30 năm Đại lễ phong 117 Thánh tử đạo Việt Nam: Giáo hội vẫn bị bách hại (Phần 1 & 2)

++

30 năm Đại lễ phong 117 Thánh tử đạo Việt Nam: Giáo hội vẫn bị bách hại – Phần I & II

 

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Ngày này 30 năm trước, một chiều Chúa nhật như mọi Chúa nhật khác, tôi tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Điều ngạc nhiên là xung quanh tôi, trong nhà thờ đầy rẫy những gương mặt lạ mà người công giáo nhìn qua cũng biết rằng họ là những người không phải tín hữu công giáo. Quan sát kỹ thái độ của họ, tôi biêt họ là công an.

Tôi thấy lạ, bởi chưa khi nào có hiện tượng lộ liễu đến thế. Thánh lễ diễn ra bình thường, không có một lời nào nói về một sự kiện trọng đại: Ngày hôm đó, tại quãng trường Thánh Phê rô, Vatican, Đức Giáo hoàng John Paull II đã tổ chức Đại lễ phong Thánh cho 117 Thánh tử đạo Việt Nam.

Chuyện 30 năm trước

Mãi về sau này, chúng tôi mới được biết về Đại lễ phong Thánh này, bởi Giáo hội Công giáo Việt Nam lúc bấy giờ cũng không thể có một trang báo, một thông báo hay một văn bản nào để thông tin đến giáo dân sự kiện trọng đại đối với Giáo hội Việt Nam và giáo hội hoàn vũ đến vậy.

Nhiều câu chuyện về Đại lễ phong Thánh này đã được kể lại, hẳn nhiên không phải là câu chuyện ở Quãng trường Thánh Phê rô, mà là chuyện ở ngay tại quê hương các Thánh tử đạo: Việt Nam.

Chúng tôi được nghe kể lại rằng trước đó, ngay trước khi phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã làm mọi cách để phản đối và yêu cầu hủy bỏ việc này.

Thậm chí, tờ Công giáo và Dân tộc, một tờ báo giả danh của người Công giáo nhưng là cánh tay nối dài của Cộng sản đã từng có ý định xin chữ ký để làm thỉnh nguyện thư hoãn việc phong Thánh này. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn và nhiều Giám mục, linh mục Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ nên ý định phá hoại này đã bị dập tắt.

Ngay từ cuối năm 1985, nhà cầm quyền CSVN đã bắt đầu chiến dịch dùng truyền thông bẩn thỉu để làm mất uy tín của các vị Thánh tử đạo Việt Nam. Thậm chí nhà cầm quyền còn hạch sách các chủ chăn bằng mọi cách, giám sát, câu lưu và bao vây mọi hoạt động của người công giáo, nhất là các linh mục, giám mục.

Đức cha Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục Thái Bình kể lại: “Nhân vật nổi bật và có công nhất chính là Đức Hồng Y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn. Có lẽ ngài cùng với một số một các Đức cha Việt Nam và ngoại quốc đã âm thầm chuẩn bị tiến tới việc phong hiển thánh. Đức Hồng Y Giuse-Maria thường được đánh giá trong cuộc sống là “người hiền lành đến mức dễ dàng”. Song, trong việc phong thánh, ngài tỏ ra hết sức kiên cường, gan dạ vô cùng. Chúng tôi nhớ, trong cuộc họp dưới sự điều hành của ông Bộ trưởng Bộ Công An là ông Mai Chí Thọ, ông này đã lớn tiếng thoá mạ một số các thánh tử đạo, nhưng lập tức bị Đức Hồng Y phản ứng bằng cách khóc lớn tiếng trong cuộc họp và mạnh mẽ nói rằng: “Ông không được thoá mạ tổ tiên cha ông chúng tôi”, và cuộc họp vì thế đã bị chấm dứt. Sau này, có tin cho biết rằng, ông Thọ bị trách cứ là “suýt nữa cụ Trịnh Văn Căn ngã xuống thì lúc đó con số phong hiển thánh sẽ là 118 vị chứ không phải là 117 vị.”

Trong những ngày Đại lễ Phong Thánh được long trọng tổ chức tận Vatican xa xôi, người giáo dân Việt Nam không hề được biết, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã ngồi tưởng tượng ra rằng giáo dân sẽ tập trung biểu tình nhân dịp này, hoặc Vatican cố tình chọn phong Thánh vào ngày 19/6 là ngày truyền thống Quân lực Việt Nam Cộng hòa, rằng nhiều vị Chân phước sắp được phong Thánh là các tay sai của đế quốc thực dân gây tội ác với nhân dân…

Và họ đã giăng một lực lượng  hùng hậu công an, cán bộ và chi khá lớn tiền của của người dân cho việc chống lại những bóng ma các Thánh tử đạo Việt Nam và chống lại người Công giáo Việt Nam hiện tại.

Thế nhưng, Đại lễ Phong Thánh cho 117 vị chân phước Việt Nam, một Đại lễ Phong Thánh lớn nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo hoàn vũ cho đến lúc bấy giờ vẫn tiến hành trọng thể và được cả thế giới vui mừng hân hoan chào đón. Khắp nơi trên thế giới tuốn về Roma, chỉ có những người con cháu các Thánh tử đạo Việt Nam bị gông cùm trong đất nước cộng sản là không thể có mặt. Điều đó như một cái  tát, một bằng chứng đanh thép về cái gọi là “Quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được bảo đảm” mà nhà nước Cộng sản luôn ra rả tuyên truyền.

Mãi sau này, tôi mới biết rằng, nhà nước CSVN đã bị chính con đẻ của mình phản bội và bị hớ nặng trong vụ việc này. Ngoài việc chi hàng đống tiền của, lo lắng đến mất ăn mất ngủ mấy năm trời, còn bị cả thế giới phỉ nhổ.

Kẻ phản bội này chính là cái tổ chức mang tên Ủy Ban Đoàn kết Công giáo mà nhà nước đã đẻ ra, nuôi báo cô từ những năm 1953 để âm mưu lập một giáo hội tách biệt với Giáo hội Hoàn vũ, một giáo hội do Đảng Cộng sản vô thần lãnh đạo, chi phối theo kiểu Trung Cộng.

Sở dĩ cái Ủy ban này phản bội, chỉ đơn giản vì những người mang áo Linh mục nhưng đã bán linh hồn cho ma quỷ, nhân viên, cán bộ… trong cái Ủy ban này ngày càng lộ rõ sự ăn hại và vô dụng. Bởi Giáo hội Công giáo không dễ bề khuất phục và mua chuộc, nên nhà cầm quyền đã có ý định cho “giải ngũ” đỡ nuôi tốn cơm thừa. Do thấy nguy cơ mất việc và lợi lộc, cái Ủy ban này đã ngồi vẽ ra những “âm mưu” những tai hại và đem ra đe dọa nhà cầm quyền vốn đã thấy tôn giáo như bóng ma ám ảnh nhà nước vô thần.

Chính vì vậy, nhà cầm quyền CSVN đã hoảng hốt và nếm trọn quả đắng trong việc đối phó với việc phong Thánh.

Đôi nét về cách giết chết một tôn giáo: Phật giáo

Thời kỳ trùm kín chăn tách biệt với thế giới bên ngoài buộc phải qua sau cuộc khủng hoảng sụp đổ không tránh khỏi của hệ thống cộng sản trên toàn thế giới, nhà cầm quyền CSVN muốn vào sân chơi của thế giới nhằm kiếm dola, buộc phải thay đổi biện pháp đối với tôn giáo tại Việt Nam.

Trước đây, trong thời kỳ “Cách mạng về tư tưởng và văn hóa” – một trong 3 cuộc cách mạng chính của cộng sản – nhà cầm quyền đập bỏ hết tất cả đền đài, chùa chiền, miếu mạo, cướp đất đai của mọi nhà thờ nhằm tiêu diệt hoàn toàn “tư tưởng phong kiến, thực dân lạc hậu” để “xây dựng nền văn hóa mới XHCN”.

Nhưng khi không thể tiêu diệt niềm tin của người dân, nhất là sau khi cái bánh vẽ “Thiên đường XHCN” bị bóc mẽ và sụp đổ cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, nhà cầm quyền CSVN chuyển sang chiêu bài mới, chính sách mới về “tự do tôn giáo”.

Đối với Phật giáo, do hệ thống tôn giáo này lỏng lẻo, nhà cầm quyền CSVN đã gom tất cả 9 hệ phái Phật giáo – dù rất khác nhau về giáo lý và giáo luật – vào một rọ gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” cho dễ bề cai trị. Hệ thống đó, đã lấy ba thứ “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” trộn thành nồi lẩu mắm làm đặc sản cho phật tử.

Những công trình đền chùa, thu hút đông người dân, được các con sâu lớn trong hệ thống chính trị bỏ số tiền khổng lồ cướp được sau một thời gian làm quan cai trị, để xây to lớn, hoành tráng và kinh doanh.

Nhiều trò mê tín dị đoan được dung dưỡng, tung hô và ngang nhiên lôi cuốn từ lãnh đạo cộng sản cho đến người dân như phát ấn Đền Trần, Chùa Hương, Chùa Bái Đính…

Đặc biệt, để khuynh loát hệ thống tôn giáo, một chính sách “không tiêu diệt được thì đồng hóa và đổi màu” đã được tiến hành cách tinh vi và có quy mô lớn, có hệ thống từ chính sách đến thực tiễn.

Mới đây, khi một ông sư chết, người ta mới biết rằng ông ta có đến tận 50 năm tuổi đảng. Kỳ lạ thay là một người mang áo cà sa, tu hành theo Phật giáo lại là thành viên của đảng Cộng sản vô thần hơn nửa thế kỷ.

Thế nhưng, con số đó không phải là ít.

Hệ thống sư sãi được đào tạo chính từ những trường Công an, An ninh chính trị rồi bổ nhiệm đi các chùa trong vai trò sư sãi nhằm quản lý và đầu độc người dân. Trong dân gian hiện nay, người ta cho rằng không dưới 95% sư sãi được đào tạo bài bản từ ngành công an. Những người chân tu chỉ còn cách im lặng vào núi. Sư sãi được bổ nhiệm như những “ sĩ quan, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ đặc biệt”.

Nhiều phật tử cho biết rằng những người có gia đình, vợ con ở Thanh Hóa, sẽ được bổ nhiệm làm sư sãi ở vùng xa hơn như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, những người có vợ con ở Bắc Ninh, được bổ nhiệm làm nhiệm vụ ở các chùa như Ninh Bình, Hải Phòng… và được trang bị xe cộ phương tiện để sau những ngày “làm công tác tu hành” thì về thăm vợ con, gia đình.

Điều cơ bản để phá hoại hệ thống Phật giáo một cách bài bản và nham hiểm nhất, đó là đưa đủ thứ hầm bà lằng vào phá nát hệ thống giáo lý nhà Phật. Nhiều hiện tượng, sự việc trái hẳn với giáo lý nhà Phật như lên đồng, xem bói, xem ngày giờ, cầu an, giải hạn… đều được đưa vào chùa chiền và bằng nhiều cách mê hoặc để thu tiền dân.

Nhà cầm quyền CSVN đã biến chùa chiền trở thành nơi mua bán, cầu cúng, xin xỏ lộc phước, mua quan bán chức, vay vốn, trả nợ… bằng tiền.

Với đội ngũ sư công an, những hiện tượng cấm kỵ đều đã trở thành bình thường trong hệ thống Phật giáo hiện nay như sư sãi cổ động cho chiến tranh, bạo lực, dùng giáo lý nhà Phật để giải thích, bào chữa cho hiện tượng oan sai, hà hiếp dân lành của chế độ công an trị.

Người ta đã không lấy làm ngạc nhiên khi một kẻ mang áo cà sa, như Thích Thanh Quyết, nơi cái gọi là Quốc hội, đã yêu cầu xây dựng đất nước theo mô hình của nhà nước “côn đồ quốc tế” Bắc Hàn hoặc cho rằng ngay cả Phật có đến nghìn tay, nghìn mắt mà vẫn có oan cho Thị Kính, thì việc hệ thống pháp luật Việt Nam án oan đến 30% là rất nhỏ?

Tệ hại hơn, nhiều sư sãi còn đóng vai trò tuyên giáo của đảng để dâng đất cho giặc, bán đất nước, lãnh thổ nhằm vinh thân phì gia.

Thế nên, ngày nay mới sản sinh ra những quái sư như Thích Chân Quang đã ngang nhiên mạ lỵ cả truyền thống đánh giặc giữ nước ngàn năm nay của cha ông ta, hèn hạ nhận rằng Việt Nam là đàn em của Trung Cộng, và ngày xưa, Lý Thường Kiệt đánh Trung Quốc xâm lược là… “hỗn”.

Cũng không thiếu những kẻ khoác áo cà sa nhà Phật, nhưng dẫn đầu trong việc làm ác đức bất nhân, đi ngược lại với Giáo lý nhà Phật bằng cách chống lại tôn giáo khác như Thích Nhật Từ.

Và hệ thống Phật giáo nát bét, những hiện tượng sư sãi chơi thuốc lắc, ma túy, mại dâm, gái gú… đã trở thành chuyện thường ngày ở Phật giáo quốc doanh Việt Nam ngày nay.

Nhiều tôn giáo khác cũng đa bị khuynh loát và điều khiển theo hướng “tôn giáo Chủ nghĩa xã hội” theo cách đó.

Và Phật giáo Việt Nam đang ở trong sự cùng cực về đại nạn “mạt pháp” dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản.

Sau khi khuynh loát được hệ thống Phật giáo một cách cơ bản, nhà cầm quyền CSVN đã ưu tiên Phật giáo quốc doanh về mọi mặt, từ việc xây chùa chiền to lớn, đến cấp đất bạt ngàn nhằm đào tạo “công an sư” phục vụ cho đảng.

Ngược lại Giáo hội Công giáo càng ngày càng bị bóp nghẹt, hạn chế một cách bài bản và tinh vi.

(Còn nữa)

Ngày 19/06/2018, Kỷ niệm lần thứ 30 ngày Đại lễ Phong 117 Thánh tử đạo Việt Nam.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

30 năm Đại lễ phong 117 Thánh tử đạo Việt Nam: Giáo hội vẫn bị bách hại – Phần II

 

Lịch sử 500 năm của Giáo hội Công giáo Việt Nam kể từ khi gia nhập vào Việt Nam đến nay, chưa mấy khi được yên ổn để chăm lo cho người dân như sứ mệnh của mình. Trái lại luôn bị bách hại khốc liệt dưới triều đình phong kiến, vì thế, hàng trăm ngàn giáo dân đã chấp nhận cái chết để làm chứng cho Đức tin của mình. Kết quả của những giọt máu tử đạo tại Việt Nam đã là những minh chứng sống động và tạo nên những vụ mùa bội thu về sự phát triển đoàn chiên ngày càng đông đúc với Đức Tin ngày càng vững mạnh qua những thử thách khắc nghiệt.

Thế rồi thời phong kiến đã qua đi, đất nước lại rơi vào đại họa Cộng sản. Người công giáo cũng như các tôn giáo khác bị triệt hạ tận căn để thực hiện một chế độ theo Chủ nghĩa Mác – Lenin vô thần – Một thứ chủ nghĩa mà nhiều người đã xác nhận là một thứ tôn giáo được truyền bá bằng máu và nhà tù.

Thời kỳ cộng sản sắt máu

Không chỉ có hàng trăm năm trước, những tín hữu Công giáo phải đổ máu, mất mạng sống vì niềm tin của mình, mà ngay những ngày Giáo hội Hoàn Vũ phong Thánh cho 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam, tại đất nước này khi đó vẫn có hàng trăm linh mục bị đưa đi tù, nhiều Giám mục bị quản chế, bách hại và sát hại, hàng loạt giáo dân chết rũ tù không biết nay đang nằm ở một mảnh rừng thiêng nước độc nào đó.

Sau khi lập chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, thời kỳ đầu mới cướp được chính quyền, chính quyền còn non nớt, nhiều động tác của nhà cầm quyền CSVN lấy lòng mọi người dân, trong đó có đồng bào công giáo. Điển hình như việc mời Đức giám mục Thedeo Lê Hữu Từ làm cố vấn, một Bộ trưởng chính phủ là người Công giáo như ông Nguyễn Mạnh Hà… Thế nhưng, khi đã cảm thấy đủ lông, đủ cánh, nhà cầm quyền CSVN bắt đầu lộ nguyên hình là một nhà nước bất dung với tôn giáo.

Kể từ khi người cộng sản nắm quyền lãnh đạo đất nước, từ khi nửa đất nước phía Bắc cho đến khi cả hai miền lọt vào tay Cộng sản, người Công giáo luôn là đối tượng bị kỳ thị, phân biệt để trở thành những “công dân hạng hai” nếu vẫn giữ nguyên những quan điểm, niềm tin tôn giáo của mình.

Các tổ chức của Giáo hội Công giáo luôn là điểm ngắm, là nơi để quan chức cộng sản tìm mọi cách chèn ép, cướp đoạt, chiếm cứ bất chấp luật pháp, bất chấp hiến pháp cũng như những điều tối thiểu về tâm linh, đạo đức làm người. Các cơ sở của giáo hội Công giáo bị chiếm cướp nhằm mục đích duy nhất là hạn chế sự phát triển, truyền  bá của tôn giáo này – một tôn giáo có tổ chức chặt chẽ và có sự hiệp thông của Giáo hội Hoàn vũ trên toàn thế giới – là một tổ chức mà nhà nước Cộng sản không bao giờ muốn tồn tại.

Chính vì thế, ngay từ những năm 1953 -1954, với sau khi đã cướp được chính quyền và quản lý được cả miền Bắc, nhà cầm quyền CSVN đã tìm mọi cách để hạn chế, tiêu diệt tổ chức tôn giáo này bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trước hết, đó là tổ chức ra một thứ “Công giáo quốc doanh”. Đây là một chủ trương của Đảng Cộng sản mà đứng đầu là Hồ Chí Minh. Báo Nhân Dân, tờ báo của Đảng Cộng sản khi đưa ra bất cứ một bài viết nào đều như một mệnh lệnh phải thực hiện, Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài viết về Công giáo, trong đó có những bài ký tên C.B nhằm chỉ thị, cổ vũ một Giáo hội quốc doanh của nhà nước.

Theo tài liệu của Gs Hà Thành trong bài viết: “Ủy Ban Đoàn kết công giáo bao giờ đến hồi kết” thì:

Từ năm 1951 đến năm 1955, chính Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài báo ký nhiều bút danh khác nhau để khen ngợi tổ chức “Hòa bình Chúa Kito” (một tổ chức Công giáo do Nhà nước lập) của Ba Lan và Công giáo “Tam tự” của Trung Quốc. Điển hình như các bài “Công giáo và chủ nghĩa xã hội” (báo Nhân dân ngày 27-9-1955, ký C.B); “Tự do tín ngưỡng” (Báo Nhân dân ngày 27-12-1951, ký tên M.H); “Công giáo Trung Quốc’ (Báo Nhân dân ngày 11-11-1955, ký tên C.B); “Những lời thắm thiết” (Báo Nhân dân ngày 27-1-1955, ký tên C.B)… Trong bài “Tổ quốc độc lập, tôn giáo mới tự do”, Hồ Chí Minh viết: “Từ tháng 7 năm ngoái, giáo dân Trung Quốc bắt đầu cuộc vận động “tự trị, tự dưỡng, tự truyền”, nghĩa là giáo dân tự cai quản lẫn nhau, không cần cha cố người ngoại quốc; các cha cố Trung Quốc tự làm ăn không nhờ vả ai; giáo dân tự tuyên truyền đạo Chúa” . Bài báo kết luận: “Ỏ nước ta, đồng bào công giáo đều yêu nước và hăng hái tham gia kháng chiến. Gương sáng của giáo dân Trung Quốc càng làm cho đồng bào công giáo Việt Nam thêm tin tưởng và quyết tâm”.

Chỉ thị 160/CT-TW của Ban Bí thư do Lê Văn Lương ký ngày 29/5/1968 còn nói rõ hơn: “Đồng thời kiên trì và khôn khéo giáo dục giáo dân ý thức tích cực tự giác, đấu tranh chống bọn phản động và xây dựng một giáo hội yêu nước” .  (Hết trích dẫn)

Chính vì thế, nhà cầm quyền CSVN đã chính thức thành lập cái gọi là “Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc” từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước. Với biết bao tiền của, công sức đổ vào cái Ủy ban này nhằm tạo nên một Giáo hội Công giáo quốc doanh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tuyệt giao với Tòa Thánh Vatican.

Điều này cũng không lạ lắm trong chính sách tôn giáo của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Với một số tôn giáo khác như Phật Giáo, nhà cầm quyền CSVN đã thành công và khuynh loát toàn bộ như chúng tôi đã nói ở Phấn I. Tuy nhiên, đối với Công giáo, điều này không dễ dàng.

Cái gọi là Ủy ban Liên lạc Công giáo ngày đó được Đảng Cộng sản thành lập và hà hơi tiếp sức cho nó sống đến ngày nay gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công giáo”. Thế nhưng, nhờ sự đạo đức, hiệp thông, sự khôn ngoan và nhanh nhạy của hàng giáo phẩm, với Đức tin kiên vững của giáo dân Việt Nam đã có kinh nghiệm lâu dài với sự kỳ thị, đàn áp, bắt bớ và tiêu diệt, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã thoát ra khỏi âm mưu thâm độc đó.

Chính vì vậy, tổ chức Giáo hội Công giáo càng là một cái gai, một sự khó chịu và là đối tượng của nhà cầm quyền CSVN. Họ tìm mọi cách chèn ép, bắt nạt, kỳ thị và hạn chế đến mức thấp nhất sự tồn tại và phát triển của nó.

Hàng loạt các nơi thờ tự, nhà chung, nhà nguyện và tài sản của giáo dân đã bị chiếm đoạt trái phép làm nơi ô uế như nhà kho, nhà chứa phân… Hàng loạt các nơi, những công trình của Công giáo bị đập phá, bị chiếm cướp như chỗ không người, mặc dù ngoài miệng, nhà cầm quyền CSVN vẫn cứ leo lẻo: “Tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo được bảo đảm”.

Cho đến nay, cả đất nước vẫn có 2.500 cơ sở thờ tự của Giáo hội Công giáo đang bị chiếm đoạt vô luật pháp và bất chấp đạo đức. Nhiều nơi đã biến thành khách sạn, trường học thu tiền, bệnh viện thu tiền, nơi kinh doanh… đi ngược lại với tôn chỉ ban đầu là những nhà thương thí và những cơ sở giáo dục cho những người nghèo, thất học vì không có điều kiện.

Song song với việc chiếm cướp các cơ sở thờ tự của Giáo hội, nhà cầm quyền CSVN đã buộc phải đóng cửa hàng loạt các cơ sở đào tạo, các chủng viện, đuổi các chủng sinh về quê, buộc lấy vợ lấy chồng đối với các nhà tu hành… nhằm duy nhất một mục đích là triệt tiêu những người hiến thân trong cuộc sống tu hành để dập tắt nguồn lực của giáo hội Công giáo.

Hàng loạt các Linh mục, chủng sinh, các thầy dòng cũng như nhiều giáo dân tích cực, nhiệt thành trong giáo hội đã bị bắt bớ, giam cầm cho đến chết tại các nơi rừng thiêng nước độc. Nhiều tư liệu còn ghi lại những tội ác của CSVN đối với Công giáo trong thời kỳ này. Nhiều chứng nhân đã làm chứng về những tội ác của CSVN trong các nhà tù Cộng sản. Cuốn sách Cổng Trời Cán Tỷ của Kiều Duy Vĩnh là một tư liệu sống động.

Những hoạt động phụng vụ, nghi lễ tôn giáo của Công giáo bị cấm đoán cực kỳ khốc liệt kể từ tiếng chuông nhà thờ, đến việc sửa chữa nhà thờ hoặc các Thánh lễ. Tất cả đều phải xin phép và lệ thuộc vào một ý kiến bất cứ cá nhân nào trong hệ thống công quyền.

Bất cứ một nghi lễ tôn giáo nào của Công giáo, đều được nhìn với con mắt thù địch, được coi là lạc hậu, mê tín dị đoan… Người công giáo được tuyên truyền như một lực lượng chuyên chống đối nhà nước, là một tôn giáo hủ bại và khó chấp nhận trên “bước tiến của cách mạng”.

Nếu như ngày xưa, quân lính nhà vua có thể kéo đàn, kéo lũ đi từng làng để triệt hạ, đốt nhà, bắt bớ những người theo đạo, thì thời Cộng sản, công an âm thầm lặng lẽ theo dõi và bắt giữ để buộc những người theo đạo ở vùng các dân tộc ít người “làm việc”, uy hiếp, hành hạ và cấm cản họ bằng mọi cách.

Nếu như ngày xưa, chiếu chỉ của nhà vua rất rõ ràng là cấm đạo, thì thời Cộng sản, nhà nước CSVN tuyên bố “tự do tôn giáo và tín ngưỡng” nhưng ở địa phương thì ngang nhiên cấm đoán trắng trợn với nội dung “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo” (Công văn của Tỉnh ủy Sơn La trả lời giáo dân Tp Sơn La).

Nếu ngày xưa, những người theo đạo bị thích chữ Tả đạo lên mặt, thì thời Cộng sản, chính quyền CSVN ghi tôn giáo lên tờ Chứng minh nhân dân và lý lịch người dân để theo dõi và phân biệt trong mọi nơi mọi lúc.

Nếu ngày xưa, những người theo đạo bị “phân sáp” để chia rẽ và kỳ thị, thì thời Cộng sản, người công giáo bị cấm tuyệt đối trong việc làm ở những lĩnh vực như Công an, lãnh đạo quân đội, các ngành cơ mật, kể cả cấm kết hôn với công an…

Nếu ngày xưa, người công giáo bị đốt hết nhà thờ, nhà nguyện, giết người cướp của ngang nhiên theo lệnh của nhà vua, thì thời Cộng sản, người công giáo bị cướp đoạt ngang nhiên, bất chấp luật pháp các tài sản, đất đai, nơi thờ tự theo bất cứ một ý thích nào của cán bộ Cộng sản.

Nếu ngày xưa, các sắc lệnh của nhà vua buộc quan chức và dân chúng phải nói về những “sai lầm” của đạo công giáo về thờ phụng, thì thời Cộng sản, hệ thống truyền thông cộng sản luôn tìm mọi cách gây sự nghi ngờ, kỳ thị và xúc xiểm nhằm đưa đến cho người dân một cái nhìn xấu xa, không thiện cảm về người Công giáo.

Nếu ngày xưa, người Công giáo buộc phải bước qua Thánh giá để tuyên xưng việc bỏ đạo, thì thời Cộng sản, người công giáo muốn có công ăn việc làm, được thăng tiến phải công khai ghi nhận “không tôn giáo”, phải vào đảng vô thần và thề tin tưởng, trung thành với Chủ nghĩa Mác – Lenin vô thần, vô đạo.

Với những linh mục, chủng sinh, những người đang phục vụ giáo hội, nhà cầm quyền CSVN thực thi một chính sách kỳ thị, cấm vận và bằng mọi cách cô lập.

Hệ thống kinh sách, các ấn phẩm tôn giáo bị thu hủy, triệt phá và cấm xuất bản, bị kiểm duyệt một cách gắt gao. Mọi thông tin của ngay nội bộ tôn giáo đều không được phép lưu hành. Tất cả nhằm một mục đích cô lập và tiêu diệt sự truyền dạy và rao giảng đạo Chúa.

Thậm chí, Công Đồng Vaticano II kết thúc từ năm 1965, thay đổi nhiều về nghi thức phụng vụ cũng như nhiều vấn đề sâu xa của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Thế nhưng, cả miền Bắc Việt Nam đã không hề được tiếp cận bằng bất cứ hình thức nào. Cả giáo hội miền Bắc vẫn bị trói buộc giam hãm trong những tư liệu và tài liệu phụng vụ cũ. Mãi cho đến sau biến cố 1975 khá lâu, giáo hội miền Bắc mới được tiếp cận các tài liệu đó, chỉ muộn mất có khoảng… 15 năm.

Hệ thống giáo dục của Việt Nam đã đưa ra những chương trình giáo dục lấy Chủ nghĩa duy vật làm nền tảng, qua đó đả phá có mục đích các tôn giáo, đầu độc cho học sinh từ tuổi thơ bé cho đến các công trình nghiên cứu sau này, tất cả đều tập trung vào một mục đích: Xóa bỏ tôn giáo được định nghĩa là “thuốc phiện của nhân dân”.

Hệ thống văn học, sách báo bên ngoài bị cấm tiệt, mọi thứ truyền thông từ bên ngoài được coi là của địch, cấm người dân tiếp cận. Mọi hệ thống máy thu thanh đều phải đăng ký và can thiệp để phá hủy việc thu sóng của các đài nước ngoài. Hệ thống báo chí, truyền thông nhà nước tập trung đầu tư cho các nhà văn, nhà báo ra sức tô vẽ, dựng nên một hình ảnh gớm guốc về người công giáo.

Nhiều nhà văn, nhà báo đã được nhà nước nuôi và chỉ thị cho ra mắt những tác phẩm kỳ thị bịa đặt hết sức nặng nề và phản đạo đức nhằm vào Công giáo như “Bão Biển”, “Giáp Mặt” của Chu Văn, “Cuộc đời bên ngoài” của Vũ Huy Anh, “Nắng” của Nguyễn Thế Phương, “Mặt trời quê hương” của Ngô Xuân Sách, “Ngày Lễ Thánh của Bạch Diệp, “Xung đột” “Cha và con và…” của Nguyễn Khải…

Những tiểu thuyết xuyên tạc ác ý đó được đưa vào sách giáo khoa, được đem dạy dỗ cho nhiều thế hệ học sinh một tư duy Cộng sản: Phải tiêu diệt tôn giáo, trước hết là công giáo – lực cản lớn trên con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội.

Thậm chí, những bộ phim chuyên xuyên tạc về Công giáo được đưa về những vùng công giáo chiếu có chủ đích trong những mùa chay, mùa thương khó…

Điều đó, đã gây một sự ngộ nhận khổng lồ về người công giáo Việt Nam trong nội bộ người dân Việt Nam. Người Công giáo được đối xử phân biệt rành rẽ như những công dân hạng hai, bị ghẻ lạnh, bị kỳ thị như  là một chuyện đương nhiên trong xã hội.

(Còn nữa)

Ngày 19/08/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Liên Quan