Canada từ chối yêu cầu bảo lãnh – Tội của Mạnh Vãn Chu phơi bày

Canada từ chối yêu cầu bảo lãnh – Tội của Mạnh Vãn Chu phơi bày

Hôm 7.12 theo giờ địa phương, Tòa án tối cao bang British Columbia, Canada, đã tiến hành nghe các bên điều trần về yêu cầu xin bảo lãnh tại ngoại của bà Mạnh Vãn Chu, Phó chủ tịch kiêm CFO Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) bị cảnh sát Canada bắt giữ hôm 1.12 theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ. Tại tòa, các tình tiết bà Mạnh bị Mỹ yêu cầu dẫn độ do phạm tội lừa đảo đã bị phơi bày, vi phạm luật trừng phạt Iran.

Bà Mạnh Vãn Chu đã không được tòa án Canada chấp nhận đóng 750.000 USD để được bảo lãnh tại ngoại trong buổi điều trần hôm 7.12.

Phía công tố cho rằng bà có nguy cơ bỏ trốn nên yêu cầu tòa từ chối yêu cầu được bảo lãnh. Sau 6 giờ nghe tranh luận, tòa án cho rằng cần có thêm thời gian để xem xét đề nghị xin bảo lãnh và quyết định phiên điều trần tiếp theo sẽ được tiếp tục vào ngày 10 giờ ngày Thứ Hai, 10.12 tới đây.

Chính phủ Mỹ truy nã Mạnh Vãn Chu vì nghi ngờ phạm tội lừa đảo

Tại cuộc điều trần, ông John Carsley, công tố viên của Canada cho tòa án biết, Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc phạm tội lừa đảo vì bà ta đã nói dối nhiều ngân hàng việc Huawei không có quan hệ gì với Skycom (Hongkong) là công ty có giao dịch làm ăn với Iran để lẩn tránh các đạo luật trừng phạt Iran năm 2009 và 2014 của Mỹ.

Xuất hiện trước tòa trong chiếc áo len màu xanh, tay không bị còng cùng người phiên dịch và luật sư, bà Mạnh Vãn Chu tỏ ra tươi tỉnh khi trao đổi với luật sư. Công tố viên John Carsley thay mặt chính phủ Canada cho biết, lệnh bắt giữ bà Chu đã được ban bố tại New York ngày 22.8.2018. Phía Mỹ đã yêu cầu Canada hợp tác, nhưng mãi tới tháng 11 nhà đương cục Canada mới đồng ý và ngày 30.11, nhà đương cục bang British Columbia đã phát lệnh bắt giữ bà. Mạnh Vãn Chu do biết phía Mỹ đang điều tra bà nên từ tháng 3 năm ngoái đã tránh tới Mỹ dù con trai đang học tại Boston. Ngày 1.12 vừa qua, Mạnh Vãn Chu đã bị bắt giữ tại sân bay Vancouver khi đang chuyển máy bay trong hành trình từ Hongkong tới Mexico.

Công tố viên John Carsley cáo buộc Huawei từ năm 2009 đến 2014 đã thông qua một công ty vỏ bọc có tên Skycom ở Hongkong để tiến hành các vụ giao dịch với Iran vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Mạnh Vãn Chu là người đã tham dự vào các vụ giao dịch này. Bà đã đảm bảo với nhiều ngân hàng việc Huawei không có liên hệ gì với Skycom, nhưng thực ra “Skycom chính là Huawei”, về cơ bản là cùng một công ty tiến hành làm ăn với Iran, nhưng Mạnh Vãn Chu đã nói dối họ Huawei đã bán Skycom từ năm 2009. Công tố viên đệ trình trước tòa các chứng cứ chứng minh Công ty Skycom Hongkong bị Huawei kiểm soát. Ví dụ các nhân viên Skycom đều sử dụng địa chỉ e-mail có đuôi “@huawei.com”. Một số tài khoản của Skycom do nhân viên Công ty Huawei kiểm soát và một số nhân viên Skycom vẫn tự nhận là người của Huawei…

Bà Chu bị cáo buộc lừa dối nhiều cơ cấu quốc tế khi che giấu mối quan hệ thực tế giữa Huawei với Skycom để làm ăn với Iran vi phạm quy định của Mỹ.

Công tố viên John Carsley nói, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc đã âm mưu lừa dối nhiều cơ cấu quốc tế, mỗi tội danh đều có thể phải nhận mức án 30 năm tù. Ông nói, Mỹ cáo buộc bà Chu che giấu mối quan hệ giữa Huawei và Skycom Hongkong, bà cần phải được dẫn độ tới Mỹ để nhận sự xét xử theo luật tố tụng hình sự của Mỹ. Ngoài ra, trước khi bị Mỹ dẫn độ, Canada không thể cho phép bà được bảo lãnh tại ngoại.

Sau khi bị bắt giữ hôm 1.12. bà Mạnh Vãn Chu đã căn cứ quy định hữu quan để yêu cầu “lệnh cấm đưa tin”, nhưng đến ngày 7.12, trước khi cuộc điều trần diễn ra, lệnh cấm này đã bị hủy bỏ.

Tranh luận quyết liệt xung quanh việc Mạnh Vãn Chu xin bảo lãnh tại ngoại

Trước đề nghị của bà Mạnh Vãn Chu xin được đóng 1 triệu Dollar Canada (750.000 USD) để được bảo lãnh tại ngoại, ông John Carsley cho rằng bà Mạnh Vãn Chu có động cơ bỏ trốn. Ngoài ra, ông nói Mạnh Vãn Chu có nguồn tài sản lớn có thể sử dụng để từ Canada bỏ trốn về Trung Quốc. Bao nhiêu tiền bảo lãnh cũng không nghĩa lý gì bởi tài sản của cha bà lên tới 3,2 tỷ USD. Ông nói, việc chấp nhận bảo lãnh tại ngoại phải trên cơ sở sự tín nhiệm, bà Chu không có tư cách được bảo lãnh bởi bà “rất không thành thực” (extensive pattern of dishonesty). Ông cũng lưu ý tòa án rằng, cả Canada và Mỹ đều chưa có hiệp nghị dẫn độ với Trung Quốc, nên yêu cầu tòa án từ chối đơn xin được bảo lãnh tại ngoại của bà Chu.

Phía công tố còn bổ sung thêm, bà Mạnh Vãn Chu thường xuyên ra nước ngoài. Từ 2004 đến 2016 bà thường xuyên ra vào nước Mỹ, nhưng từ tháng 4.2018 khi biết được tin chính phủ Mỹ đang điều tra Huawei bà đã tránh nhập cảnh Mỹ. Lần cuối cùng bà tới Mỹ được ghi nhận vào tháng 3.2017.

Một lý do khác công tố viên nêu ra để yêu cầu không chấp thuận đề nghị được bảo lãnh tại ngoại của phía Mạnh Vãn Chu là, bà ta và Canada không có mối liên hệ có ý nghĩa nào. Ông nói, tuy Mạnh Vãn Chu có 2 ngôi nhà ở Vancouver, nhưng chỉ được sử dụng cho việc nghỉ hè vài tuần/năm.

Đông đảo người dân Canada chờ đợi bên ngoài tòa án.

Luật sư David Martin biện hộ cho bà Mạnh Vãn Chu đã nói trước tòa, Huawei đã bán Công ty Skycom Hongkong từ năm 2009 và đưa ra nhiều lý do chứng minh bà Chu không có động cơ bỏ trốn, bao gồm việc bà đã mua nhà ở Vancouver từ năm 2009, con trai bà từng học ở Canada từ 2009 đến 2012 và bà có chứng huyết áp cao, không tiện cho việc bị giam giữ lâu dài. Ông nói, bà Chu sẵn sàng giao nộp hộ chiếu bao gồm hộ chiếu còn hạn và cả đã hết hạn. Hiện bà có 2 hộ chiếu: hộ chiếu Hongkong đã bị tịch thu hôm bị bắt và hộ chiếu Trung Quốc vừa được gửi tới Canada.

Ông David Martin đã phản bác lại các lý do của bên công tố. Ông cho rằng, một người nỗ lực làm ăn để có của cải lớn không phải là nhân tố cấu thành việc bị từ chối bảo lãnh và nói danh dự cùng sự giữ chữ tín của Mạnh Vãn Chu không cho phép bà vi phạm lệnh của tòa. Bà cũng sẽ không vi phạm lệnh của tòa để khiến cha bà, ông Nhiệm Chính Phi, người sáng lập Huawei lâm vào tình trạng khó xử. Luật sư cũng nói, chồng bà Mạnh Vãn Chu hiện ở Vancouver, nên bà sẽ không bỏ trốn. Ông thậm chí nói thêm: nếu được bảo lãnh tại ngoại, bà vui lòng đeo còng chân điện tử để chấp nhận bị giám sát 24/24 giờ. Đáp lại, Công tố viên John Carsley nói, tuy việc giám sát qua còng điện tử có thể giảm thiểu khả năng bà Chu bỏ trốn, nhưng không thể hoàn toàn tránh được việc này.

Phía công tố đã so sánh vụ án của bà Mạnh Vãn Chu với vụ án Tô Bân (Su Bin) trước đây. Vào năm 2014, cảnh sát bang British Columbia đã bắt giữ công dân Trung Quốc Tô Bân bị cáo buộc đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ. Khi đó tòa án bang cũng đã từ chối đơn xin bảo lãnh tại ngoại của Tô Bân.

Quan hệ phức tạp của Mạnh Vãn Chu với chính phủ Trung Quốc

Trang tin Epoch Times viết, bà Mạnh Vãn Chu có các tên tiếng Anh là Cathy Meng và Sabrina Meng không chỉ là CFO của Huawei mà còn là Phó chủ tịch Huawei và là con gái đầu của Chủ tịch Huawei Nhiệm Chính Phi. Ông Nhiệm Chính Phi từng là một kỹ sư trong quân đội Trung Quốc phụ trách việc xây dựng mạng lưới thông tin.

Mối quan hệ gắn bó giữa Huawei với chính phủ Trung Quốc mấy năm gần đây đã bị cơ quan tình báo các nước chú ý đến vì lo ngại chính phủ Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp thông qua các thiết bị của Huawei.

Ông Ward Elcock, cựu Cục trưởng Tình báo Canada đã nói với hãng CBC: “Huawei về cơ bản bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát”. Trong Liên minh tình báo 5 nước Five Eyes thì các nước Mỹ và Australia đều đã cấm sử dụng thiết bị 5G của Huawei; chính phủ New Zealand từ chối để công ty điện tín nước này sử dụng kỹ thuật 5G của Huawei; Tập đoàn Điện tín Anh (BT Group plc) đầu tháng 12 đã tuyên bố loại bỏ các thiết bị của Huawei ra khỏi hạ tầng các mạng 3G và 4G, tới đây mạng 5G cũng sẽ không sử dụng kỹ thuật của Huawei.

Huawei luôn bị các nước nghi ngờ giúp chính phủ Trung Quốc hoạt động gián điệp.

Cựu Cục trưởng CIA Mỹ Michael Hayden khi trả lời tạp chí Australian Financial Review đã nói: có các chứng cứ cho thấy Huawei đã giúp chính phủ Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp. Các quan chức 6 cơ quan tình báo lớn của Mỹ, bao gồm Cục Tình báo trung ương (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cục An ninh quốc gia (NSA)… đều đã đưa ra cảnh báo: xuất phát từ việc xem xét lợi ích an ninh, không được sử dụng sản phẩm của Huawei.

Báo chí Australia gần đây đăng bài, đưa tin các quan chức Australia đã nhận được báo cáo về việc các điệp viên Trung Quốc sử dụng Huawei để thâm nhập vào các mạng của nước ngoài.

Căn cứ Luật tình báo quốc gia (National Intelligence Law) của Trung Quốc thì các cơ cấu tổ chức của Trung Quốc cần phải ủng hộ, giúp sức và phối hợp công tác tình báo của quốc gia.

Thu Thủy 

Bài Khác