‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam ( 1 )

‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam

Trong khoảng 10 năm qua, Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đã bành trướng từ thị trường nội địa trở thành một thế lực toàn cầu dưới sự hậu thuẫn đắc lực của chính phủ Trung Quốc.

(TNO) Trong khoảng 10 năm qua, Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đã bành trướng từ thị trường nội địa trở thành một thế lực toàn cầu dưới sự hậu thuẫn đắc lực của chính phủ Trung Quốc. Đây là điều không chỉ gây lo sợ cho các đối thủ sừng sỏ trên thương trường mà còn làm nhiều quốc gia quan ngại về những nguy cơ an ninh tiềm ẩn đối với mạng viễn thông toàn cầu.

'Chó sói' Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam - ảnh 1

Huawei bị cáo buộc là “cánh tay nối dài” của chính phủ và quân đội Trung Quốc – Ảnh: AFP

Nhiều cáo buộc cho rằng Huawei (cùng ZTE, một tập đoàn thiết bị viễn thông lớn khác của Trung Quốc) chính là những cánh tay nối tay của chính quyền và quân đội Trung Quốc nhằm theo dõi, đánh cắp thông tin trên toàn thế giới. Các thiết bị của Huawei, ZTE thậm chí còn được cho rằng có thể cho phép Trung Quốc can thiệp thậm chí vô hiệu hóa hệ thống viễn thông, của một quốc gia nào đó trong trường hợp xảy ra xung đột.
Kỳ 1: Khởi nguồn của “chó sói” Huawei
Được thành lập năm 1987, ban đầu là một nhà phân phối tổng đài điện thoại, Huawei giờ đây đã trở thành một công ty sản xuất thiết bị viễn thông toàn diện, đứng thứ hai trên toàn cầu về doanh thu.
Năm 2012 doanh thu của Huawei là khoảng 36 tỉ USD, vượt qua con số 35 tỉ USD của Ericsson, công ty từng là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Do doanh thu từ điện thoại di động (ĐTDĐ), lĩnh vực mà Ericsson đã ngừng hoạt động đang chiếm ¼ doanh thu của Huawei, nên Ericsson vẫn tạm được coi là là nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên điều này được dự đoán có thế sẽ sớm thay đổi.
Huawei hiện cung cấp đủ loại sản phẩm và giải pháp từ mạng viễn thông, mạng lõi, các loại tổng đài, thiết bị mạng di động băng thông rộng đến các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động… Lãnh đạo Huawei từng tuyên bố mục tiêu của Huawei là trở thành số 1 trong cả ba lĩnh vực trong ngành thiết bị viễn thông gồm chuyển mạch, mạng cố định và mạng không dây. Các đối thủ được Huawei xác định gồm hầu hết các công ty sừng sỏ trong lĩnh vực này như Alcatel-Lucent, Cisco, Nokia Siemens, Ericsson và thậm chí là cả “đồng hương” ZTE.
'Chó sói' Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam - ảnh 2

Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) bị tố cáo là mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia Úc và Mỹ – Ảnh: Reuters

Người sáng lập và hiện là chủ tịch của Huawei là Nhiệm Chính Phi, một cựu quân nhân của quân đội Trung Quốc (PLA). Khác với nhiều lãnh đạo của các tập đoàn và công ty lớn của Trung Quốc, Nhiệm xuất thân không phải là một “thái tử đảng” hay thuộc về một gia đình quyền thế. Nhiệm được cho là từng học tập tại Trường đại học Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh vào khoảng những năm 1960 trước khi phục vụ trong PLA.
Huawei nhiều lần khẳng định công ty này là một doanh nghiệp tư nhân, bản thân Nhiệm chỉ sở hữu trực tiếp 1,42% cổ phần, còn lại thuộc về công nhân viên của Huawei. Tuy vậy chủ nhân thực của Huawei là ai lại là một vấn đề phức tạp mà dư luận không dễ tìm được câu trả lời do những quy chế riêng của Huawei.
Theo quy định hiện tại cổ đông của Huawei được trả cổ tức hằng năm nhưng không được giao dịch cổ phiếu. Mặc dù có hàng nghìn nhân viên quốc tế nhưng Huawei quy định chỉ có công nhân viên Trung Quốc mới được quyền chia và sở hữu cổ phiếu. Số lượng cổ phần của Huawei là bao nhiêu cũng là một con số chưa từng được công bố. Chưa được lên sàn chứng khoán nên giá trị, tài sản thực sự của Huawei hiện tại cũng vẫn là một ẩn số.
Theo một số chuyên gia, cách truyền thông ra ngoài về chuyện Huawei “thuộc sở hữu của công nhân viên” dường như một cách đối phó với nghi vấn về vai trò của chính phủ cũng như quân đội Trung Quốc đối với công ty này.
Thời điểm Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách, hạ tầng viễn thông quốc gia của nước này là rất hạn chế. Nhận thức được điều này, chính phủ Trung Quốc đã triển khai chiến lược phát triển viễn thông trên 3 chân kiềng gồm: nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài; khuyến khích các liên doanh và thúc đẩy nghiên cứu – phát triển (R&D). Năm 1988 đã có hàng chục nhóm nghiên cứu của Trung Quốc, trong đó có cả các nhóm của PLA tập trung vào việc phát triển các thiết bị tổng đài. Đó là môi trường khi Nhiệm Chính Phi và một vài đồng sự thành lập Huawei.
Theo báo cáo về Huawei do Nathaniel Ahrens thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) công bố hồi tháng 2.2013, Nhiệm Chính Phi từng làm việc trong một cơ quan nghiên cứu của PLA, giữ vị trí lãnh đạo nhưng sau đó chuyển đến một doanh nghiệp dầu khí nhà nước năm 1983. Cuối năm 1987, khi 43 tuổi, Nhiệm rời khỏi doanh nghiệp này và thành lập Huawei.
Theo các thông tin chính thức, Huawei được thành lập ban đầu chỉ với số vốn khoảng hơn 20 nghìn NDT, tương đương 5.000 USD thời điểm đó. Tuy nhiên cũng có thông tin rằng đã có một khoản vay từ một ngân hàng nhà nước lên tới 8,5 triệu USD cho Huawei trong thời gian mới thành lập. Huawei, tất nhiên, đã phủ nhận sự tồn tại của khoản vay này.
Khi Huawei ra đời, Trung Quốc phụ thuộc 100% vào nguồn thiết bị viễn thông nhập khẩu và hầu hết các đại gia viễn thông quốc tế như Alcatel, Ericsson, Motorola, Nokia và Nortel đều đã có mặt tại Trung Quốc. Trong những năm đầu hoạt động, Huawei tập trung vào việc phân phối tổng đài và một số loại thiết bị khác nhập khẩu từ Hồng Kông.
Năm 1990, Huawei bắt đầu phát triển các tổng đài đơn giản. Cùng thời điểm đó cũng có khoảng ít nhất 200 công ty nội địa khác của TQ cũng có chung chiến lược này. Để sống sót và tạo sự khác biệt Huawei đã quyết tâm phát triển hệ thống tổng đài lớn, đòi hỏi công nghệ phức tạp. Đây cũng là dòng thiết bị mà không công ty nước ngoài nào muốn chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. (còn tiếp)

Bài Khác