn nhớ một đoạn trong cuốn The New Emperors (Những hoàng đế mới) của Salisbury được giải Pulitzer trong đó người y sĩ cá nhân của Mao Trạch Đông thuật lại rằng Mao và bộ tham mưu trong giai đoạn Trường Chinh thường thảo luận trong khi cùng đại tiện. Phải nói rằng có những điểm trên đó người Trung Quốc và người Việt Nam rất khác nhau.

Một WC trong một nhà hàng sang.

Tuy vậy tiến bộ lớn nhất chính là con người. Chỉ vài ngày sau khi tới đây tôi nhận ra là con người Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Mười năm về trước họ là những con người sợ sệt, lầm lũi và đầy nghi kỵ, nhìn du khách như những con bò sữa, thậm chí như những đe dọa, không dám có quan hệ nào ngoài buôn bán. Phần lớn từ chối chụp ảnh với du khách.

Ngày nay họ khác hẳn. Họ tươi cười vồn vã, sẵn sàng trò chuyện với khách lạ hoặc qua một vài câu tiếng Anh lõm bõm kèm theo động tác cơ thể, hoăc qua thông dịch của hướng dẫn viên mà họ thừa biết là công an. Một đặc điểm của Trung Quốc là các công ty du lịch không chỉ là của công an mà còn chính là công an. Bây giờ có hơi khác so với mười năm trước. Cô hướng dẫn viên của tôi cho biết trước đây cô ấy là công an và đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhưng bây giờ cô ấy đã xin ra khỏi công an để làm hướng dẫn viên tự do, tư cách đảng viên cũng không còn trên nguyên tắc vì từ hai năm nay cô ấy không đóng đảng phí; theo nội quy của đảng như vậy là mất tư cách đảng viên trừ khi chịu đóng liễm trở lại, điều mà cô ấy sẽ không làm.

Người Trung Quốc không còn là những con người ngoài cuộc lầm lũi ngay trên chính quê hương mình nữa. Họ đang tự cởi trói để làm chủ đời mình trước khi, chắc chắn, giành quyền làm chủ đất nước. Tôi cũng đã làm một việc mà trước đây mười năm tôi không hề nghĩ đến. Trên đường bộ hoành tráng ở trung tâm Côn Minh tôi chợt nhìn thấy một công an trẻ đẹp đang canh gác. Tôi nhìn anh ta và anh ta mỉm cười. Tôi nhờ cô hướng dẫn viên hỏi anh ta có bằng lòng chụp một tấm hình kỷ niệm với tôi không và anh ta vui vẻ nhận lời. Mười năm trước điều này không thể tưởng tượng nổi.

Phải nói cảm giác trong những ngày đầu tiên của tôi là ngạc nhiên, thú vị và thán phục. Nhưng vài ngày sau sự lạc quan dần dần nhường chỗ cho ngờ vực và phân vân, rồi sau cùng một kết luận ảm đạm cho tương lai của cả chế độ cộng sản Trung Quốc lẫn đất nước Trung Quốc nói chung. Tất cả không tốt đẹp như ấn tượng ban đầu.

Bác sĩ dược thảo Hồ Thạch Thấu.

Sau đó dần dần những sự kiện mà tôi không quan tâm lúc ban đầu trở thành rõ rệt. Các khách sạn mà tôi đã ghé qua đều vắng, chỉ vào khoảng một phần ba số phòng có khách. Chúng sẽ không thể trụ lâu, sự bi quan có thể nhìn thấy ngay trên nét mặt của những người quản lý khách sạn. Lý do không khó tìm ra. Trung Quốc đúng là đồ sộ và sạch sẽ hơn hẳn so với mười năm trước nhưng thực ra không đẹp hơn, trái lại đã mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Một thí dụ điển hình là Thạch Lâm, một “Vịnh Hạ Long trên đất liền” từng được ca tụng là “thiên hạ đệ nhất kỳ quan”. Bây giờ Thạch Lâm không còn là một thắng cảnh thiên nhiên nữa, chưa nói thắng cảnh thiên nhiên đẹp nhất thế giới, mà đã trở thành một công viên. Một công viên lớn và đẹp nhưng không còn gì là thiên nhiên. Quá nhiều xây dựng và bê tông đã cướp đi tâm hồn của nó. Đây cũng là tình trạng chung của mọi thành phố Trung Quốc, ngay cả những địa danh du lịch như Shangri-la, Lệ Giang và Đại Lý. Hy vọng Quế Lâm vẫn còn nguyên vẹn.

Tôi may mắn được ở một trong những khách sạn cao nhất tại ngay chính trung tâm Côn Minh và qua cửa kính của phòng ăn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố. Nhận xét rất rõ rệt là các cao ốc được xây một cách lộn xộn không theo một quy hoạch đô thị nào cả. Một nhà chọc trời có thể mọc lên cô đơn ngay chính giữa một khu lụp xụp.

Không khí vẫn vẩn đục vì khói dù Côn Minh, với cao độ 2000m và hồ Điền Trì rộng lớn ngay kế bên, chắc chắn phải là một trong những thành phố ít ô nhiễm nhất. Môi trường Trung Quốc đã bị hủy hoại quá nặng để có thể phục hồi trong vòng một hai thế hệ. Vật giá cũng đã gia tăng khá nhiều. Khó chịu nhất là sự cô lập. Không có Google, Facebook, Youtube, Gmail, Twitter, điện thoại và SMS rất đắt. Chỉ có thể truy cập những mạng của Trung Quốc với điều kiện là phải cài đặt những software của Trung Quốc. Trung Quốc là một thế giới riêng. Tập Cận Bình cổ võ cho toàn cầu hóa tối đa nhưng chủ trương toàn cầu hóa của ông phải được hiểu là Trung Quốc can thiệp trên toàn thế giới chứ không có nghĩa là Trung Quốc hội nhập vào thế giới.

Và tôi nhận ra là không thể đi 50 mét mà không gặp một toán cảnh sát võ trang, điều này chứng tỏ chính quyền cộng sản Trung Quốc đang rất lo sợ trước thái độ ngày càng tự tin của quần chúng. Đáng lẽ tôi đã phải nhận ra điều này ngay khi tới Côn Minh. Hôm đó, vừa nhận phòng và cất hành lý xong tôi xuống đi dạo trên đường bộ hành trung tâm thành phố. Đường này là niềm kiêu hãnh của Côn Minh. Rộng lớn và nhộn nhịp, đầy rẫy những cao ốc mới. Vừa ra khỏi khách sạn chừng vài chục bước tôi gặp một ông già gánh một thứ trái cây rất lạ đi bán rong. Bọn tôi tới coi và ông hạ gánh xuống. Chưa kịp hỏi gì thì bất ngờ hàng chục công an đã ập tới một người khóa tay một người bẻ cổ ông già kéo đi bất chấp sự vùng vẫy la hét của nạn nhân, những người kia bao vây gánh hàng. Cô hướng dẫn viên giải thích rằng công an nghi ông ấy giấu chất nổ dưới trái cây. Thế là ông già và quang gánh bị đẩy lên xe bít bùng chở đi đâu không biết. Chắc chán là oan vì sau đó không thấy tin tức gì trên báo.

Mười năm qua, từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 nổ ra đã là mười năm Trung Quốc thách đố thế giới. Họ đã cố gắng phủ nhận cuộc khủng hoảng này và cố gắng bằng mọi cách duy trì một tỷ lệ tăng trưởng cao bởi vì, theo như lời cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, một tỷ lệ tăng trưởng dưới 8% chắc chắn sẽ dẫn Trung Quốc tới bạo loạn sau những hy sinh về con người và môi trường mà mô hình gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã áp đặt. Các phương cách đã được thử nghiệm là tăng lương công nhân để tăng cường thị trường nội địa, bơm tiền và vận động dân chúng dồn tiền vào chứng khoán để biến Thượng Hải và Thẩm Quyến thành những trung tâm tài chính quốc tế, và nhất là tăng chi tiêu công cộng và tín dụng để đẩy mạnh xây dựng, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng ở cả trong lẫn ngoài nước qua sáng kiến Đai và Đường (Belt and Road Initiative). Kết quả là chi phí công nhân lên cao khiến xuất khẩu giảm nhưng tiêu thụ nội địa vẫn không tăng, các thị trường chứng khoán Thương Hải và Thẩm Quyến đang nguy ngập sau khi đã làm mất hàng ngàn tỷ USD, các thành phố ma mọc lên khắp nơi với con số ước lượng năm 2016 là 64 triệu căn hộ không người ở, bây giờ có thể là trên 70 triệu. Còn sáng kiến Đai và Đường? Cho tới nay nó đã chỉ khiến Trung Quốc chi hàng nghìn tỷ USD chứ chưa thu lại được gì.

Và mối nguy lớn nhất – vượt rất xa mọi khó khăn kinh tế dù không được các chuyên gia nói tới – là cuộc đấu ngày càng gay go giữa một bên là nhân dân Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, tự tin hơn đang quyết tâm tự cởi trói và một bên là Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã mất lý tưởng, đã phân hóa và bối rối nhưng lại cố xiết chặt hơn nữa ách độc tài toàn trị. Kết cuộc là hiển nhiên và có thể sẽ rất dữ dội.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc không chỉ thách thức thế giới. Họ thách thức cả thực tế và mọi logic. Cụ thể là nếu chính sách kinh tế này của Trung Quốc mà thành công thì phải xét lại ngay cả những kiến thức kinh tế nền tảng nhất. Tuy vậy cho tới nay những dự đoán về sự sụp đổ của Trung Quốc đều đã không thành sự thực. Lý do là vì người ta đã lý luận về Trung Quốc như một quốc gia trong khi nó là một đế quốc, nghĩa là một thế giới nhỏ. Thực ra sự suy yếu của Trung Quốc đã bắt đầu rồi và ngày càng khó che giấu. Điển hình là khối nợ đã vượt mức 300% GDP và hàng trăm triệu người đã phải quay trở lại nông thôn sau khi mất việc. Tuy vậy, khác với trường hợp một quốc gia, gian đoạn suy tàn của một đế quốc có thể kéo dài khá lâu như lịch sử thế giới đã cho thấy. Cũng khác với một quốc gia điều quan trọng mà lịch sử cũng đã chứng tỏ là một đế quốc suy yếu không còn là một mối nguy cho thế giới nữa. Nó phải lo giải quyết những khó khăn nội bộ.

Tôi chia sẻ quan tâm của nhiều thân hữu về mối quan hệ lệ thuộc nhập nhằng và mờ ám của chính quyền cộng sản Việt Nam với Bắc Kinh. Tôi cũng đồng ý là chúng ta phải rất cảnh giác, nhưng tôi thành thực nghĩ rằng chúng ta không cần phải hoảng hốt và mất lòng tin vào tương lai đất nước.

Nguyễn Gia Kiểng

(20/11/2018)

(1) Tôi cũng đã viết thêm một số bài khác theo cùng quan điểm này:

Nguồn: Dân Luận

Trung Quốc 2018 (2): Cuộc phiêu lưu lịch sử ‘Vành Đai và Con Đường’

NGUYỄN GIA KIỂNG / THÔNG LUẬN

II. Cuộc phiêu lưu lịch sử ‘Vành Đai và Con Đường’

Số phận của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” cũng là số phận của chế độ cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình đã được tôn vinh vì ông đã vẽ ra một tương lai huy hoàng trong một tình trạng tuyệt vọng. Người ta tin ông vì người ta cần và muốn tin. Người ta thần thánh hóa ông vì người ta cần một phép mầu. Nhưng Vành đai và Con đường không thể tiếp tục, chưa nói thành công, vì nó là một thách đố đối với sự thực và lý trí.

Trung Quốc đã từng là đế quốc chế ngự Châu Á trong hơn 2000 năm và vẫn là nước đông dân nhất thế giới. Tuy vậy một đặc tính của Trung Quốc trong suốt dòng lịch sử là nó chưa bao giờ có tham vọng bành trướng ra khỏi vùng Đông Á. Cuộc chinh phục của Thành Cát Tư Hãn đã diễn ra trong hoàn cảnh Trung Quốc không chủ động mà chỉ là nạn nhân. Đặc tính này đang chấm dứt ngay trước mắt chúng ta với dự án khổng lồ được gọi là “Sáng kiến Vành Đai và Con Đường” (Belt and Road Initiative).

Trong một cố gắng thoát hiểm

Dự án này, cho tới gần đây vẫn còn được gọi là “Một vành đai, một con đường” được dự trù hoàn tất vào năm 2049, đánh dấu 100 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, và sẽ đưa Trung Quốc lên ngôi vị cường quốc số 1 và vượt trội nhất thế giới với trọng lượng kinh tế lớn hơn cả Mỹ, Châu Âu và Nhật cộng lại. Nó được coi là sáng kiến vĩ đại của Tập Cận Bình và đã khiến ông được tôn vinh làm chủ tịch vô thời hạn của Trung Quốc và được đưa tên vào hiến pháp như Mao Trạch Đông. Tuy vậy người ta có lý do để nghĩ rằng “sáng kiến” này không thể hiện một viễn kiến mà chỉ do hoàn cảnh đưa đẩy để dần dần biến thành một cuộc chạy trốn bắt buộc về phía trước và không còn kiểm soát được nữa.

Sáng kiến này trước hết nằm trong khuôn khổ của cố gắng thoát hiểm của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã hốt hoảng. Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là ông Ôn Gia Bảo đã tuyên bố rằng nếu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thụt xuống dưới mức 8% thì Trung Quốc sẽ lâm vào bạo loạn. Lời tuyên bố này tương đương với một lời thú nhận tình trạng tuyệt vọng -bởi vì tăng trưởng 8% là một mục tiêu không thể thực hiện được trong một bối cảnh suy thoái toàn cầu và như thế Trung Quốc sẽ có bạo loạn- nhưng nó chắc chắn không phải là ý kiến cá nhân của ông Ôn Gia Bảo, bởi vì sau đó không có cấp lãnh đạo Trung Quốc nào phát biểu khác, trái lại mọi cố gắng của chính quyền Trung Quốc đều phản ánh mối lo sợ của ông.

Trước hết là nỗ lực phát triển nhanh chóng thị trường nội địa để bù lại sự sút giảm của hoạt động xuất khẩu. Lương công nhân nói chung được tăng gấp đôi trong vòng khoảng hai năm. Biện pháp này không thành công mà còn có tác dụng ngược lại với sự chờ đợi. Tiêu thụ nội địa không tăng bao nhiêu vì người Trung Quốc chủ yếu dùng số thu nhập mới để cất giữ phòng hờ khi đau ốm, nỗi ám ảnh thường trực của họ vì Trung Quốc không có bảo hiểm an sinh xã hội. Việc tăng lương công nhân đã chỉ khiến giá thành của hàng xuất khẩu tăng lên và khó bán. Một số công ty nước ngoài sau đó đã di chuyển sang các nước khác trong vùng như Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và cả Việt Nam.

Mùa hè 2015 thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến đã sụp đổ khiến một phần quan trọng của giai cấp trung lưu phá sản.

Một sáng kiến khác được tung ra năm 2014 là dựa trên hình ảnh của Trung Quốc như là một thị trường có tiềm năng lớn và còn nhiều dự trữ ngoại tệ -vì còn cho Mỹ và Châu Âu vay trên 3.000 tỷ USD- để biến Thượng Hải thành một trong những trung tâm tài chính lớn, tương đương với New York hay ít nhất với London và Tokyo. Hy vọng của chính quyền Trung Quốc là như thế họ sẽ dễ huy động các nguồn vốn quốc tế. Người dân Trung Quốc, đặc biệt là giai cấp trung lưu, được hô hào dồn tiền mua cổ phần. Trong vòng không đầy một năm số vốn cũng như số người đầu tư vào thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng gấp hơn mười lần. Chỉ số CSI 300 cũng tăng cũng tăng gần 100%. Người Trung Quốc đổ xô đi mua cổ phiếu, thị trường chứng khoán Thượng Hải gần như trở thành một sòng bài. Sáng kiến này sau không đầy hai năm đã trở thành một tai họa vì mùa hè 2015 thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến đã sụp đổ khiến một phần quan trọng của giai cấp trung lưu phá sản. Thị trường chứng khoán Trung Quốc sau đó đã liên tục suy sụp mặc dù chính quyền Bắc Kinh không ngừng can thiệp một cách rất tốn kém để cứu vãn. Từ đầu năm nay –cho đến khi tôi viết những dòng này- thị trường chứng khoán Thượng Hải đã xuống hơn 22%, Thẩm Quyến gần 30% (trong khi các thị trường chứng khoán Châu Âu xuống khoảng 5 tới 10%, Mỹ quân bình, Nhật xuống ít, riêng Ân Độ tiếp tục lên). Vấn đề phục hồi thị trường chứng khoán để làm dụng cụ động viên vốn hoàn toàn không đặt ra nữa nhưng các ngân hàng của nhà nước vẫn phải liên tục dồn tiền để tránh sự sụp đổ của thị trường chứng khoán kéo theo sự sụp đổ của cả nền kinh tế. Thất bại đã rất đau đớn.

Biện pháp kinh tế đã giúp Bắc Kinh giữ được mức độ tăng trưởng giả tạo cao là xây dựng. Kinh tế Trung Quốc là kinh tế chỉ huy và các tỉnh nhận được lệnh của trung ương là phải duy trì mức tăng trưởng 8% bằng mọi giá. Giải pháp khả thi duy nhất đối với họ là xây dựng. Xây dựng không đòi hỏi kỹ thuật cao và lại có tác dụng lôi kéo vô số hoạt động khác. Họ đã xây dựng tới tấp và vẫn còn tiếp tục xây dựng cho tới nay dù đã xây hàng trăm thành phố không người ở. Một nghiên cứu cho thấy là vào đầu năm 2017 số căn hộ (apartment) không người ở đã lên tới 64 triệu. Giờ này chắc phải trên 70 triệu. Trị giá các căn hộ này dĩ nhiên được tính vào tổng sản lượng quốc gia và khiến tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc không xuống nhiều so với trước năm 2008, mới đầu ở mức 8%, sau đó dần dần xuống 7% và bây giờ 6,5%. Điều mà mọi người đều có thể nhận thấy là kinh tế Trung Quốc luôn luôn “đạt chỉ tiêu”. Lý do dễ hiểu là các cao ốc và các căn hộ được đánh giá một cách tùy tiện. Trên thực tế các căn hộ này có mọi triển vọng sẽ không bao giờ bán được và sẽ hư dần, như thế chúng không có một giá trị nào cả. Trị giá trung bình của mỗi căn hộ là 100.000 USD, trị giá của 70 triệu căn hộ không người mua như vậy vào khoảng 7.000 tỷ USD. Nếu trừ ra số tiền này khỏi GDP thì kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng mà còn suy thoái nặng. Trung Quốc đã và vẫn còn đang trả giá rất đắt để giữ một tỷ lệ tăng trưởng giả tạo.

Cũng không phải chỉ có thế. Các thành phố ma không chỉ là những tốn kém vô ích mà còn làm mất đi nhiều vùng đất phì nhiêu lớn trong khi đất canh tác được của Trung Quốc ngày càng hiếm. Cũng nên nhắc lại rằng Trung Quốc tuy có diện tích 10 triệu km2 nhưng hơn một tỷ người sống chen chúc trên một phần đất được coi là cái nôi lịch sử của Trung Quốc ở phía Đông không tới 2 triệu km2 và phần lớn các thành phố ma mọc lên tại vùng này. Một thí dụ là tại Quảng Đông, nơi 115 triệu người sống trên 180.000 km2, có hai thành phố ma rất lớn, Đông Quản dự trù cho 10 triệu người và Đại Á Vịnh dự trù đón 12 triệu người nhưng sau sáu năm hơn 70% các căn hộ vẫn chưa có người mua và còn bỏ trống. Trung tâm Thương mại Nam Á (The South China Mall) tại Đông Quản được xây lên với tham vọng sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất thế giới bây giờ trống trơn, nhắc nhở một mộng lớn không thành.

Trung Quốc không chỉ xây nhà và các thành phố, họ còn xây đủ loại công trình kết cấu hạ tầng: xa lộ, đường sắt, cầu, kênh đào, đường ống dẫn dầu khí (pipeline), phi trường, hải cảng v.v. Họ xây ở bất cứ nơi nào có thể xây, kể cả những nơi không nên xây như khu thắng cảnh Thạch Lâm mà tôi đã nói tới trong một bài trước (1). Trung Quốc không chỉ có những thành phố ma mà còn có xa lộ vắng và những tuyến đường sắt chỉ có một chuyến tầu mỗi ngày, thậm chí mỗi tuần (2). Một thí dụ mà tôi biết được trong chuyến thăm viếng Trung Quốc vừa qua là tuyến đường bộ dài 2000 km từ Shangri-La tới Lhassa không còn được sử dụng nữa dù mới hoàn thành gần đây.

Biện pháp kinh tế đã giúp Bắc Kinh giữ được mức độ tăng trưởng giả tạo cao là xây dựng.
Các thành phố ma không chỉ là những tốn kém vô ích mà còn làm mất đi nhiều vùng đất phì nhiêu lớn trong khi đất canh tác được của Trung Quốc ngày càng hiếm.
Họ cần xây đường, đường sắt cũng như đường bộ, để có thể điều động nhanh chóng đến bất cứ nơi nào một lực lượng vũ trang đủ mạnh để dập tắt mọi cuộc nổi dậy – Ảnh minh họa trục xa lộ không có xe chạy.

Để trả lời những thắc mắc ngày càng khó bỏ ngoài tai chính quyền Bắc Kinh nói rằng họ đang xây dựng cho ngày mai. Nhưng ngày mai nào vì phần lớn các thành phố, căn hộ và đường xá trống và do đó không được bảo trì này sẽ hư hỏng trong tương lai gần? Trên đường từ Côn Minh tới Đại Lý tôi đã thấy một khu đất rộng trên đó có hàng trăm xe cần trục cao vút giống như những con sếu khổng lồ đứng yên. Hỏi ra thì được biết chúng không thể sử dụng được nữa vì không còn chỗ nào để xây. Một sự thực không thể chối cãi là Trung Quốc đã tốn rất nhiều tiền cho những công trình xây dựng không chỉ vô ích mà còn cướp đi tài nguyên ngày càng quý hiếm: đất.

Nhưng tại sao? Cho tới nay giải thích thông thường vẫn là đã có sai lầm về ước tính nhu cầu trong kế hoạch, nhưng tại sao có thể sai lầm quá đáng như vậy? Thăm viếng Trung Quốc lần này tôi nghĩ còn có một lý do khác: an ninh. Nhìn các toán cảnh sát võ trang hiện diện khắp nơi trong tư thế sẵn sàng can thiệp tôi chợt nhớ lại lời ông Ôn Gia Bảo là tăng trưởng kinh tế chậm lại chắc chắn sẽ đưa tới bạo loạn. Đó là nỗi ám ảnh của ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc khi kinh tế khựng lại và khuynh hướng ly khai mạnh lên. Họ cần xây đường, đường sắt cũng như đường bộ, để có thể điều động nhanh chóng đến bất cứ nơi nào một lực lượng vũ trang đủ mạnh để dập tắt mọi cuộc nổi dậy. Lo ngại về an ninh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc được thể hiện qua một sự kiện mà ít nhà báo nào để ý, đó là công an Trung Quốc hoàn toàn thuộc trung ương, ngay cả các tỉnh và các khu tự trị cũng không có quyền có công an riêng, chưa nói quân đội địa phương. Khuynh hướng ly khai có thật tại Trung Quốc, nó nổi bật tại Tây Tạng và Tân Cương nhưng cũng có ngay cả tại Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên và các tỉnh phía Tây nói chung. Điểm nổi bật của Trung Quốc hiện nay mà các quan sát viên đều đồng ý là trong giai đoạn phát triển ồ ạt các tỉnh được lợi nhất đã là các tỉnh phía Đông giáp bờ biển, thuộc vùng được coi là cái nôi của Hán tộc. Nói chung hiện nay các tỉnh phía Đông giầu gấp ba lần các tỉnh phía Tây (hay các tỉnh phía Tây nghèo gấp ba lần các tỉnh phía Đông).

Chính sách xây dựng ồ ạt này như vậy nhắm hai mục tiêu, duy trì mức tăng trưởng giả tạo và kiểm soát các tỉnh miền Tây nơi sự chênh lệch giầu nghèo Đông Tây đang nuôi dưỡng khuynh hướng ly khai. Các cuộc tấn công của các nhóm “chống Hán” thường xuyên xảy ra tại Tân Cương, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ hàng triệu người trong tỉnh 21 triệu dân này. Tại nhà ga Côn Minh đầu năm 2014 một nhóm khủng bố đã dùng dao đâm chết hơn 30 người. Việc xây dựng các đường giao thông dĩ nhiên có tác dụng phát triển các tỉnh phía Tây nhưng khi tới đây người ta nhận ra là chúng cũng đáp ứng nhu cầu quân sự. Phi trường Lhassa, thủ đô Tây Tạng, chỉ có một hay hai chuyến bay dân sự mỗi ngày nhưng đầy rẫy phi cơ chiến đấu và xe tăng. Và chính vì nhu cầu an ninh được coi là khẩn cấp sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, như lời ông Ôn Gia Bảo, nên chúng đã được xây dựng một cách dồn dập. Kết quả là sau đó Trung Quốc có một lực lượng xây dựng, trang thiết bị cũng như công nhân, quá dư thừa so với nhu cầu, và họ phải tìm cách sử dụng. Đó chính là nguyên nhân của “sáng kiến” Vành đai và Con đường.

Một vành đai, Một con đường

Tháng 9/2013 trong một bài diễn văn tại Kazakhstan ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng hợp tác xây dựng một con Đường Tơ Lụa Mới nối liền Trung Quốc và Châu Âu. Một tháng sau, tại Indonesia ông kêu gọi hợp tác xây dựng các hải cảng cho một con đường biển nối liền các tỉnh bờ biển Trung Quốc và Địa Trung Hải thông qua Châu Phi. Hai bài diễn văn này được coi là đã chính thức khai sinh ra “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”. Vành đai trên đất liền, con đường trên biển. Vành đai gồm bốn hành lang giữa Trung Quốc và Châu Âu và một hành lang ASEAN từ Côn Minh qua Lào, Campuchia, Malaysia tới Singapore; mỗi hành lang bao gồm xa lộ, đường sắt, đường ống dẫn dầu khí và cả các nhà máy. Con đường là đường biển nối liền các hải cảng.

Dự án khổng lồ được gọi là “Sáng kiến Vành Đai và Con Đường” (Belt and Road Initiative).

Thực ra hai bài diễn văn của Tập Cận Bình chỉ đặt một tên gọi chung cho rất nhiều công trình xây lắp đủ loại đã được xúc tiến rất mạnh mẽ từ trước, ít nhất từ năm 2010, khi Trung Quốc thấy phải tìm mọi cách để sử dụng khả năng xây dựng quá dư thừa so với nhu cầu trong nước mà họ đã tạo ra để thoát hiểm trong cơn hốt hoảng 2008. Các công ty xây lắp Trung Quốc đấu thầu các công trình đủ loại –xa lộ, đường sắt, hải cảng, cầu, đường ống dẫn dầu khí, phi trường, nhà máy v.v.- ở khắp mọi nước, dĩ nhiên kể cả Việt Nam, với những điều kiện vừa dễ dãi vừa thuận lợi. Dễ dãi vì giá thấp hơn hẳn so với các công ty khác trên thế giới, thuận lợi vì Ngân Hàng Ngoại Thương Trung Quốc sẵn sàng cho vay chi phí xây dựng với lãi suất rất thấp hoặc không lấy lãi.

Một điều quan trọng cần được lưu ý là cũng vào lúc đó Trung Quốc nhận ra là phải gỡ bỏ dần thay vì thành lập thêm các nhà máy nhiệt điện, thép, giấy, phân bón chạy bằng than. Họ bán với giá gần như cho không các thiết bị dự trù cho các nhà máy sắp thành lập nhưng sẽ không thành lập nữa và còn đề nghị đảm nhiệm việc xây dựng với giá đặc biệt hấp dẫn. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã trở thành những bãi rác công nghiệp của Trung Quốc. Tập Cận Bình chỉ mở ra giai đoạn thứ hai của một chính sách tháo chạy hốt hoảng về phía trước, đã có từ ít nhất ba năm.

Vành đai và Con đường

Đầu năm 2017 một hội nghị quốc tế mới được triệu tập ở Bắc Kinh và lần này toàn thể những công trình này được trình bày như một chương trình hợp tác toàn cầu và được gọi bằng một tên mới: “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Đức, Anh, Pháp và Mỹ tuyên bố không ủng hộ vì “sáng kiến” này không rõ rệt về nhân quyền và môi trường nhưng 68 quốc gia khác đã tuyên bố hưởng ứng. Hiện nay, sau hơn một năm, không còn ai có thể phân biệt những quốc gia nào và những dự án nào nằm trong khuôn khổ của sáng kiến Vành đai và Con đường. Nó trở thành tên gọi chung của toàn bộ các công trình xây dựng và lắp ráp đủ loại trong đó Trung Quốc giữ vai trò chủ động, kể cả tại Nam Mỹ.

Không thể liệt kê hết những công trình này vì chúng quá nhiều, hơn 8.000 hợp đồng đã được ký kết, người ta chỉ có thể nhận xét vài nét chính của nó.

Thứ nhất là Trung Quốc tài trợ gần như hoàn toàn các dự án này và không đặt bất cứ một điều kiện nào về bản chất cũng như phẩm chất của các chính quyền. Trung Quốc hợp tác với bất cứ chính quyền nào chấp nhận hợp tác với họ, dù là một chính quyền tham nhũng, quân phiệt, bạo ngược.

Thứ hai là chính quyền Trung Quốc trong tuyệt đại đa số các trường hợp không trực tiếp ký các hợp đồng. Đối tác của các quốc gia là các công ty quốc doanh Trung Quốc. Các công ty này cho vay vốn đầu tư và điều động công nhân của mình tới nơi cùng với các trang thiết bị và vật liệu cần thiết để thực hiện.

Thứ ba là để đổi lại với những dễ dãi, Trung Quốc đòi một điều kiện là trong trường hợp có tranh tụng các tòa án Trung Quốc sẽ phán quyết. Trung Quốc như vậy vừa là đối tác vừa là trọng tài.

Trong số những dự án được nói tới nhiều nhất người ta có thể kể tuyến đường sắt 12.000 km nối liền Nghĩa Ô (Yiwu) thuộc tỉnh Chiết Giang với London (trong đó Trung Quốc chỉ xây những đoạn đường mới để bổ túc cho những đoạn đường có sẵn), xa lộ nối liền thủ đô Nairobi và cảng Mombassa tại Kenya, nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Bostwana, tuyến đường sắt 62 tỷ USD từ Khách Thập (Kashgar, Tân Cương) tới cảng Gwadar (Pakistan), đường ống dẫn dầu khí từ Turmenistan tới Thượng Hải, đường sắt xuyên Lào, Đập Diam – Basha tại Pakistan, cảng Hambantota tại Sri Lanka, chiếc cầu dài trên quần đảo Malidives, hay xa lộ Montenegro. Những dự án này được nói tới nhiều vì những sự cố chứ không phải vì chúng quan trọng hơn những dự án khác.

Thí dụ như cảng Hambantota sau khi hoàn tất không có tầu buôn nào ghé, do đó không có lợi tức để trả nợ, cuối cùng phải nhường cho Trung Quốc quyền khai thác trong 99 năm. Cảng Gwadar cũng trong trường hợp tương tự và phải nhường cho Trung Quốc trong 40 năm (Trung Quốc cũng đang đề nghị một giải pháp tương tự với cảng Kyauk Pyi với chi phí xây dựng 7,2 tỷ USD của Myanmar). Xa lộ Montenegro được xây bất chấp các kết luận của các nghiên cứu theo đó nước Montenegro hoàn toàn không cần xa lộ dài 100 km này, một xa lộ hơn nữa rất tốn kém vì phần lớn là những cầu bắt ngang các đỉnh núi cao. Trị giá dự trù của xa lộ là 950 triệu USD nhưng bây giờ số tiền này đã dùng hết và còn cần thêm 1.200 triệu USD. Montenegro là một nước rất nhỏ, chỉ có 630.000 dân và đã nợ gần 100% GDP rồi. Chắc chắn không ai cho vay nữa trừ Trung Quốc. Để được gì?

Chiếc cầu 225 triệu USD trên quần đảo Maldives còn khó tưởng tượng hơn. Nó không có ngay cả lý do hiện hữu. Maldives (300 km2, 400.000 dân) là một nước Hồi giáo dữ tợn trong đó một thiếu nữ chưa có chồng mà có người yêu có thể bị đánh 100 hèo, trẻ con 10 tuổi phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước tòa và chịu án tù. Maldives hoàn toàn không có tương lai vì trong vòng 60 năm nữa sẽ chìm dưới mặt nước biển và người Maldives sẽ phải di tản đi nơi khác. Chiếc cầu này còn công dụng gì? Điều chắc chắn là Maldives sẽ không bao giờ trả được món nợ 225 triệu USD cho Trung Quốc. Vậy Trung Quốc xây cầu này để làm gì? Các quan sát viên đều đồng ý rằng Trung Quốc sẽ đòi chính quyền Maldives nhượng dài hạn quyền sử dụng chiếc cầu này rồi biến nó thành một đảo nhân tạo khi cả quần đảo đã chìm.

Chiếc cầu 225 triệu USD trên quần đảo Maldives.

Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Botswana đã tốn 950 triệu USD của quốc gia chỉ có 2,2 triệu dân này nhưng ngay sau khi đưa vào hoạt động đã phát nổ. Chính quyền Botswana đề nghị trả 800 triệu USD cho hai công ty Nhật và Hàn Quốc để sửa chữa và nâng cấp nhà máy này nhưng các công ty này sau cùng đã từ chối.

Kết quả nào?

“Sáng kiến Vành đai và Con đường” được báo chí Trung Quốc tưng bừng ca tụng như một dự án vĩ đại sẽ đưa Trung Quốc lên dài vinh quang của cường quốc số 1 và vượt trội. Điều mà mọi người đều phải đồng ý, vì quá hiển nhiên, là thế giới đang chứng kiến một dự án lớn nhất từ xưa đến nay, lớn gấp nhiều lần Vạn Lý Trường Thành và các kim tự tháp Ai Cập. Để có một ý niệm về tầm vóc của sáng kiến này nên biết là Trung Quốc đã sử dụng trong vòng ba năm từ 2011 đến 2013 một khối lượng bê tông lớn gấp rưỡi khối lượng bê tông mà Hoa Kỳ đã sử dụng trong suốt thế kỷ 20. Đây đang là diễn biến quan trọng và cần theo dõi nhất hiện nay vì sẽ quyết định tương lai của chế độ cộng sản Trung Quốc và sẽ có ảnh hưởng lớn lên toàn thế giới, trước hết là Châu Á và đặc biệt là Việt Nam.

Trung Quốc và những người bênh vực nó nói rằng Vành đai và Con đường là một sáng kiến hòa bình sẽ đem phúc lợi lại cho toàn thế giới, giúp các quốc gia chậm tiến vươn lên và đưa hàng tỷ người ra khỏi cảnh nghèo đói. Họ không hoàn toàn sai vì quả nhiên sáng kiến này đã giúp cải thiện một cách đáng kể, nhiều khi ngoạn mục, hạ tầng cơ sở của nhiều quốc gia kém mở mang, như tại Châu Phi.

Tuy vậy hầu hết các nhà nghiên cứu và các quan sát viên lại cho rằng mục tiêu của Trung Quốc chỉ giản dị là muốn gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Họ có lý bởi vì một mặt Trung Quốc chỉ nhắm xây dựng những công trình chiến lược chứ không hề quan tâm tới nước uống, nhà thương, trường học và mặt khác đã hợp tác ngay cả với những chính quyền rất tham nhũng và hung bạo, không những thế còn sử dụng tham nhũng và móc ngoặc để mua chuộc chúng. Cũng phải lưu ý một sự gian trá của Trung Quốc -và tất cả các chế độ độc tài- là khi nói đến hạ tầng cơ sở -hay kết cấu hạ tầng- họ chỉ nói đến những xây dựng vật chất như xa lộ, đường sắt, phi trường, hải cảng v.v. mà cố tình quên hai yếu tố của hạ tầng cơ sở quan trọng hơn nhiều là thể chế chính trị và con người.

Điều chắc chắn là Trung Quốc không phát động chương trình này vì lòng tốt. Như đã nói ở phần trên họ đã đẩy mạnh ngành xây dựng để thoát hiểm sau cuộc khủng hoảng 2008, rồi sau đó không xuống khỏi lưng cọp được nữa. Bành trướng thế lực thực ra chỉ là ước mơ sau khi đã bị bắt buộc phải lao vào một cuộc phiêu lưu hiểm nghèo mà bình thường chắc chắn họ không chọn.

Vậy sáng kiến Vành đai và Con đường đã đem lại cho họ những kết quả nào?

Trung Quốc đã thành công lớn về mặt chiến lược. Các hành lang mở sang Châu Âu và sang Ấn Độ Dương (thí dụ như cảng Gwadar tại Pakistan và cảng Kyauk Pyi tại Myanmar) nếu tiếp tục được khai thác sẽ giúp Trung Quốc ra khỏi thế bị bao vây hiện nay trong đó phần lớn tiếp vận phải qua ngả Thái Bình Dương hoàn toàn do Mỹ và đồng minh khống chế. Ngoài ra sáng kiến này cũng đã khiến Trung Quốc trở thành nước có khả năng xây dựng vượt hẳn mọi quốc gia khác. Hiện nay bẩy trong số mười công ty xây dựng lớn nhất thế giới là của Trung Quốc.

Một kết quả cụ thể thấy rõ là Trung Quốc gần như đã làm chủ hai nước Lào và Campuchia. Thủ đô Viêng Chăn đã gần như trở thành một thành phố Trung Quốc và một thành phố Viêng Chăn mới, lớn hơn, sắp xây xong. Kinh tế Lào hoàn toàn nằm trong tay người Trung Quốc. Nếu tình hình này tiếp tục thì trong mười năm nữa Lào sẽ là một tỉnh của Trung Quốc trên thực tế. Một căp vợ chồng người Campuchia vừa về thăm quê hương. Bà vợ, thuộc hoàng gia, nói với tôi rằng bà ấy hoàn toàn tuyệt vọng. Campuchia đã trở thành một thuộc địa của Trung Quốc. Riêng Sihanoukville đã trở thành một thành phố cờ bạc và mại dâm, đã có 30 casino và còn sắp có thêm 70 casino mới, các nhà chứa mọc nên như nấm, người Campuchia đang dần dần dời đi nơi khác. Các hãng xưởng hầu hết là của người Trung Quốc. Bà ấy nói một cách giận dữ trước sự im lặng chua xót của ông chồng: “Campuchia không còn là nước của chúng tôi nữa, mất rồi! “. Với Lào và Campuchia trong tay, Trung Quốc gần như đã bao vây Việt Nam.

Campuchia và Lào là mô hình thu nhỏ của những gì đang diễn ra tại Châu Phi. Trung Quốc ồ ạt đấu thầu các công trình kết cấu hạ tầng và các công ty Trung Quốc sản xuất những sản phẩm kỹ thuật thấp như may mặc cũng ồ ạt di chuyển sang đây vì nhân công rẻ hơn tại Trung Quốc hai ba lần. Một số khai thác các mỏ. Đã có hơn 10.000 công ty đủ loại của người Trung Quốc tại các nước Châu Phi, trong đó 90% là các công ty tư doanh. Châu Phi cũng như Lào, Campuchia và, ở mức độ nào đó, Afghanistan và Myanmar đang là nguồn cung cấp nhân công rẻ cho hàng Trung Quốc, nghĩa là đảm nhiệm vai trò của Trung Quốc trước đây. Trong nhất thời sự can thiệp của Trung Quốc đã có lợi cho các quốc gia này, cải thiện một cách ngoạn mục kết cấu hạ tầng và nâng cao mức sống của rất nhiều người.

Kết quả không khả quan tại các nơi khác. Các dự án do Trung Quốc cho vay vốn và đấu thầu thực hiện thường có những đặc tính chung là thiếu phẩm chất, gây ô nhiễm nặng, chậm trễ trong tiến độ thi công và đội giá. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một thí dụ điển hình: phẩm chất không đạt yêu cầu, dự trù hoàn tất trong bốn năm, sau hơn bẩy năm vẫn chưa xong, chi phí dự trù 552 triệu USD bị đội lên thành 892 USD. Vũng Áng và Ninh Bình là những kinh nghiệm đau thương khác. Đây không phải là một vài ngoại lệ mà là số phận chung của gần như tất cả các dự án do Trung Quốc đảm nhiệm ở mọi nơi và mọi nước, nhiều khi còn bi đát hơn. Dự án xa lộ Montenegro bị đội giá từ 950 triệu USD lên 2.150 triệu USD và vẫn còn dở dang, nhà máy nhiệt điện than tại Botswana mới đưa vào hoạt động đã phát nổ. Các nước chủ nhà không thể kiện bởi vì nếu kiện tranh tụng sẽ do tòa án Trung Quốc phán quyết và kết quả sẽ quá hiển nhiên. Họ đành chịu và khi họ không còn khả năng vay nợ thêm thì Trung Quốc sẵn sàng đề nghị chuyển nhượng quyền khai thác, nghĩa là nhường một phần chủ quyền quốc gia, cho mình trong 99 năm. Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao các nước chủ nhà có thể khờ khạo đến như thế? Lý do rất giản dị là Trung Quốc đã mua chuộc các cấp lãnh đạo tham nhũng.

Dầu vậy, bên bị thiệt hại nhất, nghĩa là nạn nhân chính của “sáng kiến Vành đai và Con đường”, chính là Trung Quốc. Thiệt hại đầu tiên là cách thi công gian lận và bê bối song song với thái độ thường thiếu nhã nhặn của những người điều khiển công trường, chưa kể ý đồ thường trực là muốn chiếm đoạt chủ quyền, đã tạo ra một phong trào bài Hoa tại nhiều nước chủ nhà. Việt Nam là một thí dụ. Malaysia và Myanmar ngừng những hợp đồng đang tiến hành, và việc Malaysia ngừng hợp đồng có nghĩa là hành lang ASEAN không thành. Sự bất mãn và phẫn nộ xuất hiện ở mọi nước nơi người dân có ít nhiều tinh thần quốc gia. Cũng rất may cho Trung Quốc là giai đoạn 3, giai đoạn “tổng tiến công” của sáng kiến Vành đai và Con đường, được tung ra đầu năm 2017 trùng với thời điểm Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ. Donald Trump đã gây hấn với cả thế giới, làm rã rượi liên minh giữa các nước dân chủ, làm quên lãng phần nào môi trường và nhân quyền và khiến Mỹ trở thành đáng ghét hơn Trung Quốc dưới mắt nhiều dân tộc. Tuy vậy hình ảnh Trung Quốc cũng vẫn bị thiệt hại nặng.

Thiệt hại thứ hai là về mặt tài chính. Trung Quốc đấu thầu và cho vay vốn để thực hiện các công trình, nhưng phần lớn, nếu chưa phải là tất cả, các nước vay vốn đều không có tiền và cũng không muốn trả nợ. Trung Quốc làm gì được họ? Giải pháp duy nhất là đành chịu, Trung Quốc không thể tịch thu xa lộ ở Nam Phi hay Ethiopia để đem về nước!

Nhưng mất mát tài chính không dừng lại ở đó. Vành đai và Con đường cũng là cơ hội để tiền và tài sản đào thoát khỏi Trung Quốc. Bên cạnh những xa lộ, đường sắt và hải cảng là những doanh nhân Trung Quốc mang vốn ra nước ngoài. Trong năm 2015 một nghiên cứu không bị phản bác cho thấy là đã có ít nhất 450 tỷ USD đào thoát ra nước ngoài từ Trung Quốc dưới hình thức đầu tư. Phong trào đào thoát của vốn từ đó chỉ tăng thêm chứ không giảm đi. Đây là một mất mát cho Trung Quốc chứ không phải là một sự bành trướng lực lượng. Hiện đang có khoảng 9.000 công ty tư của doanh nhân Trung Quốc được thành lập tại Châu Phi, có bao nhiêu trong số 9.000 doanh nhân này sẽ còn tự coi là công dân Trung Quốc trong mười năm nữa? Có mọi triển vọng là sẽ không còn ai. Họ cũng giống như các doanh nhân Trung Quốc đầu tư tại các nơi khác.

Tương lai nào?

Trong bài diễn văn tại hội nghị thượng đỉnh APEC họp tại Papua New Guinea tuần trước –một bài diễn văn đánh dấu một thay đổi chính sách đối ngoại quan trọng của Hoa Kỳ- phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã mỉa mai sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh là “vành đai trói buộc và con đường một chiều”. Nhưng ai bị trói và một chiều nào? Có lẽ không hẳn như ông Pence nghĩ.

Như đã nói, sáng kiến Vành đai và Con đường về bản chất là sự tiếp nối của cố gắng thoát hiểm của chế độ cộng sản Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng 2008, một sự tiếp nối bắt buộc và càng ngày càng trở nên bắt buộc hơn cho sự sống còn của chế độ. Bắc kinh không thể ngừng xây dựng vì ngành này đang, trực tiếp hoặc gián tiếp, nuôi sống hàng trăm triệu gia đình. Chính họ bị trói buộc, dù hầu như chỉ có chi ra chứ không có thu vào. Như vậy số phận của Vành đai và Con đường cũng là số phận của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Tập Cận Bình đã được tôn vinh vì ông đã vẽ ra một tương lai huy hoàng trong một tình trạng tuyệt vọng. Người ta tin ông vì người ta cần và muốn tin. Người ta thần thánh hóa ông vì người ta cần một phép mầu. Nhưng Vành đai và Con đường không thể tiếp tục, chưa nói thành công, vì nó là một thách đố đối với sự thực và lý trí. Để thực hiện những công trình mà phần lớn sẽ mất không Trung Quốc đã vay tiền để trả nợ cũ và tiếp tục cho vay. Tình trạng này không thể tiếp tục lâu. Nó sẽ kết thúc khi Trung Quốc không còn vay được nữa. Trong cuộc thăm viếng Trung Quốc vừa qua tôi đã có thể thấy là không khí tưng bừng và phấn khởi đang nhường chỗ cho sự lo âu.

Khi nào? Trung Quốc hiện đã nợ trên 30.000 tỷ USD -phần lớn là của các quỹ đầu tư- trong đó trên 25.000 tỷ USD là nợ của chính phủ và các công ty nhà nước, nghĩa là nợ nhà nước. Các định chế thẩm định đã bắt đầu hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc và tình trạng này sẽ gia tốc trong những ngày sắp tới. Hiện nay lãi suất của các công trái và các trái phiếu hai năm của các công ty của nhà nước Trung Quốc đã ở mức 3,2% (lãi suất của các công trái hai năm của Hoa Kỳ, Nhật và các nước Châu Âu chỉ vào khoảng 0,5% là cùng). Trung Quốc hiện đang phải vay nợ mới để trả nợ cũ và phải trả khoảng 1.000 tỷ USD tiền lãi mỗi năm.

Ngày đó sẽ không xa vì các quỹ đầu tư ngày càng đánh giá Trung Quốc không phải là một con nợ đáng tin.

Nguyễn Gia Kiểng

(27/11/2018)

Nguồn: Dân Luận

Trung Quốc 2018 (3): Một sự sụp đổ có thể là một tai họa toàn cầu

NGUYỄN GIA KIỂNG / THÔNG LUẬN

Đừng quên là cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 đã nổ ra khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản. Lần này một sự phá sản đột ngột của kinh tế Trung Quốc sẽ kéo theo sự phá sản không chỉ của một mà nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư lớn. Chấn động sẽ dữ dội gấp nhiều lần và không chỉ nhân dân Trung Quốc khốn khổ mà nhiều nước, kể cả Việt Nam, cũng sẽ phá sản theo với những bi kịch không lường được. Khủng hoảng của kinh tế sắp tới của Trung Quốc vì thế phải được chuẩn bị và quản lý với tất cả thận trọng.

——————-

Trong hai bài trước (1) (2) tôi đã trình bày một cái nhìn chung về Trung Quốc và cuộc phiêu lưu được gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Lần này xin thảo luận về những gì sắp đến.

Trước hết là một cảnh giác. Phải rất thận trọng với những con số về kinh tế Trung Quốc. Chúng có thể rất khác nhau và khiến cuộc thảo luận bế tắc ngay từ đầu.

Thí dụ như tổng sản lượng nội địa (GDP) của Trung Quốc. Con số này có thể là 23.000 tỷ, hay 12.000 tỷ hay 7.000 tỷ USD tùy theo nguồn gốc của nó và cách nhìn của mỗi người. Một con số mơ hồ như vậy có giá trị gì trong một cuộc thảo luận? Tuy vậy chúng ta vẫn cần đến nó để theo dõi tỷ lệ tăng trưởng, một chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng kinh tế của một quốc gia.

Phải loại con số 23.000 tỷ USD. Đây là “GDP tính theo mãi lực” của Trung Quốc do Ngân Hàng Thế Giới ước lượng. Nó có nghĩa là “nếu so với vật giá ở Mỹ thì phải coi như GDP của Trung Quốc là 23.000 tỷ USD” và chỉ có mục đích giúp ta có một ý niệm về mức sống tại Trung Quốc chứ hoàn toàn không có một giá trị nào trong quan hệ kinh tế quốc tế. Còn lại là GDP danh nghĩa (GDP nominal). Sau nhiều bàn cãi con số được phần lớn các định chế tài chính và cơ quan truyền thông ghi nhận là 12.000 tỷ USD. Các ước lượng về mức tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên con số này.

Tuy nhiên đặc tính chung của các số liệu của Trung Quốc là rất không chính xác, nhiều chuyên gia nói rằng GDP của Trung Quốc nếu tính lại một cách nghiêm chỉnh chỉ vào khoảng 7.000 tỷ USD. Họ cũng có lý nếu loại khỏi GDP những “sản lượng” vô ích chỉ được làm ra để nâng GDP lên và sẽ hư hao với thời gian, thí dụ như những thành phố ma.

Số nợ của Trung Quốc được biết rõ hơn. Hầu như mọi định chế tài chính đều đồng ý rằng khối nợ của Trung Quốc cuối năm 2017 là trên 31.000 tỷ, nghĩa là 260% GDP nếu dùng con số GDP 12.000 tỷ USD, trong đó chính phủ nợ 5.500 tỷ, các công ty quốc doanh nợ 19.000 tỷ, các gia đình nợ 6.000 tỷ, phần còn lại là nợ của các ngân hàng. Như vậy khối nợ công của nhà nước Trung Quốc (nợ chính phủ và nợ của các công ty nhà nước) là khoảng 25.000 tỷ USD, nghĩa là hơn hai lần GDP. Ngoài ra, các chính quyền tỉnh còn nợ còn nợ khoảng 6.000 tỷ USD. Không hiểu vì sao khối nợ này ít khi được kể vào khối nợ công. Có thể chỉ vì nó chưa đầy đủ, nghĩa là chưa bao gồm tất cả các khoản nợ của tất cả các tỉnh? Nếu như thế thì khối nợ công của Trung Quốc phải ít nhất là 31.000 tỷ USD, nghĩa là hơn hai lần rưỡi con số GDP 12.000 tỷ USD mà Trung Quốc chưa chắc đã có.

Nhưng chưa hết, các ngân hàng Trung Quốc còn một thủ thuật khác mà họ học được từ các ngân hàng Mỹ để giấu nợ. Họ lập những công ty tài chính ma để cho vay, rồi kể tài sản của các công ty này (trong đó có các khoản cho vay) như là đầu tư thay vì nợ. Đây không phải là một nghi ngờ của các quan sát viên mà là một phát hiện của Ủy Ban Kiểm Tra Ngân Hàng của Trung Quốc, do chính ông chủ tịch Shang Fu-lin công bố. Các khoản tín dụng trá hình này được ước lượng là ở mức ít nhất 2.000 tỷ USD.

Tóm lại, tuy các con số của Trung Quốc rất thiếu chính xác nhưng chúng ta có thể khẳng định là mức nợ công của Trung Quốc rất cao, cao hơn tất cả những gì được công bố, cao một cách nguy ngập. Chính vì nhận định khối nợ công của Trung Quốc thực sự đã quá nguy ngập mà ngày 23/05/2017 cơ quan thẩm định Moody’s đã hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc khiến cho lãi suất công trái của Trung Quốc đã dần dần leo lên tới 3,2% cho các công trái hai năm và chắc chắn sẽ còn leo lên nữa. Với lãi suất này, Trung Quốc từ nay sẽ phải trả 1.000 tỷ USD mỗi năm cho tiền lãi của nợ công. Để so sánh, lãi suất công trái hai năm của Mỹ là 0,5%, chính phủ Mỹ phải trả khoảng 100 tỷ USD cho tiền lãi nợ công, nghĩa là bằng 1/10 số tiền lãi mà Trung Quốc phải trả.

Sở dĩ nhiều người vẫn còn tin là kinh tế Trung Quốc chưa thực sự lâm nguy là vì khối ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc vẫn còn khá lớn, dù đã giảm từ 4.000 tỷ USD xuống còn 3.000 tỷ USD. Nhưng nếu nhìn sát hơn thì trong khối dự trữ này 1.000 tỷ USD không còn động viên nhanh chóng được nữa vì đã được sử dụng trong các quỹ đầu tư, 2.000 tỷ USD còn lại chủ yếu để cấp cứu các ngân hàng, thị trường chứng khoán và đồng Nhân Dân Tệ.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 20%, Thẩm Quyến sụt gần 30% mặc dù chính quyền Trung Quốc không ngừng cứu giúp – Ảnh minh họa (zonebourse.com).

Khi tôi viết các dòng này thì từ đầu năm 2018 đồng Nhân Dân Tệ đã mất giá 9% so với đồng Đôla Mỹ, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 20%, Thẩm Quyến sụt gần 30% mặc dù chính quyền Trung Quốc không ngừng cứu giúp, trong khi các thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật và Châu Âu hoặc thăng bằng hoặc chỉ sụt từ 5% tới 10%. Dự trữ của Trung Quốc tuy lớn nhưng vẫn thiếu.

Bàn về tình hình kinh tế Trung Quốc cũng sẽ thiếu sót nếu bỏ qua những nét đặc thù có ảnh hưởng quan trọng, nhất là trong tình trạng khó khăn hiện nay. Ngoài hàng trăm tỷ USD đào thoát ra nước ngoài hàng năm còn có ít nhất hai hiện tượng cần được lưu ý.

Một là loại “tín dụng tay đôi” (crowd lending, hay peer to peer, viết tắt là P2P). Loại tín dụng này có ở hầu như mọi nước nhưng không đâu mạnh như ở Trung Quốc. Tầm vóc của nó tại Trung Quốc lớn hơn hẳn tất cả phần còn lại của thế giới. Một cách vắn tắt, đó là những công ty được thành lập chung quanh một trang Web và dùng trang Web này kêu gọi quần chúng trực tiếp cho các công ty vay. Các công ty P2P này đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa tư nhân cho vay và các công ty cần vay tiền để kinh doanh, thường thường là những công ty không đủ tiêu chuẩn để vay tiền tại các ngân hàng. Sự hấp dẫn của công thức này là lãi suất rất cao, có thể đến 15% mỗi năm, cao gấp 4 hoặc 5 lần lãi suất tiết kiệm. Ngược lại rủi ro rất cao và lừa bịp cũng rất nhiều. Chính quyền Trung Quốc trong cố gắng kích thích tăng trưởng để thoát hiểm sau cuộc khủng hoảng 2008 đã để mặc cho các công ty P2P này phát triển, thậm chí còn khuyến khích. Đã có hàng chục ngàn công ty P2P ra đời, lôi kéo hơn 50 triệu người ghi danh cho vay, huy động trên 10.000 tỷ USD. Gần đây chúng ồ ạt phá sản, nhiều chủ công ty P2P ôm tiền của khách hàng trốn ra nước ngoài. Những người cho vay mất trắng. Theo tờ Hoa Nam Tảo Báo (South China Morning Post) thì tới nay đã có hơn 4.500 công ty P2P phá sản, với 225 vụ phá sản riêng trong tháng 7/2018 vừa qua. Vụ phá sản được nói tới nhiều trên báo chí Trung Quốc là công ty eZubao làm mất 6,7 tỷ USD. Sự phá sản của phong trào P2P này, sau khủng hoảng của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến năm 2015 đã làm cạn kiệt khối tiền tiết kiệm tư nhân, khiến chính quyền Trung Quốc không còn nguồn vốn trong nước để động viên nữa.

Các công ty P2P này đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa tư nhân cho vay và các công ty cần vay tiền để kinh doanh, thường thường là những công ty không đủ tiêu chuẩn để vay tiền tại các ngân hàng – Ảnh minh họa (P2P Construction-The Star).

Một hiện tượng khác mà báo chí Trung Quốc nói đến là các công ty quốc doanh sau khi vay được tiền ở các ngân hàng nhà nước với lãi suất thấp đem cho các công ty tư nhân vay lại với lãi suất cao hơn để lấy lời. Càng làm gia tăng nguy cơ sụp đổ dây chuyền.

Trong cơn hốt hoảng

Chúng ta sẽ không thể hiểu vì đâu Trung Quốc đến nông nỗi này nếu không ý thức được sự hốt hoảng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng năm 2008, khi kinh tế thế giới sụp đổ vì hai bong bóng địa ốc và chứng khoán bể tại Mỹ. Cuộc khủng hoảng này sau hơn mười năm vẫn chưa chấm dứt vì đa số các chính quyền vẫn còn đang phải gánh những khối nợ công ngang với GDP.

Trước năm 2008 mô hình kinh tế Trung Quốc có thể gọi tắt một cách chính xác là “mô hình tăng trưởng dã man”. Đó là mô hình tăng trưởng bất chấp cả con người lẫn môi trường, chỉ nhắm sản xuất thật nhiều với giá thành thật rẻ để xuất khẩu tối đa. Nói cách khác, chính quyền cộng sản Trung Quốc xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính họ là nguyên nhân. Mô hình này đã khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tục trên 10% mỗi năm trong gần 30 năm, với cao điểm là 14% năm 2007 ngay trước cuộc khủng hoảng.

Người ta nói tới một phép mầu Trung Quốc mà không tìm hiểu tại sao các cấp lãnh đạo tuyệt đối không có một sự hiểu biết nào về kinh tế, hơn nữa còn suốt đời được đào tạo để phủ nhận kinh tế thị trường, lại có thể tạo ra một phép mầu như vậy. Trong cơn choáng váng người ta đã quên rằng mọi sự kiện đều có logic của chúng. Trung Quốc thật ra đã trả một giá kinh khủng cho sự tăng trưởng này. Môi trường đã bị tàn phá một cách triệt để và không thể phục hồi. Một phần lớn của miền Bắc Trung Quốc đã trở thành khô cằn; hơn một nửa các dòng sông không còn nước, các con sông còn lại ô nhiễm tới mức mọi sự sống gần như biến mất.

Cuối năm 2007 tôi đã tham quan Trung Quốc và nhận xét rằng các thành tựu hoành tráng của Trung Quốc thực ra chỉ là những Vạn Lý Trường Thành mới tuy bề ngoài hào nhoáng nhưng chỉ làm Trung Quốc kiệt quệ về lâu về dài. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó.

Cũng không phải chỉ có thế, lý tưởng công bằng xã hội mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đề cao để biện minh cho việc gây ra cái chết của hàng trăm triệu người Trung Quốc trong nội chiến cũng như trong các chiến dịch Bước Nhảy Vọt và Đại Cách Mạng Văn Hóa đã hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho một chênh lệch giầu nghèo chưa từng có, không chỉ giữa những con người mà còn cả giữa các vùng.

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu tập trung ở khu vực Bắc Kinh và vùng bờ biển phía Đông, tổng cộng vào khoảng 1/5 lãnh thổ, nhưng ngay trong các vùng này bất công xã hội cũng cực kỳ thách đố. Hàng trăm triệu người đổ về Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải và các thành phố duyên hải để bán sức lao động, họ sống chen chúc trong những khu nhà chật hẹp và dơ bẩn.

Vào cuối năm 2007 tôi đã thấy một đám đông mà tôi chưa bao giờ thấy. Tại quảng trường trước nhà ga Bắc Kinh hàng triệu người chen chúc nhau. Họ đứng, ngồi và nằm bên cạnh những bao hành lý lớn. Đó là các công nhân từ các tỉnh chờ xe lửa để về quê thăm gia đình. Họ chỉ là một thiểu số trong số những người tha hương cầu thực bởi vì những người này trung bình chỉ về quê thăm gia đình mỗi năm một lần.

Trên thực tế phải nói Trung Quốc không phải là một nước với 1.400 triệu dân như cách nhìn bình thường. Đó là một nước với khoảng 300 triệu dân và một khối nô lệ hơn một tỷ người bị bóc lột thẳng tay.

Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã hốt hoảng khi cuộc khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 nổ ra vì ít nhất hai lý do. Một là kinh tế Trung Quốc lúc đó chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong khi xuất khẩu chắc chắn sẽ sút giảm rất nặng. Hai là, quan trọng hơn, chế độ Trung Quốc dựa trên một hợp đồng bất thành văn, theo đó chính quyền được quyền mặc sức hủy hoại môi trường và khai thác sức lao động của quần chúng cũng như của các tỉnh phía Tây, nhân danh một tỷ lệ tăng trưởng cao hứa hẹn một ngày mai tươi sáng; hợp đồng này nếu không được tôn trọng sẽ đưa tới bạo loạn và ly khai.

Kết luận của Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc mà Ôn Gia Bảo đã là người đầu tiên nói ra là phải giữ tỷ lệ tăng trưởng ở mức 8%. Trong một bài trước tôi đã trình bày là họ đã tìm đủ mọi cách để giữ tỷ lệ tăng trưởng này, dù là một cách giả tạo. Họ đã cố phát triển thị trường nội địa, nhưng cố gắng này đã không thành công mà còn có kết quả ngược lại là khiến hoạt động xuất khẩu trở thành khó khăn hơn. Họ đã dồn tiền vào các thị trường chứng khoán với mơ ước biến Thượng Hải và Thẩm Quyến thành những trung tâm tài chính lớn như New York, Tokyo hay London để có thể huy động các nguồn tài chính thế giới; dự án này không chỉ thất bại mà còn là một thảm họa đến nay vẫn còn tiếp tục tàn phá một nền tài chính vốn đã rất nguy ngập. Cố gắng chuyển hóa từ một nền kinh tế dựa trên khối lượng sang một nền kinh tế phẩm chất cao là đúng nhưng đòi hỏi thời gian và những yếu tố khác mà các chế độ độc tài không có: tự do, ý kiến và sáng kiến.

Giải pháp cứu nguy còn lại là xây dựng, xây dựng trong nước rồi xây dựng ngoài nước khi không còn xây dựng thả cửa ở trong nước được nữa.

Như tôi đã viết trong một bài trước (2), giải pháp này, được gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường”(Belt and Road Initiative), thực ra chẳng có gì là độc đáo để đáng được gọi là một sáng kiến. Nó chỉ là một giải pháp dễ dãi. Ai cũng biết ngành xây dựng có tác dụng lôi kéo rất nhiều ngành khác. Người Pháp có câu “Khi xây dựng lên thì tất cả đêu lên” (Quand le bâtiment va, tout va).

Ngành xây dựng dễ tăng cường vì không đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp lại có hiệu ứng lôi kéo lớn nên nó luôn luôn là cám dỗ của các chính quyền hoặc muốn tăng trưởng nhanh hoặc muốn thoát hiểm trong một bối cảnh kinh tế khó khăn. Điều mà một số người không lưu ý đúng mức là ngược lại khi ngành xây dựng bế tắc nó cũng khiến rất nhiều ngành khác bế tắc theo và gây khủng hoảng lớn. Đó là điều đã xảy ra tại Mỹ năm 2008 khi chiếc bong bóng địa ốc xì hơi. Đó cũng là lý do khiến Espana và Hy Lạp khốn đốn từ mười năm nay. Xây dựng có hiệu quả tức khắc nhưng nguy hiểm về lâu về dài. Nó như một thứ thuốc kích thích phải được sử dụng một cách rất thận trọng. Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc chắc chắn phải biết điều này vì nó quá sơ đẳng nhưng họ không còn chọn lựa nào khác.

Càng chìm sâu thêm trong nguy ngập

Vấn đề của Bắc Kinh là họ không thể giảm bớt các hoạt động xây dựng vì ngành này và những ngành gắn bó chặt chẽ với nó đang nuôi sống hàng trăm triệu gia đình. Giảm xây dựng là dồn họ vào thế tuyệt vọng và chắc chắn sẽ có bạo loạn.

Khó khăn của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Ngoài đe dọa kinh tế Trung Quốc còn phải đương đầu một cách tuyệt vọng với một tai họa còn to lớn hơn nhiều: môi trường. Một phần lớn của đất nước Trung Quốc gần như đã bị hy sinh trên bàn thờ thần Tăng Trưởng.

Năm 2007, khi bầu trời Bắc Kinh và Hà Bắc đã đen nghịt khói, tôi đọc được nhiều tài liệu cho biết là Trung Quốc dự định xây thêm mỗi năm hơn một ngàn nhà máy nhiệt điện than và nhiều ngàn nhà máy chạy bằng than khác như thép, phân bón, giấy v.v. Trong suốt một tháng đi đâu trên khắp Trung Quốc (xin nhấn mạnh là trên khắp Trung Quốc! ), tôi cũng gặp những đoàn du lịch của Tổng Công Ty Than Khoáng Sản Việt Nam. Trung Quốc mua tất cả khối lượng than mà Việt Nam có thể bán. Đó là thời vàng son của than. Rồi đùng một cái các nhà lãnh đạo Trung Quốc khám phá ra là thời đại của than đã chấm dứt và thời đại của dầu khí cũng sắp chấm dứt nhường chỗ cho năng lượng tái tạo được, chủ yếu là năng lượng mặt trời. Họ không biết phải làm gì với những thiết bị đã chế tạo ra cho những nhà máy chạy bằng than được dự định thành lập nhưng sẽ không thành lập nữa. Chỉ còn một giải pháp là xuất khẩu chúng bằng mọi giá.

Để có thể xuất khẩu Trung Quốc đề nghị với tất cả các nước những hợp đồng xây dựng và lắp ráp các kết cấu hạ tầng cũng như các nhà máy với những điều kiện thật dễ dãi. Các ngân hàng của Trung Quốc, hoặc do Trung Quốc tài trợ như AIIB, cho các nước đối tác vay để trả tiền các công trình do các công ty quốc doanh Trung Quốc đấu thầu thực hiện. “Vành đai và Con đường” là một cụm từ mơ hồ bao gồm tất cả những công trình mà Trung Quốc thi công ở nước ngoài. Để thực hiện những công trình này, Trung Quốc cho vay để khách hàng thanh toán cho mình, và cho vay bất chấp cả khả năng hoàn trả của khách hàng. Những món nợ này dĩ nhiên là mất không trong đa số các trường hợp.

Nhưng Trung Quốc lấy tiền đâu để cho vay? Câu trả lời giản dị là họ đi vay, chủ yếu của các quỹ đầu tư đủ loại trên thế giới. Từ vài năm nay tình hình kinh tế Trung Quốc có thể tóm tắt như sau: Trung Quốc nợ ngập đầu, phải vay nợ mới để trả nợ cũ, phải vay thêm để tiếp tục cho vay, và cho vay những con nợ ít khả năng hoàn trả. Tình trạng điên loạn này dĩ nhiên không thể kéo dài.

Bao giờ và phải như thế nào?

Nhưng bao giờ nó phải chấm dứt?

Cho tới nay nhiều chuyên gia đã dự đoán sự sụp đổ nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc. Các dự đoán này đều hợp lý nhưng đã không thành sự thực vì ít nhất ba lý do:

Một là, các chuyên gia này đã phạm sai lầm là lý luận về Trung Quốc như là một nước trong khi Trung Quốc là một đế quốc và một đế quốc -hiểu theo nghĩa nhiều nước phục tùng một trung tâm- sụp đổ một cách khác, phức tạp hơn và lâu hơn.

Hai là, trong tình trạng của Trung Quốc hiện nay sự sụp đổ kinh tế có mọi triển vọng sẽ kéo theo cả sự sụp đổ của chế độ cộng sản và sự tan vỡ của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh vì vậy phải tìm mọi cách để trì hoãn nó bằng mọi giá. Họ kháng cự tới cùng vì không còn gì để mất và để sợ.

Ba là, các ngân hàng và các quỹ đầu tư đã cho Trung Quốc vay quá nhiều tiền cho nên mắc kẹt và dù muốn hay không cũng vẫn bắt buộc phải tiếp tục cho Trung Quốc vay vì sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc rất có thể sẽ kéo theo sự khủng hoảng, thậm chí sự sụp đổ, của chính họ và do đó một khủng hoảng lớn cho thế giới.

Tuy vậy, vào lúc này, ta có thể nói là khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc không còn xa vì những dấu hiệu chắc chắn của khủng hoảng đã rõ ràng và ngày càng nhiều. Khối nợ kinh hoàng của Trung Quốc là điều mà cả thế giới đã biết và chỉ có thể tăng lên chứ không thể giảm đi, dự trữ của Trung Quốc rất mỏng manh, thị trường chứng khoán của Trung Quốc liên tục xuống nhanh chóng dù ngân hàng trung ương phải không ngừng cứu trợ, lãi suất của các trái phiếu Trung Quốc đã vượt quá 3% và còn đang tiếp tục lên. Các tin xấu đến hầu như hàng tuần.

Chúng ta không biết ngày nào nhưng chúng ta có thể biết khi nào Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế. Đó là lúc Trung Quốc không còn vay nợ được nữa và lúc đó không còn xa bởi vì các cơ quan giám định, như Moody’s, đã đánh giá các món nợ Trung Quốc là rủi ro. Lãi suất các trái phiếu Trung Quốc hiện nay đã ở mức 3,2%. Nó sẽ tiếp tục tăng lên ngày càng nhanh và khi nó đạt tới mức 6% hay 7% thì không còn quỹ đầu tư nào dám chối bỏ sự thực để tiếp tục cho Trung Quốc vay nữa; lúc đó kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ với những hậu quả rất nghiêm trọng cho Trung Quốc và cho cả thế giới nếu sự sụp đổ đến một cách đột ngột.

Tháng trước tôi có nói chuyện với hai người bạn chuyên gia cao cấp. Chúng tôi chia sẻ cùng một phân tích về tình hình Trung Quốc, kể cả nhận định rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ vì những sai lầm của chính nó chứ hoàn toàn không phải vì cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Nhưng khi tôi nói rằng Trung Quốc có thể lâm vào khủng hoảng trong vòng hai năm nữa thì họ dè dặt. Theo họ kinh tế Trung Quốc đáng lẽ đã phải khủng hoảng lâu rồi nhưng nó vẫn còn đứng được chừng nào vẫn còn nhiều định chế tín dụng, dù tự nguyện hay miễn cưỡng, tiếp tục cho Trung Quốc vay và những định chế này vẫn còn khá nhiều.

Tập Cận Bình được bầu làm phó chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ đầu năm 2008 để chuẩn bị thay thế Hồ Cẩm Đào. Như vậy ông đã có vai trò quyết định trong chính sách kinh tế ngay khi cuộc khủng hoảng 2008 nổ ra. Năm 2013 khi chính thức lên làm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiêm chủ tịch nước ông đã long trọng công bố “Sáng kiến Một vành đai Một con đường”. Năm 2017 cũng ông đặt cho nó một tên mới: “Vành đai và Con đường”. Ông có thể được coi như là cha đẻ của chính sách kinh tế của Trung Quốc trong hơn mười năm qua, một chính sách nhắm trước hết cứu nguy đảng và chế độ cộng sản Trung Quốc. Chính vì thế mà ông đã được Đảng Cộng Sản Trung Quốc dành cho mọi vinh dự và quyền lực. Tuy vậy có mọi triển vọng chính sách này sẽ làm kinh tế Trung Quốc sụp đổ, làm chấn động thế giới, làm sụp đổ chế độ cộng sản và làm Trung Quốc sau đó tan vỡ làm nhiều khối. Có triển vọng cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra ngay trong nhiệm kỳ thứ hai này của ông. Tại sao không ai tranh giành quyền lực với ông? Có thể vì không ai muốn chịu trách nhiệm về một thảm bại chắc chắn sẽ đến.

Người ta có lý do chính đáng để ghét chế độ cộng sản Trung Quốc và mong nó sụp đổ nhưng không phải vì thế mà mong nó sụp đổ ngay tức khắc. Đừng quên là cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 đã nổ ra khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản. Lần này một sự phá sản đột ngột của kinh tế Trung Quốc sẽ kéo theo sự phá sản không chỉ của một mà nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư lớn. Chấn động sẽ dữ dội gấp nhiều lần và không chỉ nhân dân Trung Quốc khốn khổ mà nhiều nước, kể cả Việt Nam, cũng sẽ phá sản theo với những bi kịch không lường được.

Khủng hoảng của kinh tế sắp tới của Trung Quốc vì thế phải được chuẩn bị và quản lý với tất cả thận trọng. Giải pháp đương nhiên là phải để các công ty quốc doanh Trung Quốc lần lượt phá sản theo một nhịp độ mà các định chế đầu tư có thể tiêu hóa được. Muốn như thế thì không thể đột ngột ngừng cho vay hàng loạt các công ty lớn của Trung Quốc. Chắc chắn thế giới đã rút được bài học Lehman Brothers.

Ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ như thế nào?

Nếu như thế thì ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ không quá nghiêm trọng. Các đế quốc khác với các quốc gia ở chỗ chúng không hung hăng gây hấn với nước ngoài khi bị khủng hoảng nội bộ. Chúng ta sẽ không sợ những hành động liều lĩnh của Trung Quốc, kể cả trên Biển Đông. Tuy vậy cuộc khủng hoảng sắp tới tại Trung Quốc sẽ rất lớn và Việt Nam sẽ như sống bên cạnh một núi lửa đang phun trong một thời gian dài. Việt Nam cần những người lãnh đạo có kiến thức và tầm nhìn để tránh những tai họa đáng lẽ có thể tránh được. Cho đến nay những người kế tiếp nhau lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đều không chứng tỏ khả năng đó.

Một bằng chứng là họ rập khuôn theo Trung Quốc mà không nhìn thấy sự khác biệt căn bản giữa hai nước. Việt Nam có thể chuyển hóa về dân chủ mà vẫn nguyên vẹn với cùng một lãnh thổ và dân số trong khi đó không phải là trường hợp của Trung Quốc.

Nguyễn Gia Kiểng
(12/12/2018)

Nguồn: Dân Luận

Bài Khác