Nga cương quyết giam tàu Ukraina bất chấp kêu gọi của phương Tây

Nga cương quyết giam tàu Ukraina bất chấp kêu gọi của phương Tây

 

Các tàu hải quân Ukraina bị bắt giữ được nhìn thấy ở cảng Kerch, Crimea, vào ngày 26/11/2018.

 

Nga phản đối lời kêu gọi của quốc tế hôm 26/11 yêu cầu phóng thích ba tàu hải quân Ukraina mà tuần duyên nước này đã bắn và bắt giữ gần Crimea hồi cuối tuần, gây ra cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất trong nhiều năm giữa Moscow và Kiev, theo Reuters.

Với mối quan hệ vẫn còn căng thẳng sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy của thành phần thân Moscow ở miền đông Ukraina, sự cố mới xảy ra đang đẩy hai nước tới một cuộc xung đột lớn hơn và nhiều khả năng sẽ khiến phương Tây tái kêu gọi trừng phạt hơn nữa với Moscow.

Cơ quan an ninh FSB của Nga cho biết, các tàu tuần duyên nước này đã bắt giữ hai tàu chiến nhỏ bọc thép của Ukraina và một chiếc tàu kéo sau khi bắn vào chúng và làm một số thủy thủ bị thương hôm 25/11. Cơ quan này nói đã khởi tố hình sự đối với vụ tàu xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải của Nga.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cáo buộc Ukraina đã đưa tàu đến nhằm cố ý khiêu khích Nga và nói rằng sẽ triệu hồi các viên chức ngoại giao cao cấp của đại sứ quán Kiev ở Moscow về vụ việc này.

Kiev bác bỏ việc các tàu của mình đã làm bất cứ điều gì sai trái và cáo buộc Moscow hung hăng quân sự.

Cuối ngày 26/11 là hạn chót để nghị viện Ukraina xem xét đề xuất áp đặt thiết quân luật trong 60 ngày sau khi Tổng thống Petro Poroshenko gặp các lãnh đạo quân sự và an ninh hàng đầu của ông vào đêm 25/11 về cuộc khủng hoảng.

Đồng rúp của Nga đã giảm 0,4% so với đồng đôla tại Moscow, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11, trong khi trái phiếu đôla của Nga rớt xuống.

Eo biển hẹp Kerch nối liền Hắc Hải và Biển Azov, phân chia Crimea ra khỏi miền nam nước Nga. Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã xây dựng một cây cầu khổng lồ băng qua eo biển, tăng cường kiểm soát tuyến thủy lộ.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào ngày 25/11 sau khi Nga dừng ba tàu Ukraina vào Biển Azov bằng cách đặt một tàu chở hàng ngay bên dưới cây cầu. Ukraina nói một con tàu của Nga trước đó đã đâm vào tàu kéo của mình nhưng đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn.

Phía Nga nói đội tàu của Ukraina đã không thông báo trước kế hoạch của mình và đã làm ngơ trước các cảnh báo dừng lại trong lúc vẫn di chuyển một cách nguy hiểm. Tuyến thủy lộ tái tục ngày 26/11 sau khi Nga di chuyển chiếc tàu chở hàng đã chặn eo biển.

Hiệp ước song phương cho phép Nga và Ukraina quyền sử dụng Biển Azov, nơi có hai cảng quan trọng nhất của Ukraina.

Một nhân chứng của Reuters ở Kerch, một cảng ở Crimea, cho biết 3 tàu Ukraina đã bị giữ tại đây.

Xung quanh các tàu này có những người mặc đồng phục hải quân Nga. Không có dấu hiệu cho thấy tàu bị thiệt hại, Reuters dẫn lời nhân chứng cho biết. Ngoài ra, còn có thể thấy lưới che ngụy trang trên boong của một trong số các con tàu và không có dấu hiệu cho thấy có thủy thủ đoàn của Ukraina.

FSB cho biết, ba thủy thủ người Ukraina đã bị thương trong vụ việc và đang được chăm sóc y tế. Cơ quan này nói thêm rằng họ không gặp nguy hiểm về tính mạng.

Cuối ngày 26/11, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ họp về những diễn tiến mới nhất theo yêu cầu của Nga và Ukraina, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay.

Liên minh châu Âu nói họ hy vọng Nga sẽ khôi phục việc tự do đi lại ở eo biển Kerch và thúc giục cả hai bên hành động kiềm chế tối đa để xuống thang tình hình. Một phát ngôn viên của NATO cũng đưa ra kêu gọi tương tự với hai bên.

Ba Lan, Đan Mạch và Canada lên án điều mà họ gọi là “tính hung hăng” của Nga.

Bất kỳ quyết định áp đặt thiết quân luật nào ở Ukraina đều sẽ không được mong đợi vì nó hạn chế quyền tự do dân sự và đem lại quyền lực lớn hơn cho các cơ quan nhà nước trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, mà các cuộc thăm dò cho thấy ông Poroshenko sẽ thua.

Nguồn: VOA

Bài Khác