Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực sang ngày thứ 31

Nhiều người tranh đấu, bloggers đồng hành tuyệt thực cùng tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức. Facebook Tran Tuan Anh Viet.
Nhiều người tranh đấu, bloggers đồng hành tuyệt thực cùng tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức. Facebook Tran Tuan Anh Viet.
Cuộc tuyệt thực của nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, đang chịu án tù 16 năm tại tỉnh Nghệ An, có thể đã bước sang ngày thứ 31, giữa lúc gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của ông, và nhiều người ủng hộ cả ở trong và ngoài nước cũng tuyệt thực để đồng hành với ông và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức.

Trao đổi với VOA hôm 13/9 từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Đính Kim Thoa, vợ của ông Thức, nói gia đình rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của chồng bà, và dù gia đình đã khuyên ông ngừng tuyệt thực nhưng ông không đồng ý.

“Hôm 31/8 khi vô thăm thì anh nói anh sẽ tiếp tục tuyệt thực. Anh không nghe theo lời gia đình khuyên. Tính đến ngày hôm đó thì anh đã tuyệt thực được 18 ngày rồi. Cho đến bây giờ vẫn chưa nhận được thông tin gì về anh. Thời gian như vậy là quá dài so với sức chịu đựng của một con người. Xin chỉ cầu xin cho anh được bình an.

Thời gian như vậy là quá dài so với sức chịu đựng của một con người. Xin chỉ cầu xin cho anh được bình an”.

Bà Lê Đính Kim Thoa, vợ của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức

Bà Thoa cho biết phía trại giam không phản hồi yêu cầu hỏi thăm sức khỏe ông Thức qua điện thoại. Bà chỉ trông chờ vào chuyến thăm tù vào ngày 15/9 để biết tình hình của chồng mình ra sao.

Bức thư gửi lãnh đạo Việt Nam ngày 12/9/2018. Facebook Trần Huỳnh Duy Thức.

Bức thư gửi lãnh đạo Việt Nam ngày 12/9/2018. Facebook Trần Huỳnh Duy Thức.

Ông Trần Văn Huỳnh, cha của ông Trần Huỳnh Duy Thức hôm 9/9 đã gởi thư khẩn kêu cứu vì lo sợ cho tính mạng con mình.

Theo như trong thư kêu cứu, ông Trần Văn Huỳnh cho biết mỗi ngày gia đình đều gọi điện thoại vào trại giam số 6 Nghệ An để hỏi thăm nhưng trại giam không bắt máy, không trả lời điện thoại.

Trong lần gặp gần đây nhất cách đây hai tuần, gia đình Trần Huỳnh Duy Thức thấy ông rất mệt và yếu do tuyệt thực dài ngày, từ 14/8/2018. Lý do tuyệt thực là vì phía an ninh đang muốn gây áp lực buộc ông Thức nhận tội để được đặc xá.

Lý do chính mà anh đưa ra là phải thượng tôn pháp luật – anh Thức là người không có tội.
Bà Lê Đính Kim Thoa

Bà Thoa cho biết thêm:

“Lý do chính mà anh đưa ra là: phải thượng tôn pháp luật – anh Thức là người không có tội, vì vậy phải thả anh theo điều luật mới; vụ án của anh phải trở thành án lệ – lật đổ chính quyền thì phải có tác động vật lý thì mới cấu thành điều 79 ‘lật đổ chính quyền,’ anh không phải đấu tranh cho riêng anh mà tất cả các tù nhân lương tâm bị kết tội cùng tội danh sau này.”

Kêu cứu tình trạng của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức

Đường dẫn trực tiếp

Hôm 12/9, nhiều cá nhân và tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam đã lập thỉnh nguyện thư gửi Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Tối cao và các cơ quan khác, yêu cầu xem xét vụ án của ông Trần Huỳnh Duy Thức dựa trên luật pháp hiện hành và quyết định trả tự do cho ông Thức ngay lập tức, vì họ cho rằng “trường hợp của ông đáp ứng các điều kiện luật định để được hưởng mức hình phạt thấp hơn mức án 16 năm tù mà ông đã bị tuyên phạt.”

Các buổi lễ cầu nguyện tập thể đã diễn ra ở một số nơi trong nước để bày bỏ sự đồng tình và ủng hộ lòng kiên cường của ông Trần Huỳnh Duy Thức, 52 tuổi, một kỹ sư và cũng là một doanh nhân. Ông bị bắt vào tháng 5/2009 về tội “lật đổ chính quyền.”

Từ Nghệ An, linh mục Đặng Hữu Nam, thuộc giáo xứ Mỹ Khánh, nơi các linh mục và giáo dân hàng tuần đến thắp nến cầu nguyện cho ông Thức. Linh mục Nam nói với VOA:

Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi nhìn về anh Trần Huỳnh Duy Thức là một mẫu gương, một người anh dũng trong việc đấu tranh cho công lý, hòa bình, cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Linh mục Đặng Hữu Nam

“Chúng tôi là các giáo dân và cha xứ của giáo xứ Mỹ Khánh, đồng hành cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức. Chúng tôi rất thao thức khi các thông tin về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức không được đưa ra, với một con người bình thường khi tuyệt thực trong 30 ngày là những ngày cuối của ngưỡng sức chịu đựng.Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi nhìn về anh Trần Huỳnh Duy Thức là một mẫu gương, một người anh dũng trong việc đấu tranh cho công lý, hòa bình, cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.”

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho VOA biết trong tuần này các chư tăng và Phật tử cũng tổ chức lễ cầu nguyện và tự nguyện tuyệt thực từ 1 đến 3 ngày, để đồng hành cùng tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.

“Các chư tăng đã làm lễ cầu nguyện và tuyệt thực 1 ngày, đồng hành với anh Trần Huỳnh Duy Thức. Các Phật tử, với tinh thần rất cao, đã tuyệt thực từ 2 đến 3 ngày. Đạo tràng chúng tôi cũng có làm lễ cầu an, và hướng tâm cầu nguyện cho anh Trần Huỳnh Duy Thức, người đang chịu án tù 16 năm, anh đã ở trong tù được 9 năm.”

Các Phật tử, với tinh thần rất cao, đã tuyệt thực từ 2 đến 3 ngày. Đạo tràng chúng tôi cũng có làm lễ cầu an, và hướng tâm cầu nguyện cho anh Trần Huỳnh Duy Thức.
Thượng tọa Thích Vĩnh Phước.

Đầu tháng 8/2018 Tổng cục 8 của Bộ Công an đã có văn bản trả lời luật sư Ngô Ngọc Trai – người thường xuyên lên tiếng đề nghị chính quyền đặc xá và trả tự do cho ông Thức:

“Hiện nay Nhà nước ta chưa có chủ trương đặc xá năm 2018 nên không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức.”

Tháng trước, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức, nói với báo chí rằng anh ông đang bị nhà chức trách ép buộc phải nhận tội thì mới có thể được xét đặc xá, nhưng tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức cương quyết không nhận tội.

Nhiều blogger trong và ngoài nước đang đồng hành và tuyệt thực cùng ông Thức.

Từ Hà Nội, Blogger Lien Huynh viết trên Facebook hôm 12/9: “Bắt đầu 0h ngày 13/9/2018 tôi sẽ tuyệt thực 24h để đồng hành cùng anh, sau một ngày nếu điều kiện sức khoẻ cho phép tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng anh để yêu cầu nhà nước phải thả tự do vô điều kiện cho Trần Huỳnh Duy Thức theo luật định của pháp luật.”

Các blogger ở Hà Nội mặc áo có in hình chân dung Trần Huỳnh Duy Thức. Facebook Lê Hoàng
Các blogger ở Hà Nội mặc áo có in hình chân dung Trần Huỳnh Duy Thức. Facebook Lê Hoàng

​Từ Melbourne, Úc, hôm 13/9, bà Bach Nga cũng đồng hành cùng ông Thức với lời nhắn: “Gửi hơi ấm về Cố hương…Tuyệt thực tiếp sức một ngày đồng hành cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức. Yêu cầu nhà cầm quyền Vietnam trả tự do ngay lập tức cho anh, người con ưu tú của nước Việt. Yêu Nước Không Có Tội!”

Blogger Minh Không từ Châu Âu cho biết trên Facebook rằng ông quyết định tuyệt thực 3 ngày từ ngày 13 đến ngày 16/9 để đồng hành cùng ông Thức.

Từ Hoa Kỳ, Blogger Điếu Cầy – Nguyễn Văn Hải, người từng tuyệt thực trong trại số 6 Nghệ An, chia sẻ trên trang cá nhân rằng ông và các bạn bè ở thành phố Seattle, bang Washington đã đồng hành cùng ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Linh mục Đặng Hữu Nam nhận định rằng rõ ràng việc chính quyền Việt Nam bỏ tù và ép ông Thức nhận tội là vi phạm hiến pháp và pháp luật.

“Vốn dĩ việc anh bị bỏ tù là việc vi hiến và vi phạm pháp luật rồi. Vậy mà hiện nay trong nhà tù anh đang chịu nhiều áp bức. Công an và nhà cầm quyền ép anh nhận tội để rồi phóng thích anh, nhưng anh không chấp nhận vì anh không có tội. Và anh cũng tuyên bố rằng anh không có tội nên không nhận tội.”

Blogger Võ Xuân Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook hôm 13/9: “Được biết anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực đã hơn 30 ngày, tôi không khỏi lo lắng cho sức khỏe của anh. Tuyệt thực là một phương pháp đấu tranh bất bạo động, rất có hiệu quả với các chính thể coi trọng con người. Ở Việt nam, nơi mà nhân quyền không được coi trọng, thì việc tuyệt thực của anh sẽ ít có tác dụng với chính quyền này.”

Tuyệt thực là một phương pháp đấu tranh bất bạo động, rất có hiệu quả với các chính thể coi trọng con người. Ở Việt nam, nơi mà nhân quyền không được coi trọng, thì việc tuyệt thực của anh sẽ ít có tác dụng với chính quyền này.
Blogger Võ Xuân Sơn

Blogger này khuyên rằng: “Trần Huỳnh Duy Thức, anh phải sống! Dù anh có đang ở trong tù, thì anh vẫn là niềm hy vọng của rất nhiều người dân Việt nam.”

Blogger Mạnh Kim ở Sài Gòn, viết trên Facenook hôm 13/9: “Cách đây hơn 10 năm, khi mạng xã hội chỉ là một không gian chật hẹp giới hạn ở các trang blog, ông Trần Huỳnh Duy Thức đã nỗ lực đục thủng màn đêm để soi rọi ánh sáng tri thức vào các góc tối thời cuộc, như một người trí thức có lương tri đúng nghĩa. Ông không là người đi đầu trong việc nói lên thực trạng đất nước nhưng ông là người tiên phong trong việc phác họa những gì cần làm để đi tới tương lai.”

 

Vụ Thủ Thiêm có trở thành đại án quốc gia

Phạm Chí Dũng

Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.
Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.

Kể từ thời điểm ngày 7 tháng 9 năm 2018 khi cơ quan Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn, vụ Thủ Thiêm cũng mang chiều hướng chính thức trở thành một đại án quốc gia – còn lớn hơn nhiều so với số tiền suýt bị thất thoát đến hơn 8.000 tỷ đồng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’.

Hố khác biệt giữa hai bản kết luận

Động thái Thanh tra Chính phủ công bố kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm và ngay lập tức được báo Thanh tra – ‘cơ quan ngôn luận’ của ngành thanh tra đăng tải toàn văn bản kết luận này, cùng lúc được báo chí nhà nước ồ ạt đưa tin bài, có ý nghĩa tương đương với hành động cũng Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ vào đầu tháng Ba năm 2018 để mở màn cho chiến dịch khởi tố bắt giam một số quan chức liên quan ba tháng sau đó, dù cho đến nay hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn được xem là ‘hạ cánh an toàn’ mà chưa phải tra tay vào còng.

Đã có một hố khác biệt lớn giữa bản kết luận kiểm tra trên của Thanh tra chính phủ với ‘kết luận kiểm tra’ cũng của cơ quan này về vụ Thủ Thiêm vào tháng Bảy năm 2018 nhưng chưa bao giờ được công bố.

Vào ngày 15 tháng Bảy năm 2018 – thời điểm được chính phủ Việt Nam hứa hẹn sẽ công bố chính thức bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn đã kéo dài suốt hai chục năm trời của nước mắt, máu và cả nhiều cái chết uất nghẹn của dân oan nơi đây, không phải hệ thống báo đảng và báo nhà nước công bố bản kết luận này, mà nội dung kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ dài 17 trang lại được đăng tải trên… Facebook Lê Nguyễn Hương Trà.

Tình hình có vẻ không bớt đen tối hơn là bao. Kết luận trên vẫn ghi nhận “thành tích” của thành ủy và Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM trong việc giải tỏa 99% “đất sạch,” trong khi chỉ đề cập một cách hết sức sơ sài đến diện tích giải tỏa lố 160 hécta theo tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Còn phần kiến nghị xử lý của bản kết luận này lại hoàn toàn không nêu ra, như thể cố tình tránh né, bất kỳ cái tên nào của giới quan chức “ăn đất,” đặc biệt là bí thư thành ủy thời đó là Lê Thanh Hải, bí thư quận 2 thời đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua – phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố vào thời đó…

Trước đó khi sắp diễn ra kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền TP.HCM không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền TP.HCM cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền TP.HCM, mà chỉ thòng một câu ‘UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.

Còn Thủ tướng chính phủ?

Cùng thời điểm Ủy ban nhân dân TP.HCM phát ra báo cáo trên, như thể ‘hiệp đồng tác chiến’, vào trung tuần tháng Năm năm 2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và quyết định ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền TP.HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.

Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…

Sau đó, trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, cả bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn ông Phúc đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm.

Thậm chí kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018 đã kết thúc với một kết luận bất ngờ và rất đáng nghi ngờ: ban lãnh đạo thường vụ quốc hội cho rằng ‘do nội dung không nằm trong chương trình nên đề nghị của một số đại biểu Quốc hội về việc giám sát tối cao năm 2019 về tình hình và kết quả thanh tra, điều tra, xử lý, xét xử các vụ vi phạm nghiêm trọng như: AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn Mường Thanh, các dự án thua lỗ, đội vốn nhiều…. chưa được Quốc hội bổ sung vào chương trình giám sát năm 2019’.

Kết luận trên là hoàn toàn phản dội với một trong những kiến nghị khẩn thiết của dân oan thủ Thiêm và cử tri Sài Gòn thông qua đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM: Quốc hội Việt Nam và Hội đồng nhân dân TP.HCM phải giám sát thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri đề nghị việc thực hiện Dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai, minh bạch. Nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.

Từ hiện tượng ‘lột xác’, nhìn lại Ngô Văn Khánh

Vào lúc này, hiện tượng có vẻ lạ lùng là bản kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ như thể lột xác, trở thành bản kết luận kiểm tra chi tiết nhất trong toàn bộ lịch sử 15 năm ròng rã khiếu nại của hàng ngàn người dân Thủ Thiêm. Trong đó có những kết luận được xem là lần đầu tiên có vẻ hợp lòng dân:

– Kết luận rằng 4,3 ha đất ở của dân ngoài ranh quy hoạch nhưng lại bị quy hoạch. Tuy nhiên bản kết luận đã không nhắc tới khiếu nại của hơn 100 hộ còn lại, cũng không làm rõ việc xử lý khu 4,3 ha khi diện tích này đã nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng không để dân ở tại chỗ mà lại tái định cư;

– Quy hoạch chi tiết 1/2000 của chính quyền TP.HCM là không đúng thẩm quyền;

– Chính quyền TP.HCM và chính quyền Quận 2 thu hồi đất của dân khi chưa đủ cơ sở pháp lý;

– Chính quyền TP.HCM và chính quyền Quận 2 không lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng;

– Có đến 113,9 ha trong tổng số160 ha tái định cư chưa được chính quyền TP.HCM quy hoạch, bố trí tái định cư;

– Vụ Thủ Thiêm đã phá vỡ quy hoạch tổng thể;

– Kiến nghị xử lý sai phạm nhiều cơ quan, đơn vị như Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Kiến trúc sư trưởng, Sở Địa chính, Ủy ban nhân dân Quận 2 và Ủy ban nhân dân TP.HCM…

Tuy không có một cái tên quan chức nào được nêu ra trong kết luận kiểm tra của Thanh tra chính phủ, nhưng bản kết luận này vẫn có thể được xem là ‘quyết liệt’ nhất từ trước đến nay, nếu đối chiếu với vụ ‘thanh tra’ Thủ Thiêm vào năm 2015 do Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh ‘cầm đầu’.

Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Sài Gòn. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà Nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này.

Cho tới nay, vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra mà Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh đã thực hiện tại dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.

Trong số những quan chức liên quan và phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua. Cho dù vào thời gian đó Ngô Văn Khánh có cho công bố kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm chăng nữa, dư luận vẫn tin chắc rằng ông Khánh đã làm nhẹ đi rất nhiều các sai phạm ghê gớm của giới quan chức từ Sài Gòn đến các bộ ngành trung ương mà do đó bản kết luận này về thực chất là “ăn bẩn.”

Có trở thành đại án quốc gia?

Sau vô số tiếng khóc xé ruột của người dân Thủ Thiêm và cả những cái chết tự treo cổ vì phẫn uất tột cùng của người dân nơi đây, cuối cùng những nạn nhân của nạn cướp đất cũng có hy vọng được bồi thường tạm gọi là ‘thỏa đáng’ trong thời gian tới, lấy lại một phần công lý đã bị cướp đoạt bởi ‘Hai – Ba – Sáu’… (Hai Nhật – tức Lê Thanh Hải, Ba Đua – tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang – tức Tất Thành Cang).

Những nội dung kết luận vi phạm trên cũng là một cú đánh vỗ mặt dành cho Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân – quan chức mà trong thực tế chưa hề có bất cứ hành động nào giúp đỡ dân oan Thủ Thiêm ngoài những lời hứa có cánh và chỉ muốn ‘lùa’ người dân vào các khu tái định cư cho êm chuyện.

Trong vài tháng qua và cho đến tận gần đây, vẫn có một luồng dư luận có vẻ được tung ra từ nội bộ ‘đảng bộ TP.HCM’ cho rằng ‘vụ Thủ Thiêm êm rồi’ do ‘thế lực anh Hai vẫn còn mạnh lắm’.

Nhưng cái cách mà Thủ tướng Phúc chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm theo hướng ‘trảm’ chứ không phải thỏa hiệp đã vừa ghi một điểm chính trị có thể quan trọng cho ông Phúc trên cung đường chinh phục chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, nếu quả thực ông Phúc muốn thế và sẽ còn có đại hội đó, cũng vừa khiến phần lớn giới chóp bu TP.HCM từ cựu chức đến đương chức từ ‘sụm bánh chè’ đến ‘tâm thần phân liệt’.

Liệu bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm đã được công bố, công khai toàn văn có phải là tín hiệu cho thấy sau một thời gian nữa, bản kết luận này sẽ được Thanh tra chính phủ chuyển cho cơ quan điều tra của Bộ Công an, để khi đó, Thủ Thiêm sẽ chính thức trở thành một đại án quốc gia với những cái ‘tội phạm ăn đất’ khủng khiếp chưa từng có trong triều đại cộng sản ở Việt Nam?

Giờ đây, nước mắt của dân oan Thủ Thiêm đã đổ ra quá nhiều, đã trở nên khô cạn và nhường chỗ cho cặp mắt cảnh giác cao độ trước những động thái của chính quyền. Người dân luôn sợ họ bị biến thành nạn nhân của một trò lừa gạt mới.

Bởi dù Thanh tra chính phủ đã công bố kết luận và đã thỏa mãn được một số nội dung chính, nhưng vẫn chẳng có gì đảm bảo là vụ việc sẽ không một lần nữa bị cho chìm xuồng nếu xảy đến một chiến dịch ‘đi đêm’ giữa các nhóm lợi ích mới và cũ, để sau đó một số nội dung về vi phạm và mức độ vi phạm trong kết luận thanh tra sẽ bị ‘hô biến’.

Related posts