Thời Sự Hàng Tuần ngày 20/10/2018 October 20, 2018 

Đỗ Văn Phúc biên tập

 

Hai nước Cao Ly hoà hoãn, hợp tác

Image result for n. s koreas signed new agreements

Các phái đoàn đại diện hai nước Cao Ly hôm thứ Hai đã họp và thoả thuận việc tăng cường quan hệ hợp tác mà đầu tiên là nối lại các con đường xe hơi, xe lửa Nam Bắc. Trong hoàn cảnh Hoa Kỳ đang lo ngại những việc này sẽ làm ảnh hưởng không hay đối với việc cấm vận Bắc Cao Ly trong khi nước này chưa hoàn toàn đáp ứng điều kiện hủy bỏ hết các phương tiện và cơ sở thử nghiệm hoả tiễn và nguyên tử. Tham dự cuộc họp có Bộ Trưởng Bộ Thống Nhất Nam Cao Ly Cho Myoung-gyon và Chủ Tịch Ủy Ban Hoà Bình và Thống Nhất Bắc Cao Ly Ri Son Gwon.

Cuộc họp Nam Bắc Cao Ly đã diễn ra ngay tại khu vực Panmunjom mà mục đích là thực hiện những cam kết của Tổng Thống Nam Cao Ly Moon Jae-in và lãnh tụ Bắc Cao Ly Kim Jong-un trong lần thứ ba họ gặp nhau vào cuối tháng trước.

Theo bản Thông Cáo Chung do Bộ Thống Nhất của Nam Cao Ly phổ biến thì “Sau những cuộc họp rất thành khẩn, hai miền Nam Bắc đã đạt được sự thoả thuận phát triển mối quan hệ lên một tầm mới cao hơn.” Họ cũng đồng ý vào cuối tháng 11 hay đầu tháng 12 sẽ tổ chức chung một buổi lễ khánh thành khởi công tái xây dựng con đường xe lửa và xe hơi Nam Bắc mà đã bị cắt đứt do chiến tranh từ 1950-1953.

Họ cũng bàn kế hoạch cùng đứng ra nộp đơn tranh việc tổ chức Thế Vận mùa hè năm 2032. Nhưng gần nhất sẽ là việc giúp cho các gia đình bị phân ly được tiếp xúc với nhau qua webcam và trao đổi các băng video.

Về mặt quân sự, các lãnh đạo quân đội hai bên cũng sẽ gặp và bàn những việc cần làm để thực thi những điều cam kết mới đây là bảo đảm một nền hoà bình tại khu vực. Những điều quan trọng là thành lập một ủy ban quân sự hỗn hợp, ngưng các cuộc thao diễn quân sự, lập khu vực không có phi cơ bay qua tại gần biên giới, tháo gỡ bom mìn và bỏ các bốt canh trong khu Phi quân sự.

Ngoài ra, sẽ có những lần họp vào cuối tháng tại một văn phòng liên lạc chung ở Kaesong để bàn việc hợp tác y tế, ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm và bàn luôn việc tái tạo các khu rừng.

Trước những diễn biến mới đó ở Cao Ly, Hoa Kỳ tỏ ra lo ngại nó có thể ảnh hưởng đến cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai lãnh tụ Mỹ và Bắc Cao Ly dự trù sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới đây.

Hoa Kỳ vẫn giữ vững điều kiện duy trì sự cấm vận cho đến khi nào Bắc Cao Ly hủy bỏ hoàn toàn việc thử nghiệm nguyên tử. Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Mike Pompeo biểu lộ sự bất như ý việc Nam Cao Ly đã đi quá nhanh và quá xa, nhất là các cam kết về lãnh vực quân sự.

Vào tháng 8, Bộ Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ chỉ huy đã từ chối thông qua việc chạy thử xe lửa. Điều này coi như bác bỏ kế hoạch tham khảo chung về dự án lập đường xe lửa của hai bên Nam Bắc Cao Ly.

Nữ phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhắc lại lời tuyên bố của chính Tổng Thống Moon Jae-in rằng việc cải thiện quan hệ giữa hai miền không thể tách rời và đi trước việc giải quyết vấn đề nguyên tử của Bắc Cao Ly. Bà nói: “Chúng tôi mong rằng các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thực thi nghiêm chỉnh lệnh cấm vận của Hội Đồng Bảo An. Các nước phải thấy rõ trách nhiệm quan trọng để giúp cho Bắc Cao Ly chấm dứt các chương trình hoả tiễn và nguyên tử bất hợp pháp.

Tổng Thống Trump cũng nhắc rằng Nam Cao Ly không thể bỏ việc cấm vận đối với Bắc Cao Ly nếu không có sự đồng ý của Hoa Kỳ.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ thăm Việt Nam

Image result for James Mattis IN vn

Ngày thứ Ba 16 tháng 10, cựu Đại Tướng James Mattis, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đã đến Việt Nam như một dấu hiệu của hành pháp Trump cho thấy Hoa Kỳ thật sự quan tâm đến việc đối đầu với những mưu toan bành trướng của Trung Cộng ở vùng Đông Nam Á, đặc biệt là ở biển Đông.

Đây là lần thứ hai ông Mattis đến Việt Nam để hội đàm cùng các viên chức quốc phòng cao cấp của chính phủ Cộng Sản Việt Nam. Lần thứ nhất là vào tháng giêng đầu năm nay. Ông Mattis là một cựu tướng lãnh trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, nhưng không có mặt trong chiến tranh Việt Nam trước đây. Việc ông đến vào dịp đánh dấu 50 năm ngày Việt Cộng phát động chiến dịch Tổng tấn công – Tổng nổi dậy mà chúng ta biết qua biến cố Tết Mậu Thân 1968, trong đó hàng chục vạn quân Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng đã bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phản công, đánh cho tan tác và bỏ thây hàng chục ngàn trên khắp các thành phố miền Nam.

Vào tháng Tư, ba tháng sau chuyến thăm viếng đầu tiên của ông Mattis, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập bến Đà Nẵng. Việc một chiến hạm tầm cỡ của Mỹ đến Việt Nam như là sự nhắc nhở cho Trung Cộng biết quyết tâm của Mỹ là sẽ gia tăng hợp tác quân sự với các nước trong vùng để tạo đối trọng trước sự đe dọa ngày một tăng của Trung Cộng.

Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump rất nhiều lần lên án việc Trung Cộng xây thêm nhiều đảo nhân tạo, lập thêm căn cứ quân sự và bố phòng bằng các loại hỏa tiễn SAM cũng như các khí tài nhằm kiểm soát, chế ngự biển Đông mà họ chiếm đóng trái phép. Ông Mattis cũng nhận định việc bố phòng này là nhằm đe dọa, cưỡng bức các nước láng giềng.

Tuần trước, ông phải hủy bỏ chuyến đi thăm Trung Cộng do sự căng thẳng về ngoại thương và tình hình sôi động ở biển Đông. Vào mùa hè, khi mở ra cuộc thao diễn quân sự lớn ở Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã hủy bỏ lời mời Trung Cộng tham dự. Trung Cộng ngược lại cũng từ chối không cho một chiến hạm Mỹ cập bến Hong Kong. Tiếp đó, họ cũng bỏ luôn chuyến viếng thăm của Tư Lệnh Hải Quân Mỹ và yêu cầu Mỹ ngưng bán vũ khí cho Taiwan.

Trong chuyến đi Việt Nam lần này, ông Mattis cũng đi thăm Sài Gòn và căn cứ Không Quân Biên Hoà. Từ sau khi chiến tranh chấm dứt, trước ông Mattis, chỉ có Bộ Trưởng Quốc Phòng William Cohen đến Việt Nam năm 2000 thời cựu Tổng Thống Bill Clinton còn tại chức. Năm 1995, ông Bill Clinton mở quan hệ ngoại giao với Việt Nam và bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Nhưng phải đến 2016, Hoa Kỳ mới chính thức bãi bỏ việc cấm bán vũ khí.

Một nhà phân tích chuyên về Á Châu Sự Vụ của Hội Đồng Đối Ngoại là ông Josh Kurlantzick, nhận định rằng chính sách ngoại giao và phòng thủ của Việt Nam đang dần dần xa rời khuynh hướng thận trọng giữ cân bằng ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, mà có vẻ bắt đầu thiên về phía Mỹ hơn. Theo ông, Việt Nam có vẻ thích nghi với chính sách của ông Trump khi vị Tổng Thống Hoa Kỳ đề nghị một chiến lược “mở cửa, tự do trong vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương” mà theo đó, sẽ bảo đảm cho các quốc gia trong vùng tránh khỏi nạn cưỡng ép của Trung Cộng, bảo đảm tàu thuyền quốc tế thông thương an toàn ngay trong vùng biển Đông.

Đó là nhận định của một nhà phân tích Mỹ. Còn đối với người Việt chúng ta, chúng ta đã thấy quá rõ ràng sự hèn nhát, lệ thuộc sâu đậm vào Trung Cộng trong hầu hết mọi lãnh vực từ hơn nửa thế kỷ qua.

Nhất là về phương diện chính trị, Việt Nam có quá nhiều cơ hội để thay đổi chế độ độc tài, độc đảng, đem lại dân chủ tự do nhân quyền cho 90 triệu dân. Nhưng đám lãnh tụ vô học ở Ba Đình vẫn ôm chặt quyền lực, càng ngày càng đàn áp dân chúng, càng đi sâu vào sự tham nhũng thối nát. Dù có trông cậy vào sức mạnh của Hoa Kỳ; một khi không được lòng dân, thì không thể có được sức mạnh để đối đầu với ngoại xâm.

Do sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ và nhân chuyến đi này của Bộ Trưởng Mattis, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã trả tự do cho bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, biệt danh Mẹ Nấm và trục xuất bà ra khỏi nước. Bà bị bắt ngày 10 tháng 10, 2016 và bị kết án 10 năm tù trong phiên toà ngày 29 tháng 6, 2017 với tội danh tuyên truyền, đánh phá nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Bà bị giam ở trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Trong tù, bà nhiều lần tuyệt thực để phản đối sự đàn áp, bạo hành.  Bà Như Quỳnh và gia đình đã lên chuyến phi cơ của hang Eva, rời Việt Nam ngày 17 tháng 10 và đáp xuống Houston. Xin chúc mừng bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và gia đình đến bến bờ tự do.

Hoa Kỳ khó xử vì cái chết của một ký giả Saudi

Image result for Khashoggi

Một ký giả người Saudi làm việc cho báo Washington Post bi giết trong Toà Lãnh Sự Saudi Arabia ở Istanbul, thủ đô nước Turkey. Ông Khashoggi là một nhân vật chống đối từng viết nhiều bài báo kết án chính quyền của Thái Tử Salman. Ông phải lưu vong tị nạn tại Hoa Kỳ và được cấp giấy thường trú nhân.

Máy thu hình gắn ở bên ngoài toà lãnh sự cho thấy ông Jamal đã bước vào bên trong toà Lãnh Sự Saudi Arabia ngày 2 tháng 10 để xin giấy phép kết hôn; nhưng không ghi nhận hình ảnh ông đi ra. Phía Turkey cho biết họ có đủ bằng cớ ông Jamal bị giết và xẻ thịt, thủ tiêu ngay bên trong toà lãnh sự. Họ cho hay có những video để chứng minh. Nhất là chiếc đồng hồ loại iWatch mà ông Jamal đeo trên tay đã ghi lại những tiếng la hét của ông khi bị tra tấn và giết chết. Điều này hơi khó hiểu, vì làm sao mà những người Turkey tìm được chứng tích trên chiếc đồng hồ mà chắc chắn những kẻ giết người phải giữ hay thủ tiêu nó!

Ban đầu, Bộ Trưởng Nội Vụ Saudi Arabia tuyên bố phủ nhận việc giết ông Jamal. Ông cho rằng đây là tin bịa đặt. Saudi nói sẽ mở cuộc điều tra sâu rộng về vụ này. Các quốc gia Âu Châu liền phản đối dữ dội. Họ hủy bỏ chương trình tham gia hội nghị đầu tư tại thủ đô Riyadh của Saudi.  Chính quyền Turkey đã cho một phái đoàn điều tra hình sự đi vào bên trong toà lãnh sự để điều tra. Tổng Thống Trump hôm cuối tuần cũng tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh nếu Saudi đã giết chết người ký giả này. Qua hôm thứ Hai, khi trả lời một câu hỏi của một phóng viên, ông cho hay có nhận được từ Quốc Vương Saudi lời chối bỏ một cách rất cứng rắn.

Nhưng đến sáng thứ Ba, viên lãnh sự Saudi đã lên máy bay đột ngột rời Turkey về nước và phía Saudi tuyên bố họ đã lỡ tay giết ký giả Jamal Khashoggi trong khi điều tra ông này. Họ nói rằng họ chỉ muốn giữ ông này và đem về lại Saudi mà thôi.

Việc giết chết những ký giả, phóng viên là một tội ác rất nghiêm trọng. Nó vừa vi phạm nhân quyền, vừa vi phạm quyền tự do báo chí; là những giá trị mà Hoa Kỳ luôn cổ vũ và bảo vệ.

Vì thế, Tổng Thống Hoa Kỳ đang đứng trước những sự lựa chọn khó khăn khi phải giải quyết vụ này. Ông Mike Pompeo hôm thứ Ba đã bay sang Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia để gặp Quốc Vương và Thái Tử Mohammed bin Salman, là người thực sự cầm quyền tại vương quốc này.

Vì cùng có chung kẻ thù là Iran, Hoa Kỳ và Saudi Arabia, cũng như Kuwait, Jordania… đã kết đồng minh từ hàng chục năm qua. Nhất là Hoa Kỳ cũng có quyền lợi về dầu mỏ ở các nước này. Saudi cũng vừa là khách hàng rất sộp mua của Mỹ hàng chục tỷ đô la vũ khí gồm các loại máy bay chiến đấu tối tân.

Nếu các nước Tây Phương áp lực Hoa Kỳ phải có biện pháp chế tài cứng rắn với Saudi, có khả năng nước này sẽ hủy bỏ những hợp đồng mua vũ khí của Mỹ mà quay sang mua hàng của Nga. Điều này chắc chắn sẽ làm lệch cán cân lực lượng tại Trung Đông, và là một thất bại, thiệt thòi rất lớn cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh.

Các nước Liên Âu như Pháp, Anh, Đức đã ra một bản tuyên bố chung nói lên sự quan tâm triệt để và đòi phải đưa kẻ giết người ra trước ánh sáng pháp luật. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu phía Saudi phải có một cuộc điều tra thật kỹ và minh bạch.

Cũng có chút liên quan đến tin này; vừa qua Tổng Thống Trump đã áp lực can thiệp với Turkey đễ chính phủ nước này phải thả Mục Sư Andrew Brunson.

Ông Brunson tạm trú tại Turkey để truyền đạo từ thập niên 1990. Hơn hai năm trước, ông Brunson bị nhà cầm quyền Turkey bắt giữ và bị ghép tội gián điệp, xúi dục dân chúng Turkey làm loạn. Ông bị xử án 35 năm tù. Tổng Thống Trump đã áp dụng nhiều biện pháp như tăng thuế đối với Turkey. Hậu quả là làm cho nền kinh tế nước này khốn đốn. Họ phải thả ông ra và trả về Mỹ cuối tuần qua.

Ông Brunson đã được Tổng Thống Trump tiếp tại toà Bạch Cung hôm thứ Hai. Theo ông, Hoa Kỳ đã không trả tiền chuộc như người ta đồn đãi. Từ khi lên làm Tổng Thống, ông Trump đã can thiệp cho nhiều công dân Mỹ bị bắt giữ tại các nước; bạn có, thù có. Như trường hợp một thanh niên Mỹ gốc Việt ở Houston là Will Nguyễn, bị Việt Cộng bắt giam vì tham gia biểu tình ở Sài Gòn chống đối Luật về đặc khu. Ngay sau khi về lại Mỹ, anh bạn trẻ đã phủi ơn mà lên trang Facebook mạt sát Tổng Thống Trump, kết án ông là kỳ thị chnủg tộc.

Công ty bán hàng SEARS tuyên bố phá sản

Image result for SEARS

Những năm trước 1975, dân miền Nam thường được thấy những tập catalog dày cả ngàn trang, hình ảnh màu sắc tươi sáng in trên giấy láng, giới thiệu các mặt hàng của hãng Sears từ áo quần, trang sức, cho đến dụng cụ, máy móc… Ai cũng tin rằng Sears là một công ty bán lẻ lớn nhất tại Hoa Kỳ thời đó.

Quả đúng như thế, Công ty Sears do ông Richard Sears thành lập năm 1886, ban đầu chỉ chuyên làm và bán đồng hồ. Sau đó ông Richard Warren Sears và ông Alvah Curtis Roebuck hợp tác, đổi tên là Sears, Roebuck and Company từ năm 1892. Cuốn catalog đầu tiên của Sears Roebuck năm 1896 cho thấy chỉ có các mặt hàng đồng hồ và nữ trang. Đến 1906 thì lần nữa được sáp nhập lại bởi hai ông Richard Sears và Julius Rosenwald. Như thế, Sears đã có mặt và làm chủ trên thương trường Mỹ được 132 năm. Sau này chỉ mang tên Sears Holdings với hai hệ thống bán lẻ là Sears và Kmart. Cùng với Walmart, Sears là công ty bán lẻ lớn nhất và sử dụng nhiều nhân công nhất thế giới.

Các mặt hàng do Sears bán ra thường rất tốt; nhất là dụng cụ cầm tay và các máy móc gia dụng. Chúng ta thường ưa chuộng các dụng cụ do hãng Craftsman làm ra, hay các máy giặt máy sấy Whirlpool, Kenmore… Nhưng Sears không cạnh tranh nổi với Walmart là công ty bán hàng rất rẻ do họ nhập hàng từ Trung Cộng.

Do sự ra đời của các công ty bán hàng online như eBay, Amazon…, những công ty chỉ áp dụng phương pháp cũ, bán hàng qua các cửa tiệm, đã không còn khả năng thu hút khách hàng. Một mặt, cũng do việc chi phí rất cao cho hàng trăm ngàn nhân viên, bảo trì cơ sở, tiền thuế địa ốc…Từ năm 2010, Sears lỗ mất 11.7 tỷ đô la. Mức bán ra sụt đến 60%. Trong 13 năm, Sears phải đóng cửa hết 2800 cửa hàng! Năm qua, công ty Sears đã phải đóng cửa thêm hàng trăm cơ sở buôn bán trên khắp các tiểu bang. Hôm thứ Hai đầu tuần, Sears tuyên bố mang nợ 134 triệu đô la đáo hạn mà không có khả năng trả nợ và đã khai phá sản.

Sau khi ông Eddie Lampert từ chứcCEO, Ban Giám Đốc công ty cho hay họ sẽ đóng cửa 46 cửa hàng vào tháng 11 và đến cuối năm nay, họ sẽ đóng cửa thêm 142 cửa hàng, chỉ giữ lại khoảng 700 cửa hàng nào còn sinh lợi nhuận và giữ luôn việc bán hàng trên websites. Như thế vẫn còn giữ lại khoảng 68 ngàn nhân viên. Trước đây, Sears có hơn 1000 cửa hàng với 89 ngàn nhân viên. Tuy nhiên, họ đang tìm khách mua lại công ty.

Việc Sears phá sản sẽ làm cho Walmart, Amazon và Home Depot có thêm khách hàng.

Trong năm qua, chúng ta đã thấy sự phá sản của các công ty lớn như Toys “R” Us, RadioShack và Sports Authority. Các công ty Office Max phải bán và nhập vào Office Depot.

Sự ra đời của cuốn catalog được xem là một cuộc cách mạng trong thương mại. Nó làm thay đổi hẳn thói quen mua sắm của dân chúng, nhất là dân sống ở miền quê, các trang trại xa, hay các thị trấn nhỏ. Đây là sự khởi đầu của điều mà chúng ta gọi là mua sắm hàng sản xuất hàng loạt (mass produced goods). Sự ra đời của các cửa hàng Sears cũng tạo thói quen cho giới tiêu thụ Mỹ đi mua sắm ở các “mall”, giúp phát triển các khu ngoại ô thời hậu thế chiến thứ 2. Những loại máy gia dụng cũng làm cách mạng, giải phóng bàn tay của các bà nội trợ để các bà dấn thân hơn vào các công tác xã hội, chính trị. Thời cao điểm. Sears có đến 3500 cửa hàng với 317 ngàn nhân viên vừa Sears vừa Kmart trên khắp nước Mỹ.

Tổng Thống Trump và bầu cử năm 2020

Image result for trump for president 2020

Như thế chúng ta biết chắc Tổng Thống Trump đã có ý định tái tranh cử nhiệm kỳ 2 vào cuối năm 2020. Ngay khi vừa tuyên thế nhậm chức, chân ướt chân ráo bước vào Toà Bạch Cung, ông cũng đã nói đến ý định này. Trên email, face book, chúng tôi vẫn nhận các thư vận động tài chánh của ông. Trong hai tháng từ tháng 7 đến cuối tháng 9, ông vận động được 17 triệu, nâng tổng số tiền trong quỹ tranh cử của ông hiện nay là 107 triệu đô la. Được biết, có đến 98% số tiền này là do những khoản đóng góp nhỏ dưới 200 đô la do lớp quần chúng bình thường như chúng ta.

Phía bên Dân Chủ, có nhiều tin đồn các Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren, Cory Booker cũng có ý định tranh cử. Bà Warren trước đây tự nhận là có gốc thổ dân da đỏ Cherokee từ 6 đến 10 đời trước, như vậy là thuộc thành phần thiểu số. Nhưng cuộc xét nghiệm DNA hôm thứ Hai đã cho kết quả không mấy vui. Tỷ lệ có di truyền của bà chỉ là 1/1024. Mà cuộc xét nghiệm này không chỉ xét di truyền DNA của dân da đỏ, mà còn DNA gốc Mexico, Peru, và Columbia. Tổ chức Cherokee Nation của người da đỏ Cherokee đã lên tiếng phủ nhận bà, cho rằng cái kết quả này là vô dụng, là không thích nghi. Ông Chuck Hoskin, người trách nhiệm đối ngoại của tổ chức này cho hay kết quả xét DNA không thể dùng để xác định tư cách của bà Warren đối với bộ lạc Cherokee. Theo ông, kết quả không cho biết gốc gác của tổ tiên bà là thuộc bộ lạc thổ dân ở Nam hay Bắc Mỹ. Nhất là cái tỷ lệ 1/1024 thì rất mơ hồ.

Trước khi bà Warren thử DNA, Tổng Thống Trump có thách rằng nếu bà chứng minh được gốc gác da đỏ, ông sẽ tặng 1 triệu đô la cho một cơ quan từ thiện.

Lại thêm chuyện bà Hillary Clinton trong đầu tuần nhảy ra tuyên bố trên đài truyền hình CBS việc chồng bà, Bill Clinton, quan hệ tình dục với nhiều bà, cô khi còn là Tổng Thống Hoa Kỳ. Hillary không cho đó là sự lạm dụng quyền lực vì do sự thoả thuận của hai bên. Khi nói về cô Monica Lewinsky, Hillary cho hay ông Clinton cũng vô tội, vì cô Lewinsky là người trưởng thành. Năm đó, 1998, cô Lewinsky 22 tuổi! Những người phê bình bà ta cho hay rằng việc một Tổng Thống có quan hệ xác thịt với một cô tập sự viên phải được xem là sự lạm dụng quyền bính. Ngay cô gái Lewinsky, trong một bài viết cho báo Vanity Fair hồi tháng Ba, cũng coi đó là lạm dụng quyền lực quá đáng (a gross abuse of power). Vì theo cô: “Ông ta là sếp của tôi. Ông là người quyền lực nhất trên hành tinh.”

Trở lại chuyện tình dục của ông Trump. Tòa Án Liên Bang ở California vừa bác bỏ đơn kiện của cô đào phim con heo Stormy Daniels (tên thật là Stephanie Clifford) thưa ông Trump về tội mạ lị. Quan toà James Otero còn ra lệnh cho cô này phải trả hết chi phí của toà. Trong khi cô Daniels toang toác khui ra chuyện ông Trump có ăn nằm với cô vào năm 2006, cô đã vẽ ra một khuôn mặt mà cô cho là người của ông Trump liên lạc với cô để thương lượng. Tổng Thống Trump đã cho rằng chuyện này là hoang tưởng, bịa đặt. Cô bèn làm đơn thưa ông Trump về nhiều tội như viết sai tên của cô, phủ nhận bức vẽ của cô, và luôn cả việc Tổng Thống dọa kiện cô cùng anh luật sư Michael Anevatti của cô. Phản ứng trước việc toà bác đơn của cô Stormy Daniels, Tổng Thống Trump diễu cợt và gọi cô ta là “đồ mặt ngựa”. Kiểu này anh chàng John Kerry rồi sẽ kiện ông Trump vì cưỡng đoạt biệt danh ông ta đem gán cho người khác!

Dự doán cuộc bầu cử 2018 

 Image result for 2018 midterm election predictions

Còn nửa tháng nữa thôi, chúng ta đi bầu lại 435 Dân Biểu và 35 Thượng Nghị Sĩ của Quốc Hội Hoa Kỳ cùng 36 vị Thống Đốc.

Đảng Cộng Hoà, nhất là Tổng Thống Trump, rất muốn duy trì vai trò lãnh đạo của Cộng Hoà trong cả hai viện. Nhưng phe Dân Chủ chẳng chịu thua. Những tháng gần đây họ ra sức, tung hết các chiêu độc để hòng giành lợi thế trong bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6 tháng 11 năm nay. Họ đã thề quyết phải làm chủ hai viện để ngay trước mắt là hạ bệ Tổng Thống Trump mà họ thù ghét tận xương tủy. Kế là hạ bệ ông tân Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Brett Kavanaugh mà họ đã thất bại sau khi dung nhiều chiêu độc để đánh gục ông ta.

Những thăm dó gần đây nhất cho thấy đảng Cộng Hoà có nhiều triển vọng giữ vững thế đa số ở Quốc Hội, dù đôi lúc phe Dân Chủ cũng có chút hy vọng ở Hạ Viện.

Image result for trump rally

Suốt mấy tuần này, Tổng Thống Trump đã tỏ ra không mệt mỏi. Ông bay đi khắp các Tiểu Bang gặp gỡ cử tri để vận động cho các ứng cử viên đảng mình.

Nếu chỉ nhìn vào điểm trung bình của 8 cuộc thăm dò, thì hiện nay phe Dân Chủ có vẻ trội hơn Cộng Hoà. Tổng quát trên toàn quốc, Dân Chủ có 47% so với Cộng Hoà chỉ có 40%. Nhưng kết quả của Thượng Viện và Hạ Viện còn tùy thuộc vào hàng loạt những cuộc bầu cử ở địa phương mà phe Cộng Hoà vẫn còn thắng thế.

Tại Hạ Viện với 435 ghế, phe Dân Chủ hiện có 193, họ cần có thêm 25 ghế mới nắm được đa số. Một tiên đoán (không rõ căn cứ vào đâu), dự tính Dân Chủ sẽ có chắc trong tay 205 ghế Hạ Viện, và phe Cộng Hoà chỉ có 199. Như thế, còn 31 ghế bấp bênh chưa biết lọt về bên nào.

Tại Thượng viện, Dân Chủ và phe độc lập hiện có 49 ghế, cần thêm 2 mới thay đổi vị trí. Nhưng trong muà bầu cừ này, phe Dân Chủ phải cố gắng trước hết, bảo vệ 26 ghế của mình trong 35 ghế Thượng Nghị Sĩ phải bầu lại. Điều này không dễ. Làm sao giữ cho được 26 ghế rồi phải rán thêm 2 ghế. Nghĩa là trong 35 vị Thượng Nghị Sĩ bầu lại, đảng Dân Chủ phải thắng 28.

Trong khi đó, phe Cộng Hoà chỉ cần bảo vệ 8 ghế là đủ. Còn nếu giành được của Dân Chủ thêm vài ghế, thì Cộng Hoà đã quá thắng lợi. Khỏi lo mấy ông bà Thượng Nghị Sĩ phản thùng.

Đặc điểm về cử tri

Trong mùa bầu cử năm 2016, Tổng Thống Trump đại thắng ở những khu vực nông thôn và các cộng đồng dân lao động mà từ trước vốn là địa bàn ủng hộ đảng Dân Chủ.

Nay nếu phe Dân Chủ muốn lật ngược thế cờ, họ phải cật lực giành cho được phiếu của các thành phần này. Từ hai năm nay, đảng Dân Chủ chỉ tập trung vào các sắc dân thiểu số, nhất là người da đen, người gốc Hispanic, và các phụ nữ. Ngày trước, sự khác biệt giữa Cộng Hoà và Dân Chủ là ở các vấn đề dân sinh, xã hội. Đảng Dân Chủ luôn tự cho mình tranh đấu cho những người nghèo, cô thế, bị bạc đãi, bất lợi về các phương diện. Những chiêu bài họ đưa ra như những chiếc bánh vẽ to lớn, màu mè, thơm tho để lôi cuốn những người này. Nhưng họ bỏ qua thành phần rất thiết thực mà nhu cầu là công ăn việc làm ổn định và sự an toàn xã hội trước bao nhiêu đe dọa. Đảng Dân Chủ đã thua ở mặt này nên mất nhiều ghế từ Quốc Hội hai viện đến các ghế thống đốc, các chức vụ dân cử điạ phương.

Đảng Cộng Hoà hiện rất vững tin giữ được ghế của mình ở vài tiểu bang mà họ bị Dân Chủ bao vây như Tennesseee và West Virginia; trong khi chọc mũi dùi vào những ghế của Dân Chủ tại những vùng mà trong năm 2016, Tổng Thống Trump đã đoạt thắng lợi lớn như Indiana và North Dakota.

Theo thăm dò của báo The Telegraph thì hiện tại, mức tin tưởng, đánh giá tốt cho Tổng Thống Trump ở khoảng 41% vào giữa tháng 9. Thật ra, so với các Tổng Thống khác, thì 41% là mức thấp. Nhưng đối với ông Trump, con số này là số đang đi lên. Trong lịch sử, chỉ có ba kỳ bầu giữa mùa của hai vị Tổng Thống có mức tin tưởng thấp nhất mà kết quả là đảng của Tổng Thống mất nhiều ghế ở Quốc Hội. Đó là các năm 1946 và 1950, thời Tổng Thống Harry Truman và năm 2006, thời Tổng Thống George W Bush.

Không rõ kỳ này, phe Cộng Hoà có mất nhiều ghế hay không?

Vài ghi nhận đặc biệt

Image result for 35 SENATORS FOR 2018

Trong 7 chức vụ Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ đang phải cật lực tranh với Cộng Hoà, có 4 vị quyên góp từ cử tri với số tiền kém hơn đối thủ Cộng Hoà. Đó là các đương kim Thượng Nghị Sĩ ở Florida, New Jersey, Indiana và West Virginia. Ví dụ tiền quyên góp của các Thượng Nghị Sĩ Bill Nelson (Florida), Bob Menendez (New Jersey) thua rất xa tiền các đối thủ Cộng Hoà.

Nhưng ngược lại, cũng có các Thượng Nghị Sĩ đương kim phe Cộng Hoà cũng lại kém xa đối thủ Dân Chủ về tiền vận động quyên góp. Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz trong tam cá nguyệt vừa qua thu được 11.6 triệu, trong khi đối thủ Beto O’Rourke của đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ nghĩa thu vào đến 38 triệu! Thượng Nghị Sĩ Nevada là Dean Heller cũng nhận ít hơn đối thủ Dân Chủ Jacky Rosen.

Tại Tennessee và Arizona, nơi không có các Thượng Nghị Sĩ đương kim ra tranh cử, các ứng cử viên Dân Chủ cũng có nhiều thuận lợi tài chánh hơn phe Cộng Hoà.

Nguồn tiền tranh cử thường do từ quyên góp của cử tri và sự tài trợ từ ngân quỹ của đảng. Các ứng cử viên dùng tiền cho các chương trình quảng cáo trên truyền hình, truyền thanh, báo chí và những nỗ lực khác để vận động quần chúng.

Sau đây là một vài sự so sánh về tài chánh của các ứng cử viên vào Thương Viện nổi bật  tính đến cuối tháng 9, 2018.

  • Tại Texas, cho đến cuối tam cá nguyệt trước, Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz và ứng cử viên Beto O’Rourke thu ngang ngửa nhau. Đột nhiên qua thời gian gần đây, ông O’Rourke thu vượt lên nhiều hơn ông Cruz 26.5 triệu! Ông ta đã chi ra hết 39 triệu, so với Ted Cruz chi hết 25 triệu. Hiện O’Rourke còn trong túi mình 25 triệu, Cruz còn 11.3 triệu.
  • Tại Nevada, trong tam cá nguyệt qua, ứng cử viên Rosen của Dân Chủ thu nhiều hơn Thượng Nghị Sĩ Heller gần $5 triệu. Hiện bà ta còn trong quỹ 2.6 triệu so với 2.7 triệu của ông Heller.
  • Tại Florida, Thống Đốc Rick Scott (Cộng Hoà) thu được khá bộn, 32 triệu, nhưng đa số tiền là do tiền túi. Ông đã chi ra gấp ba số tiền đối thủ la Nelson (Dân Chủ) sử dụng. Hiện ông còn 2 triệu so với đối thủ còn 8.6 triệu.
  • Tại New Jersey, ứng cử viên Cộng Hoà Bob Hugin quyên nhiều hơn đối thủ Menendez (đương kim Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ) $15 triệu. Hiện ông còn 3.5 triệu so với Menendez còn 5.6 triệu.
  • Tại Indiana, ứng cử viên Cộng Hoà Mike Braun quyên được $5.6 triệu trong tam các nguyệt so với Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Joe Donnelly được $3.1 triệu. Ông ta hiện còn $1.9 triệu so với Donnelly $4.5 triệu.
  • Tại West Virginia, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Joe Manchin quyên được nhiều hơn đối thủ Cộng Hoà Patrick Morrisey $4 triệu. Ông ta đã xài hết 6.6 triệu, nhiều gấp đôi số tiền ông Morrisey chi dùng. Hiện Manchin còn 4.2 triệu, Morrisey còn 1.6 triệu.
  • Tại Arizona, ứng cử viên Dân Chủ là đương kim Dân biểu Kyrsten Sinema cũng thu nhiều hơn ứng cử viên Cộng Hoà (cũng lại là đương kim Dân Biểu) Martha McSally khoảng $500 ngàn đô la. Bà ta chi ra nhiều hơn bà McSally đến khoảng 7 triệu. Hai bà này tranh chức Thượng Nghị Sĩ thay thế ông Jeff Flake sẽ về hưu. Hiện bà Sinema còn 2 triệu, bà McSally còn 3 triệu.
  • Tại Tennessee, Cựu Thống Đốc Dân Chủ Phil Bredesen cũng quyên được nhiều hơn đối thủ là Dân Biểu Cộng Hoà Marsha Blackburn. Hai vị tranh chức Thượng Nghị Sĩ do ông Bob Corker (Cộng Hoà) về hưu. Trong tam cá nguyệt qua, ông Bredesen thu được 14.9 triệu nhiều hơn bà Blackburn $3 triệu, Bà Blackburn thu được $11.6 triệu và đã xài hết $9 triệu so với Bredesen đã xài hết $11.7 triệu.
  • Tại Missouri, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Claire McCaskill cũng thu trội hơn ứng cử viên Cộng Hoà Josh Hawley. Ông Hawley là Giám Đốc Tư Pháp Tiểu Bang. Trong ba tháng, Bà McCaskill thu vào $8.5 triệu, gấp 2 lần rưỡi của ông Hawley. Bà ta đã chi xài hết 30 triệu, gấp 6 lần ông Hawley. Hiện bà còn trong quỹ 3.2 triệu, ông Hawley còn 3.5 triệu.
  • Tại North Dakota, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Heidi Heitkamp cũng trội hơn ông Kevin Cramer (đương kim Dân Biểu Cộng Hoà). Bà đã chi ra 12 triệu, gấp ba lần tiền chi xài của ông Cramer. Hiện bà còn 3 triệu so với Cramer chỉ còn 1 triệu.
  • Tại Montana, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Jon Tester thu trong tam cá nguyệt qua là $18 triệu; gấp 4 lần rưỡi số tiền đối thủ Cộng Hoà Matt Rosendale quyên được.Sau khi xài hết gấp 5 lần ông Rosendale, ông Tester còn lại $1.8 triệu so với ông kia chỉ còn $622 ngàn đô la!

Bệnh AIDS tại Hoa Lục

Image result for aids in china

Dân số Trung Hoa lục địa tính đến ngày 30 tháng 9, 2018 là 1,416,410,801 người. Theo điều tra mới nhất, có khoảng 1.5 triệu người, chiếm tỷ lệ trên dưới 1 phần ngàn, bị nhiễm HIV tức là có khả năng phát sinh bệnh AIDS. Những trường hợp phát triển bệnh AIDS tại Hoa Lục là do nạn gái điếm tràn lan và những người nghiện ma túy dùng kim bẩn chích vào mạch máu.

Theo tài liệu trong CIA World Factbook, vào năm 2012, có ước lượng 1 phần ngàn người Hoa tuổi từ 15 đến 49 bị căn bệnh nguy hiểm này.

Tỷ lệ bện AIDS cao nhất là ở Austria (3 phần ngàn), Anh (2 phần ngàn), nhưng vì dân số của các nước này thấp nên không thấy nghiêm trọng bằng ở Trung Hoa.

Việc lây bệnh qua đường giao hợp làm tăng số nạn nhân theo cấp số nhân.  Đó là hậu quả của sự thiếu giáo dục vệ sinh y tế, việc luân lưu không ngừng của thành phần lao động từ nơi này qua nơi kia trong nước, những hoàn cảnh nghèo nàn, thiếu tiện nghị, sự bất bình đẳng về giới tính…

Người chết vì bệnh AIDS đầu tiên được báo cáo là vào năm 2008. Trước đó có lẽ đã có nhiều người chết nhưng không có báo cáo hay được ghi nhận vì cung cách làm ăn trong ngành y tế tại các nước Cộng Sản rất kém cỏi. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tại Hoa Lục có 7000 người chết vì bệnh này. Nhưng theo thống kê của một Ủy Hội Liên Hiệp Quốc, vào năm 2002 ước lượng có 1 triệu trường hợp nhiễm HIV dương tính. Ủy Hội này báo động một sự bùng nổ của tai hoạ này qua sự lan truyền rộng khắp trong dân chúng.

Đến tháng 10 cùng năm 2002, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đưa ra con số gần 2 triệu người nhiễm HIV và tiên đoán sẽ có từ 10 đến 15 triệu người nhiễm bệnh vào năm 2010. Theo Hội Đồng An Ninh, số liệu của họ khả tín hơn con số do Liên Hiệp Quốc đưa ra trước đó. Lý do là Ủy Hội của Liên Hiệp Quốc chỉ dựa trên số liệu của nhà nước Trung Cộng mà vốn không bao giờ trung thực. Còn Hội Đồng An Ninh thì dựa trên những khảo cứu của các tổ chức không thuộc chính phủ hay của các đại học vì họ đi sâu vào thực tế.

Đến tháng 4, 2004, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ví bệnh AIDS/HIV là một trái bom nổ chậm tại Trung Hoa. Nó đã lan qua giới thanh niên có học tại các đô thị và chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng kinh tế của Trung Cộng. Trung tâm này cũng tiên đoán trong  năm 2010, sẽ có khoảng 10 triệu người Trung Hoa bị nhiễm bệnh nếu nhà cầm quyền Cộng Sản không có những biện pháp cấp thời để phòng ngừa.

Vài tin ngắn

Image result for Honduras in us border

Một đoàn lữ hành hơn 3000 người Honduras đang tiến về biên giới Mexico-Hoa Kỳ để xin tị nạn. Từ nước Honduras, họ phải đi qua hai nước Guatemala và Mexico để đến biên giới. Cảnh sát Guatemala đã chặn bắt giữ người cầm đầu, và Mexico cũng đưa 500 nhân viên cảnh sát ngăn chặn, nhưng đoàn lữ hành vẫn tiếp tục đi. Tổng Thống Trump đã loan báo cho Tổng Thống Juan Orlando Hernández của Honduras là sẽ cắt đứt tất cả tiền viện trợ cho nước này nếu ông ta không ngăn chặn và đem công dân của họ về nước. Ông cũng dọa như thế với Mexico!

Honduras rộng 112,942 km2 (bằng 1/3 nước Việt Nam), nhưng dân số chỉ có khoảng 9 triệu người. Lợi tức trung bình đầu người là 5500 đô la. Vì thế không phải là nước nghèo, chật. Chế độ chính trị cũng không đến nỗi khắc nghiệt. Nhưng nước này là một trong các nước có mức độ tội phạm cao nhất thế giới; 60 án mạng trên 100 ngàn dân. Đây là vấn đề xã hội chung của các nước Trung và Nam Mỹ, khi dân chúng đa số có khuynh hướng bạo lực và việc trồng, bán ma túy là nguồn lợi rất lớn.

Vào ngày thứ Năm, Thiếu Tướng Austin “Scott” Miller, Tư Lệnh Lực Lượng hỗn hợp Mỹ-Afghanistan kiêm Tư Lệnh Ủy Hội Yểm Trợ của khối NATO tại đây vừa thoát trong gang tấc một cuộc phục kích ám sát khi một tên khủng bố xâm nhập và bắn nhiều loạt đạn trong một cuộc meeting cao cấp tại khu vực hành chánh của Thống Đốc tỉnh Kandahar. Ba nhân viên cao cấp của Afghanistan bị trúng đạn chết trong đó có Abdul Raziq, Tư Lệnh Cảnh Sát của tỉnh và Abdul Momin, Giám Đốc Tình Báo; viên Thống Đốc Kandahar Zalmai Wessa cũng bị thương và đã chết sau khi được chở đến bệnh viện. Nhiều lính và cảnh sát Afghan cũng bị thương. Phía Mỹ, có 1 quân nhân và hai nhân viên Mỹ bị thương. Nhóm khủng bố Taliban đã lên tiếng nhận rằng họ đã tổ chức việc khủng bố này. Tên khủng bố là một nhân viên trong toán an ninh của Thống Đốc. Y đã bị bắn chết ngay lúc giao tranh.

Đỗ Văn Phúc, 20/10/2018

Bài Khác