Một con Gà và hai con Công

Chuly sưu tầm.

 

Một con Gà và hai con Công

Mệt mỏi, chán chồng con, và trên hết Gà Dầu sợ sẽ bị làm thịt vào dịp Tết nên trốn đi. Chị không biết đi đâu làm gì chỉ biết trước nhất là tìm sự bình yên cho thể xác. Sau đó chị hy vọng sẽ tìm được hạnh phúc cho tâm hồn. Không phải là gà có học thức chị nghĩ là trước nhất mình phải đi tìm người hiểu biết hơn mình để học hỏi. Học gì cũng được, miễn là học.

Ngày kia, đến một khu rừng Gà Dầu gặp hai con chim, nhìn hơi giống gà nhưng có màu sắc xinh đẹp hơn. Một con từ cổ đến ức màu xanh lục và con kia xanh dương đậm. Thân người của hai con chim có lông màu nâu nhạt cũng như Gà Dầu.

Gà Dầu đến gần con chim màu xanh lục, tự giới thiệu, rồi hỏi:

“Tôi là người ở xa đến muốn tìm người tài giỏi để học hỏi. Cô nương có nhận học trò không?”

“Chị là ai, dòng dõi như thế nào. Ta chỉ nhận học trò có trình độ mà thôi.”

“Dạ, tôi là Gà Dầu, tuy quê mùa nhưng hiếu học và rất chăm chỉ làm việc. Nếu cô nương sẵn lòng chỉ dạy thì tôi xin nhận làm thầy. Chẳng hay cô nương dạy học trò môn gì?”

“Ta vốn dòng dõi Phoenix, tạm gọi là Phụng, nhưng ta không ưng ý với chữ này vì nó đã được dùng để chỉ một loài chim khác, không chung dòng giống với ta. Phoenix là loài hiếm quí. Ngày xưa người Ai Cập gọi phoenix là benu đấng sáng tạo ra mặt trời. Benu đứng trên một ngọn núi nhô lên giữa biển khơi cất tiếng hót. Sau đó ánh sáng mặt trời bắt đầu xuất hiện phá tan bóng đêm trên mặt đất. Nhờ tiếng hót của chim Phụng chúng ta bắt đầu có khái niệm thời gian, phân biệt ngày và đêm.”

Từ tiếng hót mà phát ra ánh sáng mặt trời, chắc cũng giống như gà gáy lúc hừng đông. Nếu vậy thì chắc dòng họ nhà gà mình cũng có liên quan đến dòng họ Phụng, Gà Dầu nghĩ nhưng không nói ra, sợ bị mắng là thấy sang bắt quàng làm họ.

“Dòng họ Phụng thật là cao cả, nếu không có ngài benu, … ” Gà Dầu bỏ lửng câu nói vì nàng chim xanh móc iphone ra trò chuyện với ai đó.

“Hống à. Chị đã tìm được người có thể hát bài em cần. Để chị gửi bà ấy đến phục vụ em nhá.”

Gà Dầu nhìn chung quanh xem nàng ám chỉ ai. Chỉ có Gà Dầu đứng gần và nàng chim màu xanh thẩm đứng đằng kia. Chẳng lẽ nàng ta ám chỉ mình? Quay sang Gà Dầu, chim xanh nói:

“Ta có khả năng hót nhiều thứ tiếng. Hiện nay loài người đang rất muốn nghe tiếng hót của chim Phoenix. Bà hãy ở đây ta sẽ dạy bà biến tiếng gáy của loài gà thành tiếng hót của loài phụng.”

“Thưa cô nương. Loài gà mái chúng tôi thì chỉ biết cục tác sau khi đẻ trứng. Loài người thường chế nhạo tiếng hót của chúng tôi bằng câu hò con gà cục tác lá chanh, mỗi lần chúng tôi cất tiếng kêu thì người ta chỉ muốn cho chúng tôi vào nồi. Tuy nhiên gà trống của chúng tôi gáy rất hay. Người đi xa nghe tiếng gà gáy là thương nhớ quê nhà ghê lắm. Mỗi lần nắng mới hắt bên song. Xao xác gà trưa gáy não nùng… Gà trống của chúng tôi khi cất tiếng gáy thì ánh nắng mặt trời cũng xuất hiện. Còn hơn thế nữa, gà trống có thể gáy giữa trưa hay xế chiều. Gà mái chúng tôi chỉ có biết đẻ trứng và nuôi con không ai cho đi học hát cả vì thế thật tình tôi không biết làm sao hót tiếng phụng cả.”

“Không sao. Bà hãy thử gáy một bài, bất cứ bài nào bà biết.”

Gà Dầu chẳng biết ca hát là gì. Chợt nhớ hai đứa cháu ngoại Gà Đốm và Gà Bông thường hay hát một bài hát trẻ con, của loài người, dĩ nhiên rồi. Gà Dầu ngẩng cao cổ hát:

“Cock-a-doodle-doo. My dame has lost her shoe. My master lost his fiddle-stick. And knows not what to do. (Cúc cờ đú đờ đu. Bà chủ đánh mất chiếc giày. Ông chủ đánh mất cây kéo đàn vĩ cầm. Họ không biết phải làm gì.)”

Nghe cháu ngoại hát mãi nên thuộc lòng mấy câu đồng dao của loài người tuy chúng chẳng có nghĩa gì cả. Hai câu đầu trích từ trong một tập sách nhỏ dạy cách giết người vào năm 1606. Dù cố gắng hát cho đúng bài bản nhưng tiếng Gà Dầu phát ra cụt ngủn. Thiệt là y như tiếng gà mái gáy thay gà trống.

“Tiếng gáy của bà thật là kém thanh tao. Hãy để chúng tôi giúp đỡ bà.” Quay qua con chim màu xanh dương, chim xanh lục nói:

“Đây là chim Hoàng! Cũng là loài phụng nhưng là phụng Á châu. Vì là chim mái nên được gọi là hoàng. Chim hoàng mỗi lần cất giọng lên là tiếng hát bay bổng du dương như lưu thủy hành vân. Em Hoàng ơi! Em hãy giúp biến tiếng gáy của bà gà mái này thành ra tiếng phụng đi em.”

Nói xong chim xanh bay lên ngọn cây cao chót vót. Chỉ còn lại hai “người” Gà Dầu tỏ lòng khâm phục chim hoàng.

“Từ nãy giờ tôi vẫn chưa biết cô nương ấy là ai.”

“Đó là một nàng phụng tài hoa nhất trên đời. Nàng đang là Director of Translation, một công ty có thể biến bất cứ tiếng kêu của loài vật nào thành tiếng phụng. Biệt danh của nàng là Hát Từ Bóng Tối.”

“Chẳng hay chim hoàng có cùng giòng họ với phoenix không vậy cô nương?”

“Không! Phụng Hoàng có gốc Á châu, tượng trưng cho vua và hoàng hậu. Benu nguồn gốc của phoenix, theo tranh ảnh cổ truyền trông giống như một con gà giò rụng lông trơ trụi, trên đầu có loe hoe vài cái lông, chẳng giống hạc mà cũng chẳng giống cò. Còn chim phụng chim hoàng thì uy nghi kỳ vĩ màu sắc rực rỡ, đuôi dài như công, to lớn như hạc.”

“Còn tiếng hót thì sao?”

“Để ta đánh bóng tiếng hót của Bà sau đó thì bà sẽ biết tiếng phụng như thế nào.”

Chim Hoàng nắm cổ Gà Dầu bắt ngửa cổ ngóc mỏ lên trời. Nàng thò móng vuốt vào bên trong moi móc mãi kéo ra một sợi chuỗi giống như chuỗi ngọc trai dính máu đỏ thẫm. Gà Dầu ngộp thở tưởng chết, nước dãi chảy ra đầy mũi, mất giọng gáy luôn. Khi bị Hoàng moi móc chuỗi tiếng gáy trong cổ, Gà Dầu có cơ hội nhìn gần nhìn kỹ, và suy nghĩ.

Loài phụng phoenix chỉ có một con. Từ lửa sinh ra rồi chết trong lửa. Vì chỉ có một con cha hay mẹ hay con cũng chính là nó, từ nó, bởi vậy có một học giả đã chế nhạo phụng là giống loạn luân. Ở đây lại có hai con đều tự xưng mình là phụng. Con phụng chưa ai biết mặt thì có ai biết tiếng phụng ra làm sao. Tiếng gà gáy thì ai cũng biết. Gà Dầu còn biết cả tiếng chim công. Cả hai nàng, chân vừa ngắn vừa mập lại có hai cái cựa, lông ức màu xanh lá cây và màu xanh dương, nếu có lông đuôi dài nhiều mắt thì là con công. Hai nàng này không có đuôi đẹp vì chúng là công mái. Gà Dầu cố gắng thều thào với cái cổ rách bươm.

“Thưa công nương, xin vui lòng cho tôi được vinh hạnh nghe tiếng hót của công nương. Để tôi có thể hình dung tiếng phụng nghe như thế nào.”

Chim Hoàng đánh bóng xâu chuỗi tiếng gáy của Gà Dầu sạch sẽ. Cầm xâu chuỗi lắc vài cái Gà Dầu nghe “Ác! Ác! Ác!” Gà Dầu biết ngay đây là giọng hót của công. Loài công ngó đẹp mã nhưng tiếng gáy của nó thật là xấu xí, nghe xa thì không đến nỗi nào nhưng nghe gần thì thật là chát chúa.

Loài công không có một huyền thoại đẹp như loài phụng. Tương truyền rằng ngày xưa các vị thần Hy Lạp hay lăng nhăng tình ái bất chấp luân thường đạo lý. Jupiter lén vợ để tò tí với một nữ thần xinh đẹp tên là IO. Juno, vợ của Jupiter, biến IO thành một con bò. Argus, người Jupiter giao nhiệm vụ canh cửa khi Jupiter và IO đang trong cuộc giao hoan, đã ngủ quên nên không thi hành đúng nhiệm vụ. Juno đổ cơn giận chồng lên Argus. Argus bị biến thành một người có hằng trăm đôi mắt dán khắp thân thể và không bao giờ ngủ để canh chừng con bò IO. Chưa hết khốn khổ, Argus bị giết chết rồi biến thành con công có hằng trăm đôi mắt.

“Thưa hai công nương, đây là tiếng hót của loài công! Tôi không biết tiếng phụng ra làm sao nhưng tiếng công thì tôi biết.”

Hát Từ Bóng Tối nổi giận. Con mụ nhà quê này lắm điều nhưng không phải là không đúng. Xưa nay phụng chỉ có một con chưa ai biết mặt. Nếu tụ tập nhiều, người ta biết ngay là công hay gà chứ không phải là phụng nữa. Nàng ngọt ngào với Hoàng.

“Em hãy bay lên trên ngọn núi kia, cất xâu chuỗi đánh bóng này vào kho tàng trong núi, nhớ thông báo cho mọi người biết tiếng kêu của loài phụng mà lắng nghe và ca tụng nhé.”

Nàng xoay người đá giò lái. Gà Dầu rơi vào vũng bùn gần đó, kêu không được vì đã mất tiếng gáy, mặt mũi dơ dáy vì bùn. Chả trách người đời thường hay cười cợt “trông cái mặt nó như gà mắc nước.”

Một trong hai con công nói:

“Ta dù không phải phụng thì cũng dòng dõi nhà công. Còn mi chỉ là gà. Nếu mi muốn làm phụng hãy tìm đống lửa nhảy vào.”

Con cóc trong vũng bùn cất giọng ồm ồm.

“Một chữ mộc là cây. Hai cây là rừng. Ba cây là cái chợ. Cứ ba người họp lại là trước sau gì cũng có chiến tranh. Phụng đâu mà phụng. Cả đám chỉ là gà mà con gà giết nhau vì tiếng gáy!”

Tức giận Gà Dầu trở về trại gà. Không dám nhảy vào lửa vì sợ chết nhưng lửa giận cứ nung nấu trong lòng. Lâu ngày lửa bốc ra đốt cháy Gà Dầu.

Năm đó chủ trại gà được ăn thịt gà cháy chứ không nướng.

Bài Khác