Khi bà Nghị bị dân chọi giày: nên tự trọng từ nhiệm?

Oct 21, 2018

 

Dĩ nhiên với khoảng cách quá xa, chiếc giày không thể ‘đập’ vào mặt bà chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (xem clip, từ giây thứ 10). Đó là buổi sáng ngày 20-10-2018, ngày kỷ niệm Phụ nữ Cách mạng Việt Nam.
Nhiều cảm xúc cho hành động một cử tri đã ‘chọi giày’ về hướng các ông bà nghị của TP.HCM tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2. Bài viết tạm giới hạn câu chuyện ‘chọi giày’ trong khuôn khổ điều chỉnh của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội; và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cần bị bãi nhiệm!
“Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương”. Điều 5.1.a của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã trao cho bà Nguyễn Thị Quyết Tâm quyền lực ấy. Bà Quyết Tâm cũng được trao quyền “chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở địa phương” (Điều 5.1.d, luật đã dẫn).
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là đại biểu hội đồng nhân dân TP.HCM hai khóa liên tiếp 8 và 9 ở đơn vị bầu cửa số 7, gồm cử tri các quận 2, 9 và Thủ Đức. Bà cũng là đại biểu Quốc hội hai khóa liên tiếp 12 và 13.
Bà từng có phát biểu gây nhiều phản ứng tiêu cực: “Nếu con em cán bộ lãnh đạo mà có sự trưởng thành và được các Đại hội Đảng tín nhiệm hoặc được tổ chức tín nhiệm giao những trọng trách quan trọng thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc ta, của Đảng ta. Tôi nghĩ là vậy.
Đó là sự kế thừa, giữ gìn và biết phát huy truyền thống đó để kế tục sự nghiệp của cha ông. Đó phải là điều hạnh phúc đối với dân tộc mình chứ? Tại sao chúng ta lại nghi ngại?. Chỉ trừ những trường hợp khuất tất, anh thực sự không có năng lực mà được giao nhiệm vụ thì mới phải nghi ngại. Còn đây là được Đại hội Đảng tín nhiệm thì điều đó là rất đáng mừng. Nếu con em cán bộ lãnh đạo mà hư hỏng hết thì đó mới là điều bất hạnh.
Nhưng tôi cũng đồng ý với ý kiến là phải thi tuyển các chức danh lãnh đạo, điều này chúng ta cũng đã nói rồi, đã bắt đầu làm rồi, dần dần phải vươn đến việc thi tuyển vì nó thể hiện sự công bằng, minh bạch và chuyên nghiệp trong tổ chức bộ máy của chúng ta”. [Nguồn trích: http://bit.ly/2yPmqLM]
Như vậy, suốt gần 2 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, đặc biệt ở khóa 9, bà còn là chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, song bà vẫn tiếp tục dung dưỡng hàng loạt sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Rất có thể bà thuộc trường hợp như bà từng nói, là mặc dù “được Đại hội Đảng tín nhiệm”, nhưng bà lại thuộc nhóm người cơ hội và thiếu tự trọng của chuyện “thực sự không có năng lực mà được giao nhiệm vụ” [nguồn đã dẫn]
“Chọi giày” bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: sự bất lực của pháp luật
Hành động cử tri ‘chọi’ chiếc giày hướng về phía trước nơi có các ông, bà nghị, xét về mặt lý thì là dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, nhưng chưa đưa đến hậu quả nào (ngoài sự hả hê của cộng đồng!). Song về cả lý lẫn tình, thì đang rất cần truy xét vì sao người dân lại phải ‘tức nước vỡ bờ’ đến nỗi như vậy?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là người đứng đầu Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Bà biết rất rõ người dân Thủ Thiêm dồn nén uất ức vì bị chính quyền chèn ép, cưỡng chế thu hồi đất đai bất chấp pháp luật suốt hơn hai mươi năm qua.
à Nguyễn Thị Quyết Tâm đã chọn việc im lặng, không thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một đại biểu Quốc hội theo luật định: “Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật” (Trích Điều 34. “Quyền yêu cầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật”, Luật Tổ chức Quốc hội).
Bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM và ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đều không thực hiện quy định tại Điều 43.2.c, Luật Tổ chức Quốc hội: “Tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin, báo cáo về những vấn đề mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm”.
Như vậy, với sự bất tín nhiệm của cử tri Thủ Thiêm (Điều 7.4, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương), và việc không tuân thủ quy định của pháp luật như nói trên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và cả ông Nguyễn Thiện Nhân đã có thể tự trọng để từ nhiệm đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa 9, và đại biểu Quốc hội khóa 13.
Bài viết này chưa đề cập tới trách nhiệm đảng viên của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, và ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM. Nếu căn cứ vào Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị “về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”, ban hành ngày 08-03-2018 [tải về tại http://bit.ly/2PKgQS2] thì có lẽ chỉ xét riêng vụ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, đã có thể kỷ luật cả tập thể đảng bộ TP.HCM liên tiếp các nhiệm kỳ, kể từ thời Bí thư Lê Thanh Hải, Đinh La Thăng cho đến Nguyễn Thiện Nhân.
Ông bà có nói: Nhà dột từ nóc.
Theo Việt Nam Thời Báo

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: quyền lực và món nợ công khai tài sản

 

 

Ngày 23.10 là một ngày lịch sử của chính trị Việt Nam, khi một người đứng ra kiêm nhiệm 2 chức vụ quyền lực của cả nước: Chủ tịch nước và Tổng Bí thư.
Không có nhiều điều để bàn về điều này, khi cuộc bỏ phiếu kín chưa diễn ra, nhưng hình ảnh ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã nằm trong tiêu đề: TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước ngày 23.10. Và nguồn này đến từ VOA, một đài phát thanh thuộc chính phủ Mỹ.
Nhưng trước đó, tin tức về sự chắc thắng của ông Nguyễn Phú Trọng trong chức vụ Chủ tịch nước đã được cư dân mạng xã hội Facebook lan truyền, thậm chí, là đến ngay cả thông qua đề án kiêm nhiệm.
Nhưng người đứng đầu đảng không bao giờ gọi đó là ‘sắp xếp’ vì nó sẽ phản ánh sự thu xếp phe nhóm trong nội bộ đảng, hay ‘thu vén’ thì nó mang tính tập trung quyền lực. Ông Nguyễn Phú Trọng sau đó lên báo chí truyền thông nhấn mạnh đó chỉ là ‘tình huống’, tất nhiên, nó là tình huống được đẩy đưa sau một thời gian của các phe phái trong nội bộ Bộ Chính trị. Và bản thân ‘tình huống’ này xuất phát từ chính sự thu vén quyền lực khá tài tình từ ‘người giáo già’ mang tên Nguyễn Phú Trọng.
Phủ chủ tịch nước CHXHCNVN. Ảnh: Iniz
Đấy là bước đi chiến lược khá thông minh cũng như sự cẩn trọng sử dụng ngôn từ từ ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Điều này được đánh giá là có ‘chuyển biến tích cực’, ít nhất là không phải kiểu thô vụng như: Hiến pháp là văn bản quan trọng thứ hai sau cương lĩnh.
Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm chức vụ Chủ tịch nước cũng sẽ tạo ra nhiều tình huống khác nhau cho chính thể chế. Một trong số đó là cuộc chiến đốt lò được tăng tốc dưới sự chỉ đạo của ông. Và ông Bộ trưởng Bộ Công an – Tô Lâm trong dịp kỷ niệm ngày truyền thống kiểm tra cách đây vài ngày không hiểu sao đã ‘mạnh dạn’ vượt Chỉ thị 15 (công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên) bằng khẳng định: đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật đảng đều phải bị xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Quyền lực qua ngày 23.10 thực tế sẽ nằm trong tay 1 người, và người dân vẫn phải cảnh giác trước những ‘vi phạm kỷ luật’ được tiếp nhận có chọn lọc, hay đúng là là lạm dụng chức vụ cao để thanh trừng phe phái như cách mà Stalin đã từng tiến hành ở Liên Xô năm nào, và hiện tại là Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Nhưng điều lạ mà người viết cảm nhận trước ngày 23.10 chính là quan điểm của TS Lê Hồng Hiệp, một nghiên cứu viên chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online. Trong đó, ông Hiệp nhấn mạnh: Dù đề cao nhà nước pháp quyền, tôi vẫn cho rằng ‘đức trị’ luôn quan trọng. Đạo đức của mỗi cán bộ, công dân sẽ giúp pháp luật được tuân thủ nghiêm minh, hiệu quả hơn.
‘Việc Hội nghị Trung ương 8 nhấn mạnh đến yếu tố nêu gương của các cán bộ, đảng viên là hoàn toàn đúng đắn.’ – Ông Hiệp cho hay.
Phương pháp ‘đức trị’ này không phải đến bây giờ mới được đề cập, mà người đề cập nhiều nhất có lẽ là ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Người mà luôn muốn ‘xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức’. Vấn đề là tính nêu gương về mặt đạo đức đến hiện nay của người đứng đầu Đảng và Nhà nước chỉ diễn ra trên những ‘giai thoại’ mặt báo, nó không phải ánh đầy đủ và chính xác quy trình ‘nêu gương đạo đức’.
Một lá thư của 85 cử tri, trong đó gồm nhiều nhà lão thành cách mạng yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản, tức là hiện thực hóa tính nêu gương và cho thấy ‘đạo đức’ của ông không có vấn đề gì đến nay vẫn gặp sự im lặng. Trước đó, một lá thư tương tự cũng chìm vào dư luận, mặt dù về bản chất – nếu thực hiện theo yêu cầu hay khuyến nghị của lá thư sẽ giúp ông Nguyễn Phú Trọng thực sự minh bạch và thực sự có tính đạo đức hơn.
Tuy nhiên, ông Trọng vẫn giữ ‘quyền im lặng’, vẫn nói về đạo đức, và giờ đây ‘đức trị’ lại được coi như phẩm giá bên cạnh pháp quyền. Nếu mọi thứ diễn tiến như đúng sự ‘im lặng’ vừa qua, thì cả hai yếu tố nêu trên đều sẽ trở nên méo mó trong thời kỳ tới.
Pháp quyền với Hiến pháp đứng sau cương lĩnh và đạo đức chính là loại trừ kê khai tài sản đối với người đứng đầu đảng.
Thế nên, cái gọi là ‘Lịch sử đã lựa chọn, Nhân dân đã lựa chọn!’ [tựa đề báo Pháp Luật thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Tư pháp] chỉ được hiểu đúng ở vế đầu, riêng vế sau cần xem xét lại. Hay đúng hơn, ‘lòng dân’ ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng là đúng, nhưng ‘lòng dân’ ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng hay không cần phải xét lại. Bởi không phải ai cũng dễ thỏa hiệp với những giai thoại đạo đức mà bỏ qua những tiến trình kê khai tài sản – minh bạch tài sản để ‘làm gương’ đạo đức cho cấp dưới cả.
Và dù có ‘khiếm khuyết’ như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng ‘lên ngôi’ theo đúng quy trình lần này với 100% phiếu bầu. Lời chúc mừng vẫn sẽ gửi đến ông Nguyễn Phú Trọng, bởi ông là con người phù hợp với thể chế, giáo điều, và cả đạo đức cộng sản.
Bên cạnh đó, sự lên ngôi của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy một thực trạng buồn cười là, một người dù chưa đáp ứng yếu tố minh bạch nhưng vẫn có thể len lỏi lên nắm quyền lực cao nhất đất nước. Hay là vì những người tài và đức hiện giờ đều nằm trong tù cả rồi?
Theo Việt Nam Thời Báo

Yên Bái: dân kiên quyết giữ rừng Nà Kèn

 

 

Mặc dù UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định tạm dừng hoạt động thăm dò khoáng sản đá hoa trắng tại khu vực mỏ Nà Kèn (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên) nhưng người dân không tin tưởng, quyết định tập trung canh chừng cả ngày lẫn đêm. Vụ việc căng thẳng cả tháng nay vẫn chưa chấm dứt…
Từ rừng Nà Kèn nơi có mỏ đá hoa trắng Nà Kèn thuộc xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái người dân ở đây đã liên lạc với Việt Nam Thời Báo (VNTB) để chia sẻ thông tin tình hình của hàng ngàn hộ dân ở đây cả tháng qua căng thẳng với chính quyền rằng, mặc dù vào ngày 29/9/2018 người dân đã nhận được thông tin là UBND tỉnh đã ra quyết định tạm dừng hoạt động thăm dò khoáng sản tại khu vực Nà Kèn để đối thoại với người dân, xoa dịu phần nào căng thẳng. Tuy nhiên, người dân bày tỏ bức xúc, không tin tưởng ở quyết định của chính quyền nên vẫn tiếp tục tập trung đông người cả ngày lẫn đêm để canh giữ rừng, nhằm ngăn chặn không người của Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K Việt Nam (gọi tắt làcông ty R.K Việt Nam) lên rừng Nà Khèn tiến hành việc khoan thăm dò, đo đạc
Một người dân giấu tên chia sẻ:
“Hiện tại vẫn canh rừng, dân vẫn canh rừng. Dân không cho khai phá rừng đâu, giờ dân vẫn canh rừng, nằm trên rừng ấy. Nhiều người, cả làng, cả xã trên đấy.”
Người dân này lý giải, chính quyền Yên Bái và công ty R.K Việt Nam quyết định tạm dừng chứ không phải là dừng hẳn việc thăm dò, đo đạc.
“Sao không canh? Họ chỉ nói tạm dừng thế thôi, họ vẫn cho người lên ở xã trên, họ vẫn tiếp tục chuẩn bị lên rừng. Họ chỉ nói tạm dừng thế thôi. Dân ở đây không tin tưởng ai đâu, không tin tưởng chính quyền, không tin tưởng cái gì đâu”Mạng xã hội và báo đài cho biết và ngày 27/9 vừa qua, Công ty R.K Việt Nam có sự hậu thuẫn đông đảo của lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an và nhiều lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái nói chung có mặt tại mỏ Nà Kèn để tiến hành việc khoan thăm dò, đo đạc. Ngay lập tức, hàng trăm người dân xã Lâm Thượng đã trực sẵn từ nhiều ngày trước đó tay không quyết liệt ngăn cản lực lượng chức năng. Căng thẳng xảy ra khi lực lượng chức năng tố cáo người dân có hành vi ném đá vào đoàn thăm dò, trong khi người dân tố cáo lực lượng chức năng đã dùng roi điện, súng, gậy gộc để trấn áp người dân. Chung cuộc, phía người dân có trẻ em bị chích roi điện, phụ nữ bị đánh ngất và nhiều người bị thương tích, còn phía lực lượng chức năng có một nữ cán bộ tuyên giáo huyện Lục Yên bị người dân bắt giữ nhưng sau đó được thả tự do vào ngày 28/9.
“Tôi không rõ, hôm ấy tôi bệnh nên không đi. Tôi nghe bảo đánh nhau, đánh hai trẻ em bị dí điện và hai phụ nữ bị đánh ngã. Dân ở đây tay không lên rừng, không cầm cái gì còn ở bên kia họ toàn dùi cui, roi điện, súng, nạt dân, bắt dân. Người dân chẳng làm gì cho ai đâu”- Lời chia sẻ của người dân.
Người dân xã Lâm Thượng cho biết, Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K Việt Nam đã tiến hành thăm dò, đo đạc nhằm mục đích khai thác khoáng sản đá hoa trắng tại khu vực mỏ Nà Kèn này là vào năm 2014. Nhưng đến tháng 9/2016, Công ty này mới được Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp Giấy phép thăm dò số 248, thời hạn đến ngày 29/1/2020, với diện tích thăm dò trên 101 ha.
Người dân xã Lâm Thượng bị đánh dẫn đến thương tích. Ảnh: Facebook HD
Các hoạt động thăm dò, do đạc của Công ty R.K Việt Nam đã gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn và đây cũng là nguồn nước sinh hoạt chính yếu của hàng ngàn hộ dân ở xã Lâm Thượng. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân như làm cá chết, làm hư hỏng tài sản của người dân, ngoài ra còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người dân, cho nên người dân đã nhiều lần phản ánh vụ việc lên chính quyền nhưng không thấy chính quyền vào cuộc giải quyết ổn định tình hình.
“Thăm dò từ năm 2014, thăm dò xong giờ vẫn bảo thăm dò. Dân họ bảo không cho thăm dò nữa. Thăm dò chết hết cá của người dân, hủy cả đồ của dân hết nên dân không cho lên nữa.”- Người dân nói.
Vì vậy, người dân nhiều lần ngăn cản việc thăm dò, đo đạc của Công ty R.K Việt Nam và lần này được cho là căng thẳng nhất khi phải đụng độ với lực lượng chức năng.
Cũng liên quan đến vụ căng thẳng này, Đài RFA ở Hoa Kỳ cho biết, tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International vào hôm 18 tháng 10 năm 2018 đã ra thông cáo hối thúc chính quyền Việt Nam mở ngay cuộc điều tra rốt ráo về vụ việc 11 người Tày bản xứ bao gồm cả phụ nữ và trẻ em bị bảo vệ Công ty R.K Việt Nam đánh bị thương. Đồng thời yêu cầu chính quyền Việt Nam cần có các biện pháp cụ thể để đảm bảo rằng, những tác động về môi trường và quyền con người trong việc khai thác mỏ đá phải được đánh giá, giải quyết đúng cách; bồi thường công bằng cho bất kỳ đất đai và di sản văn hóa nào bị lấy đi hoặc bị làm hư hại mà không có sự tự nguyện và tán thành của người Tày bản địa./.
Theo Việt Nam Thời Báo

Bài Khác