Vi Anh: Mặt trận thứ hai của Mỹ

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương – Ảnh Reuters

Vi Anh

Chiến tranh thương mại Mỹ đánh vào kinh tế tài chánh, hai lần tăng thuế hàng hoá TQ nhập cảng vào Mỹ là mặt trận một. Mặt trận thứ hai, lớn và có thể lâu là mặt trận Biển Đông Mỹ ngăn chận đà bành trướng, khống chế con đường huyết mạch qua lại Nam Bắc Á châu Thái bình dương.

Phân tích tình hình và tương quan lực lượng hai bên Mỹ và TC cho thấy, TC khó thắng, sẽ từ chết tới bị thương, nên sớm muộn gì cũng phải tương nhượng hay thua Mỹ. Hai lý do chánh nhờ Mỹ vừa có tiền vừa có uy tín, được nhiều nước liên minh thành  một trục chống TC. TC chỉ có tiền nhưng vô cùng cô đơn vì quá tham vọng đất đai, biển đảo của các nước, và  với ý thức hệ chánh trị CS độc tài đảng trị toàn diện khiến các chánh quyền và nhân dân các nước trong vùng và trên thế giới tự do ghê tởm bởi con người ai cũng muốn được tự do. Chính các chiến lược gia cổ đại của Trung Hoa cũng khuyên các nhà cầm quyền Trung Hoa rằng, “mãnh hổ nan địch quần hồ”.

Giới chức Washington gần đây thường dùng tên gọi Ấn Độ-Thái Bình Dương để chỉ khu vực này. Ảnh: S.T

Giới chức Washington gần đây thường dùng tên gọi Châu Á -Thái Bình Dương để chỉ khu vực này. Ảnh: S.T

Thực vậy, chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung ngày càng tăng cường độ và nhịp độ xung đột. Mỹ đánh liên hoàn, tăng thuế liên tục. Nào tăng thuế 25% cho thép, 10% cho nhôm TQ nhập vào Mỹ. Nào tăng thuế 34 tỉ đô la của rất nhiều mặt hàng khác nhau, như thuốc lá, than đá, linh kiện điện tử và thực phẩm. Không bao lâu sau tăng thuế 25% đối với 200 tỷ đô la sản phẩm TQ nhập cảng vào Mỹ. Tăng liên tu bất tận như vậy là TQ hết làm ăn với Mỹ, thị trường lớn nhứt thế giới. TC bon chen tính liên kết với Liên Âu chống Mỹ tăng thuế, thì TT Trump đã giảm thuế cho Liên Âu trước rồi, TC thất bại.

Và Mỹ quân đội lúc nào cũng sẵn sàng cho hai ba mặt trận, đang mở rộng chiến trường, tăng gia quân lực ra Biển Đông. Hai Hạm đội 3 và 7 của Mỹ đang làm chủ ở Á châu Thái bình dương và Ấn độ dương. TT Trump, tư lịnh tối cao của quân lực Mỹ đã công bố rõ, chiến lược Ấn độ-Thái bình dương tự do, rộng mở.

Để tà mũi dùi của TC thực hiện chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường, Mỹ viện trợ đầu tư cho các nước cơ sở ở  vùng Ấn độ-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố ngày 30/7 tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ-Thái Bình Dương ở Washington DC, rằng Mỹ tăng gấp đôi mức chi tiêu tối đa để hỗ trợ tài chính phát triển lên 60 tỷ USD. Các công ty tư nhân sẽ tiếp cận được nguồn vốn lớn hơn để thực hiện các dự án ở nước ngoài. Mỹ cũng sẽ chi 25 triệu USD để thúc đẩy xuất cảng công nghệ vào khu vực. Đồng thời, dự án sẽ bổ sung gần 50 triệu USD trong năm nay để hỗ trợ các nước sản xuất và dự trữ năng lượng, tạo một mạng lưới hỗ trợ mới để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đánh giá sáng kiến của ông Pompeo có thể giúp Mỹ tái lập sức ảnh hưởng tại khu vực. Sáng kiến này cũng giúp giảm những nghi ngờ về khả năng Mỹ duy trì các cam kết nằm ngoài lĩnh vực quân sự quốc phòng.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng sáng kiến đầu tư mới của Mỹ là một thách thức nhắm vào dự án “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Lập pháp Mỹ, hai đảng Cộng hoà và Dân chủ có nhiều dị biệt chánh trị, ngoại giao, nhưng có một điểm đồng thuận chung là “Ủng hộ Quân Đội của Chúng ta”. Cụ thể và tiêu biểu ủng hộ Hành pháp và Quân đội tăng cường mặt trận Biển Đông. Tin Reuters, Hạ viện Mỹ hôm 26-07-2018 với đa số áp đảo 359/54 phiếu  đã  biểu quyết thông qua dự luật ủy quyền quốc phòng trị giá 716 tỉ đôla để hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào và tại Mỹ và cấm chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ từ các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc. Với một đa số áp đảo như vậy, có thể vững tin là Thượng Viện sẽ thông qua và TT Trump sẽ ban hành.

Dự luật này cũng  cấp  kinh phí tăng lương cho binh sĩ của quân đội. Dự luật cũng cho phép Bộ Quốc phòng chi 7,6 tỷ USD mua 77 máy bay chiến đấu F-35. Dự luật có những quy định rõ ràng về việc kiểm soát các nguồn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Mỹ. Cấm không cho Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC, cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới trong ít nhất 4 năm. Trước khi đồng ý cho Trung Quốc tham gia trở lại RIMPAC, Bộ Quốc Phòng cần sự đồng thuận của ủy ban quốc phòng lưỡng viện và Bắc Kinh cũng phải đạt được điều kiện cần: ngừng các hoạt động bồi đắp trái phép bên Biển Đông, loại bỏ toàn bộ vũ khí trên các đảo nhân tạo ở khu vực này và Mỹ sẽ theo dõi hoạt động này của Trung Quốc trong ít nhất 4 năm. Chi tiêu quốc phòng được đặc biệt chiếu cố, ủng hộ mạnh nhứt, sẽ tăng lên 80 tỷ USD trong tài khóa 2018 và 85 tỷ USD trong tài khóa 2019 tiếp theo. Những khoản chi cho các chương trình trong nước cũng sẽ tăng lên 63 tỷ USD trong năm nay và 68 tỷ USD vào năm tới. Tin VOA, lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer gọi thỏa thuận này là “một sự đột phá thực thụ.” Còn Toà Bạch Ốc, TT Trump hoan hô, ủng hộ nhiệt liệt.

Còn các nước trong vùng Á châu Thái bình dương nạn nhân bị TC xâm lấn, khuấy phá biển đảo, trước những hành động bành trướng phi pháp, bạo ngược của TC trên Biển Đông buộc các quốc gia này phải tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên nhằm bảo đảm lợi ích và tránh xảy ra kịch bản đối đầu quân sự.

Các nước bị TC xâm chiến biển đảo bổ xung tàu bè, quân nhân và khí tài chống TC. Thống kê của viện nghiên cứu Australia cho thấy Philippines đã bổ sung thêm 14 tàu và 2 máy bay vận tải cho lực lượng tuần duyên trong năm 2013 và 14 tàu mới trong 3 năm sau đó. Tương tự, Malaysia cũng tăng cường sức mạnh của lực lượng tuần tra bờ biển bằng cách bổ sung thêm 105 tàu trong giai đoạn 2013-2014. Trong khi đó, từ năm 2005-2016, Indonesia đã tăng số tàu của lực lượng tuần duyên từ 9 tàu lên 34 tàu.

CSVN bỏ ra 100 triệu Mỹ kim mua tàu bè, vũ khí của Mỹ được cho là để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Các nước trong hiệp hội ASEAN và Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia viện trợ thêm tàu và trang thiết bị, huấn luyện nhân sự hay hỗ trợ tài chính cho các lực lượng hàng hải của các nước ASEAN.

Australia thúc đẩy “hợp tác về tuần duyên khu vực mạnh hơn” với các nước thành viên ASEAN, các nước ASEAN cũng sẵn sàng đón nhận vì họ xem đây là động lực để cân bằng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Còn Mỹ hứa tài trợ 300 triệu đôla cho an ninh Đông Nam Á. Tin Reuters của Anh được RFI của Pháp dẫn dụ, hôm 04/08/2018, “bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Singapore, Ngoại trưởng Mike Pompeo cam kết là Hoa Kỳ sẽ cấp gần 300 triệu đôla cho việc tăng cường hợp tác an ninh ở vùng Đông Nam Á, trong khuôn khổ chiến lược mới của Mỹ phát triển «một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở».

Theo lời ông Pompeo, nguồn tài trợ mới về an ninh này sẽ giúp thúc đẩy «những ưu tiên chung» của Mỹ và ASEAN về mặt an ninh, đặc biệt là củng cố an ninh hàng hải, phát triển các khả năng trợ giúp nhân đạo và duy trì hòa bình, đồng thời giúp các nước khu vực chống những mối đe dọa xuyên quốc gia… Ngoại trưởng Mỹ cho biết tại cuộc họp với các đồng nhiệm châu Á ở Singapore, ông cũng đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì «một trật tự dựa trên luật pháp» trong khu vực.

Thế là Mỹ cùng một lượt có hai mặt trận chiến tranh chống TC, chiến tranh thương mại và chiến tranh bảo vệ tự do hàng hải cho  Ấn độ-Thái bình dương. Đa số các nước tự do, dân chủ trong vùng và trên thế giới ủng hộ, yểm trợ Mỹ. Còn TC thì cô đơn với tham vọng xâm lấn các nước./.

Nguồn: Việt Báo

Related posts