Người Việt vùng duyên hải Carolina chuẩn bị đón bão Florence

Nhiều cư dân người Việt ở hai tiểu bang North và South Carolina đang chuẩn bị chống chọi với trận bão hung dữ Florence sắp sửa ập vào Bờ Đông Hoa Kỳ.  Nhà chức trách thông báo bão sẽ gây thảm họa với những trận cuồng phong và mưa lớn gây ngập lụt.

Image result for HUrricane florence

Florence, một trong những trận bão mạnh nhất ở Bờ Đông Hoa Kỳ so với nhiều thập niên qua. Trận bảo này hiện đang được phân loại là trận bão xoáy nhiệt đới Cấp 3, với sức gió 125 dặm (201 km) một giờ. Dự báo thời tiết cho biết tới trưa ngày thứ Năm bão sẽ mang gió với cường độ bão nhiệt đới tới vùng duyên hải của North Carolina, và tới khuya thứ Năm rạng sáng thứ Sáu sẽ có gió cường độ bão xoáy và nhưng trận mưa lớn nguy hiểm.

“Nó sẽ là một cú đấm kiểu [võ sĩ quyền Anh] Mike Tyson giáng vào vùng duyên hải Carolina” từ thứ Năm cho tới cuối tuần, Quản trị viên của Cơ quan Quản trị Tình huống Khẩn cấp Liên bang,  ông Jeff Byard phát biểu sáng ngày thứ Tư: “Ngày hôm nay là ngày tốt nhất để di tản,” ông cảnh báo.

Bà Nguyễn Trà My ở thành phố Myrtle Beach của South Carolina mô tả quang cảnh đường phố “trống vắng” vào chiều ngày thứ Tư. Bà nói hầu hết mọi người đã rời đi sau khi Thống đốc tiểu bang này ban hành lệnh di tản bắt buộc vào chiều thứ Hai, tính tới giờ hơn 300.000 đã tuân hành lệnh di tản.

“Y như là một thành phố ma, thật là ghê sợ!” Bà Trà My trả lời điện thoại VOA. “Mặc dù tôi đã sống ở đây cũng được 5 năm rồi nhưng cũng chưa bao giờ thấy người ta di tản nhiều đến như vậy.”

Là chủ một tiệm làm móng tay nằm sát biển, bà cho biết các cơ sở kinh doanh như bà đều được nhà chức trách ra lệnh đóng cửa từ ngày hôm trước. Nhưng hôm nay bà vẫn ra tiệm là một trong số ít người còn ở lại.

Đại lộ Ocean vắng bóng du khách sau khi lệnh di tản bắt buộc được ban hành đối với các vùng duyên hải bang South Carolina ở thành phố Myrtle Beach, ngày 11 tháng 9, 2018.
Đại lộ Ocean vắng bóng du khách sau khi lệnh di tản bắt buộc được ban hành đối với các vùng duyên hải tiểu bang S. Carolina ở thành phố Myrtle Beach, ngày 11 tháng 9, 2018.

Các vị lãnh đạo cộng đồng người Việt trong khu vực này cho biết ngay khi vừa hay tin bão sắp tới,  họ đã chủ động thông báo và liên lạc với các đồng hương trong vùng để mọi người kịp thời ứng phó,  vì nhiều người có thể không để ý tin tức hoặc không thông thạo tiếng Anh.

Bà Nguyễn Thu Hương, Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc Gia thành phố Charlotte, North Carolina, cho biết bà đã hướng dẫn cho một số đồng hương về những địa điểm mà họ còn có thể mua nước uống đóng chai và thực phẩm khô sau khi nhiều chợ “hết” hàng vì nhu cầu tăng vọt trước trận bão.

“Phần lớn mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng, chuẩn bị tinh thần,” bà nói. “Hy vọng là chúng tôi không bị bão càn quét mạnh trong trận này.”

Trên trang Facebook, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia thành phố Columbia, South Carolina, nhắc nhở mọi người dự trữ các nhu yếu phẩm, thuốc men và chớ nên lơ là về mức độ nguy hiểm của bão.

“Đây là thời điểm khó khăn cho tất cả chúng ta, xin nhớ rằng sự an toàn luôn là mục tiêu hàng đầu của chúng ta,” thông báo nhắn nhủ.

Một cơ sở kinh doanh được đóng ván gia cố trước khi Bão Florence đổ bộ ở Wilmington, North Carolina, ngày 12 tháng 9, 2018.
Một cơ sở kinh doanh được đóng ván chống bão trước khi Bão ở Wilmington, N. Carolina, 12 /9/18.

Ông Đỗ Trọng Khải, Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc Gia thành phố Raleigh, North Carolina, nói hai thành phố duyên hải Wilmington và New Bern có cộng đồng người Việt sinh sống,  hiện được dự báo thuộc khu vực có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão.

“Chúng tôi cũng đang hướng về các đồng hương ở phía đó,” ông nói.

Những đồng hương này có bà Solange Thompson, người gốc Việt lai Pháp làm chủ một nhà hàng nổi tiếng ở Wilmington. Theo chồng người Mỹ đến thành phố này định cư từ năm 1973, bà Solange nói bà đã trải qua mấy trận bão lớn rồi và rằng bà “không sợ” cơn bão sắp sửa ập tới. Điều này có nghĩa là bà sẽ không di tản và sẽ cố thủ trong nhà như những lần trước.

“Cái này mình ở đây kêu bằng là ‘trường kì kháng chiến’ đó,” bà nói rồi bật cười.

(Theo VOA)

Related posts