Bị EU dọa cấm vận, Campuchia tái xét lệnh cấm đối lập hoạt động

Bị EU dọa cấm vận, Campuchia tái xét lệnh cấm đối lập hoạt động

 

Tư liệu: Ông Kem Sokha, lãnh tụ đảng Cứu quốc Campuchia, 28/5/2017. REUTERS/Samrang Pring

 

Quốc hội Campuchia đang xét lại lệnh cấm hoạt động năm năm áp dụng cho hơn 100 thành viên đảng đối lập chính trong nước. Nếu được thực hiện, điều này có thể cho phép các chính khách đối lập trở lại chính trường, sau khi Liên minh châu Âu đe dọa sẽ không cho Campuchia giao dịch miễn thuế.

Tháng trước, EU phát động một thủ tục chính thức để tước quyền của Campuchia được tham gia sáng kiến “Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA), sau khi Thủ tướng Hun Sen trở lại nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7, trong đó đảng của ông giành được tất cả các ghế trong quốc hội.

Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) là một sáng kiến của Liên minh châu Âu, theo đó tất cả hàng nhập khẩu vào EU từ các nước kém phát triển nhất, ngoại trừ vũ khí, sẽ được miễn thuế và không có hạn ngạch. EBA có hiệu lực từ ngày 5 tháng 3 năm 2001.

Bộ ngoại giao Campuchia hôm thứ Hai nói: “Để thúc đẩy dân chủ và quyền pháp trị, Quốc hội đang xem xét các quy định pháp lý để cho phép những cá nhân bị cấm được tiếp tục các hoạt động chính trị.”

Đó là lệnh cấm hoạt động chính trị do Tòa án tối cao Campuchia ban hành, áp dụng đối với 118 thành viên của đảng đối lập CNRP. Đảng này đã bị giải tán hồi năm ngoái theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen sau khi đảng này bị cáo buộc là âm mưu lên chiếm quyền với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Lãnh đạo của đảng CNRP, Kem Sokha, được thả khỏi nhà tù hồi tháng 9 sau hơn một năm tù giam về tội phản quốc, nhưng ông vẫn bị quản thúc tại gia.

Phó chủ tịch đảng, bà Mu Sochua, đòi trả tự do cho ông Sokha, hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông và đảng CNRP được phục hồi hoạt động.

Trong thời gian qua, truyền thông độc lập của Campuchia cũng đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ ông Hun Sen và các đồng minh của ông trước cuộc bầu cử tháng Bảy.

Báo Campuchia Thời báo bằng tiếng Anh đã đóng cửa hồi năm ngoái sau khi chính phủ Hun Sen đói họ trả hàng triệu đô la tiền thuế, bằng không sẽ bị đóng cửa. Khoảng 30 đài phát thanh cũng đã đóng cửa trong năm ngoái.

Đài phát thanh Á châu Tự do (RFA) có trụ sở tại Washington đóng cửa văn phòng tại Phnom Penh hồi tháng 9, phàn nàn về một “chiến dịch đàn áp không ngừng chống lại những tiếng nói độc lập”.

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Campuchia nói chính phủ “luôn luôn trân trọng và cổ vũ cho tự do báo chí và tự do ngôn luận”.

Bộ nói thêm rằng RFA và VOA được tự do mở cửa văn phòng trở lại ở Campuchia.

EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, đã tiến hành quy trình thẩm định theo định kỵ sáu tháng về quyền miễn thuế của Campuchia, có nghĩa là hàng may mặc, đường và các mặt hàng xuất khẩu khác của Campuchia có thể bị EU áp thuế quan nội trong vòng 12 tháng tới.

Phát ngôn viên của đài RFA Rohit Mahajan nói một số vấn đề cần được giải quyết trước, chẳng hạn như hủy mọi cáo buộc đối với hai cựu phóng viên RFA, trước khi đài Á Châu Tự do xét tới việc nối lại hoạt động tại Campuchia.

Nguồn: VOA

Bài Khác