FB Lương Vĩnh Kim: Giải mã Gạc Ma

Người dân thả đèn tưởng niệm những người lính hải quân QĐNDVN đã bị thảm sát khi quân Trung Quốc tấn công và chiếm đóng hải đảo Gạc Ma. (Ảnh: Internet)

FB Lương Vĩnh Kim 

Gạc Ma đã mất từ 14/03/1988 nhưng hầu hết người Việt Nam đều không biết, cho đến 2014 mới lộ diện dần và ngày nay thì càng ồn ào ngoài ý muốn của những người được giao trọng trách trấn giữ Trường Sa. Trung Quốc từ chỗ không có gì ở Trường Sa thì ngày nay họ đã hiên ngang chiếm giữ và bồi đắp ngày càng rộng 7 bãi đá: Châu Viên, Gạc Ma, Chữ Thập, Gaven, Vành Khăn, Tư Nghĩa, và Subi.

Đây là sự thật đã bày ra trước mắt nhân dân Việt Nam và thế giới – không thể che dấu và chối cãi được nữa. Và 64 người chiến sĩ trẻ “nắm tay nhau tạo thành vòng tròn” hứng chịu đạn bắn thẳng của quân xâm lược mà không có hành động đáp trả nào cũng đã là một sự thật không thể chối cãi.

Chúng ta cần giải mã thế trận Gạc Ma dưới lăng kính binh pháp.

1. Trung Quốc là cái nôi sản sinh ra các nhà binh pháp nổi tiếng như Tôn Tử, Khổng Minh, Ngô Khởi thì không có lý do gì mà những người tổ chức xâm chiếm Trường Sa lại ngây thơ để cho quân Trung Quốc xả súng vào 64 binh sĩ Việt Nam như là cơn tức giận bất chợt!?

2. Và tại sao họ chỉ đánh mỗi Gac Ma? Len Đao, Cô Lin và các đảo khác cũng gần ngay đấy, sao Trung Quốc không đánh? Không lấy thêm?

Bọn xâm lược như bầy sói hay sư tử săn mồi. Nó hù dọa, luân phiên tấn công cho bầy đàn bỏ chạy, để lại con yếu nhất làm mồi mà không gặp sự chống trả nguy hiểm nào. Không động vật săn mồi nào dại dột tấn công con khỏe mạnh hoặc cả bầy với khả năng chống trả cao. Tên giựt dọc nào cũng chọn người yếu đuối, đơn độc, ít khả năng chống đỡ nhất để ra tay chiếm đoạt. Không tên cướp giựt nào dại dột đi giựt đồ của công an, bộ đội đang thủ súng. Miếng mồi Gạc Ma phải được đặt trong thế trận Trường Sa và thế trận trên đất liền Việt Nam tại thời điểm 1988 thì mới có thể hiểu rõ những dã tâm lâu dài của thế lực bành trướng Trung Quốc.

Năm 1975, nước Việt Nam thống nhất gần như nguyên vẹn trong hòa bình vì Việt Nam Cộng Hòa thua nhanh rồi bàn giao Sài Gòn trong nguyên vẹn. Khi ấy, Trung Quốc còn kẹt và tụt hậu vì hậu quả của Cách Mạng Văn Hóa và nền kinh tế kế hoạch hóa trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Trung Quốc không có cửa nào với tới Trường Sa nhưng âm mưu độc chiếm biển Đông thì đã có từ lâu. Chỉ có một Việt Nam suy yếu thì Trung Quốc mới chiếm được Trường Sa.

Trung Quốc đã nhử cho Việt Nam vào Campuchia rồi phải chịu trận 10 năm trong đói rách, kiệt quê vì bị cấm vận. Trung Quốc áp quân thậm thụt phía Bắc cho Việt Nam căng quân ra canh giữ không biết đến ngày nào yên. Với chính sách hợp tác hóa, ngăn sông cấm chợ và cải tạo công thương nghiệp trên phạm vi cả nước, Việt Nam rơi vào tình cảnh ăn xin viện trợ của Liên Xô và Đông Âu – những nước đã đến hồi mạt vận, sụp đổ! Khi ấy, năm 1988, Trung Quốc mới vươn tới Trường Sa, săn mồi Gạc Ma mà không bị sự trừng phạt nào. Gạc Ma đã bị tách ra khỏi Việt Nam yếu đuối, ngơ ngác và mất đoàn kết để làm mồi cho quân xâm lược.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta thì giặc chiếm Thăng Long hoặc chiếm cả nước, chúng ta đều lấy lại được. Nhưng giặc lấn chiếm một vùng nhỏ ở biên giới thì thường là chúng ta mất luôn. Biên giới Việt Nam lùi dần về phương Nam là minh chứng cho sự lấn chiếm từng bước của bành trướng Trung Quốc.

Trung Quốc chỉ có thể nuốt được miếng mồi thác Bản Giốc, điểm cao Vị Xuyên, chứ đánh vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc thì không thể ở lại đó được lâu! Trung Quốc cũng chỉ đủ sức ngoạm Gac Ma chứ không dại gì ngậm hết Trường Sa. Nếu mất hết Trường Sa thì dân Việt Nam sẽ thức tỉnh, phẫn nộ. Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ phẫn nộ. Người Việt Nam – dù là cộng sản hay không cộng sản – không ai chịu để cho ông Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Quốc Phòng rồi vinh thăng lên Chủ tịch nước. Và khi ấy, chúng ta không dừng ở việc hy sinh 64 chiến sĩ và bị chìm 3 tàu như lời Đô đốc Giáp Văn Cương chia sẻ với tướng Lê Mã Lương.

Trung Quốc hiểu điều đó và hành động đến đó chứ không phải do sáng suốt “lệnh không được nổ súng trước”- tránh khiêu khích nên mới không mất hết Trường Sa!? Kế hoạch định xâm lược Gac Ma dễ dàng có được thông tin vô giá từ đối phương “không được nổ súng” hoặc ” Không được nổ súng trước”. Ra quân cướp đảo – giết người mà thong dong, không lo tới chuyện bị đánh trả thì dại gì mà không làm!?

Mất nước, mất đất không thể là chuyện một ngày, một thế hệ. Trách nhiệm cũng không thể đổ lên đầu người lính, người tướng chỉ được trang bị cuốc xẻng. Cũng không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu người cầm quân trong tình cảnh tứ bề thọ địch, kho lương trống rỗng và lòng dân ly tán – hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Trách nhiệm là của cả hệ thống cai quản đất nước từ sau 30/04/1975. Trách nhiệm là ở tất cả chúng ta, những chủ nhân đất nước này, đã để công tác nhân sự – đặc biệt là nhân sự nắm giữ những chức vụ quan trọng, cấp cao – lọt vào tay những kẻ bất tài, tham nhũng, phản bội, làm lụn bại đất nước này, đang ngày càng phơi bày sự hư đốn trên diện rộng ở nhiều lĩnh vực.

Thế trận Gac Ma cần phải được giải mã cùng với thế trận Trường Sa và thế trận cả nước Việt Nam từ sau 30/04/1975. Lý do giấu nhẹm sự kiện Gạc Ma bi thảm cũng cần phải được giải mã. Thế hệ hôm nay và mai sau cần những giải mã này để rút ra những bài học máu, nhằm tránh rơi vào tình cảnh mất đảo, mất đất, mất nước, hoặc bị bắn giết rồi phải câm lặng như một bầy cừu!

FB Lương Vĩnh Kim

Nguồn: baotiengdan.com

Liên Quan