‘Tàu cứu nạn’ ở Trường Sa: Vỏ bọc của Trung Quốc?

Tàu và trực thăng Trung Quốc tham gia “cứu hộ” ở Biển Đông.

Bắc Kinh đã lần đầu tiên đặt vĩnh viễn một tàu nghiên cứu và cứu nạn ở Biển Đông, và bước đi gây quan ngại các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp này bị coi là một “vỏ bọc” của Trung Quốc.

Bộ Giao thông Trung Quốc mới đây đã đưa con tàu mà Tân Hoa Xã nói là có thể chống đỡ sóng cao tới 6 mét tới Trường Sa. Con tàu có tên Cứu hộ Biển Nam 115 còn có bãi đáp trực thăng.

Quan chức của Bộ này được trích lời nói rằng Trung Quốc sẽ “liên tục cải thiện khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu nạn hàng hải ở Biển Đông theo các thỏa thuận quốc tế”.

Bóng dáng Việt Nam trong luật quốc phòng Mỹ

Các chuyên gia nhận định với VOA rằng Trung Quốc có thể đã triển khai tàu và quảng bá hình ảnh tốt đẹp về nước mình quanh nỗ lực cứu nạn, sau khi khiến nhiều quốc gia láng giềng tức giận vì các hoạt động quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Biển Đông ở Đài Bắc, Đài Loan, nhận định với VOA: “Toàn bộ chuyện rầm rộ thông báo một hoạt động mang tính nhân đạo như vậy nhằm để che đậy việc quân sự hóa rõ ràng và tẩy não bằng một vỏ bọc thân thiện”.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã cấp tập xây cất các đảo nhân tạo trên Biển Đông, và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từng tuyên bố rằng Bắc Kinh làm vậy để “tự vệ” trước “áp lực từ Hoa Kỳ”.

                     Công trình xây dựng của Trung Quốc trên một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.

“Trung Quốc có thể tìm cách để làm dịu sức nóng từ các hành động quân sự bằng cách công bố các hoạt động cứu nạn, nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ giúp thay đổi nhận thức”, ông Euan Graham, Giám đốc An ninh Quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, nhận định với VOA.

“Nó giống như đang có một cuộc chiến PR [quan hệ công chúng], nhưng tôi nghĩ rằng khả năng giành chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc chiến về quan hệ công chúng này kém hơn vài năm trước vì tôi nghĩ rằng yếu tố quân sự [ở Biển Đông] ngày càng trở nên lộ rõ, khó có thể che giấu”.

Ông Graham nói rằng các tàu và máy bay quân sự Trung Quốc đã được triển khai ra Biển Đông trước cả tàu cứu nạn.

Các nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh có thể đang hy vọng sẽ đuổi kịp chính phủ các nước khác bằng việc đưa tàu cứu hộ ra vùng biển tranh chấp.

Đài Loan, đối thủ chính trị của Trung Quốc, đã thực hiện công tác nghiên cứu và cứu hộ tại Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình, hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa.

Một quan chức tuần duyên Đài Loan nói hồi năm 2015 rằng cơ quan của ông đã cứu các ngư dân không phải là Đài Loan khỏi các cơn bão ở Trường Sa.

Năm ngoái, các binh sĩ Australia đã tham gia một cuộc diễn tập cứu hộ với lực lượng Philippines ở một vịnh gần Biển Đông.

Bà Maria Ela Atienza, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, cho rằng các nhà lập pháp Philippines có thể coi tàu cứu hộ của Trung Quốc với một thái độ “ngờ vực”.

Trong khi đó, độc giả VOA tiếng Việt nhận định rằng đây có thể là “trò tung hỏa mù”.

Bạn đọc Nguyễn Long viết: “Nó là tàu cứu hộ cho ngư dân Trung Quốc nhưng có thể là ‘tàu lạ’ sẵn sàng đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam”.

Dù không đề cập tới việc triển khai tàu cứu hộ tới Biển Đông, trong một tuyên bố hôm 10/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nêu phản ứng của phía Hà Nội về việc Trung Quốc “tổ chức các hoạt động kỷ niệm 6 năm thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ như lắp đặt và đưa vào sử dụng phao đèn quan trắc sóng biển ở Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa hay Đại học Trung Sơn Trung Quốc thực hiện một loạt các khảo sát khoa học tổng hợp ở quần đảo Hoàng Sa…”

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động nêu trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực”, bà Hằng nói.

Nữ phát ngôn viên cho biết rằng “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.

Bà Hằng cũng cho hay rằng “đại diện Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam giao thiệp về vấn đề này”. Hiện chưa thấy phản ứng của Trung Quốc về các phản đối của Hà Nội.

Nguồn: VOA

Liên Quan