Hút Thuốc Lá và bệnh Nghẽn Phổi

BS Hồ Ngọc Minh 

 

Bệnh nghẽn phổi kinh niên, chronic obstructive pulmonary disease (COPD), là một bệnh kéo dài theo năm tháng và làm cho tình trạng của phổi ngày càng kiệt quệ. Triệu chứng tiêu biểu của bệnh là ho, thở khò khè, thở không sâu, và khó thở. Một người bị COPD thở rất khó nhọc, có khi gồng mình, hớp hơi, giống như sắp tắt thở.

Theo Viện Nghiên Cứu Quốc Gia National Institutes of Health, NIH, COPD là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây ra tử vong ở Hoa Kỳ. Ở Mỹ có khoảng 11 triệu người bị chứng bệnh nghẽn phổi kinh niên, nhưng trên thực tế con số lên đến 24 triệu vì không được chẩn đoán bệnh đúng cách. Trên toàn thế giới có khoảng 65 triệu người bị bệnh này.

COPD thường xảy ra cho người trên 40 tuổi, đã hoặc đang hút thuốc lá. Cho dù thường xuyên bị ô nhiễm không khí, bụi bặm cũng gây ra bệnh, nhưng hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu đưa đến bệnh COPD, chiếm khoảng 90%.

Bệnh nghẽn phổi kinh niên là bệnh gì?

Khi ta thở vào, không khí có chứa oxygen đi vào cuống phổi và tràn vào những khí quản chính, rồi khí quản nhỏ, và nhỏ dần như những hang cùng ngõ hẻm và cuối cùng dẫn đến những túi không khí li ti gọi là alveoli, ở đây không khí được tiếp cận với những hệ thống mạch máu nhỏ li ti, và oxygen được chuyển qua bên mạch máu. Đồng thời, thán khí CO2 được thải qua bên túi không khí, và ta thở ra ngoài.

Hai lá phổi, đường dẫn không khí và túi chứa không khí là một hệ thống đàn hồi, luôn luôn co giãn, tương tự như một bong bóng. Tuy nhiên, người bị bệnh COPD, thể tích không khí vào và ra bị giảm đi rất nhiều do những lý do sau đây:

  1. Buồng phổi, đường khí quản, và túi chứa không khí bị mất tính đàn hồi.
  2. Những bức tường phân chia các túi không khí bị hư hại, thủng lỗ.
  3. Những bức tường của đường khí quản bị sưng và dày lên
  4. Đường khí quản bị đờm làm nghẽn không khí lưu thông.

Có hai nguyên nhân đưa đến bệnh COPD, gồm có, bệnh giãn phổi, còn gọi là khí phế thủng, emphysema; và bệnh kia là sưng khí quản kinh niên (chronic bronchitis).

Bệnh khí phế thủng xảy ra khi khói thuốc hay ô nhiễm không khí làm hư các bức tường ngăn chia túi không khí. Khi những bức tường này bị lủng lỗ sẽ tạo ra những túi chứa không khí bự. Những túi không khí bự này lại thiếu diện tích mặt bằng để cho không khí và mạch máu tiếp cận với nhau, không khí trao đổi ít đi. Thêm vào đó, không khí tích tụ trong những túi chứa không khí bự nầy sẽ làm khó thở ra và thở vào hơn, gọi là “trapped air”, nghĩa là một số thể tích không khí ít khi thoát ra ngoài.

Tình trạng sưng phế quản kinh niên xảy ra khi đường dẫn không khí bị viêm sưng và tiết ra nhiều đờm. Khi có đờm sẽ buộc ta phải ho nhiều để thảy đờm ra ngoài, làm khó thở, hay thở khò khè. Tương tự như bệnh khí phế thũng, khói thuốc và ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh.

Thuốc lá dẫn đến bệnh nghẽn phổi như thế nào?

Hút thuốc lá, bao gồm thuốc điếu, thuốc vấn, cigars, hút ống điếu pipes, thuốc lào… là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh nghẽn phổi COPD. Không những là hút mà còn cả ngửi hay hít thở khói thuốc của người khác hút, gọi là secondhand smoke. Khói thuốc đi vào hệ thống phế quản, làm cho các túi không khí bị xơ cứng, làm lủng lỗ những bức vách phân chia các túi không khí, làm viêm sưng khí quản, và làm tăng đờm trong khí quản gây ra nghẽn đường ống không khí. Khi đường khí quản bị xơ cứng sẽ làm cho khó thở, khó lưu thông, chuyển vận không khí. Khi các túi khí bị lũng, vách của chúng dày lên sẽ làm giảm bới khả năng trao đổi không khí và thán khí. Ngoài ra các độc tố trong khói thuốc về lâu về dài sẽ dẫn đến ung thư phổi, một nguy cơ ung thư cao nhất, cao hơn tất cả các loại ung thư khác cộng lại. Những độc tố từ khói thuốc cũng làm cho hệ thống tim mạch bị hoen rỉ, dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ tim hay trụy tim.

Có cách nào để giảm bớt những hư hại vì hút thuốc hay không?

Không có một phương cách nào có thể chữa dứt bệnh nghẽn phổi COPD, một khi đã đến thời kỳ nặng. Gần đây những nghiên cứu mới cho thấy những người hút thuốc ít và bỏ sớm trước 5 năm thì có thể có cơ hội hồi phục chút ít. Tuy nhiên những ai nghiền nặng và hút nhiều năm, một khi bệnh đã xảy ra thì không thể phục hồi được. Tuy nhiên, một số thuốc men, cũng như thay đổi về lề lối sống có thể làm giảm bớt triệu chứng của bệnh.

Một số thuốc men và phương cách chữa trị

  1. Thuốc làm giãn nở bắp thịt phổi chung quanh khí quản làm cho dễ thở hơn, gọi là bronchodilators.
  2. Thuốc steroid làm giảm bớt viêm sưng trong khí quản.
  3. Thuốc chủng ngừa cúm cũng giảm bớt nguy cơ bị sưng phổi cho người bị COPD
  4. Bình dưỡng khí oxygen, trợ thở.
  5. Giải phẫu cắt bỏ những túi không khí bị hư, hay cắt bỏ một phần của lá phổi đã bị hư
  6. Ghép phổi.

Một số thay đổi về lối sống có thể làm giảm bớt triệu chứng hay nguy cơ, gồm có:

  1. Bỏ hút thuốc, vừa có lợi cho chính bản thân và cho những người thân chung quanh mình.
  2. Tránh hít thở khói thuốc, tránh những nơi có khói thuốc hay bị ô nhiễm không khí.
  3. Ăn uống điều độ, nhiều rau cải, trái cây.
  4. Vận động, tập thể dục tối thiểu ba lần mỗi tuần.

Nói chung, hút thuốc không còn là “thời trang” của thế kỷ 21. Trong thế kỷ trước, đàn ông cũng như đàn bà bị ảnh hưởng của xã hội, thúc đẩy cho rằng hút thuốc là đầy ấn tượng, là thời thượng, là oai, là sang. Thậm chí, có bạn trai hút thuốc lá phà hơi vào tóc được cho là rất tình tứ, lãng mạn, và, nụ hôn với nhựa thuốc lá đầy hương vị tình yêu! Những quan niệm xã hội ấy đã lỗi thời. Hơn thế nữa, khoa học đã chứng minh, thuốc lá chỉ là thuốc độc, thật ra, độc nhất trong các loại thuốc độc, chỉ trừ có rượu mạnh.

Nên bỏ hút thuốc càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ tử vong cho mình và cho người thân yêu.

BS Hồ Ngọc Minh

Related posts