Mỹ rút ngắn thời hạn visa sinh viên Trung Quốc theo học những ngành trọng điểm

Một sinh viên Trung Quốc tại khu đại học Linfield Christian School, Temecula, California, Hoa Kỳ, ngày 23/03/2016. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN / AFP)

Từ ngày 11/06/2018, thời hạn visa của sinh viên Trung Quốc theo học các ngành khoa học tại Mỹ bị rút ngắn xuống còn một năm. Thay đổi này được bộ Ngoại Giao Mỹ gửi đến tất cả các sứ quán và các lãnh sự Mỹ ở nước ngoài.

Theo AP, mọi học sinh-sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc sẽ bị không chế thời hạn visa một năm nếu theo học các ngành công nghệ robot, hàng không, công nghệ cao. Đây là những ngành ưu tiên trong kế hoạch “Made in China 2025” được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy.

Ngoài ra, mọi công dân Trung Quốc muốn xin visa vào Mỹ sẽ phải có một giấy phép đặc biệt từ nhiều phòng ban của Mỹ nếu họ làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho các công ty nằm trong danh sách những cơ quan cần được bảo vệ cao độ do bộ Thương Mại Mỹ lập. Thời gian xét duyệt hồ sơ có thể kéo dài tháng.

Những thay đổi này đã được công bố trong chiến lược an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ hồi tháng 12/2017. Tài liệu cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ xem xét lại quá trình cấp visa “để giảm tình trạng đánh cắp kinh tế” và tập trung chủ yếu vào sinh viên ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học.

Theo Vision Times, rất nhiều trường đại học lên tiếng chỉ trích “sự phân biệt” nhắm vào sinh viên Trung Quốc, chiếm một phần lớn tổng số sinh viên nước ngoài đang học ở Mỹ. Sinh viên nước ngoài đóng góp khoảng 37 tỉ đô la cho nền kinh tế Mỹ trong năm học 2106-2017. Tuy nhiên, với các cơ quan tình báo Mỹ, những thay đổi nhắm vào sinh viên Trung Quốc là hành động cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.

Trung Quốc “dụ dỗ” sinh viên được đào tạo ở Mỹ

Trung Quốc luôn tìm cách thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học Mỹ đến làm việc tại các doanh nghiệp và tổ chức của nước này. Rất nhiều sinh viên được đào tạo tại Mỹ trong các ngành công nghệ mũi nhọn bỗng bị Bắc Kinh “bắt cóc” trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với tình báo Mỹ.

Ông Joseph G. Morosco, trợ lý giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (National Counterintelligence and Security Center) tỏ ra lo ngại : “Rất nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh nước ngoài đang theo học tại các trường đại học Mỹ đến từ các nước cạnh tranh chiến lược của Mỹ, trong đó có Iran, Nga, Trung Quốc… Chúng tôi đặc biệt bận tâm đến Trung Quốc vì nước này là một trong những đối thủ kinh tế đáng gờm của Hoa Kỳ”.

Bản báo cáo của Nhà Trắng mang tên “Sự tấn công kinh tế của Trung Quốc đe dọa công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ và thế giới như thế nào?” cũng nhấn mạnh đến những lo lắng liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng các chuyên gia được đào tạo ở Mỹ.

Theo văn bản này, “Các nhà tuyển dụng Trung Quốc kêu gọi lòng tự hào dân tộc và yêu cầu “về nước” để “phục vụ tổ quốc”. Những người trở về được đãi ngộ về tài chính và cơ hội thăng tiến. Những người ở lại nước ngoài vẫn có nhiều cách để “phục vụ đất nước”, bao gồm cả việc thường xuyên lưu lại ngắn ngày ở Trung Quốc và viết báo cáo về hoạt động nghiên cứu của họ ở nước ngoài”.

Một ví dụ về lời kêu gọi “lòng tự hào dân tộc” của Trung Quốc là “Kế hoạch 1.000 tài năng”được bắt đầu vào năm 2008. Những tài năng trong các lĩnh vực khoa học và có bằng sở hữu trí tuệ về công nghệ là đối tượng chính của Bắc Kinh. Ngoài ưu đãi về tài chính, họ được giữ những vị trí quan trọng trong trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc. Từ năm 2009, gần 44.000 người Trung Quốc có trình độ cao đã về nước.

Kế hoạch “Made in China 2025” với mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành nhà cung cấp công nghệ hàng đầu cho thế giới đã buộc chính quyền tổng thống Trump ngăn chặn công dân Trung Quốc ghi tên theo học các ngành công nghệ nhạy cảm như hàng không, robot và sản xuất công nghiệp cao cấp…

Nguồn: Thu Hằng / RFI

Liên Quan