Vụ án Vũ Nhôm: Khởi tố cựu quan chức TP HCM

Ông Phan Văn Anh VũBản quyền hình ảnhVGP Image caption Ông Phan Văn Anh Vũ

Ông Nguyễn Hữu Tín, sinh năm 1957, nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM, thuộc số cựu quan chức bị khởi tố ngày 18/9 vì liên quan cuộc điều tra mở rộng vụ án Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ Nhôm).

Chính trị VN ra sao nếu ông Anh Vũ bị bắt về?

9 năm tù cho ông Phan Văn Anh Vũ

Ba quan chức khác của TP HCM cũng bị khởi tố ngày 18/9 gồm:

  • Ông Đào Anh Kiệt, sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM
  • Ông Lê Văn Thanh, sinh năm 1962, Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM
  • Ông Nguyễn Thanh Chương, sinh năm 1974, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM

Bốn nhân vật này bị khởi tố bị can vì vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Khởi tố, bắt giữ ở Đà Nẵng

Một loạt quan chức của thành phố Đà Nẵng cũng bị Bộ Công an công bố các biện pháp tố tụng cùng ngày 18/9, cũng vì liên quan sai phạm tại các dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.

Bộ Công an Việt Nam quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm:

(1) Đào Tấn Bằng, sinh năm 1975, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, nay là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng, hiện trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng;

(2) Nguyễn Viết Vĩnh, sinh năm 1978, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị, Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, hiện trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Nguyễn Phú TrọngBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Image captionNgười đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang dẫn đầu cuộc chỉnh đốn

Bộ Công an khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét chỗ ở đối với các bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm:

(1) Nguyễn Văn Cán, sinh năm 1954, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, hiện trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng;

(2) Phan Xuân Ít, sinh năm 1954, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, hiện trú tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có các quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên.

Ông Phan Văn Anh Vũ ban đầu bị khởi tố về “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” và “trốn thuế” xảy ra ở Đà Nẵng.

Sau đó ông bỏ trốn sang Singapore, nhưng bị trục xuất.

Đến ngày 7/2/2018, ông Anh Vũ bị khởi tố thêm tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hôm 30/7, ông Phan Văn Anh Vũ bị tòa ở Hà Nội xử 9 năm tù trong vụ “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.

Phúc thẩm Nguyễn Văn Túc: ‘Bản lĩnh, không xin xỏ’

Ông Nguyễn Văn Túc đã tức giận, "chửi thề" trước tòa tại phiên xử phúc thẩm hôm 14/9Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionÔng Nguyễn Văn Túc trước tòa tại phiên xử phúc thẩm hôm 14/9

Phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội hôm 14/9 tuyên y án sơ thẩm 13 năm tù giam, 5 năm quản chế cho bị cáo Nguyễn Văn Túc, vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79, của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Một số tổ chức nước ngoài như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) gọi ông Túc là nhà hoạt động nhân quyền, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.

13 năm tù cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc

Y án sơ thẩm thành viên Hội Anh Em Dân Chủ

Quảng Bình xử ông Nguyễn Trung Trực 12 năm tù

Theo luật sư bào chữa Ngô Anh Tuấn, trong phần nói lời cuối cùng tại phiên toà phúc thẩm vụ án xét xử mình, ông Nguyễn Văn Túc ngẫu hứng biến tấu bài thơ của Hồ Xuân Hương “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”:

“Cán cân công lý rơi đâu mất

Miệng túi càn khôn thắt chặt rồi”

Ông Túc là một người “rất bản lĩnh,” luật sư Ngô Anh Tuấn nói. “Đây là bản án thái độ, tức thái độ của bị cáo sẽ đồng hành với bản án của họ.”

Có một số tình tiết như thân nhân, bệnh tật cũng như việc ông Túc từng đi bộ đội có thể giúp làm giảm nhẹ bản án nhưng ông Túc đã dặn luật sư “không xin xỏ hay nhắc đến gia cảnh”.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, phiên tòa phúc thẩm diễn ra nhưng hạn chế phần tự bào chữa của bị cáo và tranh luận, đối đáp giữa bên viện kiểm sát và luật sư đã bị tòa cắt ngang.

Điều này khiến ông Túc và vợ và con gái có mặt tại phiên tòa rất tức giận, bật miệng chửi thề trước tòa.

Vợ ông Nguyễn Văn Túc nói về phiên tòa phúc thẩm hôm 14/9

Trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa, ông Túc nói: “Tôi đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội, tôi mong muốn xã hội vận động theo hướng tích cực. Tôi không muốn lặp lại những sai lầm mà Đảng Cộng sản đã mắc phải để gây nên hận thù dân tộc kéo dài và nhiều mâu thuẫn không giải quyết được.”

“Tôi đấu tranh và tôi chấp nhận hậu quả để mong rằng lớp con cháu sau này nhận ra sai lầm của Đảng Cộng sản để thay đổi. Tôi không vô cảm.”

Ông Nguyễn Văn Túc là ai?

Ông Túc từng ngồi tù bốn năm, từ 2008-2012, và ba năm quản chết vì tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ông bị xử cùng ông Phạm Văn Trội.

Sau khi ra tù, ông Túc vẫn tiếp tục các hoạt động khiếu kiện đất đai, đòi hỏi quyền lợi cho người dân.

Theo lời kể của bà Rề, ông từng đi bộ đội bốn năm ở Campuchia và “được tặng bằng khen”.

Ông Túc từng đi tù 4 năm vì tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" hồi 2008Bản quyền hình ảnhNGUYỄN VĂN TÚC/FACEBOOK
Image captionÔng Túc từng đi tù 4 năm vì tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước” hồi 2008

Ông Túc bắt đầu thực sự “dấn thân” vào con đường đấu tranh khiếu kiện khi ruộng vườn 4 sào của ông bị đòi bán với giá rẻ mạt, gia đình bị xã hội đen uy hiếp hồi 2007.

Bà Rề kể ông Túc bị bắt giữ hồi 1/9/2017 sau khi lên Ủy ban nhân dân huyện để làm việc về một khiếu kiện bồi thường đất đai cho người dân. Khi đang trở về nhà thì ông đột ngột bị bắt giữ, “quăng lên xe”.

Bà Rề cho biết ông Túc hiện đang bị bệnh tật rất nặng, như bệnh trĩ và tim mạch mãn tính, viêm giác mạc mãn tính, vai ông vẫn còn đau nhức từ lần bị bắt giữ vào năm ngoái.

“Bình thường ở nhà ông ấy [tiết kiệm] lắm. Ông ấy nói ông ấy ăn uống khổ nó quen rồi. Tôi chỉ thương ông ấy bệnh tật chứ tinh thần ông ấy minh mẫn lắm, việc nào ông ấy cũng nhớ, tại tòa ông ấy đọc vanh vách.”

Bà Rề hy vọng ông Túc được giam giữ trại giam gần nhà để dễ dàng thăm nuôi, đưa thuốc cho ông.

Báo chí Việt Nam viết gì về ông Túc?

Ông Túc từng tham gia khiếu kiện đất đai, chăng biểu ngữ đòi giữ vẹn toàn biển đảo và đa nguyên chính trị. Ông cũng viết nhiều bài được cho là 'chống đối'Bản quyền hình ảnhNGUYỄN VĂN TÚC/FACEBOOK
Image captionÔng Túc từng tham gia khiếu kiện đất đai, chăng biểu ngữ đòi giữ vẹn toàn biển đảo và đa nguyên chính trị. Ông cũng viết nhiều bài được cho là ‘chống đối’

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ông Túc bắt đầu tham gia khiếu kiện từ 1997, với hoạt động “tính cố chấp, kéo dài nên đã bị các đối tượng phản động trong, ngoài nước lôi kéo, kích động, mua chuộc. Túc chuyển sang bất mãn chế độ.”

Từ 2006, ông Túc “bị các đối tượng phản động vận động tham gia” các tổ chức như Đảng Dân chủ 21, Hội dân oan, Khối 8406….

Báo chí trong nước cho rằng ông Túc đã được “hỗ trợ vật chất, khích lệ tinh thần để tập hợp những đối tượng khiếu kiện cố chấp, có tư tưởng bất mãn, chán ghét chế độ, tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.”

Sau khi mãn hạn tù hồi 2012, ông Túc “tiếp tục hoạt động chống đối”.

Ông Túc đã “công khai thái độ chống đối, coi thường pháp luật, núp danh nghĩa tuyên bố sẽ đấu tranh vì ‘dân chủ, nhân quyền’ để chống Đảng, chế độ”.

Ông “thường xuyên sử dụng mạng internet, liên lạc, hội luận, đăng tải các tài liệu có nội dung xấu, nhiều lần vi phạm án phạt quản chế tự đi khỏi địa phương, gặp gỡ các đối tượng chống đối chính trị và tham gia biểu tình ở Hà Nội”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Thông tấn xã ghi, ông Túc “vẫn tỏ thái độ chống đối và kháng cáo toàn bộ bản án”.

Đại sứ Hà Kim Ngọc trình quốc thư lên TT Mỹ Donald Trump

Đại sứ Việt Nam Hà Kim Ngọc trình quốc thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngày 17/9/2018. Photo TTXVN
Đại sứ Việt Nam Hà Kim Ngọc trình quốc thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngày 17/9/2018.
Photo TTXVN

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã trình quốc thư lên Tổng thống Donald Trump vào chiều ngày 17/9 tại thủ đô Washington, theo một thông cáo của Tòa Bạch Ốc.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết Đại sứ Hà Kim Ngọc đã trình Quốc thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lên Tổng thống Donald Trump hôm 17/9 và khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng Hoa Kỳ tăng cường hợp tác theo hướng hai bên cùng có lợi, “vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Truyền thông Việt Nam nói Tổng thống Donald Trump đánh giá cao những bước phát triển trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Trả lời VNExpress trước khi sang Hoa Kỳ đảm nhận chức đại sứ vào tháng 8 năm nay, ông Hà Kim Ngọc tiết lộ chuyện hậu trường kết nối với chính quyền Trump. Ông nói khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2016, Việt Nam đã thực hiện ngay các nỗ lực kết nối để duy trì đà quan hệ đạt được trong 8 năm dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Ông Ngọc nói: “Điều quan trọng là hợp tác hai nước đã đạt đến một ngưỡng mà hai bên đều cảm thấy cần nhau, hợp tác đó có lợi cho nhau. Tôi nghĩ khi Việt Nam tiếp cận với chính quyền của Tổng thống Trump, họ đã hiểu điều đó và đáp ứng sự kết nối của Việt Nam.”

 

Related posts