Tóm tắt bài viết

  • 15 đại sứ phương Tây bày tỏ quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nơi có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trung tâm cải tạo.
  • Sự đồng lòng của 15 đại sứ không hy vọng sẽ thay đổi được chính sách đàn áp của Bắc Kinh, nhưng có thể khiến chính quyền Trung Quốc gặp khó khăn hơn khi tiếp tục nói dối.
  • Đảng Cộng sản Trung Quốc coi đức tin là một mối đe dọa vì họ có quan điểm vô Thần. Thậm chí môn khí công không phải tôn giáo như Pháp Luân Công cũng không thoát khỏi bị bức hại vì nền tảng thuộc trường phái Phật gia.

 

Trong một động thái chưa từng có, 15 đại sứ phương Tây ở Bắc Kinh đã gửi một lá thư đề nghị gặp giới lãnh đạo Trung Quốc để bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền ở nước này.

Theo Reuters, 15 vị đại sứ đã gửi lá thư tới ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương, để đề nghị được giải thích về những thông tin cho thấy tình trạng vi phạm nhân quyền đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.

Vào tháng 8, một hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết họ đã nhận được nhiều báo cáo đáng tin cậy cho thấy ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc đang bị giam giữ trong một thứ tựa như “trại giam khổng lồ được bao bọc trong bí mật”.

Các thông tin cho biết người Duy Ngô Nhĩ bị đối xử thô bạo, bị yêu cầu hát các bài hát ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và phải thề trung thành với ĐCSTQ, theo Breitbart.

Reuters đưa tin, lá thư của 15 đại sứ có đoạn viết: “Chúng tôi rất lo lắng trước những báo cáo về tình trạng đối xử với các dân tộc thiểu số, đặc biệt các cá nhân của dân tộc Duy Ngô Nhĩ, ở khu tự trị Tân Cương. Nhằm hiểu rõ hơn tình hình, chúng tôi yêu cầu một cuộc họp với ông vào lúc thuận tiện nhất, để thảo luận về những quan ngại này”.

15 vị đại sứ đến từ Canada – quốc gia dẫn đầu, và Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Liên minh châu Âu, Đức, Hà Lan, Úc, Ireland, Thụy Điển, Bỉ, Na Uy, Estonia, Phần Lan và Đan Mạch.

Hãng tin Reuters đăng bài báo cho biết 15 đại sứ phương Tây viết thư cho giới lãnh đạo Trung Quốc về tình trạng nhân quyền ở Tân Cương (Ảnh chụp màn hình từ Twitter)

Phản ứng của chính quyền Trung Quốc

 

Dù lâm vào tình thế khó xử, phương án trả lời của Trung Quốc vẫn là phủ nhận tình trạng vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Đáp lại lá thư của 15 đại sứ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) đã phản ứng một cách “giận dữ và kỳ quặc”, theo bình luận của nhà báo John J. Xenakis thuộc trang tin Breitbart.

Bà Hoa Xuân Oánh nói về các đại sứ phương Tây: “Tôi nghĩ rằng những gì họ đã làm là rất thô lỗ và không thể chấp nhận được. Chúng ta hy vọng họ có thể hoàn thành nhiệm vụ và nghĩa vụ của mình, với tư cách là đại sứ, làm việc để giúp cho đất nước của họ hiểu về Trung Quốc một cách trung thực, toàn diện và đa chiều, và đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong việc nâng cao niềm tin, tình hữu nghị và hợp tác lẫn nhau giữa các quốc gia của họ và Trung Quốc.

“Tôi muốn nhắc lại rằng Tân Cương là một khu vực cởi mở, đón chào những người đến đó với thiện chí. Bất cứ ai chứa đựng ý định độc hại và thành kiến, và tìm cách can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, chắc chắn sẽ bị từ chối”, bà Oánh kết luận.

Ông Xenakis nhận thấy tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh không hề có ý định giải quyết các cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, ngoại trừ việc phê phán hành động của các vị đại sứ phương Tây là “rất thô lỗ và không thể chấp nhận được”.

Tuy nhiên, việc mô tả Tân Cương là “một khu vực cởi mở” không mấy thuyết phục đối với các nhà quan sát, vì một số cuộc điều tra thực địa của hãng tin BBC cho thấy mọi lời nói và hành động của các nhà báo đều bị lực lượng an ninh Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt. Phóng viên BBC có thể được phép vào Tân Cương, nhưng họ bị theo dõi chặt chẽ bởi “những người canh giữ”, và bị ngăn cản tiếp cận các trung tâm cải tạo.

Cảnh sát Trung Quốc ngăn chặn xe ô tô của phóng viên BBC ở Tân Cương vào tháng 10/2018 ( Ảnh: BBC)
Cảnh sát Trung Quốc chặn ô tô của phóng viên BBC ở Tân Cương vào tháng 10/2018 (Ảnh: BBC)

Bức thư của 15 vị đại sứ sẽ không làm cho chính quyền Trung Quốc thay đổi hành vi của mình – không làm được gì hết – nhưng nó sẽ khiến ĐCSTQ bối rối và gặp khó khăn hơn khi tiếp tục nói dối, ông Xenakis nhận định.

Nỗi sợ đức tin của ĐCSTQ

 

Cuộc đàn áp hiện tại đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương phản ánh một phần tình trạng bức hại tín ngưỡng lâu dài của ĐCSTQ đối với các nhóm đức tin như Tin lành, Công giáo và Phật giáo. Chính quyền Trung Quốc coi đức tin là một đe dọa đối với ĐCSTQ vốn theo quan điểm vô Thần.

Thậm chí, môn khí công không phải tôn giáo như Pháp Luân Công cũng không thoát khỏi chiến dịch đàn áp, vì môn tập bao gồm các nguyên lý thuộc trường phái Phật gia. Các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc bị bức hại từ năm 1999 theo lệnh của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đương thời Giang Trạch Dân, sau khi ông này nảy sinh tâm lý bất bình vì số học viên tăng nhanh tới 100 triệu, vượt quá số lượng đảng viên khi đó là khoảng 60 triệu.

Pháp Luân Công trên thế giới
Pháp Luân Công, môn khí công được yêu chuộng tại nhiều quốc gia, bị chính quyền Trung Quốc tuyên truyền bôi nhọ và đàn áp từ năm 1999 đến nay. Trong ảnh, các học viên Pháp Luân Công Ukraine diễu hành trên đường 42, thành phố New York, Mỹ nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2015 (Ảnh: The Epoch Times)

Theo Breitbart, ĐCSTQ đã quy định cái mà họ gọi là “5 độc tố” của xã hội, phải bị kiểm soát hoặc dập tắt, bao gồm “người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, các nhà hoạt động dân chủ, người Đài Loan và các học viên Pháp Luân Công”.

Trong mắt các quốc gia dân chủ phương Tây, 5 nhóm này không phải là độc tố mà chính là các nạn nhân bị chính quyền Trung Quốc bắt nạt.

Năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ và Nghị viện châu Âu đã đưa ra nghị quyết yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng phi pháp từ các học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và một số tín đồ Cơ Đốc giáo tại gia. Tuy nhiên, tới nay Bắc Kinh vẫn phớt lờ yêu cầu này.

(Duy Nghĩa / Đại Kỷ Nguyên)