Nguyễn Đình Ấm: Tiếng nói cai trị tung hoành ở Quốc hội

Tiếng nói cai trị tung hoành ở Quốc hội

Nguyễn Đình Ấm

clip_image002

Dân oan Bùi Hữu Tuân tự thiêu ở cơ quan tiếp dân Trung ương

Đã đành, Quốc hội cũng là một tổ chức của Đảng CS được hình thành có chức năng hợp pháp hóa ý chí của cấp trên nhằm làm cho dân chúng, quốc tế cảm thấy có sự dân chủ. Thế nhưng, trên nghị trường nhiều “đại biểu” đã không cưỡng nổi một thứ “quán tính tư tưởng” phơi bày bản chất cai trị của nhà cầm quyền, nơi được gọi là “đại diện cho nhân dân”. Họ tỏ ra khó chịu, chặn họng, áp chế những tiếng nói lẻ loi phản ánh chút tâm tư của người dân trước thực tại xã hội, và bênh vực quan chức, nhà cầm quyền ra mặt.

Điều đó hoàn toàn dễ hiểu khi hơn 90% đại biểu là đảng viên, phần lớn đầy quyền uy, giàu có, quyền lợi của họ gắn chặt với thể chế của đảng.

Trong các kỳ họp Quốc hội chủ yếu là những ý kiến tán đồng với báo cáo, tổng kết của cấp trên, cơ quan chức năng cộng thêm chút băn khoăn, thắc mắc chung chung, “vô thưởng vô phạt” gọi là cho có. Số đại biểu như Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa, Dương Trung Quốc… dám nói lên chút thực trạng đất nước, xã hội, tình cảnh của người dân không đủ đếm trên đầu ngón tay. Có cảm giác ý kiến của họ chỉ mang chút “trang điểm” cho Quốc hội có phần “dân chủ”. Thế mà những “chấm phá” trang trí đó cũng ít khi được quan tâm, ngược lại còn bị ngăn chặn, sỉ vả một cách thô bạo. Chưa nói phần lớn đại biểu còn lại thể hiện sự bàng quan, khó chịu hiện rõ trên nét mặt.

Những ý kiến phản ánh với ĐBQH không phải khi nào cũng có thể đi điều tra, xác minh những thông tin cơ quan, đoàn thể hay người dân phản ánh lên. Vì vậy, khi đại biểu nói lên dù chính xác hay không cũng mang tính gợi mở từ tiếng nói của người dân. Chính vì thế nên mới gọi là “thảo luận” ở nghị trường. Nếu ý kiến của đại biểu đưa ra luôn đúng 100% thì cần gì phải “thảo luận” nữa! Nếu thực sự coi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là của dân thì khi ai thấy tiếng nói kia sai thì cá nhân, tổ chức, ngành bị nói phải lấy tư cách được dân nuôi, đại diện cho họ phải từ tốn giải trình, thanh minh để dư luận hiểu. Nếu sự việc nghiêm trọng, giằng co chưa rõ ai đúng, ai sai thì phải tổ chức những buổi điều trần riêng chứ không thể cãi cọ ngay tại Quốc hội. Qua thảo luận, tranh luận, thanh minh dân ta sẽ tự biết phải trái… Đằng này đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói về ngành công an cứ cho là sai, không chính xác, tức dân phản ánh không đúng mà ngay lập tức đại biểu Nguyễn Hữu Cầu Giám đốc công an Nghệ An – “hung thần của người bất đồng chính kiến và bà con Giáo dân chống Formosa” – lập tức cự cãi gay gắt như một sự bị vu oan, giá họa cá nhân gây “cháy nhà, chết người”. Ngay sau đó các cơ quan ngôn luận của ngành công an nhao nhao phê phán, yêu cầu kỷ luật đại biểu LBN. Báo An ninh thủ đô tổ chức cả cuộc phỏng vấn để ông Lê Văn Cương PGS, Viện chiến lược Bộ Công an yêu cầu đại biểu LBN “phải cải chính”. Ông đã rà soát, điều tra hết ý kiến đại biểu LBN chưa mà khẳng định “như đình đóng cột” phải cải chính? Rồi những bản tin, tờ báo vô danh ở đâu cũng nhao nhao sỉ vả đại biểu LBN, có hiện tượng mạo danh Hội Nông dân Bến Tre: “Nhân dân Bến Tre thất vọng vì đã bầu ông LBN” (Kênh 13.net). Kênh 13. net trưng cầu ý kiến dân Bến Tre nhanh thế ư? Rồi câu lạc bộ sĩ quan về hưu Bộ Công an ở HN “gồm 1.800 cử tri” viết đơn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảng, đoàn QH, tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Tô Lâm… phản đối ý kiến đại biểu LBN. Tất cả đồng thanh: “ĐB Lưu Bình nhưỡng làm mất uy tín ngành công an”. Thiết nghĩ, uy tín của ngành nào chủ yếu là việc làm chứ lời nói sai của ai đó sao quyết định được?

Đặc biệt, tờ “Đại biểu nhân dân” của Quốc hội đăng hàng loạt bài sỉ vả đại biểu LBN bằng những cái tít, lời dẫn bởi những câu văn tập tọe với thái độ chợ búa, xấc xược, ngạo mạn: “Bị dư luận tấn công, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chuyện nọ xọ chuyện kia” (ĐBND 6/11/2018), “Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng vô tình hay cố ý tấn công ngành công an?” (Tác giả Thanh Thảo), “Ăn không nhai, nói không nghĩ trên nghị trường: Nguy hiểm vô cùng”. Há miệng bênh vực cho ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bị chỉ trích, hù dọa, “Đừng nghĩ ĐBQH nói thế nào cũng được, Nói thì dễ nhưng để người ta nể mới khó, ông nghĩ sĩ Nhưỡng à…”.

Tôi làm báo quốc doanh 40 năm, cộng tác, viết bài cho nhiều tờ báo, quen biết rất nhiều nhà báo nhưng chưa thấy tờ báo nào vô cảm, hiểu biết thấp kém, lời lẽ ngạo mạn, chợ búa như tờ báo gọi là “Đại biểu nhân dân”. Họ xúc phạm dân ta quá! Không hiểu bà Nguyễn Thị Kim Ngân có đọc cái tờ báo bà làm chủ quản hay không. Nếu bà đọc rồi mà đồng ý với cơ quan ngôn luận của mình như thế thì bà đang muốn bóp chết những tiếng nói trái chiều ở Quốc hội và đồng ý cho cơ quan ngôn luận của bà ứng xử hỗn hào với nhân dân, các đại biểu như Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa, Dương Trung Quốc, GS Nguyễn Minh Thuyết (đã từng là ĐBQH khóa trước)… Một cơ quan Quốc hội mang tiếng “Đại biểu nhân dân” mà trí tuệ, tư cách, đạo đức… thế sao?

clip_image004

Bà Nhung – dân oan Thanh Hóa bị chết ngay ở cổng cơ quan tiếp dân Trung ương.

Tôi cũng như bao người dân Đồng Tâm sẽ mãi mãi không thể xóa đi được ấn tượng ghê sợ về sự tráo trở ngay tại Quốc hội của Đại tá công an Đào Thanh Hải Phó giám đốc công an Hà Nội. Cụ Lê Đình Kình cùng rất nhiều người dân chứng kiến rõ ràng sáng ngày 15/4/2017công an và quân đội lừa cụ kình ra đồng Sênh rồi Phó công an huyện Mỹ Đức Trần Thanh Tùng đá cụ Kình gẫy chân, bắt cóc cụ cùng mấy người nữa mang về Hà Nội trấn áp. Cụ Kình 83 tuổi hơn 50 tuổi đảng khẳng định mình bị đánh, nhiều người dân Đồng Tâm chứng kiến, giáp Tết Mậu Tuất vừa qua (theo tường trình, bằng chứng của dân ĐT) ông Trần Quốc Khánh Phó công an huyện Mỹ Đức về Đồng Tâm gặp cụ Kình nói về việc Trần Thanh Tùng Phó công an huyện Mỹ Đức đánh cụ, nếu cụ nhất trí “đích thân con sẽ chở Tùng về xin lỗi mong cụ bỏ qua”, nhưng cụ Kình yêu cầu, người, cơ quan chỉ đạo Trần Thanh Tùng hôm đó phải công khai xin lỗi… Thế nhưng ngày 7/11/2017 giữa Quốc hội đại biểu QH Đại tá Đào Thanh Hải vẫn ngang nhiên tuyên bố “Bộ Công an đã kiểm tra kỹ, công an không đánh gãy chân cụ Kình” làm đại biểu Dương Trung Quốc phải gợi lại nhiều vụ có clip chứng minh sai phạm của công an rành rành mà họ còn “chối bay chối biến”…

Làn sóng phản đối tới tấp từ ngành công an và những người, cơ quan ủng hộ ngành này mạnh đến nỗi đại biểu LBN phải dùng Facebook để thanh minh rồi ca ngợi một cách thô thiển với ngành, tướng công an này, nọ… Từ nay chắc đại biểu LBN “cạch đến già” không dám đụng vào ngành có chức năng “phán xét thiên hạ” [phán xét bằng mồm miệng và cả bằng gậy gộc, còng số 8, và còn hơn thế nữa – BVN] này nữa.

Đại biểu LBN nói lên những hạn chế của ngành công an trong hoàn cảnh ngành này bị lộ những tội phạm không thể ngờ, một loạt tướng, tá hầu tòa, bị dẹp nhiều tổ chức, ít có ngày nào không có sự vụ công an bị dân lên án, kiện cáo, chiến sĩ bị hành hung, người chết trong đồn, clip công an đánh người, cãi lộn với dân… mà còn bị phê phán, cảnh cáo “hội đồng” như thế, chứng tỏ quyền uy của ngành công an đến mức nào?

<clip_image006

Bà Hiền ở Văn Giang bị trấn áp dã man trong vụ cưỡng chế cướp đất

– Thanh tra chính phủ có tội lớn nhất trong việc bao che, “giảm sự nghiêm trọng cho quan tham, dìm sai phạm của họ theo kiểu “để lâu cho cứt trâu hóa bùn”, đã tạo ra hàng nghìn, vạn vụ khiếu kiện kéo dài dẫn đến biết bao người bị oan sai, người tự thiêu, chết tại cơ quan tiếp dân, bao người khuynh gia, bại sản, oan khuất chồng chất. Vụ Văn Giang dù P. Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thấy nhiều sai trái hứa với dân “Không làm xong vụ này (cho dân) thì chết không nhắm được mắt” nhưng họ “đánh trống bỏ dùi” mặc dân phải chống chọi với chính quyền, đại gia mang danh nhà nước có vũ trang, tòa án… dẫn đến nhiều người bị chết, thương tích, tù tội rồi mất oan sạch đất đai, vườn ruộng. Vụ Thủ Thiêm, họ thanh tra bao lần rồi để đến hơn 20 năm qua sai phạm vẫn tồn tại. Ngay ở lúc “nước sôi, lửa bỏng” giữa năm nay họ còn bao che cho bọn tham nhũng không hề đề cập đến sai phạm lớn nhất là 160 ha đất của dân định cư tại chỗ đã bị cướp…

Vụ Đồng Tâm, thành phố Hà Nội cùng sĩ quan Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tổ chức tranh chấp 59 ha đất nông nghiệp của thôn Hoành, dân mỏi mòn kêu cứu Thanh tra Chính phủ nhưng họ làm ngơ để kẻ thuộc một bên tranh chấp (thành phố Hà Nội, bộ QP) lại đứng ra thanh tra, phán xét phía bị tranh chấp dẫn đến dân Đồng Tâm phải rào làng đấu tranh để giữ đất, suýt xẩy ra đổ máu… Thế nhưng giữa Quốc hội bàn về phòng, chống tham nhũng trong kỳ họp vừa rồi Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái ngang nghiên đổ cho khách quan: “Một số thế lực lợi dụng tình hình khiếu nại để kích động…”. Thói cai trị, phán xét dân của ông ta đã lập trình trong bộ não rồi. Dân ta có câu: “Bụt trên tòa gà nào mổ mắt”. Dân ngu đến mức không oan sai nhưng nghe bọn “kích động” để từ miền nam lần lữa ra tận Hà Nội chịu đói, khát, dầu dãi gió sương, lem luốc bụi đường, khuynh gia, bại sản cả 20 năm trời à?

Đặc biệt, có kẻ gọi là “đại biểu nhân dân” như Ngô Tuấn Nghĩa (TPHCM) lại coi sự phiền toái của cơ quan, chính quyền lên trên oan sai, mất mát có khi cả cuộc đời của nhân dân. Ông ta oang oang ở Quốc hội: “Không cho phép tố cáo cán bộ khi đã về hưu vì sẽ khiến tình hình phức tạp…”. Sao ông ta không nghĩ được dân còng lưng nuôi chính quyền để làm gì?…

Không thể kể hết những tiếng nói mang danh đại diện cho dân nhưng sặc mùi kẻ cai trị, ngang nhiên, trắng trợn ủng hộ, bao che cho nhà cầm quyền và hệ thống quan chức sai phạm, tham nhũng tại Quốc hội.

N.Đ.A.

Tác giả gửi BVN

Nguồn: Bauxite Việt Nam

Bài Khác