Bầu cử giữa kỳ năm 2018

Lão Gà Tre
24 tha1ng 9 na8m 2018
Như thông lệ hai năm một lần, người dân Hoa Kỳ sẽ đi đến các địa điểm có phòng phiếu để bầu một Quốc Hội mới vào ngày 6 tháng 11 năm 2018:  Hạ Viện bầu lại toàn bộ 435 ghế vì nhiệm kỳ của Dân Biểu chỉ 2 năm. Còn Thượng Nghị Sĩ (TNS) chỉ bầu lại 1/3, trong số 100 vị TNS,  tức vào khoảng 35 ghế vì nhiệm kỳ của họ có tới 6 năm.

Image result for midterm elections

Hiện tại, đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số tại cả hai viện và đang có một tổng thống, thuộc đảng Cộng Hòa,  thường hợp tác với chương trình nghị sự của họ, nhưng Quốc Hội, từ ngày có tân tổng thống thứ 45 – Donald Trump,  đã xảy ra những tranh chấp kịch liệt giữa 2 đảng DC và CH, dường như bất tận, dẫn tới nặng nề, phi lý,  khiến cho bầu không khí nội bộ chính trị Hoa Kỳ đã và đang gặp những khó khăn, chia rẽ vô cùng phức tạp,  xảy ra giữa lưỡng đảng CD-CH và thậm chí ngay cả trong nội bộ của đảng đang cầm quyền, Cộng Hòa, cũng không tránh khỏi rạn nứt.

Tại sao phức tạp,  chia rẽ?

Tại sao Hoa Kỳ lại chia rẽ như vậy? Có phải hai phe DC – CH dường như chỉ khăng khăng giữ chặt quan điểm của đảng, hay vì lý do nào khác? Thay vì hợp tác để xây dựng đất nước theo truyền thống của thế hệ trước, thì họ dứt khoát ăn thua đủ với TT đương nhiệm Donald Trump.

Nói cho cùng, Hoa Kỳ xưa nay vẫn có chia rẽ về cách điều hành đất nước: tăng thuế và chính quyền quản trị nhiều hơn đối với các chính sách; hay giảm thuế và cắt các chương trình phúc lợi. Phe Cộng Hòa trong quá khứ đã tìm mọi cách giảm thuế,  trong khi phe Dân Chủ thì tìm mọi cách tăng phúc lợi xã hội.  Những thỏa hiệp có lợi cho 2 đảng,  nhưng không bền vững này,  rồi sẽ phải chấm dứt khi mức nợ công liên bang ngày càng tăng cao. Đó chính là thời điểm lựa chọn: giảm thuế hay tiếp tục tăng phúc lợi? Và vấn đề này chính là nguyên nhân ẩn sâu đàng sau sự chia rẽ của hai đảng CH & DC.

Nhiều thập niên trước, nếu có bất đồng chính kiến vì quyền lợi của lưỡng đảng, sau mỗi lần thay đổi tổng thống đảng cầm quyền, là hục hặc, là tranh cãi dữ dội tưởng chừng như nội chiến sắp xảy ra. Thế  nhưng sau cùng, họ vẫn có thể tìm giải pháp tương đồng (compromise) để hòa giải, nhường nhau,  để phục vụ vì tiền đồ quốc gia là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Thôi thì thua keo này ta bày keo khác, giành lại quyền lực cho đảng 4 năm hoặc dài lắm là 8 năm sau.

Thập niên trước, có người cho rằng vì chiến thắng áp đảo bất ngờ của TT Obama và phe Dân Chủ vào năm 2008, rồi thắng luôn năm 2012, hay vì những lý do gì khác nữa… đã tạo nên sự chia rẽ ấy.  Nhưng rồi, khi đảng cầm quyền này yếu ớt về đối ngoại mà ai cũng biết.  Và đối nội, về xã hội, kinh tế … thì cũng không có gì thay đổi, hay mới mẻ, – suốt 2 nhiệm kỳ 8 năm dài – chẳng ra gì, đã khiến cho người dân phải dùng lá phiếu để thay đổi chính phủ của đảng cầm quyền. Đó chính là lý do mà TT Trump đã đắc cử tổng thống vào năm 2016.  Có người cho rằng, “nếu không có TT Obama thì chưa chắc ngày nay đã có TT Trump.” Một tổng thống đơn thương độc mã mà dám đi ngược lại truyền thống của “giới cầm quyền truyền thống establishment”của lưỡng đảng CD-CH. Đây cũng có thể là câu trả lời tại sao “người ta” đánh Trump “tới bến” như thế! Ông đúng là đại lão võ công thượng thừa “Độc Cô Cầu Bại” trong trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung.

TT Trump và đoạn đường chông gai?

Image result for trump wins election reaction

Từ khi ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 năm 2016 cho đến hiện tại, chưa thấy ngày nào ông ấy được yên ổn để lo việc nước,  phải nói là từng núi việc, ngày đêm làm không xuể, từ đối nội tới đối ngoại. Có một điều mà bất cứ già trẻ ai cũng thấy bà Clinton và đảng Dân Chủ,  phe thất cử đau quá! Đau thật! Đau như hoạn! Bà cứ tưởng cái ghế tổng thống của bà chắc như đính đóng cột,  vì theo thăm dò, 3 tháng trước bầu cử bà luôn luôn dẫn đầu, khoảng 80% được cho là chiến thắng trong cuộc đọ sức với ông Trump. Và rằng,  thế lực vận động nội,  ngoại của bà và đảng Dân Chủ cực mạnh, cộng thêm “ông thần” Obama… bỏ việc nước, dồn nỗ lực đi vận động yểm trợ khắp các tiểu bang cho bà suốt tháng cuối cùng trước ngày bầu cử. Thế là chắc ăn như bắp: Nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ là Hillary Clinton nắm chắc trong tay.

Thế nhưng, “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Bà Clinton đã thua đau đến nỗi cả “bộ chỉ huy” tranh cử của bà đã khóc như mưa sau khi kết quả công bố cuộc đua đêm 8/11/2016, ông Trump đã thắng cử với số phiếu đại cử tri đoàn 279/228. Ngay sau đó bà liền tâm sự: “This is painful and it will be for a long time.” “Cơn đau này sẽ kéo dài lâu lắm!”

Thế rồi, mãi cho đến hôm sau, thứ Tư,  9 tháng 11,  ông bà Clinton mới lên TV thừa nhận thua cuộc và gượng gạo chúc mừng ông Trump đắc cử. Và cũng lạ thay, ngay hôm đó đã có nhiều cuộc xuống đường biểu tình tại gần 10 thành phố trên toàn quốc để phản đối kết quả bầu cử. Từ Chicago (IL), Oakland (CA), đến New York, Austin (Texas) và khắp nơi phe tả xuống đường… Có nơi chỉ vài chục người, có nơi lên đến hàng trăm người mà đa số là thanh niên ôm biểu ngữ phản đối Trump, kết án ông kỳ thị chủng tộc, là những người thuộc nhóm Black Lives Matter. Họ hò hét, thậm chí còn dẫm đạp, và đốt cờ Mỹ, gần như bạo động!

Image result for Big women rally anti Trump in Washington DC

Vài tháng sau đó, cho đến ngày lễ nhậm chức của TT Trump 20/1/2017 vẫn còn những cuộc xuống đường rầm rộ của hàng trăm ngàn phụ nữ chống TT Trump, nhất là ở Thủ Đô Washington. Ban tổ chức cuộc tuần hành cho biết mục đích của họ là gửi thông điệp: Các nhà lãnh đạo đắc cử phải hành động để bảo vệ quyền của phụ nữ, gia đình họ và cộng đồng của họ”.

Ngoài ra, theo tổng kết, có hơn 600 “cuộc tuần hành chị em” lớn nhỏ khác diễn ra trên khắp nước Mỹ và thế giới, với ba triệu người tham gia, theo ước tính của ban tổ chức 250.000 người tham gia biểu tình tại thành phố Chicago, 100.000 ở Los Angeles và 100.000 người ở Boston. Tại New York, 400.000 nhà hoạt động chống ông Trump tuần hành qua Tháp Trump tại Đại lộ 5. Khoảng 100.000 người cũng được huy động tại thủ đô London, Anh. Các cuộc tuần hành nhỏ hơn được tổ chức ở các nước như Australia, New Zealand, Đức, Pháp, Hungary, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech và Canada.

Trước những cuộc biểu tình liên miên, TT Trump vẫn bình chân như vại. Mãi đến hôm 22/1/2017 ông mới lên Twitter tuyên bố về làn sóng biểu tình ôn hòa, nhưng ông đặt câu hỏi vì sao những người này không đi bầu! Và không lâu sau đó, TT Trump đăng dòng thứ hai mang thông điệp hòa giải, cho rằng các cuộc biểu tình ôn hòa là chứng minh cho nền dân chủ tuyệt vời của Hoa Kỳ.

Thế rồi, ai cũng tin là những cuộc xuống đường gây xáo trộn xã hội sẽ chấm dứt. Đảng DC và truyền thông dòng chính (TTDC), sẽ ngưng xoi mói tìm cách tấn công TT hằng giờ trên hệ thống truyền hình, báo chí thiên tả, phịa chuyện bất chấp phải trái,  khiến cho quần chúng chán nản không thèm xem đài, báo chuyên bôi bác, tấn công ông Trump. Chính vì điều này, theo thống kê,  các đài, báo mất nhiều khán giả và độc giả. Trong khi đó cơ quan truyền thông phe hữu quá it, không đủ túc số để đưa tiếng nói công đạo giùm TT Trump đến quần chúng. Cuối cùng ông phải dùng mạng xã hội “Twitter” để chuyển tải những gì ông cần nói với người dân. Có cơ hội lên đài là ông dùng miệng lưỡi đấu lại thẳng thừng: “Báo chí tả phái chỉ loan tin dỏm, tin vịt, tin giả (fake news)” và cho rằng đám truyền thông này là “kẻ thù của quần chúng”. Từ đó trận chiến giữa TTDC và TT Trump ngày càng ác liệt hơn.

Chưa hết, vụ ông trùm Comey Giám đốc FBI, người chịu trách nhiệm điều tra về vụ nghi ngờ Nga xâm nhập vào cuộc bầu cử năm 2016, trong khi ông chưa kịp làm gì cả thì bất ngờ bị TT Trump sa thải. Sự việc này đã tạo thêm nhức đầu cho cử tri vì ông lại khám phá thêm nhiều tay cao cấp trong cơ quan FBI cũng bê bối tiền bạc phe nhóm đủ thứ, đứng ở phe tả và tìm cách chống ông. Tệ trạng này khiến TT Trump phải có biện pháp.

Image result for MUeller

Bộ Tư Pháp, tức khắc bổ nhiệm ôngRobert Mueller làm công tố viên độc lập để tiếp tục điều tra vụ Nga.   Thế nhưng,  ông Mueller nhận công tác từ tháng 5/2017 kéo dài tới nay gần một năm rưỡi mà vẫn không thấy bằng chứng TT Trump có thông đồng cái gì với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, mà chỉ thấy ông Mueller xoay lòng vòng câu giờ điều tra,  rồi đưa 2 ông Manaford và Cohen (cựu nhân viên của ông Trump) ra tòa với nhiều tội trạng liên quan tới tài chánh, thuế vụ của họ, chẳng liên quan gì tới vụ hô hoán ông Trump có thông đồng với Nga trong kỳ bầu cử TT năm 2016.

Thế rồi, một loạt khoảng hơn chục cuốn sách ủng hộ và chống ông Trump đều được xuất bản và tới tay độc giả trong trận chiến này.  Nhưng phải nói là sách bôi xấu, kể tội Trump này nọ thì nhiều hơn vì được truyền thông cánh tả lăng-xê tới tấp như cuốn Fire and Fury của Michael Wolff; A higher Loyalty của cựu trùm FBI James Comey; rồi House of Trump – House of Putin của tác giả Craig Unger; rồi cô đào TV Amarosa,  phụ tá của TT Trump bị sa thải, cũng ra cuốn Unhinged, nói hành, nói tỏi đủ điều nhưng thiên hạ biết rồi, biết hết nói mãi cũng chừng ấy chuyện… nên sách vẫn còn nằm ụ trong kho…

Phe tả với 3 mũi giáp công tấn kích TT Trump trước mùa bầu cử giữa kỳ 2018

Cho đến hiện tại, chỉ còn 7 tuần lễ nữa là tới ngày bầu cử giữa kỳ nên TTDC và phe tả phải dồn mọi nỗ lực để xoáy vào 3 mũi giáp công đồng loạt để hạ cho bằng được TT Trump và đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử Hạ Viện và Thượng Viện lần này.

Image result for obama new pic last week in IL

Mũi Thứ Nhất: Cựu Tổng thống Barack Obama “xuống núi” hôm thứ Sáu ngày 7/9, đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt người kế nhiệm của ông là Tổng thống Trump, cho rằng TT Trump đã áp lực lên Bộ Tư pháp, gây chia rẽ đất nước, đe dọa nền dân chủ, phá hoại quan hệ đồng minh khi xum xoe với Nga. Ông nhắc nhở cử tri rằng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi, một trọng điểm mà ông Trump thích khoe nhất thì chính là kết quả từ nhiệm kỳ của ông cựu tổng thống.  Ông Obama kêu gọi cử tri hãy dùng lá phiếu để kiểm soát mạnh mẽ “sự lạm dụng quyền lực” và phục hồi sự tỉnh táo cho nền chính trị Mỹ.

Bài diễn văn của ông Obama tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign được đưa ra trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ 6/11 sắp tới,  vốn sẽ quyết định phương hướng tiếp theo của chính quyền ông Trump. Thế nhưng, người ta chê ông Obama là đã vi phạm nguyên tắc bất thành văn: “Tổng thống tiền nhiệm không nên chỉ trích việc điều hành quốc gia của đương kim tổng thống”.  Điều đó cho thấy, việc xuống đường đi vận động ủng hộ đảng DC cho cuộc bầu cử 6/11 của ông Obama sẽ gặp phản ứng ngược của cử tri.  Ông Dan Bongino, hiện là một nhà bình luận chính trị thường xuyên trên Fox News, gọi bài diễn thuyết mới nhất của ông Obama là “đáng hổ thẹn” disgraceful. Và rằng: “Ông Obama là một trong những tổng thống gây chia rẽ nhất lịch sử nước Mỹ”.

Mũi Thứ Hai: Nhà báo Woodward, Biên tập viên chính của báo Washington Post, một ngôi sao báo chí trong vụ Watergate, dưới thời TT Nixon, mô tả nội dung là “một cuộc đảo chính hành chính,” trong đó các giới chức chính phủ âm thầm tìm cách lật đổ tổng thống Trump bằng cách che giấu tài liệu về các chính sách quan trọng và phớt lờ mệnh lệnh của ông. Họ giải thích cuốn sách của Woodward và bài xã luận trên New York Times là của giới truyền thông cấp tiến làm việc… với giới quyền lực để lật đổ ông Trump. Trong khi đó hầu hết các thành viên cao cấp trong nội các của TT Trump đều lên tiếng bác bỏ việc làm lén lút của ai đó.

Cuốn sách của Woodward vừa mới phát hành “như cơn bão Florence đang táp vào miền Đông nước Mỹ và ảnh hưởng tới tận Bạch Ốc,” thì bài xã luận nặc danh OP-ED trên báo New York Times xuất hiện cũng làm người ta quan tâm về âm mưu của cánh tả và TTDC nặng nề hơn.  Tại sao lại phải ẩn danh? Hay chỉ để tạo xáo trộn, gây nghi kỵ nhau trong nội các của Hành Pháp. Nhưng mục tiêu duy nhất vẫn là: chống TT Trump tới cùng.

Những việc xảy ra dồn dập trên cho thấy sự chia rẽ trầm trọng – một nước Mỹ tập hợp chung quanh ông Trump, và nước Mỹ dị ứng với ông – đang hiện ra rõ nét hơn, nhưng những lời cổ võ chống tổng thống tại các cuộc vận động công khai rần rần của phe tả…  chắc chắn khó có thể thuyết phục được cử tri hiểu biết trong cuộc bầu cử sắp tới.

Mũi Thứ Ba: Đảng DC và cánh tả đang vận động ráo riết nhằm khai thác Tu chính án thứ 25 để tìm cách “truất phế” TT Trump,  nghĩa là bằng mọi giá họ phải giành cho được Hạ Viện trong cuộc bầu cử sắp tới, mới “chắc ăn” như họ đã vận động cho bà Clinton trong năm 2016 trước đây! Nhưng để rồi sẽ thấy: “Trời bất dung gian”, đa số những cử tri hiểu biết, kể cả những cử tri không thuộc đảng nào (DC-CH),  đều cho rằng phe chống TT Trump tới cùng đang đánh vào không khí và tự tạo cho họ đám mây mù, bão tố hay nói đúng hơn chỉ là ảo tưởng.

Image result for 25 Amendment

Cuối cùng, ngày 6/11 sắp tới là cuộc bầu cử đầy chính nghĩa của những cử tri Mỹ với nền văn minh nhân bản, trí thức, hiểu biết, yêu chuộng nền dân chủ tuyệt vời của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong hơn 241 năm nay mà cả thế giới đều biết, đều ngưỡng mộ. Những ai vì quyền lợi cá nhân, ích kỷ đảng phái cục bộ, không coi việc nước là quan trọng, đi ngược lại truyền thống cao đẹp của cha ông, tất sẽ bị đào thải. Sau gần 2 năm xáo trộn, tranh chấp kỳ lạ từng ngày với Tổng thống đương nhiệm sẽ không bao giờ mang lại kết quả như họ mong muốn. God Bless America!

Lão Gà Tre

Related posts